Tổ quốc hướng mặt trời – Kì VI. Ấm áp tình người trên từng hải lý
02 Tháng Sáu 2012 6:54 SA GMT+7
Con tàu HQ 996 trên đảo Trường Sa là nơi những con người từng xa lạ, đầu này đầu kia Tổ quốc, đến cả phong tục, giọng nói cũng khác nhau…gắn kết với nhau vì một thứ tưởng chừng mong manh, mơ hồ nhưng cũng vô cùng linh thiêng, mạnh mẽ - ấy là cái nghĩa “đồng bào”.

Ngày thứ 3 đoàn công tác gần 200 người bao gồm các thành viên đến từ địa đầu Tổ quốc Hà Giang, đến từ Hải Dương, Kiên Giang, Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an)… lênh đênh trên tàu đến với Trường Sa. Chỉ mới từng ấy thời gian, con tàu HQ 996 đã trở thành một ngôi nhà lớn, nơi những con người từng xa lạ, đầu này đầu kia Tổ quốc, đến cả phong tục, giọng nói cũng khác nhau… bắt đầu gắn kết với nhau vì một thứ tưởng chừng mong manh, mơ hồ nhưng cũng vô cùng linh thiêng, mạnh mẽ - ấy là cái nghĩa “đồng bào”.

Ngay từ khi họp đoàn lần đầu tiên, cả Đại tá Đỗ Minh Thái – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và Đại tá Nguyễn Công Sơn – Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân (đơn vị trực tiếp quản lý quần đảo Trường Sa) đều nhấn mạnh: Các đồng chí đã mang tình cảm của đồng bào cả nước đến với Trường Sa, đến với Hải quân, đảm bảo chăm sóc cho các đồng chí tuyệt đối khỏe mạnh, an toàn là ưu tiên số 1 của chúng tôi.

Tổ phục vụ chỉ có 17 người, phải lo ăn uống cho 150 người, ngày 4 bữa nên suốt ngày bận tối mắt tối mũi. Sáng sớm 3h cả tổ dậy hì hục nấu ăn sáng, dọn dẹp xong là đến ăn trưa, trưa gọn gàng đâu đấy thì lại đến ăn chiều, rồi lại đến ăn đêm. 11h đêm mọi việc mới gọi là tạm ổn, ngả lưng được một chút là đã đến giờ nấu ăn sáng. Cứ như thế ròng rã hàng chục ngày, nhưng tổ phục vụ lúc nào cũng vui như Tết. “Đoàn lần này còn ít người, chứ chúng tôi còn phục vụ cả hơn thế nhưng vẫn đảm bảo đâu vào đấy cả” – Trung úy Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Từ tháng 4 đến nay, đây đã là chuyến thứ 4 anh theo phục vụ đoàn công tác. Anh bảo mỗi bận về đất liền, anh em thì được nghỉ, chứ anh lại phải lo đi mua thực phẩm cho chuyến sau. Mệt lắm, nhưng mà vui. Thương tổ phục vụ vất vả, nhiều thành viên trong đoàn kiến nghị hay là bớt bữa khuya, nhưng các anh kiên quyết không chịu. “Mấy khi đoàn ra với Trường Sa, Hải quân quyết tâm phải đảm bảo sức khỏe cho đoàn”.

Ra đến biển mới thấy tình đồng bào thắm thiết. Đoàn đi không phải không có những vất vả riêng: say sóng gió, lại điều kiện ăn ở không thể như ở nhà, các khu ở khá nóng nực khiến ai cũng mệt mỏi. Dù vậy, biết 2 ngày đầu chỉ ở trên tàu, chỉ có tổ bếp là vất vả nhất, mọi người đều hăng hái tham gia phụ giúp.

Thượng tá Lê Thị Tuất – Phó trưởng Phòng Hậu cần của Học viện Cảnh sát nhân dân hết chạy qua chạy lại chăm mấy em học viên say sóng, lại chạy qua giúp tổ bếp nhặt rau, cắt mực, trò chuyện thân thiết như con cháu trong nhà. “Chúng nó cũng bằng tuổi con mình, mà vất vả quá. U đỡ chúng nó một chân một tay”. Trên tàu, các cô gái trẻ đều gọi bà là u, xưng con thân thiết như người một nhà. Noi gương u, Nguyễn Thu Thủy, cô sinh viên năm 2 Trường Cảnh sát cũng chạy qua giúp các anh bộ đội, tối còn được biểu dương trên loa toàn tàu là có thành tích trong phong trào thi đua.

Ngoài mé tàu, các cô, các mẹ đoàn Hà Giang, Kiên Giang thay nhau cắt hành, cắt bầu, nhặt rau muống… trong phòng bếp, các chú thay nhau bóc trứng, thái giò. “Nay cái món trứng Phó Chủ tịch này thì ngon phải biết.” – một đồng chí tổ bếp cười tươi. Mọi người ngó sang, thì ra là đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang rảnh rang quá, cũng chạy xuống bếp “làm chân” bóc trứng. “Tổ bếp chúng em thế mà sang trọng. Lần nào cũng có lãnh đạo vào phụ việc. Lại còn có thêm bao nhiêu em xinh xắn. Vừa nói, Trung sỹ Phạm Ngọc Hiến vừa cười khoái trá.

Vui vẻ, tếu táo là thế, chẳng bao giờ kêu than, nhưng sự vất vả vẫn hằn lên gương mặt sạm đen của từng đồng chí. Hiến quê Nam Định, theo phục vụ các chuyến tàu ra Trường Sa đã 2 năm, gương mặt rắn rỏi, có vẻ trưởng thành trước tuổi. Mới lên tàu, nhiều cô trong đoàn cứ gọi Hiến bằng anh, ngượng ngùng mãi anh chàng mới bảo: “Em thôi. Em ít tuổi hơn các chị nhiều”. Hỏi ra mới biết đúng là thế thật, Hiến sinh năm 1990, năm nay mới có 22 tuổi. Môi trường nhiều sóng gió đã rèn cho cậu chàng cái vẻ mặt trầm tĩnh của người từng trải, cái làn da đen bóng và dáng người nhanh nhẹn. Hiến bày cho các chị trong đoàn rất nhiều “bí quyết” trong lúc nhặt rau: lúc nào thì tàu chuẩn bị thả neo, lúc nào thì các chị mặc áo phao, ra boong để xuống xuồng là vừa…

100% tổ phục vụ đoàn đều thuộc biên chế của Lữ đoàn Trường Sa, thay nhau ra đảo làm nhiệm vụ. Đại úy Bùi Văn Doanh – Quân y trên tàu cho biết đến nay đã là năm thứ 13 liên tiếp anh công tác tại Trường Sa. Cứ 1 năm trực tại đảo thì lại có 2 tháng phép, rồi lại đi tập huấn, rồi lại ra Trường Sa. Ở ngoài đảo, ngoài chăm sóc sức khỏe cho anh em bộ đội, cho người dân trên đảo, Quân y còn kiêm luôn cả chăm sức khỏe cho các ngư dân ốm đau dạt vào đảo, hay tàu tránh bão… “Bất cứ là ai ốm đau, Quân y cũng đều chăm sóc hết mình!”.

Đêm 19/5, dù xa đất liền hàng trăm hải lý, trên boong tàu 996, mọi người cũng đã sẵn sàng cho một đêm mừng sinh nhật Bác. Các cô văn công đoàn Hà Giang, Hải Dương, các em sinh viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, vượt qua cơn say sóng, ai cũng cố gắng điểm tô cho mặt thêm tươi, quần áo thêm lộng lẫy cho một đêm ý nghĩa này.

Các thành viên đoàn công tác trong đêm văn nghệ mừng sinh nhật Bác.

Đêm giữa đại dương đen thẳm, đã ở xa bờ đến không còn một ánh điện tàu cá, chỉ có tàu 996 ấm áp, rộn ràng tiếng nhạc. Mọi người đều lần đầu tiên trong đời trải qua một đêm như đêm nay. Trời đất cũng như ủng hộ, khi trời thì cao trong, sóng yên, biển lặng. Các thành viên đều nói vui là đoàn đi “hợp phong thủy”, trừ có ngày đầu chưa quen, hơi sóng gió, còn lại đều là bình yên.

Ngay từ buổi chiều, đoàn Hà Giang dưới sự chỉ huy của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh với quân số đông nhất – lên đến 80 người, đã đứng lên làm đơn vị tổ chức. Bạn nhạc công mặt trẻ măng, sinh năm 1990, lần đầu ra đảo, trực tiếp vác cái đàn organ to gần gấp đôi vóc dáng nhỏ bé của mình đến tận phòng từng đoàn một để nhận đăng ký bài, ghép nhạc. Loáng một cái, cả chuyên nghiệp, cả nghiệp dư đã lên tới hơn 20 tiết mục.

Đúng 7h, boong tàu đã đầy chật khán giả. Cả những ca sỹ chuyên và không chuyên đều tỏa sáng đêm nay với những bài hát về Bác. “Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn, đứng nơi đây mà rộng mở tâm hồn”… chưa bao giờ những lời hát vốn quen thuộc trở nên có ý nghĩa như thế.

Rồi khán giả bùng nổ khi một đại diện đoàn Kiên Giang lên đổ 2 câu vọng cổ “Cô du kích Kiên Giang”, và khi đội văn nghệ của “thủ thỉ đoàn” (cách mọi người vẫn gọi vui các đồng chí thủy thủ) lên hát một liên khúc đầy ý chí “là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại”…/“rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”… Không có lời nói nào nói được nhiều hơn thế. Cả 200 khán giả trên boong tàu đều đồng thanh hát vang.

Đêm văn nghệ kết thúc trong những cái ôm ấm áp của những người bất kể tuổi tác, vùng miền, địa vị xã hội… Đứng ở đây chúng ta là đồng bào, cùng một lòng hướng về 2 chữ thiêng liêng Tổ quốc và cùng đổ cả máu nếu cần, để bảo vệ vững chắc từng tấc đất của quê hương. Lời hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” cứ vang mãi, vang mãi không dứt…

N.L. (theo Trần Huy CAND)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.