Tổ quốc hướng mặt trời: Kì IX Gieo hạt cho những mùa sau
06 Tháng Sáu 2012 8:44 SA GMT+7
Các anh – những người lính Nhà giàn DK1 kiên trung, quên mình vì chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc dù đã nằm lại với biển khơi, thế nhưng tấm gương anh dũng hy sinh của các anh vẫn mãi trường tồn cùng thời gian…

“Chỉ còn 12 tháng nữa, con sẽ là đảng viên chính thức”

Thật may mắn cho tôi, trong chuyến đi công tác Trường Sa và Nhà giàn DK1 những ngày đầu tháng 5/2012 vừa qua, tôi đã có dịp gặp Thiếu tá Dương Văn Hoan – đồng đội của Chuẩn úy, Liệt sĩ Nguyễn Văn An, nhân viên Cơ điện Nhà giàn DK1/6 đã nằm lại ở biển khơi khi cơn bão biển hồi tháng 12/1998 đi qua.

Nhấc máy, gọi tới số điện thoại của bác Nguyễn Văn Oánh, bố của Liệt sĩ Nguyễn Văn An, tôi đã có được địa chỉ thờ phụng và cũng là nơi mà Liệt sĩ An lớn lên, nuôi hoài bão của mình. Ngày 21/5, mới đầu giờ sáng mà con đường dẫn vào xã Yên Mật, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) nắng gắt lạ thường. Ở đầu con ngõ, bác Oánh đợi đón tôi tự lúc nào.

Nhà bác Oánh nằm chếch mạn trái con mương thoát nước của xã. Trong căn nhà của mình, bác rót vội ly nước trà đá cho tôi uống. “Mỗi lần có người đến thăm hỏi động viên gia đình tôi, tôi thấy lòng lại được ấm thêm chú ạ. Thấm thoắt cũng đã gần 14 năm rồi. An nó đi, gia đình tôi thương và nhớ nó lắm!”, bác Oánh cho biết.

Không để tôi chờ lâu, như thể cho tôi thêm hiểu về người con trai kiên trung của mình, bác lấy khóa mở tủ và đưa cho tôi xem một bọc vải có màu đỏ tươi. “Đấy, đấy! Những kỷ vật của An để lại cho gia đình và người thân của mình đó!”, vừa mở gói vải, người cha của Liệt sĩ Nhà giàn anh hùng thuở nào cho hay.

Một bộ cầu vai - ve hàm; cơ số huân - huy chương; một quyết định kết nạp đảng viên, một tập thơ tay cùng 2 bức thư là những kỷ vật mà Liệt sĩ An đã để lại cho gia đình gắn liền với tuổi quân của anh. Cầm trên tay và đọc một trong hai bức thư cuối cùng mà Liệt sĩ An để lại, tôi chợt lặng người đi.

Liệt sĩ An không chỉ kiên trung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là một người con luôn đau đáu, lo lắng cho người thân, gia đình và bè bạn. Trong bức thư đề ngày 27/4/1998 của Liệt sĩ An gửi về gia đình có đoạn viết: “…Ông bà, ba mẹ và toàn thể mọi người trong gia đình ta vẫn khỏe cả chứ? Cháu Yến có ngoan không? Đã biết nói chưa? Năm nay, trời hạn thế này, lúa nhà ta có ảnh hưởng gì không? Công việc phụ ở nhà thế nào?...”.

Cũng trong bức thư kỷ vật này, tôi thấy ở anh – người lính Nhà giàn DK1 luôn đặt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cấp trên giao phó lên hàng đầu. Anh luôn coi việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự lớn lao trong cuộc đời của mình: “… Vừa qua, con đã được kết nạp Đảng. Nói chung, mọi việc diễn ra hết sức tốt đẹp. Còn thời gian dự bị là 12 tháng, có lẽ khi nào con về đất liền thì sẽ được công nhận là đảng viên chính thức…”.

Trong khoảng thời gian ít ỏi được tiếp xúc với thân phụ và người thân của Liệt sĩ An, tôi nhận thấy, những kỷ vật mà anh để lại luôn là cái gì đó thiêng liêng, là sự hiện diện của người con, người lính nhà giàn kiên trung năm xưa. Dẫu thời gian trôi đi, những kỷ vật trên luôn được gói ghém kỹ càng, cất giữ ở nơi trân trọng nhất.

Tấm gương sáng mãi

Để tôi được tận mắt chứng kiến tổ ấm khang trang mới được xây cất của mẹ con chị Tuyến, vợ Liệt sĩ An, bác Oánh đã dẫn tôi tới một căn nhà tầng nằm tiếp giáp con đường dẫn vào xã Yên Mật.

Bác Oánh cho biết, đây là căn nhà tình nghĩa được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng. Nhà mới xây, nên vẫn còn nguyên vẹn mùi xi măng, vật liệu xây dựng. Trong gian nhà mới xây, thắp nén nhang cho người con anh dũng quả cảm, bác Oánh bắt đầu kể về cuộc đời của Liệt sĩ An.

Bác Oánh nhớ lại, sau khi xuất ngũ, năm 1971, bác lập gia đình. Đến năm 1972 thì sinh hạ được một bé trai đầu lòng khôi ngô tuấn tú. Cậu bé đó chính là Nguyễn Văn An. Thời niên thiếu, không biết vì lý do gì mà trong tính cách của An luôn phảng phất chí khí của một người lính.

Trong những lần cùng chúng bạn chơi đùa, cậu bé An thường xuyên nhận mình làm người lính kiên trung, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Năm 1992, sau khi học xong phổ thông trung học, mặc dù trong gia đình không có ai hướng dẫn song, cậu bé An thích “làm lính” khi xưa đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Sự nghiệp làm lính Hải quân đối với “cậu bé” An cũng bắt đầu từ đây.

Tháng 6/1992, cậu tân binh trẻ Nguyễn Văn An đã tham gia khóa đào tạo kỹ thuật Hải quân do Quân chủng Hải quân tổ chức. Kết thúc khóa học, đồng chí An được cấp trên điều về Lữ đoàn 171 nhận nhiệm vụ của một người lính Hải quân thực thụ. Đến tháng 3/1998, anh theo đồng đội ra công tác tại Nhà giàn DK1/6 cho tới ngày cơn bão biển hung ác cuốn anh trôi vào giữa đại dương. 

Câu chuyện giữa tôi và bác Oánh chợt đứt quãng. Từ bên ngoài, chạy vào nhà một cu cậu với đôi mắt sáng, nhanh nhẹn.

- Cháu chào ông và chú ạ!

Thì ra đây chính là cháu đích tôn của bác Oánh và cũng là đứa con khi sinh ra, Liệt sĩ An chưa từng biết mặt. Cậu bé Nguyễn Tiến Anh, giờ đã học lớp 8. “Cái ngày An nó hy sinh, cũng là ngày mà cháu Tiến Anh mới được 3 tháng. Do bận công tác, đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ thềm lục địa của Tổ quốc ở nơi biển Đông, nên từ khi cháu Tiến Anh sinh ra, An chưa có dịp về thăm và gặp mặt”, bác Oánh bồi hồi.

So với di ảnh của Liệt sĩ Nguyễn Văn An, cháu Tiến Anh giống như đúc. Cũng đôi mắt nhanh nhẹn, khuôn mặt rạng rỡ. Vầng trán cao và ánh lên chất thép. Cháu Tiến Anh cho biết, cháu mới thi học kỳ xong. Từ lớp 1 đến nay, cháu luôn nhận được giấy khen vì đạt được kết quả cao trong học tập.

- Cháu thích học môn gì nhất?

- Dạ, cháu thích tiếng Anh, Toán… chú ạ.

- Sau này, lớn lên cháu thích làm nghề gì?

Như một phản xạ, Tiến Anh đáp:

- Cháu thích làm lính Hải quân, góp sức mình cho Tổ quốc như bố cháu ạ!

Nghe lời thổ lộ trên, tôi thật xúc động vì Tiến Anh, dẫu còn nhỏ tuổi, song cũng đã nhận ra điều mình làm, điều mình không nên làm. Dòng máu anh hùng, dòng máu của người lính kiên trung, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc đã và đang chảy trong cậu bé chưa từng biết mặt người cha của mình. Rồi mai đây, ước mơ của Tiến Anh sẽ thành hiện thực. Lớp cha trước, lớp con sau, Tiến Anh sẽ lại thắp sáng tấm gương anh hùng của người cha – lính Nhà giàn DK1 kiên trung thân sinh ra mình.

N.L. (theo Trần Huy, CAND)

 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.