“Biển sóng, biển sóng đừng âm u đừng nuôi trong ấy trái tim thù”
04 Tháng Bảy 2012 9:47 SA GMT+7
Phẫn nộ vì thói ngang ngược của một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc với những toan tính đen tối của họ, mà tự nhiên nhận ra cái cảm xúc riêng tư của người nhạc sĩ tài hoa nọ bỗng trở thành những lời cảnh báo có dáng dấp của lời tiên tri! Thì báo chí Trung Quốc đang lu loa "Việt Nam tạo sóng ở Biển Đông” để đe dọa "mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam” để trả đũa Quốc hội ta vừa thông qua Luật Biển, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nước ta từ lâu đã được Luật pháp quốc tế công nhận! Ai đang "tạo sóng” Biển Đông đây? Bao đời đứng trước biển, mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, vẫn nghe được tiếng rì rào của sóng biển, việc gì phải tạo sóng?
Bằng sự trải nghiệm lịch sử, dân tộc ta hiểu rõ rằng nuôi thù hận không bằng giải tỏa với sự khoan dung. Đánh tan tác mấy chục vạn quân xâm lược, Lê Thái Tổ đã dụ rằng: "Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì đó là điều xấu không hay. Nếu vì hả nỗi căm hận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp hay sao?” Nhờ có "từ tâm của bậc nhân đức " đó mà "Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực, Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi"!

Thế nhưng, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Những hậu duệ của Toa Đô, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng, Vương Thông, Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống ... vẫn không sao nguôi được giấc mộng bành trướng. Đặc biệt khi mà cơn khát nhiên liệu của một nền kinh tế đang cố vươn lên địa vị siêu cường đang cồn cào mà Biển Đông với một trữ lượng dầu mỏ không thua gì Vịnh Ba Tư thì làm sao dừng được "cái lưỡi bò thè ra toan tính” liếm trọn.

"Cái lưỡi bò” ham hố ấy, thật ra, vẫn thập thò từ lâu, lâu lắm rồi trong tâm địa của cha ông họ. Đông Nam Á vẫn là mục tiêu nhìn ngắm mà Việt Nam lại như một cái xương mắc ngang cổ họng không cho họ nuốt trọn miếng mồi vẫn thèm thuồng đó. Chẳng thế mà, khi thì mềm mỏng "mượn đường” theo món võ cổ truyền "muợn Ngu diệt Quắc” của cha ông họ, khi thì trắng trợn dùng đường biển thọc sâu vào vùng lãnh thổ phía nam nước ta rồi đánh ngược lên phối hợp với cánh quân đến từ Vân Nam, từ Lạng Sơn. Nhưng rốt cuộc thì tất cả các đạo quân xâm lược đều bị đánh tan tành, Toa Đô chết trên biển, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị bắt sống trên cửa sông Bạch Đằng, Liễu Thăng chết ở Chi Lăng, Tôn Sĩ Nghị chạy thục mạng, Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử.

Thế nhưng "chết cái nết không chừa", hậu duệ của những kẻ xấu số kia hiện đang hung hăng với những toan tính mới rất có bài bản. Sau một thời kỳ "giấu mình chờ thời" bằng cách tung ra những lời lừa mị rất "hoành tráng” nhằm ru ngủ đối phương, thật ra thì chỉ lừa được những đầu óc yếu bóng vía, chứ nhân dân ta thì đã biết tỏng cái tim đen của họ. Giờ đây hình như họ nghĩ là "thời” ấy đã đến. Thế là, họ tung ra cái kế hoạch đã được mưu tính rất kỹ càng : thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa”, rồi mời thầu quốc tế tại 9 lô hoàn toàn nằm trong thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời triển khai 4 tàu hải giám thực hiện cái gọi là "tuần tra” trên Biển Đông.

Nếu nghĩ cho kỹ thì sẽ thấy rằng, sự ngang ngược trong những tuyên bố mời thầu của họ thật ra mang màu sắc chính trị song song với tranh giành lợi ích kinh tế, mà lần này thì mục tiêu chính trị nổi trội hơn. Đây là một sự "nắn gân” xem thử phản ứng của chúng ta và của thế giới ra sao, chứ mưu toan bành trướng của họ thì vẫn thế, có chăng là họ đang trắng trợn hơn để không cần phải che chắn bằng những lời hoa mỹ lừa mị. Thật ra thì động thái này không phải là lần đầu tiên, nó đã từng xảy ra từ năm 2003 đối với vùng biển Hoa Đông đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi Bắc Kinh đơn phương mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại đây.

Và lập tức, thế giới đã lên tiếng: "Đây là hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội vào tuần trước. Những lời lẽ khiêu khích như vậy phải chấm dứt", đấy là phát biểu của Thượng nghị sỹ Lieberman tại Hội thảo An ninh Biển Đông ở Washington. Ông nói rõ: "Đây cũng chính là điều khiến cho Trung Quốc có thể sẽ ngày càng bị cô lập hơn trong khu vực cũng như trên thế giới”. Ông Labanyu, Giám đốc Nghiên cứu dầu khí tại Jefferies Hong kong Ltd, khẳng định sẽ không có công ty nước ngoài nào nhận thầu theo lời mời của Trung Quốc. Ông chỉ ra: "Quá trình mời thầu của CNOOC do Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đạo. Chính quyền trung ương Trung Quốc muốn sử dụng CNOOC để đưa ra một tuyên bố chính trị”. Theo ông Tetsuo Kotani, Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản thì hành vi ứng xử của Trung Quốc tại Biển Đông, trong tương lai, cũng có thể là cách Trung Quốc sẽ giải quyết mâu thuẫn lâu dài với Nhật trên biển Hoa Đông và vì thế, quan chức quân sự Mỹ-Nhật đã đàm phán về khả năng tiến hành giám sát hàng hải chung giữa hai nước để giúp ổn định tình hình!

Đứng từ một góc độ nào đó mà xem xét sự kiện này sẽ thấy, đây là một dịp để nhân dân ta mài sắc thêm tinh thần cảnh giác không một chút mơ hồ về những lời đường mật đến từ nhiều phía. Xem ra thì quả là "họa trung hữu phúc", bộ mặt xâm lược càng phơi bày, thì ý chí quật cường sẽ trỗi dậy, đặc biệt là trong thanh niên, nguồn sinh lực của dân tộc. Họ sẽ hiểu rõ hơn cần phải làm gì, để rồi những ai đang còn mơ hồ sẽ thấy rõ hơn "trái tim thù" đang làm cho sóng Biển Đông âm u! Chính hành động ngang ngược đang diễn ra kia sẽ làm sống lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc mà đôi khi trong bộn bề lo toan với cuộc mưu sinh người ta có lúc sao nhãng đi.

Quả là, chưa bao giờ lịch sử đang là nhân tố tác động mạnh mẽ đến đời sống dân tộc như lúc này. Người ta nhớ lại, triệu tập Hội nghị Diên Hồng để lắng nghe tiếng nói của dân, để tiếp nhận thêm quyết tâm chống ngoại xâm bằng ý chí và sức mạnh của dân không ai khác Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cùng với Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương, người đã chỉ ra thượng sách giữ nước là "khoan thư sức dân lấy kế sâu rễ bền gốc", là "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức” . Người ta nhớ ra, trong tình thế hiểm nghèo, hai vua Trần vẫn cho cho khắc trên mũi thuyền rồng dòng chữ "Hoan Diễn do tồn thập vạn binh". Chính niềm tin mãnh liệt vào dân là yếu tố quyết định sự bình tĩnh, sáng suốt, không nhu nhược, dao động do khiếp sợ trước sức mạnh của quân Nguyên. Và rồi, nếu không nung nấu một tình yêu đất nước và lòng căm thù giặc mãnh liệt khiến "ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng cam lòng” thì Hưng Đạo Vương sao có thể viết nên bài "Hịch tướng sĩ”, một áng "thiên cổ hùng văn” đi vào con tim khối óc của các tướng lĩnh, khởi động tinh thần và khí phách của họ cùng mình diệt giặc?

Không có bản lĩnh ấy, khí phách ấy, không thể có chiến thắng đánh tan quân xâm lược. Đấy là bài học ghi xương, khắc cốt của mọi thế hệ Việt Nam. Đương nhiên, mỗi thời điểm lịch sử đòi hỏi những giải pháp lịch sử mang tính sáng tạo. Vòng xoáy trôn ốc của sự phát triển lịch sử, nếu có vẻ như lặp lại, thì cũng diễn ra trên một tầng nấc mới. Hơn nữa, sự phát triển ấy không theo trình tự tuyến tính mà là phi tuyến tính với những hợp trội tạo ra những đột phá không lường trước được.

Và đây chính là điều mà những đầu óc mê muội với giấc mộng bành trướng kia sẽ phải nhận được bài học đích đáng như xưa kia cha ông của họ đã trải nghiệm! Thông điệp chúng ta gửi cho họ vào những ngày nóng bỏng này là hãy để cho sóng Biển Đông rì rào như nó vốn có, "đừng âm u, đừng nuôi trong ấy trái tim thù".

N.L (theo GS Tương Lai - daidoanket)
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.