KÝ SỰ TRƯỜNG SA - KỲ 4: Tình lính Trường Sa
Wednesday, July 13, 2022 8:00 PM GMT+7
TP - Câu chuyện mà nhóm cựu chiến binh Trường Sa cùng đi trên tàu HQ 571 trở lại Trường Sa khiến ta hình dung ra được cái tình sâu đậm của những người lính đảo.

Khi gặp cựu binh Trường Sa Trần Văn Xuất lần đầu trong Câu lạc bộ Sĩ quan trên con tàu HQ 571 chở đoàn chúng tôi đi Trường Sa, tôi không biết ông là người đã dựng lên cột mốc Trường Sa Đông cao 6 mét với đầy đủ các thông số về kinh tuyến, vĩ tuyến ở TP Đà Nẵng mà tôi đã từng nghe nói trước đây.

Tình lính Trường Sa ảnh 1

Nhóm cựu chiến binh Trường Sa Đông bên cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Sau đó mấy ngày, ông Xuất mới kể rằng trước khi ông khánh thành cột mốc đó chừng mươi ngày, vợ đưa cho ông lá đơn ly dị, vì “không thể sống với anh được nữa”. Nguyên do là trong vòng 4 - 5 năm cuối, ông Xuất liên tục có những chuyến đi và vắng nhà một cách bí hiểm, vợ nghi là ông có vợ bé, con thêm.

Nhận đơn từ tay vợ, ông Xuất nói: “Ly dị thì ly dị, nhưng bà đợi cho tôi 10 ngày nữa, để tôi khánh thành cái cột mốc này cái đã”. Ông Nguyễn Văn Tho, ở Quy Nhơn, Bình Định, người cùng ở đảo Trường Sa Đông với ông Xuất cũng có mặt trong chuyến đi Trường Sa lần này kể: “Hôm khánh thành, bạn bè đồng ngũ với ông Xuất từ cả nước kéo về, vợ ông ấy mới vỡ lẽ là hành vi bí hiểm của ông Xuất mấy năm qua là đi tìm đồng đội. Phấn khởi quá, chị ấy còn xung phong lên hát bài “Gần lắm Trường Sa” trong buổi lễ”.

Cùng đi với ông Xuất trên tàu HQ571 có gần 10 cựu binh hầu hết đều là đồng đội từng đóng quân với ông trên đảo Trường Sa Đông giai đoạn 1984 - 1986, 1987. Câu chuyện mà ông Xuất cùng họ kể cho giúp tôi hình dung cuộc sống của các chiến sĩ Trường Sa giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đặc biệt là cái tình lính, tình đồng đội thiêng liêng của họ.

Trường Sa Đông hồi đó nhà cửa còn sơ sài, nước triều lên vẫn ngập đảo khoảng 20 phân. “Vậy khi nước ngập lính mình đứng ở đâu?” - Tôi kinh ngạc. Ông Xuất cười nhẹ: “Thì trừ các ông có nhiệm vụ, còn lại ngồi trên giường”. Hồi đó, đất nước và Quân đội còn rất khó khăn, cả năm chỉ có một chuyến tàu ra tiếp tế, lính đảo chỉ có gạo, muối, thịt hộp, gần như không hề có rau xanh, vậy mà vẫn sống và giữ vững đảo 2-3 năm trời cho đến khi có người ra thay thế. “Để sống được, tụi tôi thương nhau lắm, như ruột thịt, có khi còn hơn. Lính với sĩ quan ăn ở như nhau, không có phân biệt”.

Thử hình dung, định suất mỗi ngày mỗi người được 32 gam thịt hộp, 1 hộp thịt chia 7 người ăn trong ngày. May ở đảo nên có thể bắt cá để ăn. Khó nhất là nước ngọt cực thiếu. Nguồn chỉ có nước mưa mà cả đảo chỉ có 1 téc để trữ. Thành thử mỗi ngày mỗi người chỉ được phát có 1 lít nước ngọt, mùa khô khát tháng 5 tháng 6 có khi còn không có đủ nước ngọt mà phát. Vậy nên nói chung lính chỉ tắm khi gặp mưa. Hồi đó, ở Trường Sa có khẩu hiệu “Nước là máu của chiến sĩ Trường Sa”. Chuyện kể rằng có một lãnh đạo cao cấp ra Trường Sa, anh em đưa ca nước để ông rửa mặt, rửa tay, ông định cầm nhưng đọc thấy câu khẩu hiệu ghi trên tường, ông đã rụt tay lại. Thiếu nước còn khó khăn hơn nhiều so với không có rau ăn, bởi thiếu vi ta min thì thỉnh thoảng y sĩ phát cho mấy viên B, C là trụ được.

Tình lính Trường Sa ảnh 2

Nhóm cựu chiến binh Trường Sa Đông chào lá cờ trên đảo Trường Sa Đông.

Trần Văn Xuất hồi đó thuộc loại to khoẻ, ngang tàng. Ông xốc vác trong thực hiện nhiệm vụ (là khẩu đội trưởng khẩu đội DKZ) và siêng kiếm cái ăn, giúp đỡ anh em. Nhưng thỉnh thoảng ông cũng tẩn một vài người. Ông kể: “Khi đi tìm đồng đội cũ, tôi đặc biệt chú ý tìm hai thằng mà tôi đã thoi cho vỡ mồm. Thứ nhất là thằng Quốc. Lần đó, tôi hẹn với nó là sáng hôm sau cùng dậy sớm đi bắt cá về nấu cháo cho anh em ăn. Sáng gọi nó cứ lật đi lật lại rồi ì ra ngủ tiếp. Tôi lẳng lặng đi một mình. Về nấu cho anh em, nó cũng ăn. Tôi đợi cho nó ăn xong rồi mới túm cổ áo đấm cho một quả ngã ngửa ra, kể cái tội đã hứa không chịu làm. Sau này, khi đi tìm đồng đội, tôi với anh em đến được nhà nó ở Đầm Ô Môn, Vạn Ninh, Khánh Hoà thì nó đã chết được 15 ngày. Ân hận quá!”

Người thứ hai ông Xuất cho ăn quả thụi là Đào Tất Thắng, quê ở Thái Bình. Ông Thắng ra đảo thay quân, ông Xuất thương lính mới nên lội qua đảo chim bắt chim về nướng cho ông Thắng ăn. Nhưng trên đảo có lệnh cấm lội qua đảo chim bắt chim. Ông Thắng không biết lại đem chuyện khoe với Đảo trưởng. Đảo trưởng gọi ông Xuất lên bắt viết kiểm điểm. Ông Xuất trở về thì ông Thắng lại chạy ra hớn hở “có phải em kể cho Đảo trưởng chuyện bắt chim nướng cho ăn ngon lắm nên gọi anh lên xin không?”

Đang tức, ông Xuất cho ông Thắng một quả đấm chảy cả máu mồm. Khi đi tìm đồng đội, nghe ông Thắng đang ở huyện đội Vũ Thư, Thái Bình, ông Xuất kiếm được số điện thoại rồi gọi. Ông Thắng lúc đó là huyện đội trưởng lập tức đi tàu cùng vợ vào Đà Nẵng chơi với vợ chồng Xuất. Vợ ông Thắng còn đùa: “Em sẽ đưa anh ra toà án binh vì anh đấm chồng em vỡ mồm”. Một sĩ quan ở Quân chủng Hải quân cùng đi Trường Sa lần này nghe chuyện cho tôi biết rằng sau ông Thắng lên đến cấp tướng, cán bộ chỉ huy cấp quân khu.

Chuyện ông Xuất và một số anh em đi tìm đồng đội cũ rất ly kỳ. Xuất ngũ trở về, ông quăng quật kiếm sống rất khó khăn cho đến khi khách Tây vào Đà Nẵng nhiều, nghề đá mỹ nghệ mà ông có kiếm được rồi hái ra tiền. Ông lập cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh. Khi không còn phải ăn bữa sáng lo bữa tối nữa, năm 2002, ông bắt đầu đi tìm đồng đội. Đồng hành với ông là ông Nguyễn Văn Tho (khi làm đá mỹ nghệ ông có gọi ông Tho ra phụ làm mấy năm).

Đầu tiên ông Xuất nghe phong thanh có một đồng đội cũ đang làm nghề đánh xe cộ (xe bò). Xe cộ thì chỉ có ở Phú Yên, thế là ông Xuất lái ô tô cùng ông Tho vào Phú Yên, trên xe chở 3 thùng bia Larue. Gần 3 giờ sáng vào đến Tuy Hoà, đợi sáng vào quán cứ thấy người đánh xe cộ là gọi vào cho ăn uống, cho tiền, hỏi có ai đi bộ đội đóng ở Trường Sa không. Sau có một người nói là có anh trước đi bộ đội là lính Trường Sa. Ông Xuất lập tức cho người đó 200 nghìn đồng, nhờ dẫn về nhà. Nhưng người anh tìm đang đi vắng. Khi ông Xuất trở về đến Đà Nẵng thì ông Thảo gọi điện ra.

Tình lính Trường Sa ảnh 3

Cựu chiến binh đảo Trường Sa Đông Trần Văn Xuất trên tàu HQ 571. Phía sau, bên phải ông là đảo Trường Sa Đông.

Cựu chiến binh Trường Sa Đông Đặng Văn Thảo cũng có mặt trên chuyến đi Trường Sa lần này, kể: “Hôm đó tôi đi vắng có việc, về bà chị nói là có mấy anh em ở Đà Nẵng vào kiếm nên tôi lập tức gọi điện ra.Nhưng hồi đó tôi làm nghề chế biến nông sản, cũng đủ sống chứ có phải đánh xe cộ đâu”. Qua ông Thảo, được biết ở Phú Yên có đến 20 anh em cựu lính Trường Sa, ông Xuất bảo ông Tho vào thuê một chuyến xe chở tất cả ra Đà Nẵng chơi.

Một chuyến tìm đồng đội cũng đáng nhớ là lần đi Tây Nguyên tìm ông Nguyễn Văn Lẹm. Ông Xuất nhìn thấy ông Lẹm lần cuối là khi cùng anh em cột dây buộc ông Lẹm đang đau ruột thừa thập tử nhất sinh để tàu đến cấp cứu kéo lên đưa sang đảo An Bang. Muộn cho nên ông Lẹm phải trải qua 3 ca phẫu thuật mới sống được.

26 năm sau, ông Xuất và ông Tho tìm được ông Lẹm thì ông đang làm rẫy ở Đắk Nông. Ông Lẹm không làm được chế độ gì vì người làm hồ sơ xuất quân cho ông không ghi ông từng trấn giữ Trường Sa. Ông Lẹm quá nghèo, khi ông Xuất hỏi cần gì thì chỉ xin một cái máy bơm để tưới rẫy. Ông Xuất mua cho người đồng đội chiếc máy bơm giá 2,5 triệu đồng.

Nghe tin ở đâu đó có đồng đội cũ là ông Trần Văn Xuất lại lên đường đi bất kể ngày đêm, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc. Để cựu lính Trường Sa biết và đến, ông dựng tại nhà mình ở một ngã ba ở Đà Nẵng một cột mốc Trường Sa Đông cao 6 mét.

Khi nghe tin ở đâu đó có đồng đội cũ là ông Xuất lại lên đường đi bất kể ngày đêm, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, tự lái xe, thường là có sự đồng hành của ông Tho. Nhiều lần gặp nguy hiểm, có lần suýt chết như lần xe lao xuống ruộng ở Nam Định.

Cứ thế đến năm 2010 thì tìm được hầu hết người từng ở Trường Sa Đông các thời kỳ. Ông Xuất nghĩ phải dựng một cột mốc Trường Sa để anh em từng ở Trường Sa đến Đà Nẵng đi qua biết mà vào để được gặp. Vậy là cột mốc đảo Trường Sa Đông cao 6 mét được ông dựng ngay trong khuôn viên nhà mình ở một ngã ba đường trong thành phố.

Lần đó, ông Huỳnh Văn Đẹp, Phó chủ tịch huyện Hoài Nhơn, Bình Định đi ngang qua, nhìn thấy cột mốc bèn bảo lái xe dừng lại, xuống hỏi bảo vệ công ty ông Xuất ai dựng cột mốc. Bảo vệ dẫn ông Đẹp vào. Hai ông nhận là lính đảo xong đều trào nước mắt. Ông Xuất hỏi ông Đẹp còn biết ai từ Trường Sa về không? Ông Đẹp nói có ông Hải ở Bình Định. Ông Xuất lấy địa chỉ rồi chạy vào Bình Định đến quán của ông Hải giả vờ làm người qua đường buổi sáng vào xin nước đánh răng rửa mặt xem thái độ có tử tế không mới nhận đồng đội. Ông Hải chỉ chỗ vòi nước rất ân cần. Ông Xuất phấn khởi nói “anh Hải có cà phê không cho tôi xin một cốc”. Ông Hải kinh ngạc “sao anh biết tên tôi?” Khi hiểu ra, ông Hải kêu lên “hèn chi, tôi cũng đã ngờ ngợ ông là lính đảo rồi”.

Ông Xuất đã được trở lại Trường Sa, lần này ông lại đi, mang theo gần chục anh em từ nhiều nơi, phần lớn từng đóng ở Trường Sa Đông với ông, dưới danh nghĩa Đoàn của Doanh nghiệp Xuất Ánh. Đi đến đảo nào ông cũng tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhưng không bao giờ giới thiệu mình là cựu lính Trường Sa, tôi giục, ông vẫn quyết không.

Tình lính Trường Sa ảnh 4

Nhóm cựu chiến binh Trường Sa Đông trên lan can tàu HQ 571 chuẩn bị lên đảo. Phía sau, bên phải họ là đảo Trường Sa Đông.

Hôm lên đảo Trường Sa Đông, tôi dành thời gian chụp cho các ông một bộ ảnh, từ lúc quân phục chỉnh tề ra khỏi phòng đi trong hành lang tàu, rồi ra lan can; chụp cả nhóm rồi chụp từng người đứng nhìn, chỉ tay vào hòn đảo ngày xưa. Rồi lại chạy trước, đón chụp các ông đặt chân lên đảo, trên đường vào tay bắt mặt mừng với các cháu lính trẻ giờ trấn giữ hòn đảo đã khang trang.

Tôi còn dàn dựng các ông đứng thẳng hàng ưỡn ngực với đầy đủ biển tên, huân huy chương chào lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ và cột mốc Trường Sa Đông. Bốn máy quay của 4 đài truyền hình cùng đi đã quay cảnh đó không phải dàn dựng lại. Vào chương trình giao lưu văn nghệ, một người đã rút trong túi ngực tờ giấy chép bài thơ “Tình lính Trường Sa” mà tôi viết tặng ngay sau khi trò chuyện với các ông ra đọc tặng lính trẻ.

Hôm trước, trên tàu HQ 571, khi tôi tặng bài thơ, các ông đã yêu cầu tôi đọc đi đọc lại 3 lần liền. Bài thơ kể lại đúng câu chuyện của các ông, kết thúc bằng mấy câu: “Cuộc đời này dù có bể dâu/ Mãi bền chặt tình anh em đồng ngũ/ Vẫn rực sáng như ngôi sao bất tử/ Một tượng đài tình lính Trường Sa”.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.