Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa
Tuesday, August 09, 2022 7:23 PM GMT+7
TP - Với 9 ngôi chùa đã hoàn thành phục dựng tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), không quá sớm để nghĩ tới một Quần thể di tích chùa Việt giữa Biển Ðông…

Đó là ý nghĩ chợt đến, khi những ngày cuối tháng 6 vừa rồi duyên may đã đưa tôi đặt chân một vòng các ngôi chùa trên quần đảo bão tố này. Đặc biệt là được chứng kiến ba đại lễ khánh thành 3 ngôi chùa vừa hoàn thành phục dựng là Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A, với sự quang lâm chứng minh và thực hiện nghi lễ của 39 vị cao tăng và chư tôn thiền đức tăng ni đã lặn lội theo chuyến hải hành ra tận nơi đây.

Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa ảnh 1

Song Tử Tây - chùa lớn nhất ở Trường Sa. Ảnh: Trần Tuấn

Chỉ tiếc là khi đến đảo Phan Vinh thì biển động ầm ào do ảnh hưởng bão số 1. Không thể vào đảo nên cả tàu chỉ có thể đứng trên boong nuối tiếc từ xa nhìn vào ngôi chùa thứ 9 mái đỏ ngôi chùa cong vút sát thềm sóng nước… Càng thêm tiếc, bởi không thể tận mắt tận tay chạm vào dấu tích cái am tự nhỏ trên đảo này mà từ xa xưa những ngư dân Việt ra đây dựng lên làm nơi trú ngụ tâm linh. Để chính từ cái gốc gác ấy, ngôi chùa ngày nay đã được trùng tu, phục dựng, như một sự khẳng định về những cột mốc chủ quyền tâm linh lâu đời…

Như những dấu tích tương tự tôi đã bắt gặp tròn 24 năm về trước, mùa hè năm 1998 trong chuyến ra Trường Sa đầu tiên, chạm tay trên những di vật còn lại ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn,… Là những ngôi miếu nhỏ, tấm bia, tảng đá cổ. Như dấu mốc cột gỗ vuông xạm đen muối biển, gió mưa nay còn nhô lên mặt cỏ ngay trước ngôi chùa Trường Sa Lớn…

Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa ảnh 2

Từ sân trường tiểu học nhìn sang chùa Sinh Tồn. Ảnh: Trần Tuấn

Suốt gần nửa tháng trời tôi cứ miên man bước đi trên những tầng trầm tích văn hóa huy hoàng của cha ông, giữa Biển Đông. Là những mảnh gốm thô được chế tác từ đất sét pha cát đào được dưới tầng đất đảo Trường Sa Lớn của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh ven biển miền Trung cách nay 2.000 năm. Là những mảnh bát gốm sứ men ngọc thuần Việt thời Trần thế kỷ XIII-XIV, gốm men trắng thời Lê đào được tại Trường Sa Lớn, Nam Yết. Là hàng trăm mảnh gốm, sành thời Lê, Nguyễn trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. Là những đồng tiền kim loại thời Nguyễn niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức trên đảo Song Tử Tây. Đồng tiền mồ hôi sương gió của những hùng binh Việt trong các Hải đội vâng mệnh triều đình vượt sóng đến Hoàng Sa, Trường Sa, vào tận Côn Lôn, Hà Tiên để thu lượm sản vật, thực thi chủ quyền.

Vậy là cả 9 đảo nổi của chúng ta tại Trường Sa đều có chùa, được phục dựng tôn tạo trên cơ sở những dấu tích, vật thể xưa. Quần thể chùa Trường Sa trải qua 3 đợt phục dựng, mỗi đợt 3 chùa (các chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn vào năm 2009; Sơn Ca, Phan Vinh, Nam Yết vào năm 2014; và Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A khởi công phục dựng vào năm 2020, khánh thành tháng 6/2022). Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường với vợ chồng ông Nguyễn Văn Trường từ buổi đầu đã phát tâm đầu tư nhiều chục tỷ đồng, cùng mồ hôi công sức để hoàn thành tâm nguyện lớn đầy ý nghĩa này.

Có trực tiếp dạo bước thăm thú quần thể cả 9 ngôi chùa giữa Biển Đông mới phát hiện nhiều điều lý thú. Đó là hầu như không có trùng lặp nhau cả về kiến trúc, kiểu dáng lẫn hoành phi, câu đối. Và đó hoàn toàn là những ngôi chùa thuần Việt, từ kiến trúc, kiểu dáng, chi tiết, dấu Quốc huy trên đồ thờ, và trên từng viên gạch, từng quả đại hồng chung, đến cửa võng, hoành phi câu đối thuần chữ Việt, và toàn bộ các pho tượng cũng thuần Việt từ gương mặt tới tỷ xích cơ thể. Đặc biệt cả 9 ngôi chùa đều quay hướng về trái tim đất nước là Thủ đô Hà Nội. Những sự lạ lẫm hấp dẫn không dễ có trong đất liền.

Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa ảnh 3

Lễ rước khánh thành chùa Sinh Tồn Ðông. Ảnh: Trần Tuấn

Ðứng giữa đảo Trường Sa Ðông, cựu chiến binh Nguyễn Ðắc Hiếu ngót 40 năm trước đóng quân trên đảo này kể, “ngày ấy trên đảo chưa phục dựng lại chùa, mà chỉ có am tự nhỏ để cho thuyền bè ngư dân ghé, hay rằm mùng một lính đảo thắp nén hương. Lần này được trở lại thăm đảo và dự khánh thành ngôi chùa khang trang, tôi đã khóc…” Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì tâm đắc “sau này khi chúng ta phát triển du lịch hải đảo thì nơi này sẽ thực sự trở thành những thắng cảnh. Cùng với thời gian những ngôi chùa này sẽ ngày càng trở nên cổ kính, linh thiêng, thu hút mọi người. Làm cho mảnh đất này ngày càng đẹp, càng giàu và càng vững chắc”.

Chùa Trường Sa Lớn phục dựng đầu tiên, nên có nhiều nét lạ nhất. Chính điện một gian hai chái bằng gỗ nhỏ nhắn xưa cũ như ngôi nhà cổ làng Việt, chỉ khác là mái ngói cong vút và có đầu đao lượn hình sóng biển. Tam quan cũng lạ nhất, phần đế bề thế xây gạch mang dáng dấp như cổng làng xưa, phần trên có vọng lâu bằng gỗ nhỏ lợp ngói. Chùa Sinh Tồn chính điện cũng một gian hai chái nhỏ nhắn, với cổng tam quan bằng gạch sơn màu vàng cũng đơn sơ nhất. Trong 3 chùa phục đựng đầu tiên, đến giờ chùa Song Tử Tây vẫn giữ kỷ lục là chùa lớn nhất trong 9 ngôi chùa tại Trường Sa, tọa lạc trên hòn đảo hình bầu dục khoảng cách cũng xa đất liền nhất. Chánh điện ba gian hai chái, hai dãy nhà giải vũ. Cổng tam quan của chùa đẹp và hoành tráng nhất, hoàn toàn bằng gỗ thiết kế theo lối hai tầng tám mái mở ngay ra mép sóng. Đây cũng chính là “ngôi chùa tiền tiêu” độc đáo, vì Song Tử Tây là hòn đảo tiền tiêu nhô cao nhất về phía Bắc trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của ta.

Chùa đảo Nam Yết cổng tam quan bằng gỗ rộng lớn bề thế như ở chùa Song Tử Tây nhưng chính điện tường xây cột gỗ có tầng mái. Chùa Sơn Ca chính điện hai tầng ba gian hai chái, cổng tam quan bằng gỗ có gác chạm thềm cát trắng san hô.

Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa ảnh 4

Dấu tích cũ trước chùa Trường Sa Lớn.

Chùa Sinh Tồn Đông cổng tam quan xây gạch kiểu tứ trụ nhưng độc đáo là có hai tầng mái với gian gác ở trên. Tam quan chùa Trường Sa Đông vừa khánh thành cũng xây kiểu tứ trụ nhưng có mái che ở phần trên hai trụ giữa tạo sự khác biệt, đơn giản mà vững chãi, cao vút uy nghiêm. Chùa Đá Tây A vừa khánh thành việc tôn tạo có lẽ lớn thứ nhì trong số 9 chùa, với 9 hạng mục tam bảo, tam quan, nhà tăng, nhà giải vũ, gác chuông, gác khánh,… Chùa nhìn thẳng ra âu tàu rộng mênh mông. Hôm khánh thành chùa biển động do ảnh hưởng bão số 1, hàng loạt tàu câu mực của ngư dân Bình Định, Phú Yên vào neo tránh. Do chùa đang làm lễ chưa vào được, nên những ngư dân chèo thúng đặt bánh trái, hương hoa lên những chiếc phao nổi trước chùa, thành kính dâng hương. Còn trên đảo Phan Vinh, hòn đảo nhỏ nhất trong số 9 đảo nổi của chúng ta qua những hình ảnh, phim tài liệu thì chùa nhỏ nhắn hiện lên như chùa sau lũy tre làng Việt.

Đi giữa Trường Sa, tôi chợt có cảm giác nơi đây cũng có những ngôi đình làng như ở mọi làng quê trong đất liền. Đó chính là không gian tượng đài, đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài liệt sĩ tại Trường Sa Lớn, đền thờ Việt Quốc công Lý Thường Kiệt tại Đá Tây A, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đảo Sơn Ca,.. Tuy không như đình làng truyền thống, nhưng “tiền Phật, hậu Thánh”, đây là nơi thờ các bậc thành hoàng không chỉ trên đảo, mà còn là những vị Thánh của đất nước.

Ánh đạo vàng trên biển lớn, kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa ảnh 5

Treo bảng chùa Ðá Tây A. Ảnh: Trần Tuấn

Hoành phi, câu đối trên các chùa ở Trường Sa cũng rất lạ. Không chỉ toàn bộ bằng chữ Việt, mà nội dung hầu hết cũng không gặp nơi nào khác. Như những cặp câu đối “Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử/Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa”, và “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam” nơi chùa Song Tử Tây. Tại chùa Sinh Tồn, cặp đối sau được biến đổi một cách uyển chuyển, thành “Quần đảo nhiệm màu phổ độ cầu được toàn dân an lạc/ Sinh Tồn trường cửu vĩnh viễn nguyện cho đất nước thái bình”. Đặc biệt cặp đối này được chép lên từng viên sa thạch nhỏ gắn lên vách gỗ đơn sơ bên hai cánh cửa mở vào Phật điện. Hoặc những cặp đối ngắn gọn như đôi câu thơ “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” ở chùa Trường Sa Lớn.

Ba ngôi chùa vừa mới làm lễ khánh thành phục dựng cũng uy nghi những cặp đối hào sảng tinh thần và chủ quyền Việt. Cổng tam quan xây kiểu tứ trụ hai chùa Trường Sa Đông và Sinh Tồn Đông sát thềm biển hiên ngang đôi cặp đối chưa từng gặp ở đâu “Đức sánh càn khôn sáng tỏ trời Nam riêng một cõi/ Uy trùm vũ trụ rạng ngời đất Việt khắp muôn dân”, và “Biển đảo cùng nhau thề dốc lòng giữ vẹn nền đất Tổ/ Giang sơn như có hẹn nắm tay quyết trọn tấm lòng son”.

Nét thú vị nữa là cặp đối ở chùa Đá Tây A “Rừng thiền ắt thấy nên đầm ấm/Đường thế nào nơi chả thấp cao” lại chính là hai câu trong bài thơ Thuật hứng (2) của Ức trai Nguyễn Trãi thời gian về ở ẩn Côn Sơn. Chùa Trường Sa Đông có đôi câu “Thân đà hết lụy thân nên nhẹ/ Bụt ấy là lòng bụt há cầu” cũng của thi hào Nguyễn Trãi, bài Mạn thuật (8).

Khẽ chạm tay vào bia chủ quyền xưa cũ bằng vôi vữa bạc màu thời gian trong khuôn viên chùa Nam Yết, nhớ tới dấu tích bếp lửa của cha ông ta xưa được các nhà khảo cổ học tìm thấy cũng trên đảo này.

Ngọn lửa như khẽ reo vang trong những hồi chuông hồi trống Bát Nhã còn văng vẳng khi chia tay với đảo…

Trường Sa, tháng 6-7/2022

Trần Tuấn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.