Về Côn Đảo - thiên đường đảo xanh - đất thiêng anh hùng
Monday, April 21, 2014 7:23 AM GMT+7
Ẩn sâu trong màu xanh thiên đường là những chứng tích đau thương và cả những trang sử hào hùng của các chiến sỹ cách mạng đã nêu cao ý chí quật cường cho dân tộc hồi sinh…

 

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp bậc nhất thế giới. Nơi đây được ví là "thiên đường thiên nhiên với những cánh rừng rậm rạp, làn nước màu ngọc bích…”. Hôm nay đến Côn Đảo, mỗi người đều tận mắt nhìn thấy điều đó. Nhưng ẩn sâu trong màu xanh đó là những chứng tích đau thương và cả những trang sử hào hùng của các chiến sỹ cách mạng đã nêu cao ý chí quật cường cho dân tộc hồi sinh…

Trường học cách mạng

Trong tác phẩm Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán, có đoạn viết: “Tất cả tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương. Không biết có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu gì, và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác”. Được đặt chân đến Côn Đảo, viếng Nghĩa trang Hàng Dương, tham quan di tích hệ thống nhà tù, nghe các anh chị thuyết minh khu di tích kể về tinh thần cách mạng của người cộng sản và tội ác của thực dân, đế quốc, chúng tôi không thể cầm được nước mắt.

Đã hàng trăm lần dẫn các đoàn khách tham quan khu di tích nhà tù Côn Đảo, mỗi lần giới thiệu về di tích nhà tù và những đòn tra tấn dã man của thực dân, đế quốc, giọng chị Nguyễn Thanh Hường - thuyết minh viên của Khu di tích nhà tù Côn Đảo run run cảm thương các chiến sỹ cách mạng. Trong suốt 113 năm tồn tại (1862 - 1975), hệ thống nhà tù ở Côn Đảo do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng đã giam cầm, đày đọa trên 200.000 chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. 

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á với 18 sở tù khổ sai, có 127 phòng giam. Nơi đây, vào đêm 28/06/1862, lớp tù nhân đầu tiên bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo đã liên kết với quan lính người Việt khởi nghĩa nổi dậy đập phá công sở, đốt cháy nhà tù Côn Đảo. 

Sau cuộc khởi nghĩa, số nghĩa binh này không tìm được phương tiện về đất liền nên nửa tháng sau, chúa ngục Felix Roussel tổ chức cuộc càn quét khủng bố trên đảo. Cuộc săn lùng, thảm sát kéo dài 13 ngày (13 - 25/07/1862) đã có hơn 100 người chết và 20 người bị bắt sống. Chúa ngục buộc 20 tù nhân này phải đào một hố to trên đồi cát để vùi lấp các xác chết. Sau đó, chúa ngục cho chôn sống luôn 20 tù nhân tại đây. Nơi đây là nghĩa địa đầu tiên của nhà tù Côn Đảo và nay là Di tích bãi sọ người. Cũng tại nơi này, năm 1930, thực dân Pháp cho xây Khu “Chuồng bò”, có hố sâu 3m, chứa phân và nước dội, rửa từ chuồng bò, dùng để tra tấn tù nhân.

Các tù nhân chính trị còn bị tra tấn dã man trong 2 khu biệt lập “Chuồng cọp” với 504 phòng, 44 xà lim. Khu “Chuồng cọp Pháp” (Bagne 1 hay còn gọi là trại Phú Hải) có tổng diện tích 5.475m2, gồm 120 phòng giam, có chắn song sắt bên trên, 60 phòng tắm nắng (không có mái che) là nơi dùng để hành hạ, tra tấn, đàn áp gần 2.000 tù chính trị. 

Các tù nhân bị giam nhốt trong chuồng cọp, cai ngục ở trên dùng cây sào nhọn chọc vào người, tạt nước lạnh, vôi bột  tra tấn. Vôi và nước ăn sâu vào da thịt tù nhân qua vết sào chọc làm cho lở loét đến tận xương. Rất nhiều chiến sỹ cách mạng đã bị chúng tra tấn như vậy cho đến chết. Còn khu “Chuồng cọp kiểu Mỹ” (trại Phú Bình) có 384 phòng, nơi đây các tù nhân chính trị bị Mỹ - Ngụy bắt nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, chật chội, bẩn thỉu. Cứ 5 - 6 người bị nhốt vào một chuồng bề ngang 1,45m, dài 2,5m. Ăn, ngủ, tiểu tiện, đại tiện cùng chung một chỗ. Một thông tin làm tất cả chúng ta thấy đau thương vô hạn. Hiện dân số trên toàn Côn Đảo có trên 7.000 người. Trong lúc đó, số người chết và liệt sỹ trên đảo là hơn 20.000 người. 

Mặc dù bị tra tấn, đối xử tàn bạo nhưng các chiến sỹ cách mạng, người yêu nước đã biến “địa ngục trần gian” thành trường học cách mạng. Nhiều sỹ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông du, Đông kinh nghĩa thục đã bị thực dân Pháp đày ra đây như các cụ: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh… Những năm sau có hàng vạn cán bộ, đảng viên Cộng sản như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Võ Thị Sáu, Trương Mỹ Hoa… bị giam cầm. Trước đòn roi và các thủ đoạn tra tấn của thực dân, đế quốc, các chiến sỹ cộng sản thể hiện khí phách của những người yêu nước, tinh thần đấu tranh bền bỉ, quật cường. Năm 1976, khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, các tù nhân ở Côn Đảo đã đứng lên giải phóng, giành tự do. Trong số hàng nghìn tù binh chính trị lúc đó, có trên 175 đồng chí tự nguyện ở lại tiếp quản, xây dựng Côn Đảo.

Năm 2012, Nhà nước công nhận hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo là “Di tích quốc gia đặc biệt”, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ…

“Đất thiêng” chuyển mình

Cách Vũng Tàu 97 hải lý, chúng ta có thể đến với Côn Đảo bằng phương tiện máy bay, ngày 4 chuyến (từ TP. Hồ Chí Minh) và tàu thủy (xuất phát từ Cát Lở, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến đây, du khách có thể dạo quanh quần đảo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cũng như có thể tìm được rất nhiều thông tin của quá khứ chứa đựng trong mỗi hiện vật trên hòn đảo còn nhiều bí ẩn này. Côn Đảo hấp dẫn du khách không chỉ với những vẻ đẹp của đất trời, mà còn có những di tích lịch sử của vùng đất thiêng liêng.

  Khu vực cầu tàu Bến đầm - Côn Đảo luôn tấp nập tàu thuyền.


Côn Đảo có diện tích 52,1km2, địa thế “độc nhất vô nhị” với vách núi dựng đứng, bao quanh là biển cả mênh mông, sâu thẳm. Mặc dù có những bước phát triển nhưng cảnh quan vẫn giữ nét hoang sơ, kỳ vĩ gắn liền với những sự kiện lịch sử đã trở thành huyền thoại giúp nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá. Ông John Smith, một du khách người Úc (Australia) cùng với gia đình đã dành thời gian hơn một tuần đến nghỉ dưỡng tại Côn Đảo, cho biết: “Chúng tôi từng biết đến nơi này qua nhiều kênh thông tin, nhưng khi đến đây chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi những câu chuyện có thật về tinh thần đấu tranh quả cảm của người Việt Nam. Cảnh vật nơi đây rất đáng thưởng ngoạn!”. 

Trong năm 2013, doanh thu dịch vụ, du lịch của huyện Côn Đảo đạt 976,26 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch đạt 301 tỷ đồng. Thống kê của UBND huyện, năm qua có trên 90.000 lượt khách du lịch đến đảo, trong đó, khách quốc tế trên 17.000 lượt người. Dự kiến năm 2014, Côn Đảo sẽ đón trên 94.000 lượt khách du lịch, nâng doanh thu du lịch lên 350 tỷ đồng, góp phần vào thu ngân sách trên 1.032 tỷ đồng.

Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam. Chính phủ đã phê duyệt đầu tư xây dựng cảng cá Bến Đầm dài 336m cho tàu 2.000 tấn cập bến. Riêng huyện cũng có đội tàu khá lớn, hàng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản các loại. Hiện tại, hệ thống giao thông trên đảo được xây dựng khang trang, sân bay, bến cảng đang được nâng cấp. Huyện Côn Đảo là đơn vị duy nhất trên cả nước không có hành chính cấp phường, xã, chỉ có hành chính cấp huyện và các khu dân cư. 

Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định: “Trong định hướng phát triển, chiến lược ưu tiên vẫn là phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch, khai thác chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Huyện tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ - du lịch nhưng trên cơ sở giữ nguyên, bảo tồn hiện trạng của các khu di tích lịch sử và bảo vệ thiên nhiên có những nét hoang sơ của biển đảo”. Bên cạnh các bờ biển đẹp như bãi Đất Dốc, bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre..., Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 6.000ha trên đất liền và 14.000ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…

Với vẻ hấp dẫn và những tiềm năng lợi thế sẵn có, Côn Đảo được ví như hòn ngọc giữa biển khơi. Quanh đảo là hệ động thực vật phong phú với bò biển, cá heo, rùa biển và những rạn san hô ngoạn mục. Với lợi thế là khu bảo tồn thiên nhiên quý giá của Việt Nam, tiềm năng kinh tế - du lịch của hòn ngọc Côn Đảo được đánh giá rất lớn, đã và đang từng bước khai thác, hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng các tỉnh phía Nam của Tổ quốc!

Nguyên Nguyên

Theo baonghean.com.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.