Thiêng liêng Hoàng Sa (Bài I): Hồi ức của những chiến binh già
Tuesday, July 08, 2014 11:19 AM GMT+7
Nhân dịp UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức buổi gặp mặt các nhân chứng đã từng sống và làm việc tại đảo Hoàng Sa, chúng tôi được tiếp xúc, ghi lại những câu chuyện cảm động và bi hùng của các nhân chứng… Ở độ tuổi tóc ngả màu sương gió, nhưng khi gặp nhau thì kỷ niệm về một thời đã từng chia ngọt sẻ bùi trên mảnh đất thiêng của Tổ quốc vẫn tươi nguyên trong trái tim của họ…

Buổi đầu đến Hoàng Sa

“Mới ngày nào… thế mà đã hơn 40 năm. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống nhưng tôi không bao giờ nguôi quên những năm tháng gian khổ và thiêng liêng trên đảo Hoàng Sa!..”.

Câu nói của ông Phạm Khôi mở đầu dòng tâm sự của những cựu chiến binh dưới thời chế độ cũ trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Do điều kiện hoàn cảnh lịch sử bắt buộc, thời ấy những thanh niên nào thật may mắn thì mới được “lên núi” hoạt động cách mạng. Số đông còn lại phải đăng lính cho chế độ cũ. Trường hợp ông Khôi dăm lần, bảy lượt khai thụt tuổi, trốn lính mà vẫn không thoát.

Chắc có lẽ Hoàng Sa trong tâm tưởng của ông quá sâu sắc, cho nên khi biết có người muốn nghe kể lại thời ấy thì ông say sưa kể, ánh mắt và nét mặt phúc hậu sáng dần lên, tôi hiểu trong tâm trí ông đang sống lại một thời trai trẻ gắn bó với Hoàng Sa. Với ông, Hoàng Sa vẫn như thuở nào, chưa hề bị chia cắt… Hồi đó ông cùng đồng đội lần đầu tiên ra đảo vào đêm 23/12/1969. Con tàu chiến cũ kỹ chở gần 30 người lính địa phương quân (chủ yếu quê ở Quảng Nam, Đà Nẵng) lầm lũi rẽ sóng ra khơi. Xuất phát tại cảng Đà Nẵng từ 13 giờ, nhưng vì sóng to, gió lớn nên mãi tới 9 giờ sáng hôm sau mới ra tới Hoàng Sa.

Ông nói: “Bước chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là con đường bê tông nối liền với đoạn đường mấp mô đá san hô. Giữa những vườn cây lúp xúp là ngôi nhà thờ công giáo rêu phong phủ mờ. Nơi chúng tôi ở là một dãy nhà bê tông vững chãi, phía trước có một cái giếng cổ được xây dựng từ thời vua Gia Long. Phía trên là nhà ở và nơi làm việc của Trạm Quan trắc thủy văn”.

Qua câu chuyện ông Khôi kể lại, chúng tôi phần nào hiểu được nhiệm vụ của những người lính trấn giữ chủ quyền Hoàng Sa năm xưa. Nói là gian khổ vậy, nhưng thực ra cũng chẳng khó nhọc gì. Hồi đó, đảo Hoàng Sa thanh bình, không có cảnh bom rơi đạn nổ và bắt bớ giết chóc như ở đất liền. Nhiệm vụ của lính địa phương quân là luân phiên 3 tháng một lần thay nhau ra bảo vệ đảo. Tiếng là ra để bảo vệ đảo, nhưng anh em binh lính ban ngày câu cá, săn vích, ban đêm lăn ra ngủ.

Tàu cá trang bị vũ trang của Trung Quốc khiêu khích tàu Lý Thường Kiệt (thời điểm này ông Cúc đang ở trên tàu Lý Thường Kiệt)

Đang say sưa, sực nhớ ra điều gì, ông Khôi đứng dậy mở tủ, lục tìm trong chồng tài liệu ố vàng nhuốm màu thời gian, rồi lấy tấm bản đồ Hoàng Sa mà tự tay ông đã vẽ từ thời ấy. Tay run run trao cho tôi tấm bản đồ, đôi vai người chiến binh già rung rung, giọng ông nghèn nghẹn: “Ở tuổi gần đất xa trời, nhưng tôi vẫn nhớ như in những tháng năm gắn bó trên vùng đất thiêng của Tổ quốc. Hình ảnh hàng dừa xanh, cây vông vang vàng, giếng nước mát lạnh, ngôi miếu cổ, bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa vẫn hiện về rõ mồn một trong tâm trí và cả trong từng giấc ngủ!”.

Đà Nẵng đang đổi thay từng ngày, ông nghĩ sao về quê hương sau hơn 35 năm giải phóng?

Đôi mắt ông Khôi như trẻ lại: “Cách mạng đã thay đổi cuộc đời tôi và quê hương tôi! Tuy tôi là một người lính của chế độ cũ nhưng chính quyền và bà con khối phố rất quan tâm, không hề có sự phân biệt đối xử. Ngày ấy, dù là người lính ở bên kia chiến tuyến, nhưng chúng tôi đều nhận thức được rằng, đã là con rồng, cháu lạc thì phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam yêu quý. Tôi tự hào vì đã có một thời được bảo vệ chủ quyền thiêng liêng mà cha ông xưa đã có công khai phá…

Nhớ mãi những ngày giữ đảo

Ra Hoàng Sa là một sự kiện khá đặc biệt đối với ông Nguyễn Văn Cúc. Gia đình vốn nổi tiếng về nghề đánh cá, nên thuở nhỏ suốt ngày ông lăn lộn với biển cả và những con tàu. Lớn lên chọn nghề cầu đường, mong muốn ở gần gia đình, nhưng số phận lại sắp đặt ông ra công cán tại Hoàng Sa. Hồi đó, cấp trên điều ông ra đảo là để khảo sát thực địa và vẽ đồ án xây dựng bể ngầm chứa nước mưa.

Dẫu ra Hoàng Sa đối với ông chỉ là sự khiên cưỡng, nhưng khi đã gắn bó với mảnh đất thiêng liêng ấy thì quá đỗi thân thương và sâu nặng. Giống như có một nhà thơ từng viết: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Kể về cuộc sống trên đảo, ông Cúc như trẻ ra vài tuổi, giọng bồi hồi: “Bình thường Hoàng Sa trầm lặng, nhưng khi gặp bão giông thì biển hung hãn vô cùng. Những lúc sóng to, gió lớn chúng tôi chỉ biết nằm rạp xuống đất cố bấu víu vào thân những bụi cây lúp xúp. Mùa hạ nỗi lo lớn nhất là thiếu nước ngọt. Ngày ấy, cả lực lượng lính địa phương quân và đội ngũ nhân viên bên khí tượng đều sử dụng nguồn nước ngọt chứa trong bể ngầm. Trên đảo có một cái giếng cổ nhưng chỉ dùng để tắm rửa, còn dùng nước đó uống vào sẽ bị đau bụng ngay”.

Thời chiến tranh, cuộc sống trong đất liền đã khó khăn, huống hồ “nơi đầu sóng, ngọn gió” như Hoàng Sa thì tránh sao khỏi sự gian nan và thử thách. Vào mùa sóng yên, biển lặng thì đỡ. Còn đến mùa bão giông, cái ăn trên đảo cũng phải lo chạy bữa. Đất đai tươi tốt thật đấy, nhưng hạt vừa nảy mầm, rau vừa bén rễ, chưa kịp mừng thì bão gió đã quần cho tơi tả. Thế nên, điệp khúc “nước mắm, cá khô” là bài ca muôn thuở của những người giữ đảo. Khi lương thực dự trữ gần cạn thì họ tính chuyện đánh bắt hải sản để dự trữ, phòng khi bất trắc. Thời đó, việc đánh bắt hải sản khá dễ dàng.

Đợi cho thủy triều xuống, anh em chỉ cần lội bộ ra là có thể thoải mái bắt đầy bao tải cua, ốc. Đêm xuống, họ chia thành từng tốp nhỏ, dùng đèn pin săn vích. Khi nhìn thấy vích lên bãi cát đẻ trứng, chúng tôi chỉ cần lật ngửa lên là tóm gọn. Thịt vích thơm ngon và dễ chế biến. Loài thực phẩm cất giữ được lâu mà không bị hư hỏng là cá khô. Xác định đây là nguồn cung cấp chính nên anh em luân phiên đi thả câu chùm, hoặc giăng lưới, số lượng cá đánh bắt được đem mổ ruột, rửa sạch rồi phơi khô…

Ngày ấy, niềm vui tinh thần của binh lính và chuyên viên khí tượng thủy văn trên đảo là vào nhà nguyện, rồi ra miếu Bà. Ngôi nhà nguyện Công giáo do người Pháp đưa dân phu ra xây dựng từ rất lâu. Ngày Chủ nhật, một số binh lính địa phương quân vào cầu nguyện. Còn tối ngày Rằm, mồng Một anh em trạm quan trắc nấu xôi, chè ra thắp hương ở miếu Bà, xin bà phù hộ độ trì cho anh em mạnh khỏe, bình an vô sự.

Còn ông Tạ Hồng Tân, hiện đang sinh sống ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà (năm 1973 được điều ra làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa) thì kể: “Đã thành thông lệ, tất cả những ai ra đảo đều tranh thủ thời gian rảnh rỗi đều ra những tảng đá ven biển khắc họ tên của mình lên đó làm kỷ niệm. Thời điểm tôi ra thì đã thấy rất nhiều tên, tuổi của các công dân Việt Nam khắc trên đó…”.

Ông Cúc (người đứng) ngày mới ra Hoàng Sa (ảnh chụp lại)

Không riêng gì ông Khôi, ông Cúc, ông Tân và ông Huynh, một số nhân chứng khác như ông Nguyễn Quang Triêm, Trương Văn Quảng… đều cảm thấy tự hào vì mình đã có những ngày tháng canh giữ Hoàng Sa.

Máu thịt của Tổ quốc

Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng, cách đất liền gần 170 hải lý. Để tới được quần đảo ấy phải vượt qua muôn trùng sóng gió, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người dân đất Việt nói chung và Đà Nẵng nói riêng đều quá đỗi thân thương, bởi đấy là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong vòng 18 năm (1956-1974) đã có hàng trăm công dân Việt Nam nguyên là những chuyên viên kỹ thuật ngành khí tượng thủy văn ra công tác ở Trạm Quan trắc Khí tượng Hoàng Sa. Với họ, thời tuổi trẻ gắn liền với những kỷ niệm vui buồn.

Trong căn nhà nhỏ (Kiệt 8, đường Hoàng Diệu), ông Võ Như Dân (nguyên nhân viên bơm bóng thám không trạm khí tượng thủy văn tại đảo Hoàng Sa năm xưa) đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ông và các cộng sự một thời sinh sống và công tác ở ngoài đó… “Vào năm 1956, thời điểm Pháp bàn giao chủ quyền Hoàng Sa cho bộ máy chính quyền Sài Gòn, tôi mới gần 20 tuổi, đang công tác tại Nha Khí tượng Sài Gòn. Vì tính tôi ngay thẳng, thấy những điều “chướng tai, gai mắt” là phản ứng ngay, nên bị cấp trên điều ra Hoàng Sa phụ trách Trạm Quan trắc khí tượng.

Chiều hôm ấy mưa tầm tã, gió lạnh thốc từng cơn, tôi cùng một kỹ sư vô tuyến điện và bốn chuyên viên quan trắc khí tượng được lệnh rời cảng Đà Nẵng. Đêm xuống nhanh, sóng nhấp nhô, tàu chòng chành, các thành viên trên tàu say lử. Suốt một đêm vượt biển, đúng 6 giờ sáng hôm sau thì tới Hoàng Sa. Lần đầu tiên đặt chân tới đây, chúng tôi khá lo lắng, bởi mọi thứ đều lạ lẫm.

Ngôi nhà bê tông kiên cố, bạc thếch vì nắng, gió, cây cối lúp xúp chẳng đủ che bóng mát. Công việc của chúng tôi chủ yếu theo dõi, ghi chép các loại thông số như: lượng mưa, độ ẩm, sức gió, áp suất, nhiệt độ biển… sau đó chuyển vào đất liền bằng tín hiệu morse. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, mọi thứ đều thiếu thốn, chúng tôi tranh thủ cải tạo đất đai gieo, trồng rau màu. Được cái đất trên đảo tơi xốp, nhiều mùn, nhờ vậy trồng cây gì cũng tươi tốt. Chiều về, chúng tôi thay nhau mò cua, bắt ốc, đêm đến câu cá, câu mực cải thiện bữa ăn.

Giữa mênh mông trời, nước, ngoài giờ làm việc chúng tôi còn chăm nom 40 ngôi mộ của những ngư dân thiệt mạng trong những lần đi biển; cải tạo giếng nước ngọt; sửa sang nhà ăn, nhà nghỉ và khu làm việc hành chính… Hồi đó, ở trên đảo đã có đài vô tuyến; ngọn hải đăng; Trạm Quan trắc. Đặc biệt trên đảo đã được dựng bia chủ quyền của Việt Nam từ thời Pháp thuộc…”. Ông Dân ngừng kể với tay thắp mấy nén nhang cắm lên bàn thờ, tôi thấy đôi mắt ông như có màu khói, giọng run run: “Mới ngày nào… vậy mà đã hơn 40 năm. Số đồng nghiệp với tôi năm ấy giờ chỉ còn ông Tạ Hồng Tấn và Ngô Tấn Phát, còn hầu hết đã mồ yên, mả đẹp. Có lẽ tôi chẳng còn có cơ hội ra thăm lại nơi ngày xưa đã từng gắn bó!”.

Theo như những điều ông Dân cung cấp thì, thời đó còn có Trung đội địa phương quân (khoảng 10 người) đóng gần Trạm Quan trắc, lực lượng 20 người còn lại bố trí tại một hòn đảo cách Hoàng Sa hơn 2 hải lý. Vì cùng là con rồng, cháu lạc lại chung nhiệm vụ trấn giữ Hoàng Sa nên mối quan hệ giữa lính địa phương quân và những chuyên viên kỹ thuật ngành khí tượng khá đoàn kết.

Ông Nguyễn Văn Cúc cùng cháu nội

Những kỷ niệm không phai

Đối với ông Trần Huynh (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) kỷ niệm mà ông nhớ nhất là cái tết năm Mậu Thân 1968. Như thường lệ, ông cùng mấy đồng nghiệp ra nhà nguyện (nhà nguyện Công giáo do người Pháp đưa dân phu ra xây dựng từ đầu thế kỷ XX) và miếu Bà thắp hương. Xế trưa, ông mò mẫm xuống bãi ngang chọn được cành san hô màu hồng, dự định chờ ngày hết phiên trực thì mang vào đất liền. Hôm ấy, trên đường về, bỗng nhiên ông thấy người nóng ran, đầu óc quay cuồng, bụng đau dữ dội. Mấy ngày sau bụng vẫn cứ lâm râm, nhưng ông không thể nào đi đại tiện được. May nhờ mấy đồng nghiệp nấu canh lá ớt cho ông ăn, thế là khỏi bệnh. Sau này mới biết, những người ra Hoàng Sa thường bị bệnh kiết lỵ, do ăn đồ hải sản lâu ngày…

Biết tin ông Trần Huynh hiện còn lưu giữ những kỷ vật hồi ở Hoàng Sa, chúng tôi tìm về thôn Dương Lâm 2. Căn nhà cấp 4 thấp lè tè trở nên ngột ngạt giữa cái nắng hầm hập. Trong ngôi nhà ấy chẳng có thứ gì đáng giá, cái bàn con ọp ẹp, chiếc giường cũ kỹ. Ông Huynh ngồi đó, người gầy guộc, một bên con mắt bị hỏng, con mắt còn lại nhìn xa xăm… nhìn vóc dáng ấy, không ai nghĩ ông lại có thâm niên ở đảo khá dài. Độ tuổi 83, ông không còn khỏe mạnh, nhưng vẫn còn minh mẫn.

- Nguyên cớ nào ông ra Hoàng Sa? Tôi nêu câu hỏi.

Ông Trần Huynh trả lời: “Hồi nhỏ tôi bị hỏng một con mắt nên không bị bắt lính. Lớn lên tôi vào làm tại ty Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, Đà Nẵng. Hồi đó công việc chủ yếu dự báo thời tiết và đếm mưa, đo gió. Vì thân cô, thế cô nên phải ra đảo thường xuyên!

- Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?

- Tết Mậu Thân! Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng ra đảo!

- Ông ra đảo nhiều lần như vậy chắc còn lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến Hoàng Sa?

- Trước đây nhiều lắm! Nhưng mất hết, chỉ còn lại cành san hô đỏ thôi! 46 năm rồi còn gì!

Nói xong, ông quay vào buồng lấy ra cho tôi xem kỷ vật ấy. Có điều rất lạ là cành san hô này được ông Huynh đem về từ hồi tết Mậu Thân, vậy mà màu sắc vẫn còn tươi tắn. Thấy tôi nâng máy lên chụp ảnh, ông khoe: “Mấy lần có người hỏi mua nhưng tôi không bán, vì đấy là kỷ vật duy nhất về Hoàng Sa còn sót lại!”.

Nhìn bề ngoài ông Huynh trông có vẻ khắc khổ, vậy mà con cái tương đối thành đạt. Những năm ông đi biền biệt, một nách nuôi 5 con nhỏ nhưng bà Nguyễn Thị Hòa (vợ ông) vẫn lo lắng chu toàn. Con trai lớn Trần Văn Tiến hiện là Thiếu tá quân đội, anh đang công tác tại Biên phòng thành phố Đà Nẵng. Con thứ là Công an huyện Hòa Vang. Ông đã có đủ cháu nội và ngoại…

Hàn huyên với ông đủ thứ chuyện. Chuyện nào ông kể cũng hấp dẫn, cũng muốn nghe. Lúc chia tay, câu nói của ông đầy trách nhiệm và tâm huyết: “Tôi rất vui vì UBND thành phố vừa mới công bố quyết định xây nhà tưởng niệm Hoàng Sa. Nhân đây, tôi muốn nhắn gửi tới những người đã từng công tác trên đảo, dù đang sinh sống trong nước hay định cư ở nước ngoài hãy tìm cách liên lạc với chính quyền để làm nhân chứng, vật chứng về Hoàng Sa. Hãy nói cho mọi người biết, Hoàng Sa là một phần của đất nước Việt Nam yêu dấu…”.

Ông Trần Văn Sơn hiện ở đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) một thời là binh sĩ được cử ra trấn giữ Hoàng Sa. Dù cuộc sống ở nơi đảo vắng không mấy khó khăn, nhưng mỗi khi tết đến, xuân về, những người con xa xứ, xa tổ ấm gia đình không khỏi chạnh lòng. Để chuẩn bị đón chào năm mới, họ phải lo trước cả tháng trời. Gạo nếp, thịt, hương, đèn… đều mang từ đất liền ra. Những thứ anh em trên đảo tự túc được là cá khô, mực khô và rau xanh.

Ông Sơn tâm sự: “Sống quần tụ nơi đầu sóng, ngọn gió, lại cùng chung cảnh ngộ nên mọi người rất tự giác. Ai cũng tự tay lo lắng làm thật nhiều công việc lặt vặt giống như ở trong đất liền cốt là để phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình. Từ sáng 26 tết, mọi người phân công nhau vệ sinh vườn tược, dọn dẹp nhà cửa, rồi rủ nhau ra rừng tìm vài cành cây, cắt giấy thành những nụ hoa mai rồi kết lên đó. Mấy đóa hoa rừng và quả rừng cùng với đu đủ trong vườn được anh em đặt lên bàn thờ. Sau chiều 30 tết, mọi người quây quần bên nhau nghe tiếng lửa reo tý tách quanh nồi bánh chưng xanh được đun bằng củi phi lao. Đêm đến, xôi, chè và những “đặc sản” của đảo được bày sẵn ra mâm để đón đợi giao thừa.

Đêm 30, trời tối như bưng, tiếng gió gào rít, tiếng sóng biển ầm ào, chúng tôi lặng lẽ ngồi bên nhau trong cồn cào nỗi nhớ đất liền. Ai cũng thầm mong chiến tranh sớm kết thúc, đất nước thanh bình để được về sum vầy cùng vợ con. Kết thúc câu chuyện, ông Sơn tâm sự: “Mấy ngày nay tôi rất căm phẫn trước việc Trung Quốc cho đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam là một hành động trắng trợn, vi phạm chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Hành động này của họ cũng giống như 40 năm về trước, khi Trung Quốc cho tàu cá có vũ trang khiêu khích chiến hạm Lý Thường Kiệt. Giờ đây tuy tuổi cao, nhưng nếu được phép tôi sẽ tình nguyện ra Hoàng Sa để bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc như năm xưa đã từng đi!”…

Phóng sự của Vĩnh Lộc

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.