Biển và hải đảo Việt Nam (Kỳ cuối) - Một số nhân tố mới về biển
25 Tháng Bảy 2011 4:15 SA GMT+7
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII khẳng định phương hướng phát triển kinh tế thuỷ sản giai đoạn 2005 - 2010 là: Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển. Đẩy nhanh công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
Phát triển kinh tế biển Quảng Ngãi đến năm 2010: nhìn từ các Nghị quyết của Đảng
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII khẳng định phương hướng phát triển kinh tế thuỷ sản giai đoạn 2005 - 2010 là: Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển. Đẩy nhanh công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
 Quảng Ngãi có 131 km bờ biển, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 60.732 km2, có 6 huyện đảo và ven biển với 47.725 khẩu sinh sống bằng ngư nghiệp, 4 vạn lao động gắn bó với biển. Quảng Ngãi có  truyền thống về hoạt động kinh tế biển, về bảo vệ chủ quyền biển đảo qua hàng trăm năm lịch sử. Thế mạnh, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển,  bảo vệ chủ quyền biển đảo của cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã đặt ra yêu cầu về một tầm nhìn, những giải pháp chiến lược trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Tới năm 2010, hướng phát triển toàn diện kinh tế biển đảo của Quảng Ngãi với những nhiệm vụ chủ yếu là:
1. Phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, có trọng tâm, phát triển một số mũi có ưu thế truyền thống, sớm đưa ngành kinh tế thuỷ sản thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển kinh tế biển, lấy ngành thuỷ sản, du lịch làm chính. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ đồng thời với nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Tận dụng và phát huy các bến bãi, cầu cảng biển. Chú trọng khai thác cảng biển, phát triển công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá.
2. Phát triển đồng bộ và có hiệu quả việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Chủ trương của tỉnh là phát triển kinh tế thuỷ sản đồng bộ và bền vững, gắn kết giữa khai thác, nuôi trồng, chế biến và cung ứng dịch vụ thuỷ sản. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến. Chỉ tiêu đến năm 2010, sản lượng khai thác đạt 95.000 tấn, trong đó nuôi trồng 5.500 tấn (riêng sản lượng tôm nuôi là 4.200 tấn).
3. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến thuỷ sản, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm thuỷ sản. Thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế khu vực này theo hướng đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn công nghiệp chế biến với thị trường. Nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu có sức cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế. Cùng với đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng là phát triển mạnh cơ sở chế biến thuỷ sản, tăng nhanh sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nghề cá, trước hết là cảng cá sa Huỳnh, vũng neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá Lý Sơn, bến neo đậu tàu thuyền Tịnh Hoà, cảng cá Sa Kỳ, Sa Cần...
4. Đặc biệt chú trọng tổ chức những tập đoàn, những đội tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Tổ chức dịch vụ cung ứng nghề cá phục vụ chủ trương vươn khơi xa. Tính đến tháng 7/2006, tỉnh ta có 3.896 chiếc tàu thuyền trên 20 CV. Tuy số lượng nhiều nhưng không mạnh, tàu công suất thấp, trang bị lạc hậu, hầu như tác chiến đơn lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Thực trạng đó khiến cho mỗi khi gặp bão lốc bất thường, sự cố va quệt... không có sự ứng cứu kịp thời nên tổn thất nặng. Khâu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh ta vốn đang là khâu yếu. Hướng tới đóng những con tàu công suất lớn, trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động đánh bắt khơi xa, dài ngày và hiệu quả.
5. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Biển Đông của Tổ quốc. Tăng cường tuyên truyền nâng cao trình độ pháp luật về biển, Luật biển quốc tế, những quy định bắt buộc đối với ngư dân khi ra khơi. Trang bị cho ngư dân nghiệp vụ thông tin cứu nạn tàu thuyền đánh cá. Tăng cường tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của thềm lục địa đối với phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Ý thức của nhân dân trên một số lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển chưa thấu đáo nên hệ quả là hiểu về pháp luật, chấp hành luật trên biển còn yếu, còn vi phạm pháp luật do không có kiến thức khi hoạt động ở vùng đánh cá chung, ở khu phân định trên vịnh Bắc Bộ và không thông hiểu luật pháp quốc tế khi tránh bão ở biển nước ngoài. Thực hiện chủ trương xã hội hoá trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Mỗi ngư dân là tai, là mắt tinh tường trên vùng biển trời của Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ quyền lãnh hải, đi đôi với đấu tranh chống các quan điểm sai trái, kịp thời định hướng dư luận, bác bỏ luận điệu xuyên tạc chống lại các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biển đảo.
6. Biển nước ta rất giàu có. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức bảo vệ tài nguyên biển. Ngăn chặn các hành vi huỷ hoại và gây ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học. Thời gian qua, Quảng Ngãi vốn là địa phương trọng điểm tệ nạn sử dụng thuốc nổ đánh bắt thuỷ hải sản. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc nhưng xem ra chưa có dấu hiệu suy giảm. Trước hết là nhận thức và cùng với nhận thức là các biện pháp ngăn chặn quyết liệt việc sử dụng thuốc nổ đánh bắt cá để giữ cho biển không biến thành biển chết.
DUNG QUẤT: MÔ HÌNH KINH TẾ BIỂN
"Ngay từ khi thai nghén thành lập vào năm 1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất ý tưởng hình thành Dung Quất như là một Khu kinh tế tổng hợp. Do mô hình Khu kinh tế là một khái niệm mới tại Việt Nam vào lúc đó, việc hiện thực hoá mô hình này yêu cầu cần một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, và nhất thiết phải được đề cập, quy định và điều chỉnh trong khung pháp lý của Việt Nam. Trong điều kiện như thế, sự phát triển của Dung Quất đã được quyết định theo mô hình pháp lý và khái niệm của một Khu công nghiệp, được điều chỉnh theo Nghị định 36/CP ngày 11/4/1997. Nhưng thực tế phát triển, những đặc thù mang tính chất của "Khu kinh tế" đã được thể hiện trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất".
Việc chuyển Dung Quất thành khu kinh tế không chỉ đơn giản là sự đổi tên mà thực sự là một bước pháp lý hoá các thể chế về cơ chế quản lý và chính sách phát triển trong điều kiện nền kinh tế hội nhập toàn cầu, đánh dấu những thay đổi căn bản về chất của Dung Quất.
Mô hình "khu trong khu" và vấn đề quản lý nhà nước
Khu kinh tế Dung Quất bao gồm các khu đô thị và cụm dân cư, các khu công nghiệp (công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ), khu cảng nước sâu và đa năng, Khu dịch vụ hậu cần cảng, Khu bảo thuế, các khu du lịch - dịch vụ gần sân bay... Tất cả các "Khu" này có quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau, là động lực của nhau  và là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đó là điều kiện quan trọng bậc nhất trong quá trình thu hút đầu tư.
So với khu công nghiệp, khu kinh tế với nhiều đối tượng quản lý khác nhau; bao gồm cả yếu tố doanh nghiệp lẫn các yếu tố khác như đô thị, du lịch, dân cư, cảng biển, tài nguyên... Do đó, không thể vận dụng đầy đủ Nghị định 36/CP cho việc quản lý của khu kinh tế. Về quản lý khu kinh tế, cơ bản phải vận hành trong hệ thống luật pháp hiện hành của quốc gia; đồng thời cần thiết ban hành quy định, các hành lang pháp lý riêng để quản lý các nhân tố Khu trong Khu, tương tự như thẩm quyền của cấp quản lý hành chính lãnh thổ. Ở góc độ hẹp, khu kinh tế thực chất là một địa bàn lãnh thổ thu nhỏ.
Chính vì vậy, việc trao đổi và việc uỷ quyền rộng hơn cho Cơ quan quản lý khu kinh tế nhất thiết phải được thực hiện mạnh mẽ để phù hợp với tính chất đa ngành, đa lĩnh vực của khu kinh tế. Thực trạng phát triển của Dung Quất thời gian qua cho thấy, khi mà việc trao quyền, uỷ quyền quản lý còn bỏ hẹp thì điều tất yếu là có quá nhiều cấp, nhiều ngành tham gia vào quá trình quản lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính trước những tồn tại và vướng mắc mà các doanh nghiệp đặt ra.
Quản lý nhà nước tại khu kinh tế theo mô hình "khu trong khu" có thuận lợi rõ ràng: Với mục tiêu trọng tâm hướng đến là phát triển công nghiệp - phát triển kinh tế, việc quản lý nhà nước tại khu kinh tế có điều kiện tốt để giải toả sức ép về xã hội và ở một mức độ cao hơn, nó có điều kiện để vận hành và vận dụng các tiện tích xã hội nội khu để phục vụ tốt nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu. Bộ máy quản lý này sẽ có những thẩm quyền đa ngành - đa lĩnh vực nhưng lại có tính chất chuyên biệt và chuyên môn hoá cao, do đó có điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có tiền lệ tại Việt Nam và đó sẽ là một bất cập nếu như không được nghiên cứu, bám sát thực tiễn để dự báo và đưa ra các giải pháp giải quyết một cách hợp lý.
Với một diện tích lớn so với một khu công nghiệp và tương đối nhỏ so với một đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng lại chứa đựng cả yếu tố kinh tế và xã hội. Khu kinh tế Dung Quất với mô hình "khu trong khu" sẽ là một địa điểm rất phù hợp cho việc áp dụng những chính sách thử nghiệm như: Tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp, uỷ quyền quản lý từ Trung ương cho địa phương, sự mở cửa một số lĩnh vực kinh tế hiện nay đang hạn chế đầu tư nước ngoài, một số loại hình kinh doanh chưa từng được áp dụng tại Việt Nam hoặc các vấn đề về thủ tục đầu tư, chế độ tài chính, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và cư trú, thủ tục hải quan... nhằm mục tiêu cải cách nền hành chính và cải thiện mạnh môi trường đầu tư theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Khi tác động trở lại, những chính sách thử nghiệm này sẽ nhanh chóng hoàn thiện môi trường đầu tư và tăng tính hấp dẫn của khu kinh tế; đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mô hình "khu trong khu" và tính chất liên kết vùng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Với một không gian kinh tế có thể được xem là tương đối độc lập và có khả năng "phát triển khép kín", nhưng khu kinh tế không thể tự tồn tại mà không cần đến một không gian kinh tế lớn hơn để hình thành các thị trường thiết yếu với những quan hệ kinh tế cần thiết. Sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất rất cần những điều kiện như:
1. Một thị trường liên kết có quy mô tương đối rộng.
2. Sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ tại chỗ.
3. Sự hình thành và phát triển cảng, sân bay, tuyến Côngtenơ đường biển nội địa và quốc tế, khu trung chuyển hàng hoá của khu vực.
4. Sự phụ thuộc tương đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam và sự tác động ảnh hưởng của các khu kinh tế trong vùng.
5. Nguồn nhân lực được đào tạo và đáp ứng ở mức cao.
Như vậy, cho dù nhiều lợi thế và ưu đãi thì từng khu kinh tế phải nằm trong sự điều chỉnh có tính chất quốc gia về quy hoạch, có những quy định pháp lý riêng biệt và phải có sự kết nối liên vùng về hạ tầng, đô thị, dịch vụ và thị trường. Đặc biệt là cơ chế quản lý phải được cởi trói để thật sự đáp ứng cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, ở nước ta đang hình thành ngày càng nhiều khu kinh tế. Mỗi khu kinh tế khi thành lập được Thủ tướng Chính phủ ban hành một quy chế riêng. Đó là điều hết sức cần thiết; nhưng quy chế cần giải quyết được 2 vấn đề cơ bản trong quản lý và phát triển là cơ chế quản lý theo hướng trao quyền mạnh mẽ cho cơ quan quản lý khu kinh tế và chính sách cần có sự ưu đãi vượt trội, trong đó, có một số chính sách thí điểm có tính chất thực nghiệm để khu kinh tế mới có thể thật sự trở thành động lực phát triển Vùng.
Cần tăng cường yếu tố liên vùng, trong đó mỗi khu kinh tế vừa là hạt nhân tăng trưởng kinh tế vùng, vừa liên kết, hỗ trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh lại quy hoạch vùng trọng điểm kinh tế miền Trung; trong đó cần xác định vai trò từng khu kinh tế theo hướng chuyên sâu, vừa xác định những nhân tố mang tính động lực chung, vừa xác định những công trình mang tính sử dụng chung; không nhất thiết khu kinh tế nào cũng có. Chẳng hạn những ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế và hiệu quả hơn; các sân bay, đường cao tốc, cảng biển, các trung tâm đào tạo, các đô thị hạt nhân, các Khu du lịch trọng điểm... Từ đó, xác định những công trình nào có tính chất vùng mà Nhà nước cần tập trung ưu tiên đầu tư và cơ chế huy động mọi nguồn vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng không được để lãng phí vì đầu tư kém hiệu quả.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển, khu kinh tế Dung Quất có các ngành công nghiệp lọc dầu - hoá dầu - hoá chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn bao gồm: Công nghiệp cơ khí chế tạo và lắp ráp, đóng sửa tàu biển, luyện - cán thép...; do đó cần đưa vào quy hoạch ngành và vùng trong chiến lược phát triển của quốc gia; đồng thời trong thực tế cần có sự chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược này vào khu kinh tế Dung Quất nhằm khai thác lợi thế tốt nhất về điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng; để nâng cao hiệu quả trong đầu tư.
Trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay, đã và đang xuất hiện tình hình căng thẳng về nhà ở và các dịch vụ tiện ích cho cán bộ - công nhân lao động. Giải quyết vấn đề này, không chỉ đơn thuần là để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động mà bản chất vấn đề là bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án đầu tư.
Đi đôi với chính sách đầu tư phát triển các đô thị mới, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt ưu đãi về đất, về thuế, về đầu tư hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật - xã hội và dịch vụ dùng chung, về vốn tín dụng ưu đãi dành riêng cho các dự án xây dựng chung cư và nhà ở cho công nhân. Có như vậy, trong một thời gian nhất định mới có thể cải thiện đáng kể vấn đề này tại khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước không thể đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư cho những công trình cần thiết, vì mỗi năm ngân sách cấp một vài trăm tỷ đồng (như khu kinh tế Dung Quất hiện nay), trong khi yêu cầu đầu tư phải vài ba ngàn tỷ đồng thì tốc độ phát triển sẽ chậm và không đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của nhà đầu tư. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần sớm cho khu kinh tế một cơ chế tài chính để làm cơ sở huy động tổng lực các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt là cơ chế quản lý và cơ chế tài chính sẽ là hai yếu tố quyết định, tạo ra sự thúc đẩy để chính sách ưu đãi đầu tư thật sự được phát huy trong quá trình phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế; trong đó có khu kinh tế Dung Quất.
NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM VƯƠN LÊN TẦM CAO MỚI
Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Theo Quyết định sẽ hình thành Petrovietnam đa sở hữu (trong đó Nhà nước sở hữu chi phối về vốn) trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; kinh doanh đa ngành, trong đó thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí là ngành kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với khoa học, công nghệ, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả và bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước.
Về mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Cơ cấu Petrovietnam bao gồm: Công ty mẹ - Petrovietnam là công ty Nhà nước; có chức năng ký kết và giám sát việc thực hiện các hợp đồng dầu khí với nước ngoài; thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí; đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác; giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài sản được Nhà nước giao quản lý, công nghệ, thương hiệu và thị trường; được hình thành trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc và các ban quản lý dự án của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Các tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, trong đó Công ty mẹ do Petrovietnam nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm: Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (được hình thành trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí); Tổng Công ty Khí (được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí và các đơn vị sản xuất, kinh doanh bán buôn khí, các xí nghiệp liên doanh, các ban quản lý dự án khí); Tổng Công ty Sản xuất và Kinh doanh điện (thành lập mới khi các nhà máy điện do Petrovietnam làm chủ đầu tư đi vào hoạt động); Tổng Công ty Lọc, hoá dầu (thành lập mới khi các nhà máy lọc, hoá dầu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư đi vào hoạt động).
Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Petrovietnam sở hữu 100% vốn điều lệ (thực hiện trong năm 2006 - 2007): Tài chính Dầu khí; Thương mại Dầu khí; Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ; Cung ứng và Xuất khẩu lao động dầu khí (thành lập mới).
Các công ty do Petrovietnam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Các công ty cổ phần: Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí; Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch dầu khí; Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí; Công ty Xây lắp dầu khí; Công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm dầu khí.
Các công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006-2007: Công ty Bảo hiểm dầu khí; Công ty Vận tải dầu khí; Công ty Phân đạm và Hoá chất dầu khí. Các doanh nghiệp liên doanh: Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô; Công ty liên doanh Dầu khí Mekong. Các doanh nghiệp thành lập mới theo quy định của pháp luật: Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí; Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí; Ngân hàng cổ phần Dầu khí.
Các công ty do Petrovietnam nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ: Các công ty thực hiện cổ phần hóa năm 2006 - 2007: Công ty Kinh doanh khí hoá lỏng miền Bắc; Công ty Kinh doanh khí hoá lỏng miền Nam. Các công ty khác được hình thành theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp khoa học công nghệ: hình thành trên cơ sở tổ chức lại Viện Dầu khí và các đơn vị nghiên cứu trong Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Các Cơ sở đào tạo: Trường đào tạo nhân lực dầu khí; Trường Đại học Dầu khí (thành lập khi có đủ điều kiện, hoạt động theo cơ chế kinh doanh).
Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Petrovietnam trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu, giúp việc và các ban quản lý dự án của Petrovietnam. Petrovietnam là công ty Nhà nước, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, được tự chủ kinh doanh, có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Group. Ngành nghề kinh doanh của Petrovietnam bao gồm: nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển dầu khí, làm dịch vụ về dầu khí; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, sản phẩm dầu khí, hóa dầu; kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu, khí, các nguyên liệu hóa phẩm dầu khí; đầu tư, sản xuất, kinh doanh điện; hoạt động tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm; đào tạo, cung ứng nhân lực dầu khí; xuất khẩu lao động...
Thành tựu của ngành dầu khí Việt Nam
Năm 1981, liên doanh dầu khí quốc tế đầu tiên - Vietsovpetro ra đời và đã phát hiện dòng dầu đầu tiên ở Mỏ Bạch Hổ. Đến tháng 6/1986, tấn dầu thô đầu tiên mới được lấy lên từ lòng đại dương. Vietsovpetro đã khai thác hàng triệu tấn dầu, góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Đến tháng 6/2005, sản lượng dầu thô khai thác được từ 6 mỏ thuộc thềm lục địa của Việt Nam và mỏ MP3, trên vùng chồng lấn với Malaixia đạt 183,89 triệu tấn. Việt Nam đứng vào danh sách các nước xuất khẩu dầu khí và đứng thứ 3 ở ASEAN về sản lượng khai thác dầu thô. 9 năm sau, kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác, ngày 26/4/1995, dòng khí đầu tiên được thu gom từ mỏ Bạch Hổ mới đưa được vào bờ theo đường ống dẫn khí dài 160 km để cung cấp cho nhà máy điện Bà Rịa với lưu lượng một triệu m3 khí/ngày.
Tháng 10/1998, đứa con thứ hai của năng lượng khí Việt Nam ra đời: Nhà máy Xử lý khí (LPG) Dinh Cố đưa vào hoạt động đã cung cấp ổn định lưu lượng khí ngày một tăng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đến cuối năm 2001, lưu lượng 5,7 triệu m3 khí/ngày đêm đã được thu gom đưa vào bờ từ các mỏ Bạch Hổ, mỏ Rạng Đông. Ngoài 1,5 tỉ m3 khí khô, mỗi năm Vietsovpetro còn cung cấp thêm 350.000 tấn khí hoá lỏng và 130.000 tấn condensat.
Nhiều mỏ có giá trị thương mại đã lần lượt được đưa vào khai thác trong đó có mỏ khí Lan Tây thuộc dự án Nam Côn Sơn được đưa vào bờ thành công đầu tiên năm 2002. Dự án khí Nam Côn Sơn với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô giai đoạn 1991 - 2000 đạt trên 11,6 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác quy dầu đến hết năm 2004 đạt 188,61 triệu tấn, trong đó dầu thô khai thác đạt 169,9 triệu tấn, xuất khẩu trên 166 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 30 tỷ USD, vận chuyển vào bờ và cung cấp 18,67 tỷ m3 khí cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khác. Năm 2005, ngành Dầu khí đã khai thác 18,6 triệu tấn dầu thô và 6,6 tỷ m3 khí. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD, tăng hơn mức kỷ lục đã đạt năm 2004 gần 1,33 tỷ USD.
Ông Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cho biết: sau 30 năm hình thành và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đưa nước ta vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới và đứng hàng thứ 3 ở khu vực Đông Nam á về sản lượng khai thác dầu thô. Đến nay, ngành Dầu khí đã được xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới chế biến, phân phối và kinh doanh dịch vụ. Từ buổi đầu hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách, đến nay ngành Dầu khí đã tích luỹ được một lượng vốn chủ sở hữu hơn 62.000 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, ngành Dầu khí đã duy trì mức đóng góp từ 20 đến 25% tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng đưa nước ta vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng.
Những năm qua, Petrovietnam đã khởi công xây dựng nhiều công trình dầu khí quan trọng:
* Liên hợp hóa lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa, có công suất chế biến 7 triệu tấn dầu thô/năm, trên diện tích 325 ha và sẽ hoạt động vào năm 2011, với tổng vốn đầu tư 2,488 tỷ USD, riêng giai đoạn 1 khoảng 1,7-1,8 tỷ USD.
* Nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư 445 triệu USD. Nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ là công trình hoá dầu lớn nhất của Việt Nam được xây dựng trên diện tích 63 ha, công suất 1.350 tấn amôniắc/ngày và 2.200 - 2.400 tấn urê/ngày. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nguồn khí thiên nhiên từ mỏ Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và các bể khác thuộc thềm lục địa phía Nam để sản xuất urê chất lượng cao phục vụ ngành nông nghiệp. Sự ra đời của của Nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ đánh dấu bước phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam.
* Đường ống dẫn khí đốt Nam Côn Sơn dài 399 km, gồm 362 km đường ống ngầm dưới biển và 37 km trên đất liền đưa khí từ các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ về Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đường ống có vốn đầu tư là 365 triệu USD, công suất vận chuyển 7 tỷ m3 khí/năm, giai đoạn đầu là 2,7 tỷ m3 khí, giai đoạn 2 nâng lên 6 - 6,5 tỷ m3 khí/năm.
* Nhà máy lọc dầu Dung Quất xây dựng tại hai xã Bình Trị và Bình Thuận trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích đất và mặt biển của Nhà máy là 816,03 ha, trong đó: Nhà máy chính 110 ha. Khu bể chứa dầu thô và sản phẩm là 85,83 ha. Tuyến ống dẫn dầu thô, sản phẩm, cấp và xả nước biển 94,46 ha. Bến cảng xây dựng, khu cảng xuất sản phẩm, hệ thống phao rót dầu không bến (SPM), đường ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu 486,04 ha đất và mặt biển. Đường vào Nhà máy lọc dầu, khu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên tại Vạn Tường 39,7 ha. Công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Tổng mức đầu tư là 2,501 tỷ USD (chưa bao gồm phí tài chính trong thời gian xây dựng). Tiến độ thực hiện: hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2009.
Tiềm năng phát triển và tình hình đầu tư
Qua tìm kiếm thăm dò cho đến nay, các tính toán dự báo đã khẳng định tiềm năng dầu khí Việt Nam tập trung chủ yếu ở thềm lục địa (trữ lượng khí thiên nhiên có khả năng nhiều hơn dầu). Với trữ lượng đã được thẩm định, nước ta có khả năng tự đáp ứng được nhu cầu về sản lượng dầu khí trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Ngành Dầu khí bước đầu đã xác định được nguồn trữ lượng và tiềm năng dầu khí của Việt Nam (khoảng từ 3,8 đến 4,2 tỷ tấn dầu quy đổi). Trên phần diện tích thềm lục địa có chiều sâu nước biển đến 200 m, đã phát hiện 63 cấu tạo có chứa dầu khí với trữ lượng có thể khai thác được khoảng 825 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó khoảng 425 triệu tấn dầu và 400 tỷ m3 khí. Tiềm năng dầu khí tại các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Ma Lay - Thổ Chu, Vùng Tư Chính - Vũng Mây... đã được xác định là từ 0,9 - 1,2 tỷ m3 dầu và từ 2.100 - 2.800 tỷ m3 khí.
Hiện nay, ngành Dầu khí nước ta đang khai thác dầu khí chủ yếu tại 6 khu mỏ bao gồm: Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bunga Kekwa - Cái Nước và chuẩn bị đưa vào khai thác mỏ khí Lan Tây - lô 06.1. Công tác phát triển các mỏ Rạng Đông, Ruby và Emeral, Lan Tây - Lan Đỏ, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Hải Thạch, Rồng Đôi, Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi... đang được triển khai tích cực theo chương trình đã đề ra, đảm bảo duy trì và tăng sản lượng khai thác dầu khí cho những năm tới.
Những phát hiện về dầu khí mới đây ở thềm lục địa phía Nam nước ta đã tăng thêm niềm tin và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là: lô 09-2, giếng Cá Ngừ Vàng - IX (kết quả thử vỉa thu được 330 tấn dầu và 170.000m3 khí/ngày). Lô 16 - 1, giếng Voi Trắng - IX (kết quả 420 tấn dầu và 22.000m3 khí/ ngày). Lô 15.1, giếng Sư Tử Vàng - 2X (820 tấn dầu) và giếng Sư Tử Đen - 4X (980 tấn dầu/ngày).
Triển khai tìm kiếm thăm dò mở rộng các khu mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng với các giếng R-10, 05- ĐH-10 cho kết quả 650.000 m3 khí ngày đêm và dòng dầu 180 tấn/ngày đêm; Giếng R-10 khoan tầng móng đã cho kết quả 500.000 m3 khí/ngày đêm và 160 tấn Condensate/ngày đêm.
Với nhiều tiềm năng sẵn có, Dầu khí Việt Nam đang trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư nước ngoài sôi động. Hiện nay, đã có khoảng 30 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn dầu khí đứng đầu trên thế giới. Nhiều tập đoàn dầu khí lớn của thế giới đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hai tập đoàn dầu khí lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là BP và Conoco Phillips cũng đang xúc tiến các kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam.
Ông John C. Mingé, Tổng Giám đốc BP Việt Nam cho biết: BP muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để có thể triển khai hiệu quả một số dự án mới và mở rộng các dự án hiện có trong 10 năm tới. BP tính toán đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào dầu khí Việt Nam. Nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào việc nâng công suất khai thác mỏ khí Lan Tây & Lan Đỏ (lô 6.1), phát triển thêm mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh (lô 5.2 và 5.3) và xây dựng một nhà máy điện tiêu thụ khí tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Hiện tại BP đang là nhà thầu điều hành dự án khí Nam Côn Sơn (có tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD) và nắm 35% cổ phần khai thác tại lô 6.1 của dự án này. Lô 6.1 hiện có công suất khai thác là 3 tỉ m3 khí/năm. Ông Mingé cho biết BP đang có kế hoạch đầu tư mở rộng giàn khoan khai thác để nâng công suất khai thác của lô 6.1 thêm 50% so với công suất thiết kế ban đầu vào giữa năm 2007, nhằm tăng sản lượng cung cấp khí thiên nhiên cho các nhà máy điện vào năm 2010. Các đối tác đầu tư của BP tại lô 6.1 là ONGC (ấn Độ) với 45% cổ phần và Petrovietnam với 20% cổ phần. Ngoài ra, BP cũng đang trong quá trình thảo luận để sớm triển khai dự án phát triển lô 5.2 và 5.3, nằm kế bên lô 6.1 với mục tiêu đưa khí vào bờ vào năm 2010.
Tập đoàn Dầu khí Conoco Phillips (Mỹ) (một trong những Tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD) cho biết: Trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ đầu tư hơn 1 tỉ USD cho các dự án khai thác dầu tại Việt Nam. Năm 2006, Tập đoàn đã đầu tư khoảng 115 triệu USD để phát triển lô 15.1 bao gồm các mỏ dầu Sư Tử Đen, Sư Tử Trắng, Sư Tử Vàng và Sư Tử Nâu. Hiện tại mỏ Sư Tử Đen có công suất khai thác 70.000 thùng dầu/ngày và là mỏ dầu có công suất khai thác lớn thứ ba tại Việt Nam. Conoco Phillips hiện đang nắm giữ 23,25% cổ phần khai thác tại lô 15.1; 36% tại lô 15.2; 70% tại lô 133 và 134; 50% tại lô 5.3 và 16,33% tại Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.
PetroVietnam cho biết: trong thời gian tới sẽ tiếp tục ký kết các hợp đồng đang mời thầu còn lại với các công ty nước ngoài. Trước mắt, PetroVietnam đang chuẩn bị ký một hợp đồng thăm dò lô 06/94 thuộc bể Nam Côn Sơn với tổ hợp nhà thầu Pearl Energy Ltd (Xinhgapo), Serica Energy Group (Canađa) và Lundin Petroleum AB (Thụy Điển).
Phương hướng phát triển trong thời gian tới
Năm 2006, Petrovietnam có kế hoạch khai thác 20,86 triệu tấn dầu thô quy đổi (tăng 1,5 triệu tấn so với mức đã thực hiện trong năm 2002). Đây là năm đầu tiên nước ta dự kiến khai thác trên 20 triệu tấn dầu thô quy đổi. Trong đó, có 17,6 triệu tấn dầu thô và 3,7 tỷ m3 khí thiên nhiên. Dự kiến đến năm 2010, ngành Dầu khí nước ta sẽ khai thác từ 30 - 32 triệu tấn dầu thô quy đổi, nhằm đáp ứng các ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp của cả nước.
Bộ Công nghiệp hiện đang cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật về dầu khí, quy hoạch phát triển ngành dầu khí trong tổng thể quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam, đồng thời tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho dầu khí.
Để ngành dầu khí phát triển bền vững, trong thời gian tới cần:
- Xây dựng Petrovietnam thành một tập đoàn dầu khí mạnh ở khu vực Đông Nam á, có khả năng điều hành các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và phân phối dầu khí, gia tăng trữ lượng thu hồi khoảng 250 - 300 triệu tấn quy dầu vào năm 2010, đảm bảo sản lượng khai thác từ 30 - 32 triệu tấn quy dầu vào năm 2010.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ học vấn cao, công nhân kỹ thuật lành nghề. Tiến tới làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò tiên tiến của thế giới, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ khoan, khai thác, tăng khả năng thu hồi tại các mỏ đang và sẽ đưa vào khai thác, phát triển các mỏ dầu khí nhỏ hoặc chứa hàm lượng CO2 cao.
- Tiếp tục các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí.
- Đầu tư xây dựng được các cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như dịch vụ căn cứ; tàu thuyền, sửa chữa thiết bị, khoan, dung dịch khoan, hóa phẩm cho khoan, phân tích mẫu, gia công chế tạo, lắp ráp các khối chân đế giàn khoan - khai thác; xây lắp và bảo dưỡng các công trình biển…
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phục vụ điều tra cơ bản, xác định tiềm năng dầu khí các khu vực đến nay chưa được nghiên cứu, gia tăng trữ lượng thu hồi và sản lượng khai thác ở các khu mỏ. Nghiên cứu chi tiết cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí ở các vùng nước sâu, xa bờ, các vùng chưa được nghiên cứu đầy đủ và các vùng chồng lấn. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác và bảo dưỡng các công trình dầu khí, tiến tới thực hiện chức năng thẩm định các công trình dầu khí. Chế tạo các tổ hợp sinh hóa phục vụ khai thác, vận chuyển dầu khí đặc thù của Việt Nam.
- Nghiên cứu các dự án về khí, các giải pháp phát triển thị trường khí đốt.
- Nghiên cứu các vấn đề quản lý, kinh tế, tài chính dầu khí.
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí.
- Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và đẩy mạnh các hoạt động xã hội.
KIÊN GIANG PHÁT  TRIỂN  KINH TẾ  BIỂN
Kiên Giang là một trong những vùng biển có tiềm năng rất lớn về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Vì vậy, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII xác định, kinh tế biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của Kiên Giang đến năm 2020.
Tiềm năng
Kiên Giang là tỉnh có vùng biển, hải đảo và ven biển rất đa dạng và phong phú. Vùng biển Kiên Giang với trữ lượng hơn 460 ngàn tấn thủy sản các loại, hằng năm cho phép khai thác trên 200 ngàn tấn. Với hơn 200 km bờ biển cùng hơn một trăm đảo nổi lớn nhỏ, biển Kiên Giang cho khả năng khai thác và nuôi trồng thủy sản nước mặn cũng như phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề chế biến hải sản.
Khai thác thế mạnh tiềm năng này, trong giai đoạn 2001 - 2005 bình quân hằng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế biển của Kiên Giang đạt trên 18%, tỷ trọng kinh tế biển trong GDP toàn tỉnh năm 2006 là 58% (nếu tính cả sản xuất vật liệu thì chiếm đến 70%). Hiện nay, toàn tỉnh có 7.322 tàu đánh cá công suất lớn, 41 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, trên 100 cơ sở cơ khí; diện tích nuôi trồng đạt 92.230 ha với sản lượng 66.768 tấn. Như vậy riêng về nuôi trồng thủy sản, diện tích đã tăng 33 lần và sản lượng tăng 7,4 lần so với năm 1998. Năm 2006, các cơ sở chế biến hàng thủy sản đông lạnh ước đạt 45.000 tấn, sản phẩm chế biến đạt 23.300 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 81 triệu USD, tăng trên 4 lần so với năm 1998. Một số ngành như sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ven biển tăng khá; du lịch - dịch vụ kinh tế biển giai đoạn 1998 - 2006 tăng trưởng 12,32%. Đây là tiền đề, tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống bình quân cho người dân Kiên Giang.
Ông Đinh Văn Lóc, một trong những ngư dân trên 40 năm sống ở xã đảo Hòn Nghệ cho biết, trước đây, do đầu tư cho việc nuôi trồng chưa đúng mức, chủ yếu là khai thác, ngư trường ngày một cạn kiệt, giá nhiên liệu luôn không ổn định cùng với biến động của thị trường là những nguyên nhân khiến gia đình ông cũng như nhiều ngư dân nơi đây rơi vào cảnh nghèo khó. Nhưng từ khi gia đình ông chuyển hướng chú trọng đầu tư cho việc nuôi trồng, chỉ trong vài năm trở lại đây kinh tế gia đình đã có những bước khởi sắc đáng kể. Hiện gia đình ông Lóc đang nuôi một bè cá bóng mú 12 ngàn con. Tính đến nay, bè cá của ông đã được 6 tháng tuổi, khoảng 3 tháng nữa là có thể thu hoạch được. Thông thường loại cá này khi đạt trọng lượng từ 800 g đến 1 kg là có giá nhất, từ 80 ngàn đến trên 100 ngàn đồng/kg. Với số lượng hơn 12 ngàn con, đến khi thu hoạch được, gia đình ông sẽ có thể thu về khoảng 120 triệu đồng.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay nghề nuôi thủy sản trên biển bằng lồng bè đã bước đầu khẳng định được vị thế về kinh tế trong ngư dân tỉnh Kiên Giang. Hiện, mô hình nuôi cá lồng trên biển đã rất phổ biến ở các địa phương vùng hải đảo. Hơn 200 bè đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Định hướng chiến lược
Mới đây, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Theo Nghị quyết, tỉnh Kiên Giang xác định, mục tiêu phát triển kinh tế biển trong tổng GDP của tỉnh đến năm 2010 là 75%, năm 2015 là 78% và đến năm 2020 phải đạt 80%. Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân vùng biển, ven biển và hải đảo. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng cao gấp 2 lần so với mức thu nhập bình quân chung của tỉnh... Bên cạnh đó, việc xây dựng thương cảng và sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực, huy động một số tập đoàn kinh tế mạnh về du lịch, sản xuất điện, công nghiệp đóng tàu... phải được đặc biệt chú trọng nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cùng đầu tư phát triển kinh tế biển.
Phát triển mạnh khai thác nuôi trồng, chế biến thủy sản, phát triển các ngành du lịch biển, Kiên Giang cũng xác định xây dựng Phú Quốc thành trung tâm kinh tế lớn của vùng hướng mạnh ra biển. Đến năm 2020, Phú Quốc phải trở thành trung tâm giao thương quốc tế, hình thành và phát triển tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Tây.
Hy vọng với phương hướng đề ra, Kiên Giang sẽ sớm trở thành một vùng phát triển về kinh tế, mạnh về du lịch, đời sống nhân dân ngày càng đi lên trên con đường no ấm.
THỪA THIÊN HUẾ TÀI NGUYÊN BIỂN VÀ VEN BIỂN
Với chiều dài 120 km, biển Thừa Thiên Huế có nhiều chủng loại hải sản,  có 500 loài cá trong đó  30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá chim, cá thu và các loại hải sản khác. Trữ lượng khai thác trung bình khoảng 30 - 35 nghìn tấn/năm.
Tiềm năng biển và ven biển
1. Tiềm năng biển:
Thừa Thiên Huế  là tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, có chiều dài bờ biển gần 126 km, tiếp cận với ngư trường biển Đông, có tiềm năng to lớn về hải sản, năng suất khai thác hợp lý là 40.000 - 50.000 tấn/năm.
Ngoài ra ngư dân Thừa Thiên Huế có kinh nghiệm trong việc di chuyển ngư trường theo mùa vụ nên hàng năm có thể mở rộng ngư trường khai thác hải sản từ phía biển Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ và ra đến vùng biển Trường sa.
Thừa Thiên Huế còn có hơn 20 km vùng núi đá ven biển từ cửa Lăng Cô đến đảo Sơn Chà là vùng biển đa dạng sinh học khu vực có nhiều thủy sản có giá trị cao như tôm hùm, cá mú ... và là nơi có nguồn tôm, cá bố mẹ cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống và rất thuận lợi cho việc bảo tồn phát triển nuôi các đối tượng thủy sản quý như tôm hùm, ngọc trai. 
2. Tài nguyên ven biển:
Thế mạnh về du lịch, với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các di tích lịch sử lâu đời và nền văn hoá truyền thống độc đáo, thể hiện giá trị quan trọng không chỉ  của Thừa Thiên Huế nói chung mà còn riêng vùng ven bờ của Tỉnh. Tuy nhiên, vùng ven bờ còn có một giá trị to lớn khác, dễ dàng nhận thấy tại mọi nơi dọc theo bờ biển. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài từ gần ranh giới với Quảng Trị đến vịnh Chân Mây, có tầm quan trọng khu vực và quốc tế, giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với các ngành nông nghiệp và thủy sản, có ý nghĩa lớn trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là vùng xung yếu về môi trường, nhạy cảm về sinh thái, được đặc biệt quan tâm trong Chiến lược này.
Tiếp theo đầm phá Tam Giang- Cầu Hai về phía Nam là vùng hạ lưu sông Bu Lu và vịnh Chân Mây, nơi có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, kết hợp giữa tắm biển, câu cá, du thuyền trên biển, du thám trong những cánh rừng nguyên sơ của núi Vinh Phong, ngắm cánh rừng ngập mặn Bu Lu và tham quan các làng nghề truyền thống.
Vùng ven bờ còn lại của Thừa Thiên Huế là khu vực Lăng Cô - Hòn Sơn Chà, có thế mạnh và tiềm năng lớn về du lịch, đặc biệt khi kết hợp được hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển với tham quan cảnh đẹp tự nhiên của rừng Bạch Mã và đèo Hải Vân. Đây đồng thời là vùng sinh thái giá trị với nguồn tài nguyên thủy sinh phong phú, trong đó có san hô, cỏ biển, rong biển, cùng nhiều loài tôm, cá và sinh vật đáy. Chính sự giàu có về tài nguyên thủy sinh, tính đa dạng sinh học cao của vùng và việc nó đang đối mặt với các tác động tiêu cực của sự khai thác quá mức và hủy diệt là tiền đề cho đề xuất của Tỉnh với Trung ương về việc thành lập khu bảo tồn biển Lăng Cô - Sơn Chà.
a. Đầm phá:
Vực nước hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai được hợp thành từ 3 phần khác nhau theo tên gọi của địa phương là phá Tam Giang rộng 52 km2, đầm Sam và đầm Thủy Tú rộng 60 km2 và đầm Cầu Hai rộng 104 km2. Phá Tam Giang kéo dài 24 km từ cửa sông Ô Lâu tới cửa sông
Hương, rộng trung bình 2,5 km, sâu trung bình 1,6 m, dốc dần về phía cửa sông Hương, đạt độ sâu trên 2 m. Đầm Sam - An Truyền và Thủy Tú - Hà Trung kéo dài từ cửa sông Hương tới cửa sông Truồi, dài khoảng 33 km, độ sâu trung bình 1,5 - 2 m, rộng trung bình 1 km. Đầm Cầu Hai tiếp nối như một lòng chảo lớn hình bán nguyệt dài khoảng 13 km, từ cửa sông Truồi đến chân núi Vĩnh Phong, sâu trung bình 1 - 1,5 m, chỗ sâu nhất tới 3 m ở phía Đá Bạc.
Các đê chắn cát là một hệ thống cồn đụn và bãi cát kéo dài theo phương TB - ĐN từ cửa Việt (Quảng Trị) đến cửa Thuận An, từ cửa Thuận An tới chân núi Linh Thái, rồi từ núi Linh Thái tới cửa Tư Hiền, dài khoảng 102 km. Độ cao lớn nhất đạt tới trên 30 m ở An Lộc, Đông Hải, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền và giảm dần về phía cửa Thuận An và Tư Hiền. Đoạn từ cửa Việt tới Thuận An rộng trung bình khoảng 4,5 km, đoạn từ Thuận An tới núi Linh Thái rộng trung bình 1,2 km và từ núi Linh Thái rộng trung bình khoảng 300 m.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 2 cửa, Thuận An (cửa chính) và Tư Hiền. Đây là yếu tố quyết định đời sống của hệ thống đầm phá trong quá trình phát triển. Hình thái động lực của hai cửa thường xuyên thay đổi phức tạp. Cửa Thuận An dài khoảng 600 m, rộng 350 m, sâu tới 11 m ở phía trong. Cửa Tư Hiền là cửa phụ dài khoảng 100 m, rộng 50 m, và độ sâu thường không quá 1,5 m. Cơn lũ lịch sử tháng 11/1999 đã mở ra cửa biển mới Hòa Duân, cách cửa Thuận An khoảng 1 km. Ngành giao thông đã lấp cửa biển này khôi phục đường giao thông tỉnh lộ 68.
Tổng chiều dài bờ sau của hệ thống đầm phá này vào khoảng 68 km, trong đó gồm 23 km bờ đá gốc granit ở phía đầm Cầu Hai và phần còn lại là bờ tích tụ bao gồm các trầm tích bãi triều, bãi bồi, trầm tích sông biển, trầm tích biển thuộc các vùng cửa sông Ô Lâu, sông Hương, sông Đại Giang...
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài, trong đó có 43 loài rong có thể dùng cho công nghiệp sản xất agar hoặc làm phân bón, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị khác. Nhiều loài tôm có giá trị thực phẩm cao như tôm sú, tôm lớt, tôm rằn, tôm rảo, trìa, vẹm xanh, ngao.... Hơn 200 loài cá trong đó có đến 23 loài có giá trị thương phẩm cao như cá dầy, cá đối mục, cá dìa, cá mòi cờ chấm, cá sạo chấm, cá dù bạc...
Các nhóm gen cơ bản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai:
STT
Nhóm gen
Số loài
%
Số
giống
%
Số họ
%
1
Thực vật phù du
171
27,98
73
20,85
28
15,21
2
Động vật phù du
37
6,05
24
6,85
16
8,69
3
Thực vật nhỏ đáy
54
8,83
30
8,57
12
6,52
4
Rong
43
7,03
21
6,00
12
6,52
5
Cỏ nước
15
2,45
12
3,43
8
4,35
6
Thực vật cạn
31
5,07
29
8,29
19
10,32
7
Động vật đáy
37
6,05
36
10,28
27
14,67
8
223
36,50
125
35,71
62
33,70
 
Tổng số
611
100
350
100
184
100
Hàng năm, trung bình tại đầm phá Thừa Thiên Huế khai thác xấp xỉ được khoảng 2.500 đến 3.000 tấn thủy sản cá, tôm, cua các loại. Ngoài ra nhân dân còn khai thác vài trăm tấn rau câu và khoảng 15.000 tấn rong tươi làm phân bón cho các đồng ruộng ven đầm và nguồn thức ăn cho nghề nuôi lồng cá trắm cỏ ở vùng phía bắc đầm phá.
Tóm lại, nguồn lợi thuỷ sản đầm phá Thừa Thiên Huế là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng. Qua quá trình lịch sử lâu dài, dù nguồn lợi đã có suy giảm, điều kiện tự nhiên cho thuỷ sản sinh sống trên đầm phá ngày càng khó đi do việc phát triển một số ngành khác trong vùng lãnh thổ, nhưng giá trị nguồn lợi vẫn còn đó. Xã hội càng hiện đại, nhu cầu thuỷ sản ngày càng lớn, nhất là thuỷ sản đầm phá luôn tươi sống hơn hẳn thuỷ sản biển. Nguồn lợi thuỷ sản đầm phá như một “sân sau” của ngành thuỷ sản Thừa Thiên Huế, nếu tổ chức sản xuất khai thác hợp lý, quản lý tốt thì nó là nguồn lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển thuỷ sản.
b. Mặt nước ngọt:
Thừa Thiên Huế có 6 con sông chính và nhiều ao hồ tự nhiên khoảng 5.000 ha rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển, tốc độ tăng bình quân đạt 16%/năm. Đến nay diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt trên 4000 ha, tăng hơn 2 lần năm 2000, năng suất bình quân nuôi tôm đạt xấp xỉ 1 tấn/ha, gấp 2,5 lần so với 2000; sản lượng tôm nuôi đạt trên 4000 tấn, tăng gấp 5 lần so với năm 2000, góp phần tăng đáng kể nguồn nguyên liệu cho chế biến  xuất khẩu.
Song song với phát triển nuôi thuỷ sản nước lợ, nuôi thủy sản nước ngọt có bước phát triển mạnh trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hình thức như lồng bè, ao hồ. Đến năm 2005, toàn tỉnh đã phát triển 1300 ha và 2400 lồng bè với sản lượng cá nước ngọt 2500 tấn.
Trước hết nuôi trồng thủy sản có thể thực hiện trên các loại diện tích mặt nước, đặc biệt nuôi tôm sú có thể thực hiện trên các diện tích đất hoang hóa, nhiễm mặn, thậm chí trên vùng đất cát hoang hóa ven biển. Nuôi trồng thủy sản sẽ biến các vùng đất nầy thành diện tích sản xuất có giá trị hàng hóa và lợi nhuận cao.
Toàn tỉnh còn có nhiều diện tích mặt nước đầm phá, đất ven phá nhiễm mặn, ruộng trũng (bàu ô), đất cát hoang hóa ven biển có khả năng chuyển sang nuôi trồng thủy sản một cách thuận lợi.
Đối với vùng ô đầm ruộng trũng  trong nội đồng có thuận lợi chuyển sang nuôi các loài thủy sản nước ngọt, ngoài các loài cá nước ngọt truyền thống như trắm,trôi, mè, chép ... hiện nay ngành thủy sản đã du nhập và thuần dưỡng các loài có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá tra....
Nghề  nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nuôi tôm đã phát triển hơn 10 năm qua ở vùng đầm phá, thực tế chứng minh điều kiện môi trường nơi đây hoàn toàn có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản với hiệu quả cao và ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường, cảnh quan đầm phá.
 
ĐÀ NẴNG: ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG BIỂN
Một lần nữa, tiềm năng và sự hấp dẫn của biển Đà Nẵng đã được định rõ hơn trên bản đồ thế giới khi được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việc khai thác lợi thế du lịch biển đã trở thành lựa chọn đương nhiên của đô thị trẻ bên bờ sông Hàn. Tuy nhiên đến nay, những bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh ấy vẫn còn dừng lại ở tiềm năng.
Sau năm 1471, nước Đại Việt chính thức tiếp nhận vùng đất mới Hàn Thị vào cương thổ của mình, và từ đấy vùng đất mới Hàn Thị nhịp bước đi lên cùng dân tộc Việt trong suốt dặm dài lịch sử. Địa hình thành phố Đà Nẵng khá đa dạng. Một bên là đèo Hải Vân cùng những dãy núi cao, một bên là bán đảo Sơn Trà hoang sơ với những bãi tắm tuyệt đẹp. Chính những ngọn núi chuồi ra biển đã tạo cho những bãi tắm thoai thoải, lặng sóng, với những đường cong uốn khúc duyên dáng bên những mỏm đá trắng nhấp nhô sau những rặng cây rừng, tạo vẻ phóng khoáng và lãng mạn. 
Chỉ hơn 40 km đường bờ biển nhưng Đà Nẵng đã sở hữu vô số bãi biển đẹp nổi tiếng như biển Nam Ô, biển Xuân Thiều, biển Thanh Bình, biển Bắc Mỹ An, biển Mỹ Khê, biển Non Nước... và hàng loạt các bãi tắm xinh đẹp và thơ mộng quanh bán đảo Sơn Trà như bãi Tiên Sa, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Nam, bãi Bắc... nối tiếp nhau thành một vòng cung cát trắng mịn màng.
Khó có nơi nào như Đà Nẵng, ở đâu có biển là ở đó cũng có thể làm bãi tắm cho du khách. Cùng với khí hậu nhiệt đới gió mùa và nhiệt độ trung bình quanh năm từ 28-29 độ C, biển Đà Nẵng thích hợp cho du khách tắm biển và nghỉ dưỡng. Đặc biệt, nước biển trong xanh và có nhiều loại hải sản quý để du khách có thể tham gia các loại hình thể thao trên biển như thám hiểm, câu mực về đêm, mô-tô nước, lướt ván...
Vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi hãng Goodman Marine International Overseas (G.M.I Overseas), nhà tổ chức đua thuyền chuyên nghiệp thế giới, lại chọn biển Đà Nẵng tổ chức cuộc đua thuyền buồm quốc tế năm nay. Theo đánh giá của hãng G.M.I Overseas, biển Đà Nẵng có bờ biển dài, đẹp, nước trong xanh bốn mùa, ấm và độ sóng êm rất thích hợp để khai thác tổ chức các loại hình du lịch biển, đặc biệt là đua thuyền. Một lần nữa biển Đà Nẵng như hấp dẫn hơn và được thế giới biết đến khi được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh.
Như vậy, tiềm năng và sự hấp dẫn của biển Đà nẵng đã được định rõ trên bản đồ thế giới. Khai thác lợi thế du lịch biển đã trở thành lựa chọn đương nhiên của đô thị trẻ bên bờ sông Hàn. Từ chân đèo Hải Vân, giờ đây con đường Liên Chiểu -Thuận Phước đã hình thành, mở lối cho một loạt khu du lịch - dân cư vùng biển Nam Ô - Xuân Thiều, Thanh Bình - Thuận Phước từng bước triển khai. Đoạn đầu tuyến đường ven vịnh Đà Nẵng đã quy hoạch trục đô thị mới vùng Tây Bắc, nối kết các khu du lịch Bà Nà, Hòa Bắc, đồng thời tăng cường hướng du lịch nối Hải Vân - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Chặng cuối tuyến đường, thành phố đầu tư hơn 500 tỷ đồng mở cầu Thuận Phước vượt qua cửa sông Hàn nối bán đảo Sơn Trà, nhập với tuyến đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc - Hội An. Một loạt khu du lịch sẽ được tạo dựng, nâng cấp từ kế hoạch này, gồm quần thể du lịch báo đảo Sơn Trà, biển Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước... Như vậy, Đà Nẵng đã có thêm một trục giao lưu mới: vành đai đường du lịch biển Hải Vân - Liên Chiểu - Thuận Phước - Sơn Trà - Hội An mở ra những cơ hội phát triển cho những bãi tắm du lịch ven biển. 
Tuy nhiên đến nay, những bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh ấy vẫn còn là một tiềm năng để ngỏ chưa được lợi dụng khai thác một cách nghiêm túc và có khoa học. Các dự án khu du lịch triển khai vẫn còn ì ạch, và sự chậm trễ sẽ được biện minh với lý do là đang điều chỉnh lại sơ đồ thiết kế của các nhà đầu tư. Những sự chắp vá như những bản nháp dang dở làm xấu đi những bãi tắm vốn đã hoang sơ và đẹp mỹ miều. Nếu biển chỉ để phục vụ tắm biển thì có lẽ ở đâu trên biển Việt Nam du khách cũng có thể tắm biển được. Vì vậy, cần có một cái nhìn đúng đắn hơn để đầu tư và khai thác có hiệu quả, đồng thời tôn vinh và bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú của biển ban tặng.
Mặc dù đã gần một năm được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, nhưng đến nay hình ảnh du lịch biển Đà Nẵng vẫn còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước. Thật khó để một du khách nước ngoài hay bất kỳ người dân địa phương nào muốn có một cuốn sách hay bất cứ một tài liệu gì giới thiệu đầy đủ về du lịch biển Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ việc tuyên truyền, quảng bá về biển Đà Nẵng vẫn còn mờ nhạt.
 
PHÚ QUốC TRÊn LỘ TRÌNh TRỞ THÀNH MỘT TRUNG TâM KInH tẾ - DU LỊCH SINH THÁI CHẤT LƯỢNG CAO
Ngạc nhiên và ngưỡng mộ là cảm xúc của khách du lịch khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, tiềm năng của Phú Quốc. Biến Phú Quốc thành trung tâm kinh tế - du lịch chất lượng cao đang là mục tiêu và hành động của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo.
Hòn đảo ngọc
Phú Quốc là quần thể quy tụ 22 hòn đảo lớn, nhỏ, có diện tích 598 km2, với 150 km đường bờ biển trải dài, những bãi biển gần như còn giữ được nét đẹp ban sơ của tạo hóa: Bãi Dương Đông, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Trường...; cùng nhiều loại hải sản phong phú, đa dạng, có loại thuộc giống loài quý hiếm, các hệ sinh thái san hô và thảm cỏ biển. Hiện nơi đây còn hơn 37 nghìn héc-ta rừng tự nhiên với mật độ che phủ lên đến 61%, gần 100 ngọn núi, đồi...
Phú Quốc có vị trí rất thuận lợi cho giao thương, du lịch với các nước trong khu vực bằng đường biển và đường hàng không. Phú Quốc chỉ cách vùng phát triển công nghiệp, du lịch phía Đông Nam Thái Lan 500 km, cách malaixia 700 km và Xinhgapo khoảng 1.000 km..., nơi đây có thể trở thành một trung tâm trung chuyển lớn của đường hàng hải và hàng không quốc tế.
Với vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, Phú Quốc giống như một hòn đảo ngọc tiềm ẩn những giá trị vô cùng quý báu. Nếu biết khai thác, tận dụng hợp lý, trong tương lai không xa Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch sinh thái chất lượng cao có sức hấp dẫn lớn.
Những bước chuyển mình
Phú Quốc của quá khứ giống như một nơi biệt xứ, gắn liền với sự nghèo khó. Nhưng Phú Quốc cũng chính là nơi ý chí, lòng quả cảm của con người Việt Nam được thể hiện rõ nhất. Trong chiến tranh, nhà tù Phú Quốc là lò lửa tôi luyện ý chí cách mạng. Trong thời bình, ý chí ấy thể hiện vào quá trình xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm kinh tế lớn. Cùng với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, của tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ để phát triển trong những năm gần đây.
Trước năm 1975, dân số trên đảo chỉ hơn 5.000 người. Hiện nay Phú Quốc có gần 85 nghìn người. Trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, GDP của Phú Quốc tăng trưởng bình quân hằng năm là 12,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 620 nghìn đồng/tháng, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn hơn 6%. Phú Quốc phát triển một cơ cấu ngành kinh tế đa dạng, trong đó du lịch là mũi nhọn. Huyện đảo đã được đầu tư trở thành một khu du lịch sinh thái biển thu hút mỗi năm hàng trăm ngàn lượt khách. Hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng cấp, đặc biệt về giao thông với việc đưa vào sử dụng tuyến bay ra đảo tạo thuận lợi rất lớn cho khách du lịch.
Phú Quốc hiện có hơn 150 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi dự án và hồ sơ xin đăng ký đầu tư, 46 dự án đầu tư trên 2.000 ha đã được phê duyệt. Nhiều dự án có quy mô rất lớn như: Dự án xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ có tổng mức vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng, Dự án đầu tư khu du lịch giải trí cao cấp có trường đua ô tô quy mô 1.000 ha, có tổng vốn 1 tỉ USD của Tập đoàn Rốckingham (Mỹ), Dự án đầu tư cảng biển du lịch, nhà ở cao cấp của Tập đoàn Automind Capital (Canađa) có tổng vốn 130 triệu USD... Những dự án này trong tương lai gần sẽ tạo cho Phú Quốc sự phát triển mới nhanh và mạnh mẽ. Hòn đảo đang chuyển mình, “thay da, đổi thịt” hằng ngày, mang trong mình sức sống của một thành phố trẻ, một trung tâm du lịch phát triển.
Tuy nhiên, Phú Quốc cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Đó là nguy cơ phá vỡ cảnh quan, nếu quy hoạch hòn đảo không khoa học, làm mất đi nét hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên, biển trời, núi rừng nơi đây, vốn được coi như phần "hồn" của Phú Quốc. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật vẫn còn yếu kém, thiếu nguồn nhân lực có trình độ, vấn đề di dân tự do, nguy cơ cháy rừng... và việc khôi phục lòng tin của nhân dân vào Đảng bộ, chính quyền sau những tiêu cực về vấn đề đất đai xảy ra vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38-QĐ/TTg, ngày 14-2-2006, về Quy chế tổ chức và hoạt động của huyện đảo Phú Quốc và quần đảo Nam An Thái, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, đồng thời cũng nâng tầm nhìn của Phú Quốc dần hướng vào tương lai đầy triển vọng của sự phát triển bền vững và ổn định.
Tầm nhìn hướng tới tương lai
Sự phát triển của Phú Quốc trước hết phải hướng tới một số mục tiêu mang tính tổng thể:
+ Phải kiên quyết bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên;
+ Phát triển Phú Quốc phải có lộ trình, bước đi thích hợp nhằm bảo đảm sự ổn định và bền vững;
+ Phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển Phú Quốc đến năm 2010 thu hút được 300 - 350 ngàn lượt khách du lịch, giải quyết đáng kể việc làm, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, giữ mật độ dân số đảo khoảng 150 ngàn người;
+ Đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế, một thành phố biển du lịch hiện đại, hằng năm thu hút từ 2 - 3 triệu lượt khách du lịch. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở mức cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, mật độ dân số khoảng 230 ngàn người.
Để đạt được những mục tiêu trên, Phú Quốc cần đi theo những định hướng phát triển sau:
Thứ nhất, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu, với các loại hình đa dạng như: du lịch tắm biển gắn với thể thao dưới nước; công viên hải dương; du lịch sinh thái (tham quan du lịch quanh đảo và các đảo nhỏ, nghiên cứu về các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa, câu cá, câu mực...); du lịch thể thao (thể thao biển, leo núi); du lịch vui chơi giải trí, đặc biệt là các hình thức vui chơi giải trí cao cấp như chơi gôn, cá cược, đua ngựa, đua chó... và du lịch gắn với các hội nghị, hội thảo (du lịch MiCE)... Từ năm 2011 - 2020 sẽ tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh các khu du lịch, nâng tổng diện tích phát triển khu du lịch lên khoảng 3.800 ha và đầu tư toàn diện khu vui chơi giải trí trên đảo khoảng 1.000 ha.
Thứ hai, phát triển các ngành nghề theo định hướng phục vụ du lịch. Quy hoạch và đầu tư hai khu phi thuế quan gắn với cảng biển quốc tế An Thới và sân bay quốc tế Phú Quốc, phục vụ cho các hoạt động: sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ; thương mại hóa và thương mại dịch vụ như kho ngoại quan và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng; hoạt động xúc tiến thương mại... Nông nghiệp được phát triển chủ yếu theo hướng sạch, chất lượng cao phục vụ du lịch. Giữ diện tích đất nông nghiệp ổn định đến năm 2020 là 4.600 ha, chủ yếu cho bảo tồn, phát triển nâng cao năng suất, chất lượng cây tiêu, trồng cây ăn trái đặc sản, trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh. Lâm nghiệp được phát triển theo hướng đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng phục vụ du lịch sinh thái. Để bảo đảm phát triển bền vững, sẽ giữ vững diện tích rừng Phú Quốc ổn định khoảng 37 ngàn ha; bảo vệ, quản lý cho bằng được khu bảo tồn quốc gia, xem đây là sự sống còn của Phú Quốc. Nghiên cứu di thực các loài cây có giá trị bảo tồn và tạo cảnh từ các miền đất nước và từ nước ngoài đến Phú Quốc để làm giàu thêm vốn rừng và tăng thêm giá trị cảnh quan ở các khu du lịch, khu đô thị trên đảo.
Ngành thủy sản phát triển theo hướng khai thác và kết hợp với nuôi trồng các loại thủy đặc sản như trai ngọc, cá lồng... vừa phục vụ du lịch, vừa cho xuất khẩu. Nhiệm vụ quan trọng là phải sắp xếp lại các làng chài, chế biến thủy sản các loại và chuyển mạnh sang nuôi trồng, sản xuất giống các loại thủy sản có giá trị và nuôi cá cảnh xuất khẩu. Quy hoạch và đầu tư một số khu bảo tồn biển ở phía bắc đảo Phú Quốc và cụm đảo nam An Thới để giữ gìn các đảo san hô, thảm cỏ biển và các loài thủy sản quý hiếm như dugong (bò biển), rùa biển... Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được phát triển chủ yếu là công nghiệp thực phẩm và đồ uống, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức và lưu niệm; công nghiệp phục vụ vận tải thủy và đánh bắt thủy sản; chế biến nước mắm. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống đặc trưng của Phú Quốc có quy mô khoảng 100 - 150 ha, chủ yếu phục vụ bảo tồn, phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống và phát triển một số sản phẩm công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Từ nay đến năm 2010 sẽ chỉnh trang các khu đô thị hiện có trên đảo, đồng thời hình thành các khu đô thị mới có diện tích 1.100 - 1.200 ha, có 60 - 80 nghìn dân sinh sống; và từ năm 2010 - 2020 mở rộng, hoàn chỉnh các khu đô thị trên đảo với diện tích 2.300 ha cho 160 - 180 nghìn dân sinh sống.
Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng trên đảo được quy hoạch đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đảo, phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ. Từ nay đến năm 2010, tập trung đầu tư phát triển các công trình thiết yếu của đảo như mạng lưới giao thông đường bộ trên đảo, các cảng biển, sân bay quốc tế, nguồn cung cấp điện ổn định, các hồ nước ngọt, mạng lưới thông tin liên lạc, bệnh viện, trường dạy nghề... Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tiếp tục đầu tư cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đảo Phú Quốc. Nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quốc sẽ huy động tổng hợp từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn vốn từ quỹ đất, vốn ODA, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài theo các hình thức BOT, BTO, BT hoặc phát hành trái phiếu công trình.
Phú Quốc tự tin, mạnh mẽ vươn tầm nhìn của mình hướng vào tương lai, phấn đấu trở thành một thành phố bề thế, một trung tâm kinh tế - du lịch sinh thái chất lượng cao./.
Hết
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.