Ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa kiên cường bám biển
Thursday, July 24, 2014 11:36 AM GMT+7
Mặt Trời chầm chậm leo lên đỉnh đầu. Nắng tháng Sáu óng ả như tấm thảm khổng lồ uốn lượn trên mặt biển. Nhấp nhô giữa trong những khe sóng bạc đầu, từng nhóm, từng nhóm tàu cá gieo mình, bồng bềnh theo nhịp sóng biển Hoàng Sa.

 


Hơn hai tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sát cánh cùng với lực lượng thực thi pháp luật vượt mọi khó khăn, gian khổ và cũng gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi những cú truy cản, đâm, dìm, phun vòi rồng cường độ cao của các tàu, thuyền Trung Quốc, những người ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa vẫn kiên cường bám biển.

Căng thẳng trên từng mét nước


Sau hai ngày đêm chuyển đổi giữa các đơn vị tàu thuộc biên đội Kiểm ngư Việt Nam và di chuyển trên tàu Kiểm ngư 766 trong điều kiện thời tiết xấu, sóng lớn, gió giật cấp 5, cấp 6, chúng tôi đã có mặt tại ngư trường Hoàng Sa - ngư trường truyền thống của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi nằm cách vị trí giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 30-40 hải lý theo hướng Tây Tây Nam.

Cũng chính tại khu vực này đã xảy ra sự kiện tàu cá vỏ sắt Trung Quốc điên cuồng đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 do Thuyền trưởng Đặng Văn Nhân cùng chín ngư dân điều khiển. Hành vi bạo ngược ấy của tàu cá Trung Quốc đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ của dư luận trong nước và quốc tế.

Đúng vào lúc cả tàu Kiểm ngư 766 (KN-766), ai nấy khấp khởi chuẩn bị một cuộc gặp gỡ đồng bào ngư dân thì từ bên phải mạn tàu, một loạt 5- 7 chiếc tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, quay mũi, hướng thẳng về tàu KN-766 như để cố tình ngăn chặn cuộc gặp gỡ trên biển của những người đồng bào.

“Tăng tốc,” tiếng thuyền trưởng Đặng Đình Hạnh dõng dạc. KN-766 chồm lên, tung bọt nước trắng xóa, vòng tránh những mũi tàu nhọn hoắt đang rượt đuổi gấp gáp phía sau.

Sau 30 phút đeo bám, các tàu bám đuổi bất chợt đổi hướng, lao thẳng vào giữa các tốp tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản.

Như những con ác thú, chỉ sau ít phút, số tàu cá vỏ sắt này đã xé lẻ đội hình tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tiếng vít ga rầm rập, các tàu cá Việt Nam lần lượt di tản ra các hướng để tránh né.

Chỉ đến khi KN-766 quay mũi, áp sát, chắn đường để các tàu cá Việt Nam di chuyển, nhóm tàu cá vỏ sắt Trung Quốc mới giảm tốc, tắt máy.

“Chẳng khác gì ở khu vực Giàn khoan trái phép Hải Dương-981 đang hạ đặt, chuyện bà con ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, đâm va xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Bà con cũng phải liên tục cảnh giác, khéo léo, mới giữ cho tàu, cho người được an toàn,” vừa nói, Thuyền trưởng Đặng Đình Hạnh vừa kéo nhẹ cần giảm tốc, cho KN-766 thả trôi bên cạnh các tàu ngư dân.

Căng thẳng trên ngư trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Hàng chục tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc, được hộ tống bởi các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính Trung Quốc vẫn kè kè bao vây các tàu cá của ngư dân, coi thường sự hiện diện của các tàu Kiểm ngư Việt Nam.

Bất chấp nguy hiểm cận kề, những hành vi khiêu khích khó lường, những người ngư dân bé nhỏ vẫn kiên cường bám biển, đối đầu với những cuộc giằng co trên từng mét nước.

Hạnh phúc giữa muôn trùng khơi


Sự chênh lệch về đội hình là quá lớn. Tàu cá của ngư dân dù đa dạng, nhưng ngay cả đến chiếc mạnh mẽ nhất cũng chỉ tương xứng với chiếc tàu cá thuộc loại nhỏ nhất của Trung Quốc. Tất cả đều là vỏ gỗ, lòng thuyền hẹp. Nhiều chiếc, vỏ đã vỡ, rạn, mạn bong sơn từng mảng lớn, giàn đèn bắt cá đêm tan tác, bóng đèn chiếc lành, chiếc vỡ hậu quả của những cú đâm, húc của tàu Trung Quốc.

Bên cạnh cờ Tổ quốc, tất cả các thuyền đánh cá của Việt Nam đều được treo cờ xanh Hòa bình.

Đối ngược với những đội tàu hòa bình ấy, tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại ngư trường Hoàng Sa đều được thiết kế vỏ sắt kiên cố, hầu hết sơn xanh, mũi thuyền chỏng ngược lên cao, sơn đỏ rất dữ dằn.

Nhiều chiếc là loại tàu đánh bắt xa bờ, dài ngày, kích thước to lớn, kềnh càng. Phía trên đều lắp máy kéo lưới cao hàng mét, lòng thuyền có thể chứa đến hàng trăm tấn.

Luôn luôn, bên cạnh những chiếc tàu cá hung hãn là đội tàu ngư chính hoặc hải cảnh, hải giám Trung Quốc nằm kè kè, sẵn sàng can thiệp thô bạo.

Hạnh ngộ giữa đại dương, mừng như thấy đất liền, các tàu đánh cá của ngư dân háo hức tiến ra chao lượn, xúm xít lại gần con tàu của chúng tôi.

Những cái vẫy tay, những lời chào, những cụ cười râm ran giữa ánh nắng oi ả buổi ban trưa. Chốc lát, hàng chục tàu cá ôm lấy KN-766.

Nhiều người miệng gọi í ới, một tay bám thành tàu, một tay hươ lên nào mực khô, nào cá biển, cả cần, lưỡi câu hướng về phía chúng tôi.

“Đó là tấm lòng của những người đi biển dành tặng cho anh em kiểm ngư như một món quà hội ngộ giữa biển khơi Tổ quốc,” một kiểm ngư viên trên tàu KN-766 cho biết.

Khéo léo áp mạn, rồi nhảy vọt sang tàu KN-766, ôm lấy chúng tôi, Thuyền trưởng tàu đánh cá QNg-91919 Nguyễn Chí Linh hồ hởi: "Mấy bữa nay biển động, tàu Trung Quốc ép dữ quá, gặp được anh em, chúng tôi mừng quá." Uống vội cốc nước, người ngư dân vóc dáng bé nhỏ, đen trũi vì nắng gió phấn chấn nói, gần một tháng lênh đênh, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, cán bộ Kiểm ngư, Cảnh sát biển như là điểm tựa, là chỗ dựa để ngư dân vững tin, quyết tâm bám biển.

Rời cửa biển Sa Kỳ - Quảng Ngãi với chín thuyền viên. Chăm chỉ sáng kéo lưới, tối câu mực, với sự giúp đỡ của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, đến nay, khoang tàu của anh đã ắp đầy mực, cá biển.

Anh Linh tâm sự cho dù gặp rất nhiều khó khăn, bà con ngư dân vẫn kiên trì cho tàu ra khơi đánh bắt tại ngư trường này, không chỉ là do nhu cầu mưu sinh mà bà con ngư dân ai cũng muốn chia sẻ khó khăn với cùng lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển kiên trì bám trụ, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Còn theo Thuyền trưởng tàu QNg-98587 Ts Trương Văn Thanh kể tàu cá vỏ sắt Trung Quốc khu vực này tàu nào, tàu nấy đều có gắn mũi “phá băng” phía trước, có sức công phá rất lớn, chỉ cần một cú húc nhẹ, cũng có thể gây thiệt hại lớn.

Sóng lớn, phải thả thuyền thúng mới sang được tàu chúng tôi, tặng anh em xấp mực một nắng dày dặn, kể về kinh nghiệm đối phó với đội tàu cá vỏ sắt hung hãn, ngư dân Phan Xuân Hiền (sinh năm 1989, Hà Tĩnh) nói giọng đầy tự tin: "Mỗi lần bị tàu Trung Quốc truy cản anh em đều tìm cách vòng vượt, lợi dụng sức gió, luồng nước để né tránh. Khác với đất liền, tốc độ trên biển rất quan trọng, nếu tàu yếu, luôn phải chủ động đổi hướng, chứ để xảy ra va chạm, mình sẽ thiệt hại nặng. Khi có lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển tăng cường bảo vệ ngày đêm, chúng tôi yên tâm hơn, có thể thả lưới, câu cá nước sâu.

Không chỉ cố tình đâm va, hành vi đánh bắt trái phép của các tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa còn làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng đánh bắt của ngư dân Việt Nam.

Theo anh Hiền, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống cha truyền con nối của ngư dân miền Trung. Vùng biển này, trước nay, sản lượng thu hoạch mỗi chuyến đánh bắt xa bờ rất cao.

Từ khi tàu cá Trung Quốc liên tục quấy phá, không những sản lượng giảm đi nhiều mà hầu như chuyến nào, tàu về cũng bị thiệt hại, phải sửa chữa. Thời điểm này, ngư dân khó có thể buông lưới mà chủ yếu chỉ thả câu, do lo sợ tàu Trung Quốc đến sẽ không thu lưới kịp để né tránh mà phải cắt bỏ lưới, gây thiệt hại tài sản rất lớn.

Ai đã từng đi biển đều hiểu rõ một điều khi không còn nhìn thấy đất liền, nước ngọt là thứ tài sản vô giá, là thứ phải quý như sự sống của chính mình.

Chẳng thế, mà tâm sự với chúng tôi, một ngư dân coi hình ảnh ấm lòng khi những thủy thủ tàu KN-766 tươi cười trao từng phuy nước ngọt, bình nước uống cho các tàu cá là một niềm hạnh phúc ngọt ngào trên biển.

Với chức năng kiểm soát, hỗ trợ, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, hải sản hợp pháp của ngư dân, bất luận nắng mưa, bão dông, đối mặt với sự hung hãn của các tàu cá vỏ sắt, tàu hộ tống Trung Quốc, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển vẫn luôn sát cánh bên ngư dân, cùng vui với mỗi mẻ lưới đầy, mỗi con cá to mắc câu.

Khó khăn luôn hiện hữu, nguy hiểm luôn rình rập nhưng ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm vẫn tràn ngập trong mỗi người ngư dân có mặt, đánh bắt tại Ngư trường Hoàng Sa.

Cũng chính sự hiện diện, hình ảnh hiên ngang bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền biền đảo quê hương là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ của Việt Nam trên biển.

Tay không tấc sắt, thuyền nhỏ, sức yếu nhưng không hề khiếp sợ trước những đội tàu lớn, hung hãn, đó cũng chính là những “cột mốc sống,” là biểu tượng của truyền thống bất khuất, kiên cường của người Việt./.

Theo TTXVN

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.