Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng (Kỳ I)
10 Tháng Tám 2011 9:18 SA GMT+7
Vậy là niềm ao ước, được thoả sức ngắm nhìn biển đảo, ung dung đi trên mảnh đất ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc của tôi đã thành hiện thực. Thiên nhiên nơi đảo nổi, đảo chìm và những con người dạn dày sóng gió ở Trường Sa đã mang đến cho tôi những xúc cảm mãnh liệt cùng niềm tin sắt son: Quân, dân huyện đảo Trường Sa anh hùng sẽ mãi vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, canh giữ biển đảo vẹn toàn và trường tồn cùng dân tộc.

Kỳ I: Con tàu chở nặng yêu thương

Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh, một sớm mùa hè chộn rộn, nhộn nhịp đến lạ thường. Gần hai trăm con người từ khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về đây với những gói quà, hành lý chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày. Một chút nữa thôi, những hành khách đặc biệt này sẽ lên hai con tàu hải quân HQ-936 và HQ-996 để rẽ sóng tới các đảo chìm, đảo nổi, xã đảo trên huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thăm chồng, thăm con… sau những tháng ngày dài xa cách và nặng lòng thương nhớ.

Tôi lên tàu HQ-936, bắt đầu một hành trình hơn 11 ngày đêm cùng thân nhân thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo, xã đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Với tôi, đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa; bởi không chỉ là lần đầu tiên tôi được ra với bộ đội Trường Sa, mà còn bởi những con người đáng yêu, đáng trân trọng và rất đáng tri ân đang ở trên con tàu này. Cả đoàn chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến những giây phút thân nhân các liệt sĩ thắp nén hương lên phần mộ các liệt sĩ ở các đảo Nam Yết, Sơn Ca; những giọt lệ như được chắt ra từ tim, từ óc của người thân; những giọt lệ tiếc thương, nhưng rất đỗi tự hào của người cha, người chú các liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng (tức Đặng Hoàng Hùng), Nguyễn Văn Hà, Phạm Văn Thế và Đỗ Khánh Hưng. Các anh ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ, mới mười tám, đôi mươi. Có anh hy sinh khi chưa lập gia đình như liệt sĩ Hoàng Thế Anh, Nguyễn Văn Hà (hy sinh tròn 21 tuổi), hạ sĩ Đỗ Khánh Hưng (hy sinh lúc 26 tuổi), và có anh khi nằm xuống nơi đảo xa con nhỏ chưa kịp chào đời như liệt sĩ Phạm Văn Thế…

Trên đảo Sơn Ca, bên phần mộ của con trai Thượng úy Phạm Văn Thế, bác Phạm Văn Thuật, 58 tuổi quê xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nói với chúng tôi mà như tâm sự cùng con trai: “Thế là con cả trong gia đình. Em hy sinh khi vợ mang thai được vài tháng. Nay con trai của Thế hơn 4 tuổi rồi, gia đình mới có dịp ra thắp hương cho em. Khi còn sống, em Thế thích ăn bưởi lắm, nên lần này ra đảo Sơn Ca viếng Thế, tôi mang theo hai quả bưởi từ quê nhà. Một quả dành cho Thế. Còn một quả để phần cháu Đỗ Khánh Hưng có mộ phần cạnh mộ phần của Thế!”. Bác Nguyễn Sơn, từ xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tới đảo Nam Yết, thắp hương bên phần mộ con là liệt sĩ Nguyễn Văn Hà -đúng vào ngày giỗ đầu của anh. Bác Sơn tâm sự: “Tính đến hôm nay, Hà mất được đúng 1 năm 7 ngày. Trước lúc rời quê ra đảo thăm mộ Hà, gia đình cũng đã làm mâm cơm giỗ đầu cho Hà!”. Thương xót đứa con trai đầu lòng ngoan hiền, hiếu thảo, bác Sơn cứ nấn ná bên mộ của con mãi, hình như bác muốn tâm sự với con nhiều điều, trên gương mặt cương nghị, rắn rỏi của bác như toát lên niềm kiêu hãnh, tự hào về người con đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương.

Một gia đình có ba thế hệ, với 5 người là bộ đội hải quân, trong đó có hai liệt sĩ – đó là gia đình Trung tá Hoàng Đức Tuấn, công tác tại Nhà máy X56 (Cục kỹ thuật Hải quân). Lần này, Trung tá Hoàng Đức Tuấn ra đảo Nam Yết hương khói trên mộ phần của con, cũng là để an ủi, xoa dịu nỗi đau mất mát của cả gia đình, dòng họ. Bởi, liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng (Đặng Hoàng Hùng) là con trai duy nhất trong gia đình. Hoàng Đặng Hùng hy sinh ngày 25-2-2004, khi cứu xuồng và hàng. Vậy là gần 7 năm kể từ ngày con hy sinh, Trung tá Hoàng Đức Tuấn mới thay mặt gia đình ra đảo để thắp hương lên phần mộ của con. Nhìn mộ phần được đồng đội chăm chút, khói hương chu đáo, lòng Trung tá Hoàng Đức Tuấn ấm lại và trào dâng tình yêu thương những người lính đảo.

Vâng, cuộc sống của quân và dân ở đảo chìm, đảo nổi, không chỉ vất vả, gian lao, mà còn chịu nhiều thiếu thốn. Cái thiếu nhất vẫn là tình cảm gia đình, hơi ấm mẫu tử, vợ chồng. Với nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhất là những đồng chí giữ cương vị chủ chốt ở đảo, xã đảo thì mỗi năm số ngày gần gũi những người thương yêu chỉ được mấy tuần. Làm nhiệm vụ ngoài đảo, nên những lúc gia đình có công to việc lớn, thậm chí khi vợ sinh con, lúc bố mẹ từ trần, những người lính đảo chỉ biết se sắt lòng vì không thể ở gần bên. Ở đảo chìm Đá Nam, Thượng úy Kiều Việt Phong cho biết, dịp đầu năm nay, bố của Thiếu úy Trương Văn Quân, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh tử nạn, nhưng Quân không thể về được để từ biệt người cha. Vậy là, cả đảo xúm vào động viên an ủi. Bản thân đảo trưởng Phong có vợ, con nhỏ ở tận tỉnh miền núi Vĩnh Phúc, suốt ba năm đi đảo Phong chỉ ở với vợ con được vỏn vẹn mấy tuần.

Thương con đằng đẵng xa nhà, nên quà của bác Lê Xuân Vóc mang ra đảo tặng con trai là Thiếu úy Lê Xuân Thắng ở đảo Song Tử Tây, là tấm hình của vợ và con Thắng. Bác Vóc kể: “Em Thắng lấy vợ được hai năm, mà mới chỉ về phép được một tháng dịp cưới vợ thôi!”. Từ lúc nhận ảnh của vợ và con trai bụ bẫm kháu khỉnh, được đặt tên Lê Xuân Toàn, Thắng cứ nâng niu ngắm mãi, hình như anh đang mơ phút giây được gần vợ, gần con.

Trong hành trình mấy ngày đêm từ đất liền ra xã đảo Sinh Tồn, cứ sau bữa ăn tối bác Trần Quốc Việt lại ra vòi nước trên boong tàu lúi húi chăm sóc hai cây non. Bác bảo: Đó là hai cây vạn tuế, quà quê mang ra tặng cán bộ và nhân dân xã đảo nơi cậu con cả của bác là Thiếu úy Trần Giang Nam công tác. Nam đi đảo được hơn sáu năm, đã làm nhiệm vụ trên các đảo Trường Sa Đông, Đá Lát, Song Tồn. Tháng 10-2010, Nam lấy vợ - công tác tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dịp cưới vợ, Nam phải thuê nhà, ở bên vợ được đúng một tuần là khăn gói hành quân trở lại đảo. Giây phút hai bố con bác Việt cùng Trung tá Trần Như Hải, Đảo phó tham mưu trưởng đảo Sinh Tồn trịnh trọng đặt hai chậu cảnh trồng hai cây vạn tuế lên thềm của cột mốc chủ quyền, tôi thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của bác Việt và cậu con trai dạn dày sóng gió. Trung tá Hải trân trọng cảm ơn bác Việt cùng gia đình đã góp phần làm cho xã đảo Sinh Tồn thêm xanh tươi, rạng rỡ giữa biển khơi. Cũng chính những món quà từ đất liền gửi tặng mà xã đảo Sinh Tồn bây giờ thật nhiều cây xanh, cây cảnh, bồn hoa chẳng kém gì hoa viên. Đảo không chỉ có thông, bàng xanh, mù u, phượng vĩ mà còn có cả hoa hồng, hoa loa kèn và rất nhiều loại cây ăn quả. Đang là đầu hè, nên phượng ở xã đảo Sinh Tồn cứ rực đỏ nỗi nhớ, như nói thay nỗi lòng của những người lính đảo với người thân yêu. Còn quà của bác Lê Khắc Xông ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá mang tặng con trai là Thiếu úy Lê Khắc Hồng ở xã đảo Song Tử Tây là những túi hạt giống rau và thuốc bảo vệ thực vật, với mong muốn bộ đội và bà con sinh sống trên đảo làm tốt công tác tăng gia, bảo đảm đời sống. Bác Xông bảo, chuyến này bác ra thăm con, động viên con cuối năm nay nghỉ phép về cưới vợ. Năm nay Hồng cũng đã 29 tuổi rồi. Và ở quê, Hồng cũng đã tìm cho mình người tâm đầu ý hợp (!).

Những người mẹ mang nặng đẻ đau, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, ai chẳng thương yêu con hơn cả bản thân mình. Xa con một chút đã nhớ, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, các mẹ đành xa con. Phút giây chị Phạm Thu Hằng, ở phường Chảng Dài, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai con gặp con trai là Trần Vũ Hoàng Anh trên đảo Sinh Tồn Đông sau bao tháng ngày xa cách, mẹ cứ ôm lấy con mà giàn giụa nước mắt. Chị Hằng kể: “Cháu Hoàng Anh mới 18 tuổi, đi đảo được 8 tháng rồi. Trước khi đi đảo, cháu Anh đã lập gia đình, nay con trai của Anh được 2 tháng tuổi. Khi vợ sinh con, Anh không có ở nhà, nên bà nội quyết định đặt tên cháu trai là Trần Dũng Trường Hải Quân, để cháu tự hào với mọi người rằng có bố là bộ đội Hải quân. Và sau này lớn lên cháu cũng sẽ làm bộ đội Hải quân như bố Hoàng Anh”. Chị Hằng có dáng người mập mạp, tính tình xởi lởi, mấy ngày ở trên tàu, chị luôn miệng nói cười rôm rả; trong buổi giao lưu văn nghệ chị còn nhảy múa tưng bừng. Vậy mà gặp con, thấy con trai sau 8 tháng công tác ngoài đảo lại tăng tới 5kg, chị cứ khóc hoài. Chị bảo: Vui mừng lắm, thấy con khỏe ra, trưởng thành nhiều nên chị khóc!

Trên chuyến tàu chở nặng nghĩa tình ra biển đảo, tôi còn gặp những người mẹ, người cha có tới hai con trai đang là bộ đội Hải quân. Cô Lê Thị Chung, ở xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá – người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt cương nghị. Chồng mất khi cô Chung mới 27 tuổi, cậu con trai lớn tròn 2 tuổi, cậu con trai út còn nằm trong bụng chưa chào đời. Cô ở vậy một mình vật lộn với bão táp cuộc đời nuôi hai con khôn lớn. Nay cả hai đã là bộ đội Hải quân: Cậu cả  – Thiếu úy Lê Xuân Thuyết công tác ở đảo Song Tử Tây anh hùng, cậu út – Lê Xuân Tiến là học viên năm thứ hai của Học viện Hải quân. Cô dự định, sau khi ra đảo thăm Thuyết, lúc trở lại đất liền sẽ đến Học viện Hải quân động viên Tiến. Mà cô cả quyết, chỉ thăm Tiến tranh thủ thôi, rồi phải về quê gấp vì bây giờ ở quê lúa chín, nông dân đã bắt tay vào vụ thu hoạch rồi. Lúc kể về hai cậu con trai ngoan, hiếu thảo, đôi mắt cô Chung cứ trào lệ. Cô bảo :“Cuộc đời của tôi đã đi qua những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, nay các con trưởng thành tôi thấy hạnh phúc đến với mình thật lớn lao. Cuộc đời thật công bằng, không lấy hết của ai, và cũng chẳng cho không ai…”. Và cô lén lau dòng nước mắt khi nghĩ đến phút gây hạnh phúc được gặp con trai trên xã đảo Song Tử Tây. Thật tình cờ, trên chuyến tàu ra xã đảo Song Tử Tây cô Chung lại gặp và làm quen với cô Nguyễn Thị Lộc, ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cũng có hai con trai là bộ đội hải quân mà lại công tác cùng đơn vị với con cô Chung nữa. Con trai đầu của cô Lộc là Thiếu úy Lê Duy Phong, công tác trên xã đảo Song Tử Tây. Phong đã cưới vợ năm 2009, nhưng chưa sinh con, vì vợ Phong còn lo học Đại học. Còn Lê Duy Tráng – cậu con ra thứ hai của cô Lộc đang học Học viện Hải quân cùng khoá với con cô Chung. Vậy là hai người mẹ cứ tâm sự với nhau suốt những ngày con tàu hành trình trên biển. Tôi biết, các mẹ đang khoe với nhau về những đứa con ngoan, hiếu thảo với mẹ cha và nặng lòng yêu Tổ quốc. Chẳng thế mà, mỗi lần Thượng úy Vũ Văn Huy, Trợ lý chính trị đảo Sinh Tồn gọi điện về thăm bố Vũ Huy Chương, ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cứ mải mê hát cho bố nghe và kể với bố về cuộc sống bộ đội, nhân trên đảo để bố mẹ, vợ con quê nhà yên lòng.

Kỳ II: Hạnh phúc không nói bằng lời

Ghi chép của Kiều Bình Định

(QĐND)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.