Ra Hoàng Sa, Trường Sa, nhà báo nghĩ gì?
Wednesday, October 01, 2014 7:58 AM GMT+7
"Chúng tôi thường xuyên đối mặt với say sóng, đối mặt tàu Trung Quốc điên cuồng bắn vòi rồng, đâm va. Chứng kiến những hành động này, tôi uất nghẹn"- PV Đắc Thành (Báo Nông nghiệp VN) chia sẻ.

Ai đó nói rằng, người làm báo là thư ký của thời đại. Được sát cánh cùng những người lính bảo vệ chủ quyền, được chứng kiến những khó khăn, vất vả của người lính cũng là hạnh phúc của đời làm báo. Những chuyến đi khơi xa đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa với người làm báo luôn thiêng liêng vô hạn.

Nhằm gửi đến quý độc giả những cảm xúc rất riêng, rất đặc biệt của những người làm báo sau mỗi chuyến ra Hoàng Sa, Trường Sa, Báo điện tử Infonet gửi đến quý độc giả những chia sẻ của những nhà báo, phóng viên đã từng ra Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (Báo Thanh niên): Hoàng Sa, dấu ấn khó phai đời làm báo

Đúng lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam, tối 26/05, tôi cùng một số phóng viên trong và ngoài nước theo tàu cảnh sát biển 2013 xuất phát từ Đà Nẵng thẳng tiến ra Hoàng Sa.

Khi tôi chuyển qua tàu CSB 2016, tàu có hơn 20 thành viên đã bám trụ ở Hoàng Sa gần một tháng trời. Chuyện gian khổ, vất vả của các chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan đã được báo chí trong và ngoài nước thông tin khá nhiều. Nhưng riêng tôi – một nhà báo lần đầu tiên có mặt ở Hoàng Sa – thì ngày 01/06 quả là ngày đáng nhớ nhất trong quãng đời làm báo của mình từ trước tới nay. 16 giờ chiều 01/06, tình hình khu vực giàn khoan đang khá yên ắng.

Lúc này, các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đang thả trôi cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 12 hải lý. Đột nhiên từ đâu có 4 - 5 tàu Trung Quốc từ phía giàn khoan trái phép Hải Dương-981 kéo đến. Đi đầu là tàu kéo số hiệu 32 của Trung Quốc tổ chức khiêu khích một tàu kiểm ngư Việt Nam. 

Khác với các lần trước, tàu Việt Nam chủ động đứng yên hoặc di chuyển chậm và mở loa tuyên truyền đẩy đuổi các tàu Trung Quốc. Đột nhiên tàu kéo 32 của Trung Quốc mở súng phun nước vào tàu kiểm ngư. Lúc ấy, tàu cảnh sát biển 2016 đang nổ máy đi chậm ở vòng ngoài để hỗ trợ khi cần thiết thì đột nhiên tàu Trung Quốc 46105 tăng tốc lao về phía tàu cảnh sát biển 2016. Nhận thấy sự nguy hiểm, tàu cảnh sát biển 2016 tăng tốc lao về phía trước.

Với lợi thế vận tốc lớn, sau 5 phút đeo bám tàu 46105 áp sát bên mạn phải, mở súng phun nước bắn xối xả vào tàu cảnh sát biển 2016. Thượng úy Quản Đình Dương, thuyền trưởng cảnh 2016 ra lệnh thuyền viên và phóng viên vào đài chỉ huy, đóng chặt cửa để tránh nước. Tình thế cực kỳ gay go khi phía trước tàu Trung Quốc đang phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam và che mất đường đi của tàu cảnh sát biển 2016.

Chưa dừng lại ở đó, tàu Trung Quốc 46105 còn tăng tốc đâm thẳng góc vào mạn phải tàu cảnh sát biển 2016. Cú đâm cực mạnh khiến cả tàu chao đảo và bị thủng bốn lỗ lớn ở sườn mạn phải của tàu. Thuyền trưởng Dương ra lệnh tổ máy chạy hết công suất trên 20 hải lý/giờ để tăng tốc thoát khỏi vòng vây.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, ấn tượng của tôi chính là hành động dũng cảm của thượng úy Nguyễn Quốc Huy – chính trị viên của tàu 2016. Anh Huy không quản hiểm nguy, dũng cảm vác camera đứng trên boong tàu ghi lại những hành động ngông cuồng của tàu Trung Quốc. Để rồi những hình ảnh đó sau này được phát trên đài truyền hình góp phần tố cáo tội ác của Trung Quốc với người dân trong nước và thế giới.

Chính những hành động kiên cường của người chính trị viên đã tiếp thêm động lực cho anh em báo chí như chúng tôi những ngày ở Hoàng Sa. Những lúc khó khăn, vất vả hay chuẩn bị say sóng, hành động dũng cảm của anh Huy dám trực diện với vòi rồng Trung Quốc đã thôi thúc động viên để tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà tòa soạn giao phó. Hiểm nguy, gian nan là thế nhưng khi hỏi, anh Huy nhỏ nhẹ cười nói: “Lúc này tôi vừa quay phim vừa tránh nước phun, mình quen với cảnh bị phun nước nên không sợ, chỉ sợ hư máy, mất hết hình ảnh”.

Những ngày ở Hoàng Sa, tôi còn may mắn được chứng kiến hình ảnh các ngư dân của Việt Nam kiên cường bám biển, bám ngư trường. Dù tàu cá của ngư dân Việt Nam nhỏ hơn gấp nhiều lần so với tàu Trung Quốc nhưng những ngư dân của ta chưa bao giờ tỏ ra sợ hãi. Khi có mặt ở ngư trường Hoàng Sa, không ít lần tôi được chứng kiến nụ cười lạc quan về tương lai của ngư dân Việt Nam.

Phóng viên Đắc Thành (Báo Nông Nghiệp Việt Nam): “Ra Hoàng Sa đối mặt tàu Trung Quốc, thêm hiểu về lính biển”

 

PV Đắc Thành đang tác nghiệp quay tàu Trung Quốc

Hành động Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là vấn đề nóng hổi, dư luận trong nước và thế giới đang rất quan tâm. Tôi là người thứ 2 trong cơ quan được cử ra Hoàng Sa tác nghiệp, đây là cơ hội quý hiếm trong đời làm nghề của tôi..

Hơn 8 ngày đêm tác nghiệp ở Hoàng Sa luôn đối mặt với khó khăn, vất vả và nguy hiểm, đây không phải chỉ riêng tôi mà bất cứ phóng viên nào cũng gặp phải. Chúng tôi đối mặt say sóng, thường xuyên đối diện tàu Trung Quốc điên cuồng bắn vòi rồng, đâm va. Chứng kiến những hành động này, tôi uất nghẹn, vùng biển của mình nhưng Trung Quốc ngang nhiên có những hành động thô bạo, Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế.

Ban ngày đã mệt mỏi với những cuộc tấn công điên cuồng của tàu Trung Quốc nên ban đêm chúng tôi cố gắng đi ngủ sớm giữ gìn sức khỏe, vậy mà mặt trời vừa tắt bóng, tàu Trung Quốc đã quấy phá. Ánh sáng đèn cao áp công suất lớn từ tàu Trung Quốc liên tục chiếu về phía chúng tôi.

Vất vả, mệt mỏi nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ tối đa của các chiến sĩ cảnh sát biển, chúng tôi vượt qua tất cả. Như chuyện chỗ ngủ, các chiến sĩ nhường giường cho chúng tôi nằm, còn anh em chiến sĩ nằm dưới sàn. Những ngày ở Hoàng Sa, nếu không có sự chăm sóc đặc biệt đó, chắc tôi khó bám trụ 8 ngày đêm.

Những ngày ở Hoàng Sa, chứng kiến sự kiên cường của các chiến sĩ cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư bảo vệ vùng biển đảo quê hương, tôi mới thấy được sự dũng cảm đấu tranh của các anh. Họ, những người tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu thế 8X, 9X nhưng can trường ở đầu sóng ngọn gió. 

Phóng viên Vũ Thị Huyền (Báo điện tử Vietnamnet): “Trường Sa, nơi niềm thương yêu không thể giấu kín”

Ra Trường Sa lẽ ra các anh lính mới là nhân vật chính nhưng đi cùng đoàn với thân nhân nên chúng tôi ấn tượng và dành cảm xúc nhiều hơn. Từ khắp nẻo đất nước, họ thực hiện một cuộc trường chinh vạn dặm thăm chồng thăm con

Nếu để ý thì thấy sự thay đổi cảm xúc rất rõ của các thân nhân trên đường ra đảo. Gặp nhau ở điểm tập kết, họ hồ hởi làm quen, hồ hởi chia sẻ kỉ niệm và tấp nập chuẩn bị quà bánh

Thương chồng, thương con, họ không ngần ngại mang từ hạt lạc tới quả cà, quả trứng... dù tất cả đều bảo cuộc sống ở Trường Sa nay đã khá hơn rồi. Có chị lại lựa những cành hoa ly tươi nhất, gói bọc rất cẩn thận và nâng như nâng trứng để đến đảo chồng được ngắm loài hoa kiều diễm ngát hương trong đất liền. Có ông bố vác cây lộc vừng từ bắc vào nam trên tàu lửa rồi mang cây ra đảo trồng, lưu lại kỉ niệm, một bóng mát, một dấu ấn quê nhà ở Trường Sa.

Ở trên tàu với mọi người có hơn 10 ngày thôi mà chúng tôi cảm giác giống như đang sống bằng mấy cuộc đời, bởi tôi được nghe, được thấy vô số câu chuyện, chia sẻ. Các ông bố bừng bừng phấn chấn, xót con mà vẫn tự hào. Các bà mẹ ngậm ngùi thương cảm, ước gì thay con chịu khổ...

 

Vẫy chào đảo nhỏ (ảnh Hồng Chuyên)

Tôi sẽ không bao giờ quên những cảnh khi sóng bé, các ông bố chơi cờ, các mẹ chải vuốt lại từng món quà, từng kỉ niệm và các chị thì líu ríu hát ca. Khi sóng to, hầu hết mọi người ngả nghiêng trong cơn say sóng, các bà vợ trẻ thút thít khóc nhịn cơm còn các bà vợ già vừa mắng vừa an ủi động viên “ăn lấy một chút để giữ sức vì sắp gặp chồng rồi”.

Lên đảo thì mừng mừng tủi tủi. Các ông bố cười rất tươi, vỗ vai con và siết tay thân thiết. Các chị lao vào vòng tay chồng còn các chiến sĩ Trường Sa bỗng trở nên nhỏ bé, thơ ngây trong vòng tay người mẹ.

Nhà báo Nguyễn Lan Phương (Chánh Vp Liên chi Hội Nhà báo TT&TT): “Trường Sa mãi trong tim tôi”

Trường Sa là nơi đến mong muốn của nhiều người Việt Nam, nhất là nhà báo như chúng tôi. Khi được đặt chân đến rồi, những khoảnh khắc và ấn tượng về một vùng Tổ quốc, Trường Sa dường như theo tôi mãi mãi và chưa bao giờ phai nhạt theo năm tháng.

Sau hai ngày liên tục trên biển, 8 giờ sáng ngày 21/04/2012, chúng tôi đến gần “thủ đô” của Trường Sa, Trường Sa lớn. Trước khi vào đảo chúng tôi đã có một lễ tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ hi sinh trên biển Trường Sa và thềm lục địa, một nghi lễ tri ân của mỗi đoàn công tác, luôn được tổ chức trong niềm thành kính và xúc động nhất. Có mặt trong giờ phút thiêng liêng, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm mặc, trong khói hương nghi ngút, kính cẩn chắp tay trước ban thờ vọng anh linh các liệt sĩ, tự tay thả những bông hoa cúc vàng xuống mặt biển xanh dập dờn khi còi tàu cất lên ba hồi dài vĩnh biệt các anh, chúng tôi không thể nào nén được những dòng nước mắt chảy tràn trên má.

Sau lễ tưởng niệm, chúng tôi cập cảng Trường Sa lớn. Màu xanh rì, những tiếng ríu rít của con trẻ, bóng dáng những con người thân yêu làm chúng tôi nóng lòng muốn đặt chân lên đảo ngay. Đón chúng tôi ở cầu cảng là các lực lượng và người dân trên đảo. Dường như chúng tôi đã cảm thấy thân quen từ lâu. Những cái bắt tay siết chặt, những lời hỏi thăm, cả những cái ôm chầm ấm áp giữa những người đất liền và đảo xa dường như chưa bao giờ xa. Cả đoàn bồi hồi cảm xúc đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc, ở nơi tiền tiêu.

Hồng Chuyên (thực hiện)

Theo Infonet

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.