Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng (Kỳ II)
16 Tháng Tám 2011 5:22 SA GMT+7
Lấy chồng là bộ đội hải quân, lại công tác ở huyện đảo Trường Sa thì thời gian được ở bên chồng chỉ tỉnh bằng tháng, bằng tuần, thậm chí có năm chỉ được mấy ngày; còn thời gian xa chồng lại tính bằng năm.

Kỳ II: Hạnh phúc không nói bằng lời

Gần 19 giờ ngày 6-6, tàu HQ-936 tới vị trí đảo Nam Yết. Lúc này thủy triều xuống, bãi san hô nổi lên, việc đưa thân nhân vào đảo sẽ khó khăn. Tất cả những người lính hải quân trên tàu và trên đảo Nam Yết hiểu rõ những nguy hiểm khi cơ động ca nô từ đảo ra tàu đón thân nhân. Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146 – Đoàn Trường Sa anh hùng -kiêm Chủ tịch MTTQVN huyện Trường Sa, Trưởng đoàn công tác đứng ngồi không yên. Ông hội ý nhanh với Đại tá Đoàn Văn Huấn, Phó giám đốc Công ty TNHH-MTV Dịch vụ-Du lịch biển đảo Hải Thành (Bộ tư lệnh Hải quân), Phó trưởng đoàn công tác và xin ý kiến cấp trên.

Chỉ huy đoàn công tác quyết định: Lệnh cho chỉ huy đảo Nam Yết sử dụng ca nô của đảo với trang bị đầy đủ áo phao cơ động ra tàu đón những người vợ từ đất liền ra thăm chồng vào đảo trước!”. Đại tá Thắng bộc bạch: “Tớ là lính Trường Sa 27 năm rồi. Cũng chừng ấy thời gian xa vợ, xa con ở vùng quê Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ngay cả khi đã là Chính ủy Lữ đoàn 146, mà hai năm nay tớ cũng chỉ về thăm vợ con được một tháng thôi. Nên tớ hiểu giá trị hạnh phúc của những phút giây vợ được gần chồng, chồng được yêu thương săn sóc vợ. Nó quý lắm, không tiền bạc nào bằng đâu!”. Vị Đại tá đã hiểu tấm lòng những người lính hải quân đang ngóng mong đón vợ, và ông cũng hiểu nỗi lòng những người vợ trẻ đang đứng dưới mạn tàu kia, mải mê hướng ánh nhìn bỏng cháy dõi tìm khuôn mặt chồng hiển hiện phía cầu cảng. Và ông đã quyết định đúng: Tổ chức đưa những người vợ thăm chồng lên đảo ngay trong đêm. Còn các mẹ, các cha xin nán lại trên tàu, sáng sớm mai mùng 7-6 sẽ vào đảo.

Lấy chồng là bộ đội hải quân, lại công tác ở huyện đảo Trường Sa thì thời gian được ở bên chồng chỉ tỉnh bằng tháng, bằng tuần, thậm chí có năm chỉ được mấy ngày; còn thời gian xa chồng lại tính bằng năm. Chị Hồ Thị Ngân, quê xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 1, ra đảo Sinh Tồn Đông thăm chồng – Thượng úy Nguyễn Tri Thức. Chị Ngân nhẩm tính: “Vợ chồng mình lấy nhau 8 năm rồi, anh ấy cứ đi đảo biền biệt, 8 năm mới ở bên nhau được vỏn vẹn 180 ngày. Nên những ngày vợ chồng được gần nhau là yêu thương, chiều chuộng nhau hết mực. Giữa năm ngoái, khi anh Thức đang công tác ở đảo Trường Sa, chị Ngân cũng đã ra đảo thăm chồng. Lần ấy anh chị ở bên nhau được 6 ngày, rồi chị lại cùng đoàn trở về đất liền. Đợt này ra thăm chồng ở đảo Sinh Tồn Đông, theo lịch trình chị chỉ ở bên chồng được 3 ngày 3 đêm. Vậy nhưng chị Ngân ước ao nhiều lắm. Chị bảo: Cậu con trai đầu Nguyễn Duy Hoàng của anh chị năm nay cũng đã 6 tuổi rồi, chị ước ao ra thăm chồng lần này về chị sẽ sinh thêm em bé nữa. Vẫn biết lấy chồng là lính đảo, chị em phải sinh nở, rồi nuôi dạy con một mình là vất vả, nhọc nhằn, nhưng chị vẫn ước ao và coi đó là hạnh phúc. Lúc vợ chồng gặp nhau trên cầu cảng đảo Sinh Tồn Đông, chị Ngân vui, hạnh phúc khôn tả, vậy mà chị vẫn nói rằng: “Tình yêu của em dành cho chồng chỉ ba mươi phần trăm, còn bảy mươi phần trăm em dành cho biển đảo của Tổ quốc!”. Nghe vợ nói thế, anh Thức cười rạng rỡ!

Cũng như chị Ngân, lần này ra đảo Sơn Ca thăm chồng là Thiếu tá Đỗ Huy Toan, chị Nguyễn Thị Nhượng, quê xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ mong mỏi những ngày hạnh phúc bên chồng chị sẽ có thêm em bé thứ hai. Chị bảo, nếu đạt được điều anh chị ao ước, thì vợ chồng chị sẽ đặt tên cho con là Sơn Ca để nhắc nhớ về những ngày hạnh phúc trên đảo, và gọi tên hòn đảo có nhiều chim Sơn Ca về xây tổ. Chị Nhượng, anh Toan lấy nhau từ năm 2002, đã có một con gái 8 tuổi, đang học lớp 2. Khi biết mẹ đi đảo thăm bố, con gái Đỗ Mai Hương cứ nằng nặc đòi đi theo, chị Nhượng phải dỗ dành mãi con gái mới nghe. Không được ra đảo cùng mẹ thăm bố, Hương viết thư dặn bố gửi nhiều vỏ ốc biển và san hô về để con gái kết thành hoa biển. Như hết thảy những nguời vợ có chồng công tác nơi hải đảo tiền tiêu, chị Nhượng phải thay chồng lo toan việc nhà, nào là chăm con nhỏ, phụng dưỡng bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi. Chị tâm sự: “Vắng chồng, người phụ nữ vừa làm thiên chức của mình, vừa làm thay những công việc của đàn ông”.

Dịp tháng 7 năm ngoái chị Đồng Thị Nga, quê ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã ra huyện đảo Trường Sa thăm chồng. Lần ấy, chị Nga say sóng dữ lắm, nhưng cứ nghĩ đến những phút giây hạnh phúc được ở bên chồng là chị lại hết sợ say sóng. Là giáo viên văn trường THCS, lại có “tâm hồn thơ”, nên trong những ngày đêm con tàu vượt sóng gió ra đảo, chị Nga đã làm thơ dành để tặng chồng – Thiếu tá Đoàn Văn Sình. Chị thổ lộ, trong thơ chị mượn hình ảnh của sóng, mượn lời của gió để trách hờn anh về những tháng ngày chị đằng đẵng nhớ thương, mòn mỏi đợi chờ. Thế nhưng, càng hờn dỗi bao nhiêu, chị Nga lại yêu thương chồng bấy nhiêu. Chị thương chồng, thương những người lính nơi hải đảo xa xôi còn nhiều vất vả, nhưng luôn kiên cường vượt lên vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo.

Trên hành trình từ cảng Lữ đoàn 125 ra tới xã đảo Song Tử Tây, cô công nhân trẻ Bùi Thị Thoa cứ đếm từng giờ tàu chạy. Trong lòng Thoa mong ngóng tàu chạy nhanh hơn, để được gặp chồng là Hoàng Minh Dương sớm hơn lịch trình. Thoa và Dương cưới nhau tháng 10 năm ngoái. Vợ chồng chỉ chăm chút nhau được đúng 15 ngày, rồi Dương khoác ba lô hành quân về với xã đảo Song Tử Tây, nên cô gái trẻ Bùi Thị Thoa nóng lòng gặp chồng cũng là điều dễ hiểu. Và 3 ngày ở lại với chồng trên đảo, có lẽ không đủ để vợ chồng Thoa bù đắp cho nhau những tháng ngày xa cách.

Không có chồng đỡ đần việc nhà và chăm sóc hai cậu con trai “cậu lớn 10 tuổi, cậu nhỏ 7 tuổi”, có những lúc chị Nguyễn Thị Lệ Hà, ở phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà cảm thấy mệt mỏi, như khó có thể vượt qua, nhất là khi các con đau ốm. Nhưng những lúc ấy, nghĩ đến chồng đang ngày đêm vất vả, gian lao nơi đầu sóng ngọn gió, chị Hà lại gắng sức vượt lên, chăm sóc các con chăm ngoan, học giỏi và lo vẹn toàn công việc gia đình để chồng yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Là người phụ nữ còn khá trẻ, xinh xắn, nên mọi người trên tàu bông đùa, đặt cho Nguyễn Thị Loan quê ở xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà là “Hoa hậu quý bà của tàu HQ-936”. Thế nhưng Hoa hậu quý bà này lại có cách tính những ngày tháng xa chồng thật chi ly. Chồng chị – anh Hồ Bảo Ân, hiện là Chủ tịch MTTQVN xã đảo Sinh Tồn. Anh ra đảo công tác đã được 3 năm. Và trong ba năm ấy, những lần anh về đất liền thăm chị, cộng với 3 ngày tới đây chị ra thăm anh trên đảo, thì tổng cộng vợ chồng chị gần nhau được “1 tháng, 2 tuần và 2 ngày, 4 giờ”. Nghe chị tính thế, tôi cả quyết bảo rằng, chị Loan vẫn “ăn gian”, vì đúng ra chị phải tính đến phút và giây nữa chứ (!).

Tháng 7 năm ngoái, cô giáo Hồ Thị Ngân, ở trường THPT Quỳnh Lưu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã ra đảo Trường Sa thăm chồng – Thượng úy Nguyễn Duy Trúc. Đận ấy, cũng là lần đầu tiên cô giáo Ngân đi biển đảo, gặp sóng to, say sóng mệt lả, chẳng ăn uống được gì mà cứ ói khan. Những lúc say, cô nghĩ rằng không bao giờ dám đi biển nữa. Nhưng khi lên đảo, ở lại với chồng được 6 ngày, nghĩ lại cô thấy điều mình nghĩ trên tàu là không đúng – sóng dữ và say sóng có đáng kể gì đâu (!). Và những ngày tháng 6 này, cô Ngân lại có mặt trên tàu HQ-936, vượt sóng tới đảo Sinh Tồn Đông thăm người chồng hết mực yêu thương của cô. Thật may, những ngày tàu đi từ đất liền ra tới đảo Sinh Tồn Đông, thời tiết thuận lợi, sóng yên, biển lặng, cô Ngân không bị say sóng. Cô cứ tíu tít chuyện trò cùng những chị em khác. Cô giáo Ngân tâm sự: “Được Quân chủng Hải quân tạo điều kiện ra đảo thăm chồng như thế này, mình thấy đã hạnh phúc hơn rất nhiều những người mẹ, người vợ khác…”.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.