Trường Sa - phong ba, đằng ngà
Tuesday, December 09, 2014 8:20 AM GMT+7
Trên thế giới, có những địa danh xa xôi, khắc nghiệt trở thành nơi hoang vắng, quanh năm không dấu chân người. Nhưng ở Việt Nam, có một địa danh xa xôi mà cùng với thời gian, cùng với sóng gió, bão giông, nơi ấy lại càng thêm gần, thêm đẹp, thêm thao thức, khắc khoải trong lòng mỗi người dân đất Việt. Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân đã trở lại nơi ấy mang theo hồi ức của những người đến đó từ 60 năm và gần 40 năm trước. Nơi ấy là Trường Sa…

Trường Sa, những ngày sau giải phóng

Mùa hè năm nay, chúng tôi được giao nhiệm vụ lên đường ra Trường Sa đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chuyến tàu sẽ lên đường đúng vào ngày 03/05. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến tôi nhớ đến anh Nguyễn Khắc Xuể, cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), là một trong hai nhà báo duy nhất được ra Trường Sa từ ngay sau ngày giải phóng, vào tháng 5/1975 và cũng là nhà báo duy nhất chứng kiến sự kiện này nay còn sống. Đã nhiều năm tôi liên hệ xin được nghe anh kể chuyện cũ nhưng năm nay anh mới bất ngờ “gật đầu”.

Một chiều cuối tháng 4, trong âm hưởng kỷ niệm ngày toàn thắng, chúng tôi được gặp anh, cùng anh lật giở những hình ảnh Trường Sa thân thương của gần 40 năm trước cùng những hồi ức dạt về ào ạt như sóng biển…

Trường Sa lúc quân đội Sài Gòn đồn trú còn khá hoang sơ. Ông Xuể kể rằng, cây cối cũng ít. Ở Song Tử Tây chỉ có chừng mươi cây dừa, cũng không có bàng vuông, phong ba như bây giờ. Chỉ có cây sâm đất là khá nhiều, mọc kín đảo Trường Sa Lớn. Ở Nam Yết có dừa, bàng vuông… An Bang, Sinh Tồn gần như không có cây cối. Các công trình trên đảo chủ yếu là hầm, công sự phủ cát, gác tôn. Cây cối ít đến mức đứng dưới cái nắng cháy thịt da chụp ảnh, ông Xuể thầm nghĩ mà không dám nói ra: “Liệu anh em có trụ được không?”.

Chiến sĩ đảo Nam Yết chăm sóc tre đằng ngà bên cột mốc chủ quyền

Từ cuối năm 1975 đến cuối năm 1976, nhà báo Nguyễn Thắng, phóng viên đi cùng ông Khắc Xuể đã có nhiều bài viết sinh động về Trường Sa đăng trên Báo QĐND, đáng chú ý là loạt ký sự 16 kỳ “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu”. Lần giở những trang báo ngày ấy, hình ảnh Trường Sa hiện lên thật đẹp, lạ và quyến rũ.

Trước hết là chuyện về các loài cây. Số báo ra ngày 16/2/1976 đã kể về những cây bàng vuông cổ thụ, có cây đường kính gốc tới 2m, cao 16m, xỏa bóng mát tới 40m2, “đủ cho một đại đội trú nắng”, quả bàng vuông cuối mùa nặng 0,5kg, có quả nặng tới hơn 1kg. Cây cao nhất có tới 9 nhánh lực lưỡng.

Vậy những cây bàng vuông “kỷ lục” này có từ đâu? Điều này được nhà báo Nguyễn Thắng lý giải ngay từ ngày đó. Ở cố đô Huế, cũng có rất nhiều bàng vuông. Rất có thể nó đã được mang ra trồng trên đảo từ năm 1826 khi đạo quân đi tìm hải vật được vua cử ra hằng năm và lập miếu thờ thổ thần trên đảo.

Cùng với bàng vuông, nhiều đảo khi đó rất lắm cây mù u cao lớn, loài cây phổ biến xứ rừng U Minh Hạ và cây nhàu, một loài cây thuốc mọc nhiều ở Nha Trang.

“Đến bất kỳ đảo nào, chúng tôi cũng gặp những vườn hoa san hô. Trên rừng có bao nhiêu sắc hoa thì ngoài đảo cũng có bấy nhiêu sắc san hô. Ở những vườn hoa san hô đại đội, anh em ghép những bông màu tím, màu vàng, màu đỏ, màu xanh thành những chùm hoa rực rỡ như hoa bằng kim cương. Anh em chọn san hô màu đỏ xếp thành quốc huy và dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Cổ thụ Trường Sa

Trở lại Trường Sa tháng 05/2014, tôi bâng khuâng đi tìm xem những cây cổ thụ mà các nhà báo quân đội kể năm 1975 nay còn không?

Chúng tôi đã không phải đợi lâu khi đến đảo Nam Yết, nơi hội tụ rất nhiều cổ thụ Trường Sa. Ngay phía trước cột mốc chủ quyền, giữa trưa hè đổ lửa, bóng hai cây bàng vuông và mù u cổ thụ vươn rộng hàng trăm mét vuông, đủ cho hơn một trăm người ngồi uống nước. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo dẫn tôi ra gốc cây bàng vuông 9 nhánh và “bật mí”, đây là một trong những “lão đại mộc tinh bàng vuông” ở Trường Sa. Không ai biết nó có tự bao giờ, nhưng tuổi đời của nó, theo một nhà khoa học từng ra đây công tác cho hay có lẽ phải trên dưới một thế kỷ. Phải chăng đây cũng là cây bàng vuông cổ thụ mà nhà báo Nguyễn Thắng nhắc đến trong thiên ký sự 39 năm trước? Rồi tôi lại nhớ đến hình ảnh đảo Nam Yết năm 1988 do nhà báo Nguyễn Viết Thái của báo Phú Khánh chụp lại, có hình ảnh cô văn công ngồi khâu áo cho bộ đội cũng bên gốc bàng vuông 9 nhánh. Phải chăng vẫn là cây cổ thụ này đã lớn lên cùng đảo hôm nay?

Trường Sa khô cằn (năm 1988)

Năm 1988, khi nhà báo Nguyễn Viết Thái ra đảo Trường Sa Lớn, anh đã tỉ mẩn đếm đầu cây cổ thụ thì thấy ở đây chỉ có 2 cây bàng vuông và vài bụi “hếp” (tức cây bão táp). Nay, Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo đưa tôi đi xem hai cây bàng vuông có tuổi trên dăm bảy chục năm. So với 5 năm trước tôi ra đảo, đã thấy đảo xanh hơn rất nhiều bởi lớp lớp cây con, cây cháu, cây chắt mọc lên quanh những “lão bàng vuông cổ thụ”. Anh Giáp bảo tôi, thế là bộ đội Trường Sa đã lập nên một kỳ tích về cây. “Không tin, anh cứ mở sách đỏ Việt Nam mà coi, ở trang 67 có nói về cây bàng vuông mà ngoài ở Việt Nam, chỉ còn ba nước là Ấn Độ, Malaysia, Australia có loài cây này. Vì thế, cây được ghi trong sách đỏ vì với độ bị đe dọa “bậc R” và khuyến nghị cần trồng trọt ở vùng ven biển đất liền nhưng nay bộ đội Trường Sa không những bảo tồn nhiều cây “cụ” mà còn “phát minh” ra cách ươm, chiết cành bàng vuông để trồng thay cho cách sinh trưởng bằng phát tán hạt tự nhiên của loài cây này. Vì thế, bàng vuông con, cháu, chắt cứ thế sinh sôi khắp quần đảo và còn được gửi về đất liền, trồng ở nhiều tỉnh ba miền Bắc - Trung - Nam… Thêm một kỷ lục khó tin nữa với các nhà sinh vật là đầu xuân 2013, trên đảo chìm Thuyền Chài, chiến sĩ ta đã trồng thành công bàng vuông trong chậu mà cây bàng vẫn lên xanh tốt, ra quả lứa đầu!

Hầu hết các đảo nổi đều rợp bóng cây xanh. Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Trường Sa, Trường Sa Đông, Phan Vinh… đều rợp sắc xanh dừa, mù u, phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao… xen lẫn những vườn rau muống, rau dền, rau cải, rau thơm, dàn bầu, dàn mướp… ngăn ngắt dừa màu xanh thăm thẳm bao la của đại dương.

Gần 40 năm áo xanh ươm mầm xanh

Ngược dòng thời gian, mới biết để có một Trường Sa xanh như hôm nay là mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ canh giữ đảo.

Trong bút ký “Sống ở Trường Sa” trên Báo QĐND tháng 7/1976, tác giả Hà Đình Cẩn kể: “Năm ngoái, khi vừa đặt chân lên Trường Sa, các chiến sĩ xin đất liền chở ra cho hàng trăm tấn đất phù sa, hạt rau và những giống hoa”. Điều đó cho thấy, ý thức xây dựng một Trường Sa xanh đã có từ những ngày đầu.

Mấy ai biết người đầu tiên mang… phân trâu ra Trường Sa nay là một vị tướng? Đó là Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban Quản lý dự án 47, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 (nay là Lữ đoàn). Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cứ mỗi mùa đơn vị ra xây dựng Trường Sa, dù cấp trên không giao nhiệm vụ nhưng ông Kiền vẫn tự nguyện cùng anh em ra các vùng ngoại ô Đà Nẵng, chọn nơi đất tốt, đất màu xúc mang về doanh trại. Số lượng lên tới hàng chục tấn đất mỗi năm. Một bộ phận khác thì nhận lệnh phải lặn lội đi xin phân trâu, bò ở ngoại thành. Phân trâu mang về nhào với đất, rồi rải ra phơi khắp sân trung đoàn, đợi khô đóng gói vào từng bao. Khi hành quân xây đảo, xe vào Cam Ranh lẽ ra chạy không lãng phí, ông Kiền cho chở đất phân trâu rồi chuyển xuống tàu, mang ra tặng các đảo. Mỗi năm số lượng đất phân trâu chừng 70 tấn, trong suốt 10 năm, những người lính công binh đã tự nguyện gửi tặng ra đảo gần 1.000 tấn đất phân trâu như thế.

Trường Sa xanh, xanh tự bao giờ?

Để đảo xanh, chỉ có sự cần cù trồng cây thì chưa đủ. Một buổi chiều mùa hè tháng 6 bỏng rát, khi lên đảo Sơn Ca, ông Kiền lặng người nhìn thấy hình ảnh người lính trẻ ngồi khóc bên một gốc bàng vuông vừa chết, thân ngả màu đỏ rực. Ông lại gần, ân cần hỏi han:

- Vì sao cháu khóc?

- Cây của cháu chết rồi chú ơi!

- Thôi, cây chết thì trồng cây khác…

- Cháu buồn lắm chú à. Đảo phát động phong trào “mỗi người trồng một cây” để lúc hết nghĩa vụ, anh em về sẽ khắc tên mình lên cây đó. Anh em có cây cả rồi, cháu trồng hai lần cây đều chết…

Người lính nói rồi nước mắt lại giàn giụa khiến ông Kiền không cầm lòng, mắt cũng cay cay. Bộ đội Trường Sa coi cây như bạn, như con, cây chết ai không xót xa?

Hình ảnh người lính khóc bên cây bàng vuông khiến ông thao thức suốt đêm không sao ngủ được. Dù không phải là kỹ sư nông nghiệp và địa chất nhưng một ý tưởng chợt lóe lên trong ông. Phải chăng cây chết vì đảo cằn cỗi quá, lại thiếu nước ngọt tưới cho cây. Muốn trồng được cây phải giải quyết vấn đề từ gốc là “ngọt hóa” đảo. Vậy ngọt hóa bằng cách nào? Con mắt kỹ sư công trình giờ đây đã tỏa sáng: Chỉ có cách xây kè để giữ nước mưa, đất màu ở lại với đảo.

Trở về đất liền, trong một hội nghị giao ban Quân chủng, ông mạnh dạn mang tâm tư ấy bàn với Tư lệnh. Ý tưởng được ghi nhận. Sau nhiều khảo sát…, các dự án xây tường kè bao quanh đảo, giúp giữ lại nước mưa, ngọt hóa đảo đã lần lượt được triển khai. Từ đó, ngày qua ngày, năm qua năm, Trường Sa ngày một thêm xanh hơn trước rất nhiều.

“Cây chỉ thị” chủ quyền

Nhật Bản có cây anh đào, nước Nga có hàng thùy dương soi bóng, Campuchia có thốt nốt, Canada xứ sở những hàng phong, Anh, Đức là những cây sồi, Ấn Độ cây đa, Việt Nam cây tre kiên cường, bất khuất… Cùng với “quốc thụ”, mỗi vùng miền lại có một loài cây đặc trưng. Ở đất liền, tới Bến Tre là biết ngay xứ dừa, lên Điện Biên, gặp ngay sắc hoa ban. Cách đây mấy năm, khi hoàn thành xong việc phân giới cắm mốc biên giới, có một vị tướng đã đề xuất với Bộ Quốc phòng việc cần phải trồng những loài “cây chỉ thị” biên giới trên các rẻo đất biên cương. Các dự án trồng cây chỉ thị biên giới từ đó đã ra đời. Vậy thì với Trường Sa, trồng “cây chỉ thị chủ quyền” - tại sao không?

Băn khoăn của tôi đã trở thành…thừa. Ở Trường Sa, chuyện khẳng định chủ quyền không cần chỉ thị, không cần dự án nào hết. Người lính đã tự làm điều đó từ lâu rồi.

Đảo Sơn Ca hôm nay rợp bóng cây xanh

Anh Lương Xuân Giáp cho tôi hay, trước khi Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật ra nghiên cứu tới 7 lần khảo sát, điều tra, trồng thử nghiệm một số loài cây trên Trường Sa Lớn để tìm ra một số loài cây bền vững thì những người lính đã tự ươm trồng và thử nghiệm nhiều loài cây đặc trưng nhất mang hình bóng quê nhà. Ngoài “bàng vuông, phong ba, bão táp” là những cây gần như đã thành biểu tượng của Trường Sa, bộ đội Trường Sa nhiều năm qua đã nỗ lực mang ra ươm trồng những loài cây mang tính biểu tượng Việt Nam nhất. Trong đó, kỳ công nhất phải kể đến chuyện trồng tre ở Trường Sa.

Thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó lữ đoàn trưởng về quân sự Lữ đoàn 146 từng được mọi người mệnh danh là “giáo sư cây” của đảo Song Tử Tây từ ngày anh còn là chỉ huy trưởng đảo này. Giáo sư chẳng những giỏi quản quân mà còn giỏi “quản cây”, khi ngày đầu ra đảo anh đã tự tay đi đếm và thống kê toàn đảo có hơn 2.500 cây cổ thụ. “Giáo sư” Đỗ cũng là một trong những người đầu tiên mang tre ra trồng ở Song Tử Tây. Anh còn truyền cảm hứng yêu cây cho bộ đội khi từ thời anh Đỗ làm “chúa đảo”, nhiều loài cây như dừa, tre, hoa súng, lục bình đều do chính anh lấy giống từ đất liền mang ra đảo.

Trường Sa đã có rất nhiều cây rồi nhưng mỗi buổi trưa hè, nghe tiếng gà cục tác, anh vẫn nôn nao thấy đảo như còn thiếu một cái gì đó. Phải rồi, đó là cây tre quê nhà. Vào bờ, anh quyết mang ra một bụi tre gai dù không mấy tự tin nó có sống được không. Anh quây nilon, chăm bón tre như trồng rau. Cuối cùng bụi tre gai đã lên xanh tốt. Lại nhớ đến hình ảnh cây tre đằng ngà của Thánh Gióng diệt giặc Ân từ trong cổ tích, anh em trên đảo bàn với anh phải làm sao trồng được giống tre này. Gọi về đất liền, cô em dâu là kỹ sư nông nghiệp huyện Cam Lâm nhiệt tình tận tay đi mua hai khóm tre đằng ngà gửi ra đảo. Lại sau bao vun xới, chở che, những cụm tre “Thánh Gióng” đầu tiên đã mọc lên trên quần đảo bão tố.

Cùng thời điểm ấy, đoàn cán bộ UBND tỉnh Phú Thọ ra thăm Trường Sa cũng mang 30 khóm tre đằng ngà ra tặng cho 9 đảo ở Trường Sa, tre được xin tại đền Hai Bà Trưng, di tích lịch sử quốc gia, ở Mê Linh, Hà Nội... Năm ngoái, trên chuyến tàu thân nhân ra thăm bộ đội Trường Sa, có người cha ở Tân Kỳ (Nghệ An) ra thăm cả con trai và con rể đều là bộ đội giữ đảo đã mang ra 4 khóm tre là quà bà con thôn xóm gửi tặng hai anh như muốn gửi cả hình bóng quê nhà ra đảo.

Tre theo người ra đồng lao động. Tre cùng xe thồ lên Chiến dịch Điện Biên. Tre trên tay người mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tre lên rừng thành lũy thép, thành chiến khu vây thù, che bộ đội. Và bây giờ, tre lại xuống biển cùng người lính giữ đảo. Có chiến sĩ trên đảo đã mơ ước một ngày không xa, cùng với những hàng phong ba, bão táp, tre gai, tre đằng ngà sẽ mọc thành khóm, thành lũy tre bao quanh đảo như bao quanh làng, vừa ngăn gió bão, vừa có thể ngăn biệt kích, thành nơi trú ngụ cho chim cò… Tôi thầm nghĩ, ước vọng ấy đâu phải là viển vông khi mới đây Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người xây dựng Làng tre Phú An (Bến Cát, Bình Dương) - một bảo tàng tre lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á được nhận giải thưởng Xích đạo (Equator Prize) của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học đã cho biết về khả năng diệu kỳ của cây tre. Người Nhật đã từng trồng thí nghiệm tre trên một vùng đất ở gần Hiroshima - thành phố bị tàn phá bởi bom nguyên tử hồi năm 1945, vùng đất mà chất độc phóng xạ tưởng như không thể làm cây nào sống được nhưng cây tre đã đâm chồi trên đất nhiễm phóng xạ chỉ sau vài tháng…

Có tre là có làng. Người lính đợi chờ tre lớn, tre sinh sôi cùng từng hòn đảo “Tổ quốc lớn mỗi ngày trên mỗi phong ba” để có những làng đảo rợp bóng tre trong một ngày không xa…

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chép của Nguyễn Minh - Trường Giang

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.