Trường Sa - phong ba, đằng ngà (Bài cuối)
Friday, December 19, 2014 6:00 AM GMT+7
Luật pháp quốc tế coi việc mỗi Nhà nước cắm mốc dấu chủ quyền là biểu hiện quan trọng thể hiện sự sở hữu lãnh thổ hợp pháp. Từ trong những đêm mờ xa xôi của lịch sử, Hoàng Sa, Trường Sa đã có những dấu mốc chủ quyền bằng gỗ, bằng đá do những hải đội vâng lệnh vua cưỡi sóng dữ lập nên. Trải qua mấy trăm năm, Trường Sa hôm nay vẫn sừng sững những cột mốc chủ quyền qua bao thế hệ dựng xây, tu tạo. Và ở đó, còn lưu giữ bí ẩn như một cổ tích thời hiện đại về tấm bia đá khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà”…

Vâng lệnh vua, cưỡi sóng dữ lập bia

Sử cũ còn ghi tên một người lính đã tới Hoàng Sa đặt bia chủ quyền từ xa xưa. Ông Phạm Hữu Nhật là Đội trưởng Thủy quân, người làng An Vĩnh (Lý Sơn) dẫn đầu 70 suất đinh là những dân binh trên đảo Lý Sơn ra đo đạc hải trình, thu lượm sản vật, cắm mốc dựng bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Theo sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên (sách ghi chép về nước Đại Nam ngày nay, 1865-1882), để thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã phê chuẩn bản tấu của Bộ Công ngày 12/02/1836 (Niên hiệu Minh Mạng thứ 17) và ra lệnh cho suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật “đưa binh thuyền đi, chuẩn bị, mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, 33 mặt bài khắc chữ “Năm Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. 18 năm sau lần vâng lệnh vua vượt sóng dữ đi đặt bia chủ quyền, năm 1854, cai đội Phạm Hữu Nhật cùng nhiều dân binh mất tích trên biển cũng trong một lần đi làm nhiệm vụ. Không tìm thấy xác ông, người ta đã lập ngôi mộ gió bên cạnh mộ thủy tổ họ Phạm Văn trên đảo Lý Sơn. Sau này, tên ông đã được đặt cho một hòn đảo trên quần đảo Hoàng Sa. Ngôi mộ như một biểu tượng, một khúc tráng ca bi hùng của những người tiếp bước tiền nhân, đi đặt mốc chủ quyền một thời “mang gươm đi mở cõi”.

Bộ đội đảo Sinh Tồn Đông nhận lá cờ do Đồn Biên phòng Ca Lăng (Mường Tè, Lai Châu) gửi tặng tháng 05/2014

Dấu xưa mốc cũ, nghìn năm chủ quyền

PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia từng là một người lính hải quân Lữ đoàn Vận tải 125, nhiều lần đến Trường Sa và là chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo. Trong cuốn “Việt Nam và các tranh chấp biển trong Biển Đông” được giải thưởng quốc tế dành cho các tác phẩm viết về Luật Biển bằng tiếng Pháp xuất sắc nhất, ông đã nhiều lần nhắc đến các cột mốc chủ quyền do chính quyền miền Nam Việt Nam lập trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Năm 1956, Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa đã cấp phép khai thác phân chim trên đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật và Phú Lâm cho Lê Văn Cang. Năm 1959, giấy phép cũng được cấp cho Công ty Phốt phát Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác phân chim cho đến tận năm 1963. Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa đã được chuyển từ tỉnh Thừa Thiên sang tỉnh Quảng Nam từ năm 1961.

Theo nghiên cứu của ông Thao, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã đến Trường Sa và dựng bia thể hiện chủ quyền vào ngày 22/08/1956. Từ 11 đến 16/06/1961, các tàu hộ vệ Vân Đồn và Vạn Kiếp (HQ02 và HQ06) đã được điều đến tuần tra các đảo Song Tử Đông, Thị Tứ, Loai Ta và An Bang thuộc quần đảo Trường Sa. Các đơn vị hải quân đến đảo Trường Sa, An Bang, Loai Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Nam Yết năm 1962, 1963 và 1964 nhằm mục đích dựng các cột chủ quyền đối với các đảo này.

Năm 1963, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đưa ba tàu là HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kỳ Hòa ra xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc Trường Sa. Sách trắng năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa nêu rõ ngày xây dựng lại bia chủ quyền ở 6 đảo: ngày 19/05/1963, ở đảo Trường Sa; ngày 20/05/1963, ở đảo An Bang; ngày 22/05/1963, ở đảo Thị Tứ và Loai Ta; ngày 24/05/1963 ở đảo Song Tử Đông và đảo Song Tử Tây.

Như vậy, bia chủ quyền trên các hòn đảo ở Trường Sa đã được xây dựng, tôn tạo nhiều lần vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Trong kho tư liệu ảnh của nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chụp đầu tháng 05/1975, trên tất cả các đảo ta giải phóng đều có bia chủ quyền của chính quyền Sài Gòn lập, có ghi rõ tên đảo và tọa độ. “Một điều đáng tiếc là sau này, trong quá trình xây dựng, tu tạo và những biến thiên thời tiết, nhiều tấm bia cũ đã mất dấu vết hoặc không còn nguyên vẹn” - ông Xuể cho biết.

Bộ đội Hải quân gác trên Trường Sa Lớn năm 1980

Tuy vậy, trên toàn bộ quần đảo Trường Sa hiện nay, vẫn còn bảo tồn được hai tấm bia chủ quyền do chính quyền Sài Gòn lập từ năm 1956, một nằm ở đảo Song Tử Tây, một trên đảo Nam Yết.

Cách đây hai năm, trong đoàn khách ra thăm đảo Song Tử Tây, người ta ngạc nhiên thấy một cựu chiến binh ngồi lặng bên cột mốc chủ quyền cũ và… khóc. Ông là Lê Xuân Phát, nay sống ở thành phố Hải Phòng, một trong những chiến sĩ tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây. Gần 40 năm trước, chính ông Phát vinh dự được giao nhiệm vụ cắm cờ trên đảo Song Tử Tây ngay trong trận đánh mở màn giải phóng Trường Sa vào ngày 14/04/1975. Nhận trọng trách, ông Phát vừa nổ súng cùng đồng đội, vừa tìm vị trí cột mốc chủ quyền nơi địch treo cờ để lao tới kéo cờ của ta lên. Ông bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử ấy: “Tôi hạ lá cờ của chính quyền Sài Gòn trong khi tiếng súng vẫn lác đác xung quanh. Kéo xuống gần thì cờ bị kẹt dây nên tôi leo luôn lên cột mốc chủ quyền, cắm lá cờ nửa đỏ nửa xanh trong niềm xúc động dâng trào”.

Trận đánh ấy, ta giải phóng đảo chỉ sau 20 phút nổ súng nhưng bên cột mốc chủ quyền, ông Phát và anh em đã phải vuốt mắt anh Quang, người liệt sĩ đầu tiên hy sinh để giải phóng Trường Sa. Ít lâu sau, trên đường về Đà Nẵng, anh Quyền, một chiến sĩ khác bị thương nặng cũng hy sinh. Trở lại hòn đảo năm xưa, ông Phát không tin mình còn tìm lại được cột mốc chủ quyền nơi ông kéo cờ ngày ấy. “Tôi nghe nói, cụm bia chủ quyền này đang được đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết và xứng đáng” - ông Phát tâm sự.

Bia chủ quyền sau ngày giải phóng

Trường Sa giải phóng. Người lính nơi đảo xa đối diện với bộn bề gian khó. Nhà cửa ban đầu chưa kịp xây dựng, phải ở nhà tôn, nhà lợp giấy dầu nhưng một trong những công trình đầu tiên cần xây dựng đàng hoàng chính là những tấm bia chủ quyền mới của một chế độ mới.

Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng (Binh chủng Công binh) kể: Lịch sử Trung tâm còn ghi nhiệm vụ trên giao thiết kế mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa ngay sau năm 1975. Đó chính là mẫu mà chúng ta thường nhìn thấy trên những bức ảnh đen trắng chụp Trường Sa thập niên 80 với ngôi sao vàng 5 cánh trên đỉnh tháp, dưới là tên đảo, tọa độ và dưới cùng là biểu tượng mỏ neo của Quân chủng Hải quân.

Đó là trên những đảo lớn, đảo nổi. Còn ở những đảo chìm, cột mốc chủ quyền đã ra đời như thế nào? Đảo Thuyền Chài là một ví dụ. Từ tháng 04/1978, một phân đội đã đóng quân canh giữ đảo nhưng nơi đóng quân thường chỉ là một pông-tông (giống như một cái phà). Ngày 06/04/1983, ông Hồ Ngọc Nhường - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh ra thăm và đặt mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Thuyền Chài. Năm 1987, nhà lâu bền trên đảo Thuyền Chài được hoàn thành, cột mốc chủ quyền được gắn ngay vào công trình mỗi ngôi nhà được xây từ đó.


Di tích chủ quyền trên đảo Song Tử Tây được lập từ năm 1956

Vào những năm 90, Trung đoàn Công binh Hải quân 83 là một trong những đơn vị tham gia xây dựng Trường Sa nhiều nhất. Đại tá Nghiêm Hồng Giang, Trưởng phòng Quản lý thi công Ban Quản lý Dự án 46 (Bộ Quốc phòng), từng là trợ lý thi công của đơn vị ngày đó đã được giao thiết kế mẫu bia chủ quyền ngay sau khi xây xong nhà ở kiên cố cho đảo Nam Yết. Anh Giang nhớ lại: “Do tiết kiệm, chúng tôi thường không dùng hết sắt, thép, xi măng theo định mức. Chỉ huy đơn vị đã giao cho chúng tôi tận dụng xây một cột mốc. Tôi được giao thiết kế cột mốc chủ quyền và đã phác thảo mô hình một con tàu, đầu tàu ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bộ đội Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có trời, có biển, bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”. Đuôi con tàu hướng về phía nam cùng với thân tàu kiêm thêm chức năng làm bảng tin, chấm điểm thi đua của bộ đội. Giữa thân tàu là cột cờ với dòng chữ ghi tên nước, tên đảo, tọa độ…”. Cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết hoàn thành sau một tuần thi công. Các đoàn khách ra thăm lúc bấy giờ ai cũng trầm trồ khen ngợi và đều chụp ảnh kỷ niệm dưới cột mốc. Từ đó, tại các công trình khác mà Trung đoàn 83 thi công, cột mốc chủ quyền đều được xây dựng ở tất cả các điểm đảo, chính thức trở thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị thi công, được đưa vào dự toán.

Những cột mốc chủ quyền với thế đứng ngày một thêm vững vàng cùng sự lớn lên của đảo. Nơi đặt cột mốc chủ quyền, như một sự lựa chọn tự nhiên của lịch sử, dần trở thành trái tim của đảo, là nơi treo cờ Tổ quốc, nơi diễn ra các lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, sinh hoạt tập thể, nơi các đoàn khách ra thăm đảo tề tựu chụp ảnh lưu niệm.

Sớm nhận ra ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của cột mốc chủ quyền, Quân chủng Hải quân đã có đề án quy hoạch, tu tạo hệ thống bia chủ quyền trên toàn quần đảo. Có một người lính bình dị đang làm việc tại thành phố Cảng Hải Phòng vinh dự được giao nhiệm vụ thiết kế mẫu cột mốc chủ quyền Trường Sa. Anh là Thượng tá, họa sĩ Mai Huy, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng Hải quân. Đã nhiều lần ra Trường Sa, đã suy nghĩ bên các cột mốc chủ quyền nhiều giờ nhưng sau rất nhiều ngày, anh Huy vẫn chưa định hình được phác thảo. Một đêm nọ, làm việc quá khuya, anh ngủ thiếp đi trên bàn. Trong giấc mơ chập chờn, anh chợt thấy hình ảnh trống đồng Đông Sơn với hình chim lạc vờn bay. Rồi giấc mơ lại đưa anh đến với Hồ Gươm, Tháp Bút nghiêng mình soi bóng. Anh như bay qua những trầm tích văn hóa, bay qua Biển Đông đến với những hòn đảo chói chang nắng gió. Giật mình tỉnh giấc, anh Huy nói như reo: “Cột mốc chủ quyền đây rồi!”. Một giấc mơ đã nói lên tất cả. Anh ngồi ngay vào bàn vẽ. Phải rồi, thân bia sẽ dự theo mẫu hình Tháp Bút Hồ Gươm “viết lên trời xanh”. Trên thân bia, ngoài các biểu tượng quen thuộc như cờ Tổ quốc, tên nước, tên đảo, tọa độ sẽ là mặt trống đồng dân tộc… Phương án mẫu bia chủ quyền anh Huy đề xuất nhanh chóng được lãnh đạo Quân chủng nhất trí. Và từ đó, bia chủ quyền Trường Sa có một dáng hình thống nhất đầy tính biểu tượng như chúng ta vẫn thấy hôm nay…

Bí ẩn tấm bia đá và bài thơ thần

Trên sân thượng khu hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, có một bí ẩn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp: Nơi đó có đặt một bát hương trước bài thơ thần khắc trên bia đá, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà do Lý Thường Kiệt sáng tác:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tấm bia đá này có từ bao giờ? Ai là người mang nó ra?

Đã nhiều năm nay, chúng tôi đi tìm dấu vết mà chưa ra. Tôi cũng đã vào tận Đà Nẵng, nơi đại bản doanh Trung đoàn Công binh Hải quân 83, đơn vị xây dựng đảo Đá Tây để hỏi nhiều thế hệ cán bộ, nhưng không ai biết nguồn gốc tấm bia. Chúng tôi cũng lại về Hải Phòng, hỏi nhiều cán bộ lãnh đạo Quân chủng, các nhà nghiên cứu. Câu trả lời vẫn là: Không biết. Lại có người mách chúng tôi: Rất có thể các cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi ra xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã đặt bia. Tuy nhiên, tôi đã hỏi nhiều người ở bộ này vẫn không ra manh mối.

Nhưng có một thông tin được nhiều người thống nhất, có một điểm chung, ấy là bài thơ ra đời gắn với cảm xúc của một vị tướng. Chuyện kể rằng, mùa hè năm 1988, sau những ngày Biển Đông dậy sóng, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra thăm Trường Sa. Đặt chân lên đảo Đá Tây, khi viết những dòng lưu bút vào sổ vàng truyền thống của đảo, Đại tướng đã ghi bài thơ “Nam quốc sơn hà” cùng lời căn dặn những người lính trẻ. Lớp người ra đảo sau đó, đọc được những dòng sâu sắc đó, khi về đất liền đã khắc thành bia mang ra đặt ở đảo…

Trong khi bí ẩn về bài thơ thần ở Trường Sa còn chưa được làm rõ thì ở Trường Sa bây giờ, lại có thêm một bài thơ thần khác: Bài thơ thần ở chùa Trường Sa Lớn. Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, nguyên trụ trì chùa vốn có hoa tay viết thư pháp trên đá. Khi ra Trường Sa, lần đầu đón Giao Thừa trên đảo, thượng tọa đã đi dạo một vòng trên bờ biển và tình cờ nhặt được “lộc” đầu năm, một viên đá to tròn, trắng mòn nước biển. Cảm xúc thiêng liêng “năm mới, tháng Giêng, mùng Một tết” ùa về, ông lấy bút viết lên đá bài thơ “Nam quốc Sơn hà” bằng chữ Nho. Trước đó, ông chưa hề biết chuyện bài thơ thần trên đảo Đá Tây…

Vậy là Trường Sa đã có hai bài thơ thần. Có những điều tưởng như bình thường, giản đơn nhưng luôn lạ lùng, bí ẩn như tình yêu Tổ quốc cao cả luôn sinh sôi từ những gì bình dị nhất…

Ghi chép của Nguyên Minh - Trường Giang

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.