Vịnh Hạ Long - Kiệt tác tạo hình của tạo hoá
02 Tháng Mười 2011 9:55 SA GMT+7
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người.

Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn trong các tọa độ từ 1060 58’ - 1070 22’ kinh độ Đông và 200 45’ - 200 50’ vĩ độ bắc, với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.

Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Caxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong một diện tích không lớn, hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.

 

 

Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.

 

 

Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.

 

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.

 

Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...

Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di Sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long

 

Vịnh Hạ Long trong cuộc hành trình bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới

Bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới là một cuộc bình chọn do NewOpenWorld (NOW) - một tổ chức phi lợi nhuận do tỉ phú người Thụy Sĩ Bernard Weber thành lập với mong muốn bảo vệ các di sản thiên nhiên và nhân tạo của thế giới phát động và tổ chức qua mạng internet (www.natural7wonders.com). Cuộc bầu chọn này đã gây sự chú ý lớn trên thế giới và đem tới cơ hội tốt để quảng bá du lịch cũng như hình ảnh đất nước của những quốc gia được lựa chọn.

Theo quy định, cuộc bình chọn chỉ dành cho các danh thắng tự nhiên, không phải do con người tạo ra và không bị con người can thiệp vào một cách đáng kể. Có thể bình chọn các danh thắng theo các danh mục sau: Khu dự trữ động thực vật; Hẻm núi; Hang động; Bờ biển, vách đá; Rừng, gỗ; Khu vực địa lý; Sông băng; Núi, núi lửa, núi đá; Công viên bảo vệ thiên nhiên; Ốc đảo, sa mạc; Khu vực tự nhiên thời tiền sử; Thế giới dưới nước, đá ngầm; Nước, biển, hồ, sông; Thác nước; Các lĩnh vực khác. Theo đó, mỗi địa danh tham gia phải có một ủy ban hỗ trợ chính thức, có đủ tư cách pháp lý, phải ký hợp đồng và được NOW chấp thuận. Quá trình bầu chọn được chia làm hai giai đoạn: ứng cử và bỏ phiếu.

Giai đoạn khởi động: Kể từ khi phát động (năm 2007), NewOpenWorld đã tập trung được 441 địa danh đề cử qua mạng internet. Sau đó, họ chọn ra một địa danh tốt nhất ở mỗi nước và rút ngắn danh sách xuống còn 222 địa danh tương ứng. Cuối cùng, danh sách lại tăng lên thành 261, trong đó có Vịnh Hạ Long của Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của một số địa danh chung của hai hay nhiều nước, chẳng hạn như thác Niagara và hồ Superior (nằm giữa Mỹ và Canada), núi Matterhorn (giữa Thụy Sĩ và Italia).

Giai đoạn 1: từ tháng 8/2007 – 8/8/2008

Từ 261 đề cử đến từ 222 quốc gia trên thế giới, NewOpenWorld đã chọn ra 77 đề cử có số phiếu cao nhất vào vòng tiếp theo. Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã vinh dự là một trong những địa danh được New Open World giới thiệu trong danh sách đề cử và đã vượt qua vòng đầu tiên này để bước vào giai đoạn 2 của cuộc đua giành danh hiệu 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Giai đoạn 2: Từ tháng 8/2008 - 21/9/2009

Ở giai đoạn này, vịnh Hạ Long của Việt Nam cùng với 76 danh thắng khác của quốc gia trên khắp thế giới bước vào giai đoạn 2 của cuộc bình chọn. Các danh thắng được chia thành 7 nhóm từ A đến G theo các chủ đề khác nhau. Cụ thể, nhóm A: phong cảnh, hệ thống băng; nhóm B: đảo; nhóm C: núi, núi lửa; nhóm D: hang động, hệ thống đá; nhóm E: rừng, công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; nhóm F: hồ, sông, thác nước; nhóm G: phong cảnh biển, vịnh. Vinh Hạ Long của chúng ta nằm ở Bảng G cùng với 24 danh thắng khác. Sau một thời gian tiến hành bình chọn, ngày 21/7/2009, tổ chức NewOpenWorld đã chính thức công bố danh sách 28 địa danh lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Việc bầu chọn các ứng cử viên vào chung kết do một ủy ban gồm nhiều chuyên gia tiến hành. Ủy ban này do ông Federico Mayor, cựu Chủ tịch Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đứng đầu, đã chọn ra 28 đại diện xuất sắc từ 77 địa danh giành được số phiếu bầu cao nhất trong vòng bầu chọn trước đó. Việc lựa chọn dựa vào các yếu tố như cân bằng địa lý, tính đa dạng và tầm quan trọng đối với cuộc sống con người. Theo ông Bernald Weber, sáng lập viên của tổ chức NewOpenWorld, trong số 28 kỳ quan lọt vào chung kết có nhiều địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Maldives, thung lũng Grand Canyon, vịnh Fundy, thác nước Angel Falls... Đứng đầu danh sách là rừng Amazon, tiếp theo là Biển Chết, đỉnh Kilimanjaro (Châu Phi), quần đảo Galapagos (Ecuador). Vịnh Hạ Long của chúng ta xếp ở vị trí thứ 12 trong 28 kỳ quan. Theo lời giới thiệu của NewOpenWorld: “Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam được tạo nên bởi vô vàn núi đá vôi và đảo lớn, đảo nhỏ với hình thù, kích cỡ khác nhau. Vịnh trải dài trên 120 km bờ biển, ước tính 1.553 km2 và có 1.969 hòn đảo nhỏ. Nhiều hòn đảo rỗng lòng và chứa trong nó những hang động khổng lồ. Số khác là nơi trú ngụ của các làng chài. Dưới biển có hơn 200 loại cá và 450 loại động vật thân mềm khác nhau. Một đặc điểm nữa của vịnh Hạ Long là có hồ nước trong các đảo đá vôi, ví dụ như ở đảo Đầu Bê có đến 6 hồ”.

Sau khi 28 ứng cử viên chính thức được giới chuyên gia lựa chọn và công bố, việc bình chọn lại tiếp diễn để chốt lại 7 địa danh cuối cùng.

Giai đoạn 3: Từ ngày 21/7/2009 đến năm 2011

Từ 28 danh thắng, công chúng trên khắp thế giới đang tiếp tục bình chọn để xác định ra 7 danh thắng đứng đầu, được nhận danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Ở giai đoạn này, với sự quan tâm của người dân Việt Nam cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, Vịnh Hạ Long của Việt Nam luôn đứng trong top 5 danh sách kỳ quan thiên nhiên mới trên tổng số 28 địa danh lọt vào chung khảo. Tuy nhiên, các đối thủ của Vịnh Hạ Long ở nhiều nước khác trên thế giới cũng rất nặng ký và rất nỗ lực với nhiều hoạt động thu hút bầu chọn.

 

Các hoạt động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đã đi qua 3/4 chặng đường, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 11/11/2011 tới đây. 4 năm với nhiều vòng bầu chọn quyết liệt, Vịnh Hạ Long đã lọt vào top 28 kỳ quan thiên nhiên thế giới vào chung kết. Tháng 1/2011, Vịnh Hạ Long được xếp vị trí 4/28 danh thắng ở vòng cuối cùng này. Có được kết quả này là nhờ có sự nỗ lực cố gắng không ngừng của các cấp, các ngành (đặc biệt là ngành VHTTDL) và các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá cho Vịnh Hạ Long và tiến hành nhiều cuộc bầu chọn với quy mô lớn. Công tác vận động bầu chọn cũng đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những du khách quốc tế yêu mến di sản này cũng hưởng ứng nhiệt tình thông qua các lá phiếu ủng hộ. Hãy cùng điểm lại các hoạt động bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới trong suốt 4 năm qua.

Hoạt động bầu chọn trong nước:

Tại Việt Nam, một chiến dịch rầm rộ nhằm bình chọn qua internet bảy kỳ quan thiên nhiên dựa theo sáng kiến của tổ chức trên đã được nhiều cơ quan chức năng Nhà nước, cấp chính quyền phát động vào tháng 8/2007. Kéo theo đó là nhiều cơ quan báo chí cùng vào cuộc để cổ vũ mọi người dân bình chọn. Từ ngày 22 tháng 2 năm 2008, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã được phía NOW đồng ý là cơ quan bảo trợ chính thức và đã đại diện ký thỏa thuận với NOW. Ngày 25 tháng 2 năm 2008, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ phát động bình chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Nhiều báo như báo Tuổi Trẻ đã lập hẳn 1 chuyên mục để thông tin (với khẩu hiệu "Bầu chọn Việt Nam: Lá phiếu của lòng yêu nước") thường xuyên và tuyên truyền cổ động cho cuộc bình chọn này. Và như tại Tiền Giang, từ ngày 25 tháng 3 năm 2008, lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa Thông tin và Sở Bưu chính viễn thông cùng hàng trăm đoàn viên thanh niên Đoàn khối dân chính đảng tỉnh Tiền Giang đã khởi động chiến dịch 10 tháng bầu chọn cho ba danh thắng của Việt Nam vào danh sách kỳ quan thế giới mới, trong đó có cả việc hỗ trợ đường truyền Internet tốc độ cao miễn phí cho 35 trường Trung học Phổ thông trong tỉnh để giáo viên và học sinh tham gia bầu chọn. Và chỉ trong tuần lễ phát động đầu tiên, đã có gần 10.000 lượt đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở thành phố Mỹ Tho đã tham gia bầu chọn. Ngày 14/3/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh, báo Thanh Niên, Đài Truyền hình Việt Nam và EVN elecom đã ký hợp tác và phát động chương trình vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên của thế giới cho đến 31/12/2008, trong đó có 1 "Cuộc tuần hành vòng quanh đất nước bằng xe đạp và thiết lập các điểm bầu chọn cho vịnh Hạ Long ở các tỉnh, thành phố".

Ngày 8/8/2008, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền, quảng bá và vận động bầu chọn Kỳ quan thiên nhiên thế giới đã chính thức ra mắt. Ban Chỉ đạo gồm 18 thành viên là đại diện các Bộ: Ngoại giao, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ninh… do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ xây dựng phương hướng, kế hoạch vận động thống nhất và dài hạn mang tầm quốc gia, chỉ đạo nhất quán các cơ quan, địa phương và các tổ chức xã hội nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần đưa các kỳ quan đã được đề cử của Việt Nam trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Ngay sau lễ ra mắt, Ban chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền, quảng bá và vận động bầu chọn Kỳ quan thiên nhiên thế giới đã tổ chức phiên họp đầu tiên nhằm trao đổi phương hướng chính trong công tác chỉ đạo trong năm bản lề 2009 trên góc độ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Ngày 19/8/2008, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Hợp tác Quốc tế đưa ra 9 chương trình hành động từ đây cho đến cuối năm cho cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới. Từ đó cho tới nay, các hoạt động tuyên truyền, vận động quảng bá bầu chọn cho Vịnh Hạ Long đã được tổ chức khá sôi nổi tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đóng góp một phần quan trọng vào kết quả của Vịnh Hạ Long trong bảng xếp hạng tại vòng chung kết hôm nay.

 

Hoạt động bầu chọn tại nước ngoài: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đã được Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL tiến hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhằm đẩy mạnh cuộc vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long tại nước ngoài, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài về việc bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Theo đó,  Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; các đại sứ quán; các cơ quan về văn hóa, kinh tế, thông tấn; hội học sinh, sinh viên và cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới tích cực tổ chức các hoạt động giới thiệu, kêu gọi bạn bè quốc tế bầu chọn cho Vịnh Hạ Long, đồng thời coi đây là hoạt động quảng bá cho di sản của đất nước. Bộ VHTTDL cũng đã gửi đến các cơ quan đại diện những bưu ảnh, tài liệu về Vịnh Hạ Long kèm theo phần hướng dẫn các bước bầu chọn.

Tại Hungary: Ngày 29/4/2009 trong lễ lễ mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã chính thức phát động đợt vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng cùng toàn thể cán bộ, nhân viên đại sứ quán và những người tham dự buổi lễ đã trực tiếp bỏ phiếu qua mạng cho Vịnh Hạ Long.

Tại Trung Quốc: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng đã tổ chức lễ phát động bầu chọn Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới qua mạng Internet trong cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc.

Tại Đức: Tiếp sức để Vịnh Hạ Long được bầu chọn là Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phát động phong trào bình chọn cho Vịnh Hạ Long trong thời gian từ ngày 16/4 – 15/06/2009. Theo đó, đối tượng được Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phát động tham gia bình chọn gồm: tất cả cán bộ, nhân viên, người thân thuộc ĐSQ Việt Nam tại CHLB Đức, cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức, tất cả các sinh viên Việt Nam đang du học tại CHLB Đức và bạn bè quốc tế.

Tại Lào: Tối 12/3/2010, tại thủ đô Viêng Chăn, Đoàn Thanh niên Bộ VHTTDL Việt Nam cùng Trường Đại học Quốc gia Lào, Trường ĐH Quốc gia Xuphanuvong và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã phối hợp tổ chức chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, phát động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Tại Mỹ: Trong khuôn khổ chiến dịch quảng bá kêu gọi bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới, ngày 11/8/2010, Bộ VHTTDL phối hợp với Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khai mạc "Triển lãm ảnh nghệ thuật Vịnh Hạ Long" tại phòng trưng bày ảnh nghệ thuật Việt Nam số 345, phố Greenwich, thành phố New York (Mỹ). 50 bức ảnh thể hiện vẻ đẹp kỳ ảo của Vịnh Hạ Long trưng bày tại triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp độc đáo hiếm có cũng như tiềm năng du lịch, sự đa dạng sinh học của vịnh với những quần thể động-thực vật phong phú. Triển lãm gửi tới bạn bè gần xa thông điệp hữu nghị của Việt Nam và cũng là lời chào mời thân thiện kêu gọi bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Tại Campuchia: Lễ vận động bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới được tổ chức tại Trường Đại học tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh, Vương quốc Campuchia vào ngày 27/10/2010. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tuần văn hóa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia năm 2010 diễn ra từ ngày 24 – 30/10/2010. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam Lê Tiến Thọ cùng đại diện Bộ Văn hóa Nghệ thuật Campuchia, Lãnh đạo nhà trường cùng đông đảo sinh viên đã đến dự. Tại buổi lễ, các đại biểu và hơn 600 sinh viên Campuchia được xem những hình ảnh tuyệt đẹp cùng những giá trị về mặt khoa học, địa lý và văn hóa của vịnh Hạ Long. Đồng thời, được hướng dẫn cách bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên của thế giới qua mạng internet.

Công tác bầu chọn vịnh Hạ Long cũng đã được tiến hành trong khuôn khổ triển lãm Expo Thượng Hải 2010, vận động bầu chọn tại ASIAD 16, vận động một số nhân vật nổi tiếng tham gia bầu chọn như Lục Tiểu Linh Đồng, Dương Tử Quỳnh…

Bên cạnh đó, hoạt động vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới cũng đã đuợc tiến hành trong khuôn khổ triển lãm Expo Thượng Hải 2010 (từ 01/5/2010 - 31/10), tại Thế Vận hội ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc,…

 

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trong chặng đua cuối cùng - vòng chung kết

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới trong vòng chung kết, ngày 23/2/2011, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp Công bố Kế hoạch thực hiện vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (giai đoạn từ tháng 2/2011 đến tháng 11/2011). Theo kế hoạch đưa ra, cuộc vận động đi vào bảy điểm chính, đó là: Tổ chức bầu chọn tại các điểm có nhiều khách tham quan, lưu trú; vận động bầu chọn tại các trường học; vận động khách quốc tế; vận động bầu chọn tại các sự kiện lớn; vận động qua internet và các mạng xã hội; các chương trình quảng bá do Bộ VHTTDL tổ chức; phát postcard, poster đưa nội dung bầu chọn ấn phẩm.

Điểm mới của kế hoạch giai đoạn này là Cục hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đã đề xuất thêm nhiều chương trình tăng cường nhằm thu hút sự chú ý của du khách như tổ chức chương trình Vịnh Hạ Long trong lòng thủ đô Hà Nội. Bối cảnh hoạt động là hồ Thiền Quang, với mô hình hòn Trống Mái giữa lòng hồ, dự kiến sẽ diễn ra hai ngày 30/4 và 1/5. Một chương trình khác đã được lên kế hoạch là Hành trình từ Di sản đến kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới bằng xe đạp. Chương trình do Đoàn thanh niên Bộ phối hợp với Cục hợp tác quốc tế tổ chức, dự kiến có 300 sinh viên tham gia, bắt đầu từ Thánh địa Mỹ Sơn đến vịnh Hạ Long, đi qua chín địa danh đều là di sản quốc gia và kết thúc tại vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó còn có các chương trình, cuộc thi có giải thưởng nhằm thu hút du khách, các cuộc giao lưu gặp gỡ với lưu học sinh để tranh thủ sự ủng hộ bạn bè quốc tế.

Như vậy, đến thời điểm này, Vịnh Hạ Long đã đi được ¾ chặng đường trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vào ngày 11/11 tới đây, NewOpenWorld sẽ chính thức công bố kết quả cuối cùng. Vịnh Hạ Long của Việt Nam có lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới hay không còn phụ thuộc vào sự ủng hộ, vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người Việt đều có thể góp phần đưa vịnh Hạ Long tới đích vinh quang cuối cùng bằng cách góp một lá phiếu tại địa chỉ http://www.new7wonders.com.

 

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.