Trở về từ lòng biển
Wednesday, April 22, 2015 7:30 AM GMT+7
Từ phía xa, sống lưng con tàu đen trũi xuất hiện giữa mênh mông màu xanh tuyệt đẹp của quân cảng Cam Ranh, trời biển quyện một màu phóng khoáng. Tàu tiến dần về phía cầu cảng, nơi lữ đoàn trưởng lữ đoàn 189 cùng một số cán bộ sĩ quan đứng thành hàng ngũ ngay ngắn đang chờ đợi. Trên đài chỉ huy cao vọi, hai bên cánh, dọc theo thân tàu, một hàng thủy thủ đứng hướng về bờ. Thân tàu ghi dòng chữ: 182 - Hà Nội.

 

Trên quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Tiếng khẩu lệnh đanh gọn, tác phong nhanh nhẹn, cẩn trọng của các thủy thủ khi khéo léo ném dây mồi, kéo dây neo tàu, vẻ nghiêm trang của những người trên bờ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc phấp phới trong gió sớm - tất cả khiến chúng tôi cảm động.

Tôi nhớ câu nói của lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm trong câu chuyện trước đó với đoàn rằng với lính tàu ngầm, không được quyền sai sót, không có quyền... rút kinh nghiệm của chính mình vì có thể phải trả giá bằng cả mạng sống.

Kíp tàu tập trung gọn gàng trên bờ, gương mặt ai cũng rắn rỏi, mắt lấp lánh vui tươi. Khi họ báo cáo chuyến đi làm nhiệm vụ đã hoàn thành tốt đẹp, tôi thấy cay sống mũi. Nếu không có dịp may đến lữ đoàn, có lẽ tôi sẽ không biết đến cảm xúc này. Như thể mình trở thành một người thân của họ, những người lính, vừa vui sướng vừa tự hào được đón họ trở về.

Ở nơi ngập tràn hồn biển Tổ quốc, những bé nhỏ thân thương và cao cả lớn lao bỗng hòa làm một. Bỗng nhớ bộ phim về lính tàu ngầm của Nga mà anh em tàu 184 Hải Phòng gửi cho chúng tôi xem, có câu hát da diết:

“Dù ở nơi đâu, bất chấp bão dông

Ly rượu này xin cùng tôi uống cạn

Chúc cho số lần lặn vào lòng biển thẳm

Bằng số lần nổi lên mặt nước hân hoan”.

Hân hoan đón người trở về, người trên bờ thực hiện một thủ tục truyền thống là tặng kíp tàu một con heo sữa quay cùng lời chúc mừng nồng nhiệt. Người Nga khi giao tàu ngầm cho chúng ta cũng chuyển giao cả những thủ tục độc đáo như thế, được chấp hành nghiêm túc. Heo sữa quay thể hiện tình cảm trân trọng của người chờ đợi, đồng thời tượng trưng cho sự chào đón chiến công mà các thủy thủ đã thực hiện nơi lòng biển sâu.

QUYẾT TÂM, TỐC ĐỘ MÀ CHÍNH XÁC, BỀN BỈ

Rèn luyện thể chất - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Không phải bắt đầu từ ngày 20-6-2011, ngày thành lập lữ đoàn tàu ngầm 189 thuộc Quân chủng hải quân, chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị đào tạo cán bộ, thủy thủ tàu ngầm. Ngày 15-10-2010, kíp tàu ngầm số 01 đi Nga, đến ngày 9-1-2011 khai giảng khóa đào tạo học viên tàu ngầm Kilo 636 cho các học viên thuộc kíp chỉ huy cơ quan và nghiệp vụ.

Nhưng về mặt con người thì họ đã sẵn sàng cho công việc khó khăn này từ lâu hơn nữa. 30 năm trước đã có trung đoàn đặc công tàu ngầm 196 với nguồn lực được đào tạo tương đối bài bản, cung cấp cho lữ đoàn mới nhiều nhân lực giỏi. Những người được lựa chọn về đây từ các đơn vị khác nhau trong quân chủng đều là những cán bộ sĩ quan tiêu biểu về sức khỏe thể chất và tinh thần, giỏi kỹ thuật và khả năng chịu đựng áp lực cao, qua rất nhiều vòng tuyển loại khó khăn.

Rèn luyện thể chất - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Khi hỏi thi tuyển qua bao nhiêu vòng, họ cười: “Ba, bốn vòng ở đơn vị cũ; năm, bảy vòng ở lữ đoàn”. Thử thách có nhiều, trong đó họ nhớ nhất là “trò” quay tít hơn 100 vòng, dừng lại phải nhanh chóng lấy được thăng bằng và thử thách trong buồng khí nén với áp suất tương đương áp suất dưới độ sâu 50-70m nước. Thử thách đầu tiên nhanh chóng trở thành các bài tập rèn luyện thể lực thường xuyên của đơn vị. Bây giờ họ chỉ mỉm cười khi thấy những người “bình thường” chúng tôi lè lưỡi thán phục trước sức chịu đựng phi thường của họ.

Trong doanh trại có đầy đủ công cụ tập luyện hiện đại ngoài trời, đường chạy, bể bơi, phòng tập đấm bốc, tập võ, sân bóng đá, sân bóng chuyền, thậm chí cả phòng tập đa năng ở mỗi khu nhà. Sớm và chiều, dường như không người nào không tập luyện gì đó.

Rèn luyện thể chất - Ảnh tư liệu

Việc rèn luyện thể chất của người lính không làm tôi ngạc nhiên bằng sức học của họ. Đến thăm Trung tâm huấn luyện tàu ngầm, chúng tôi hoa hết cả mắt trước những khu mô phỏng chi tiết, hàng ngàn van ống xoắn xuýt, bảng biểu được chú thích bằng tiếng Nga. Một sĩ quan đang hướng dẫn phần thực hành ở khu “cứu hộ lặn nhẹ thoát hiểm”. Giọng anh nhỏ nhẹ kỳ lạ nhưng rõ ràng đâu ra đấy. Tôi hỏi: “Tất cả đều phải biết tiếng Nga sao?”. Anh cười cười, gật đầu: “Không biết cũng phải biết!”.

Cho đến khi về gặp gỡ, giao lưu với kíp 7 là kíp được đào tạo tại Ấn Độ, tôi mới tin cái gật đầu ấy. Buổi tối thứ sáu, anh em kíp 7 không xem phim, không ca hát. Từ kíp trưởng là thiếu tá Đào Văn Thảo, theo anh tự nhận là “già nhất” sinh năm 1975, cho đến người trẻ nhất sinh năm 1991, miệt mài với cuốn sách giáo khoa tiếng Nga.

Là người được đào tạo ở Nga, tôi xin phép học cùng họ, chia sẻ chút kinh nghiệm hệ thống ngữ pháp và cách ghi nhớ cấp tốc của mình. Qua thao tác test nho nhỏ, tôi đã thấy ngay khả năng tập trung và quyết tâm của những người lính. Mới học vài tháng, được hướng dẫn đôi chút, tự học là nhiều, thế mà rất nhiều người trong số họ tỏ ra khá vững ngữ pháp, bắt đầu tích lũy vốn từ, tiếp cận tài liệu toàn các thuật ngữ kỹ thuật tàu ngầm.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà những chuyên gia Nga đang hướng dẫn kỹ thuật trên bờ mà chúng tôi được gặp chớp nhoáng giữa giờ cứ tấm tắc khen lính ta thông minh và chịu khó, cái gì không biết thì quyết biết bằng được. Cũng chính vì thế mà tàu 182 và 183 mới đón nhận hơn một năm nay, các cán bộ, thủy thủ ta đã hoàn toàn làm chủ được tàu, đi xa dài ngày không cần chuyên gia đi kèm.

Anh em tàu 184 Hải Phòng thì sau hai năm rèn luyện tại Nga đã làm việc tương đối thoải mái với vốn tiếng Nga đáng kính nể. Ngoài việc học chuyên môn trên lớp, họ còn có thời gian tự học tiếng từ 19g30-23g hằng ngày mà sáng vẫn 6g dậy chạy bộ hết 3km.

Nhiều buổi sinh hoạt giao ban, các anh kiên quyết chỉ sử dụng tiếng Nga. Ban đầu chật vật, sau quen dần. Có anh còn thực hành bằng cách hằng ngày sau giờ học thường tìm đến trò chuyện với một bà cụ về hưu ngày ngày ngồi sưởi nắng trong công viên. Kết quả là trên 50% anh em đạt toàn điểm 5 - mồ hôi mặn đắng đã đổi được một con số ngọt ngào!

Trong đời dạy học của mình, tôi chưa từng thấy hạnh phúc đến thế với chỉ ít phút được làm “cô giáo” ở đây, giữa những người lính. Trong một trò chơi nhỏ, tôi đề nghị anh em kíp 7 viết ra một từ bất kỳ xuất hiện trong đầu họ, một từ đầu tiên mà họ nhớ nhất và yêu quý nhất. Và tất nhiên rồi, lẽ ra tôi phải đoán được, cái từ được viết ra nhiều nhất trên những tấm bìa với nét chữ còn vụng bằng tiếng Nga là từ: “Tàu ngầm”!

SỢ TAN NÁT MÙA XUÂN...

Ở trong lòng lữ đoàn 189 ít ngày, chúng tôi trải qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những câu hỏi có lẽ khá kỳ quặc luôn được đặt ra. Đầu tiên là vì sao các sĩ quan có thể giữ những chiếc áo quân phục trắng đến thế, nếp là phẳng phiu đến thế - bất kỳ bà nội trợ nào cũng phải băn khoăn. Sau đó là một băn khoăn khác như vì sao răng họ trắng thế?

Điều tôi vẫn ngạc nhiên cho đến tận bây giờ là vì sao trong xa xôi gian khổ, trong áp lực học tập, rèn luyện và thiếu thốn tình cảm gia đình, những người lính vẫn đầy lãng mạn.
 

Anh Đậu Văn Hoàng, thuyền trưởng tàu 184, đùa đùa bảo chúng tôi rằng vì... không có trà mà uống, uống nước lọc răng đẹp. Nhưng sau đó anh kể điều kiện đầu tiên của lính tàu ngầm là răng khỏe, không bị sâu. Dưới tàu, nơi thiếu dưỡng khí nhiều ngày, toàn bộ kíp tàu phải thở bằng hỗn hợp khí, nồng độ oxy rất thấp (khoảng 29% hoặc thấp hơn). Hỗn hợp khí thở ra luôn được tái tạo để sử dụng, nếu sâu răng thì... hỏng hết! Nói rồi anh cười rất tươi, khoe hàm răng cực trắng và cực đều của mình.

Điều tôi vẫn ngạc nhiên cho đến tận bây giờ là vì sao trong xa xôi gian khổ, trong áp lực học tập, rèn luyện và thiếu thốn tình cảm gia đình, những người lính vẫn đầy lãng mạn. Ngay từ lời giới thiệu về tàu ngầm, lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm đã khoe: “Tàu ngầm đẹp lắm... Cá heo rất thích... Khi chúng tôi thử nghiệm tàu trên biển Baltic, bắt gặp cả đàn lớn cá heo tới 60, 70 con vờn giỡn, nhảy santo xung quanh”.

Thật nhiều câu chuyện lãng mạn tôi được nghe ở đây. Trong đó có chuyện “cưới vợ qua Skype” của trung úy Vũ Văn Dũng, kíp 7. Cho đến giờ, anh em vẫn trêu Dũng là may có được “vợ nhặt”. Đã định ngày cưới nhưng do tình huống bất ngờ không về được đúng hẹn, hai bên gia đình vẫn quyết tâm cho cưới. Với người lính, bất ngờ là chuyện đã quen. Cô dâu của anh, sau những phút tủi thân dễ hiểu, đã bắt đầu trở thành người vợ lính thật sự khi cô vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh, đồng ý cho... đón dâu qua Skype!

Đó là một đám cưới hi hữu: cô dâu đứng bên... máy tính làm lễ với hai họ, chú rể ở tận Ấn Độ mặc comple, trịnh trọng và hồi hộp đứng... nhìn màn hình. Đầu năm 2015, đơn vị tổ chức cưới lại cho họ ở đơn vị rất vui và đầm ấm.

Buổi sáng thứ bảy ở doanh trại, tôi thấy anh em chăm chút cho nơi ở của mình bằng những hình đắp nổi trang trí, bằng những bồn hoa được xếp gạch vuông vắn. Vàng, đỏ, cam, xanh biếc... những khóm hoa khoe sắc sặc sỡ bên người lính.

Trước nhà có thảm cỏ xanh điểm hoa vàng rực, trung úy Nguyễn Tư Hóa, lính thông tin của tàu 184, tâm sự: “Thảm hoa này gợi em nhớ đến thảm hoa bồ công anh bên Nga những ngày đầu xuân, chị ạ. Sao cỏ xanh thế, cây cối thay màu nhanh thế... Em cứ nhớ hoa cỏ càng đẹp mình càng thấy tiếc nuối, cứ như là sắp tan mất mùa xuân...”. Rồi cười ngượng nghịu, dường như không quen với việc nói ra cảm xúc của mình.

TRONG LÒNG "HỐ ĐEN ĐẠI DƯƠNG”...

Câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ dưới tàu, trong lòng biển, hóa ra lại là câu chuyện nói đến sau cùng. Những người lính không muốn rườm lời về công việc khó khăn, nguy hiểm mà suốt bao lâu họ vẫn rèn luyện ráo riết để chuẩn bị thích ứng. Ngoài việc chịu được áp lực về thể chất, thần kinh phải thật vững vàng.

Tàu ngầm kiêu hãnh ở cảng Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Tàu ngầm 636.1 Varshavianka được phương Tây đặt tên là “hố đen đại dương” vì khả năng biến mất trong lòng biển, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm. Tàu có sáu khoang, trong mỗi khoang là hàng ngàn van ống. Không gian hẹp. Tiếng ồn thông gió. Tiếng khẩu lệnh chốc chốc vang lên. Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện của người trắc thủ sonar.

Tàu đi trong biển, cần nhất đôi tai thính nhạy nghe hơi biển, nghe sóng, nghe tiếng chân vịt, tiếng trả sóng những con tàu... để phán đoán được tình hình: tàu nào đi ngang qua, to nhỏ đều phải phân biệt, không được sai. Mọi bất trắc có thể gặp đều đã được đặt ra thành tình huống xử lý ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm: xử lý khi chìm, chống ngư lôi của đối phương, xử lý đâm va, đáy bị thủng, cháy khoang...

Ở khoang luyện tập thoát hiểm, các sĩ quan phải vượt qua các thử thách như thật: tạo âu (cấp nén khí cân bằng áp suất bên ngoài), đánh ngập khoang thoát. Giữa các khoang tàu đều có cửa van chắc chắn, khi đóng phải đánh gioăng đôi khi đến tím cả tay, đảm bảo tách biệt hoàn toàn với các khoang khác. Khi một khoang có vấn đề, thay vì thoát ra, nhóm thủy thủ phải nhanh chóng đóng chặt cửa tự nhốt mình trong đó, xử lý độc lập bằng được để không liên lụy sang khoang khác.

Ở nơi đêm ngày hoán đổi âm thầm ấy, những người lính đoàn kết một lòng, tin tưởng lẫn nhau, chấp nhận hi sinh vì đồng đội. Nếu tình bạn của những người lính biển được thử thách qua sóng gió thì tình đồng đội của lính tàu ngầm được đảm bảo bằng chính danh dự của mỗi con người. Những thông tin về tai nạn tàu ngầm từ trước đến nay trên thế giới, cả cụm từ “quan tài di động” trong lòng biển mà người ta vẫn nhắc khiến chúng tôi càng tiếp xúc với các anh, nỗi lo âu mơ hồ càng lớn.

Nhưng câu hát vui vui lạc quan của người lính lại một lần nữa trấn an tôi: “Rồi anh sẽ đắm mình trong đôi mắt thân yêu/ Em hãy hiểu số phận ta tiền định/ Ai đó phải lặn sâu đáy nước/ Để mặt trời sáng sáng mọc lên...”.

Thuyền trưởng Đậu Văn Hoàng nói với chúng tôi khi chia tay: “Lính tàu ngầm cái gì cũng ngầm. Thương nhớ ngầm và kiêu hãnh cũng kiêu hãnh ngầm, chẳng ai biết”. Điều này thì tôi lại không đồng ý với anh.

Nét kiêu hãnh của người lính tàu ngầm dù không nói ra mà lồ lộ trong dáng đi, ánh mắt, cả trong cái cách đội mũ của anh nữa! Hay thậm chí cả câu anh hay nhắc đi nhắc lại rất thật lòng: “Ở đơn vị nhớ vợ, về với vợ nhớ tàu” cũng lấp lánh những âm sắc tự hào không che giấu được.

Tàu ngầm 636 được bắt đầu nghiên cứu sản xuất thử nghiệm vào giữa những năm 1990, nằm trong đề án được xây dựng từ những năm 1970 về việc xuất số lượng lớn tàu ngầm sang các nước tham gia ký kết hiệp ước Warsawa 1955, vì thế đề án mang tên Varshavianka.

Sáu tàu ngầm điện - diesel Varshavianka 636.1 thuộc thế hệ thứ ba đã và sẽ được bàn giao cho Việt Nam đều được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga ở Saint Petersburg, một nhà máy đóng tàu lâu đời và uy tín nhất ở Nga từ năm 1704 đến nay, hơn 300 năm chưa từng sai hẹn với khách hàng.

Tàu ngầm thứ năm “Khánh Hòa” đã rời bến ở Nhà máy đóng tàu Admiralty sáng 1-4-2015, thực hiện các bước thử nghiệm trên biển. Chiếc thứ sáu có tên “Vũng Tàu” đã được khởi đóng từ ngày 28-5-2014, dự kiến giao cho Việt Nam năm 2016.

Báo chí Nga và Việt Nam từng dẫn lời giám đốc Trung tâm Nga phân tích buôn bán vũ khí thế giới, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng Nhân Dân Igor Korotchenko: “Những tàu ngầm Việt Nam đặt mua là một trong những đề án tốt nhất của Nga. Chúng không chỉ được trang bị vũ khí và ngư lôi mà còn cả tổ hợp tên lửa tấn công Club-S. Điều này cho phép tàu tiêu diệt một loạt mục tiêu mặt đất, mục tiêu trên biển cũng như dưới nước”.

Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thủy thủ đoàn 52-60 người. Tàu được mệnh danh là “hố đen đại dương” vì khả năng biến mất, thách thức các phương tiện kỹ thuật thủy âm.

Tổ hợp sản xuất và nghiên cứu khoa học Avrora đã hỗ trợ xây dựng tại quân cảng Cam Ranh trung tâm huấn luyện tàu ngầm đồng bộ và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, và hiện giờ đang tích cực hoạt động đào tạo với khoa lý thuyết mô phỏng và khoa thực hành, đảm bảo việc rèn luyện các kíp thủy thủ và sĩ quan tàu ngầm chất lượng cao nhất, chuẩn bị cho các hoạt động trong lòng biển.

(Thông tin tổng hợp từ các nguồn trên báo Nga)

 

THỤY ANH

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.