DK1 - Khúc ca bi tráng
Saturday, November 12, 2011 8:31 PM GMT+7
DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thủy hải sản, hàng hải...

Với mệnh lệnh “bằng bất cứ giá nào chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, tháng 6-1989 những người lính hải quân Lữ đoàn 171 đã khẩn cấp lên tàu ra khơi, trấn giữ vùng biển chủ quyền của đất nước. Và họ đã sống gian khổ ở đó, qua 20 mùa dông bão, trên những nhà giàn sừng sững giữa Biển Đông.

20 năm trước, ngày 5-7-1989, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1). Và những người đầu tiên nhận lĩnh sứ mệnh gian khó này là các cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 171 hải quân. 20 năm qua, vì nhiều lý do, những cống hiến và hi sinh vô cùng to lớn của những người lính DK1 chưa được biết đến đầy đủ...

DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân...

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thủy hải sản, hàng hải...

Cho đến bây giờ, những người lính biển Lữ đoàn 171 vẫn không quên được những gì đã xảy ra với đồng đội của họ trên nhà giàn Phúc Nguyên 2A hơn 10 năm trước: bão tố đã đánh sập nhà giàn giữa đêm khuya, chín chiến sĩ bị cuốn vào sóng dữ.

Ngày 12-12-1998, cơn bão Faith đang quét qua vùng biển DK1, nơi có hàng trăm chiến sĩ hải quân lữ đoàn 171 đang đồn trú trên những nhà giàn chênh vênh giữa trùng khơi. Trong khi hàng ngàn tàu cá của ngư dân đã vào bờ trú ẩn an toàn thì ở các căn cứ hải quân Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu, mọi người bắt đầu lo lắng về các nhà giàn, cho tính mạng đồng đội. Đó thật sự là một cuộc chiến tinh thần, sẵn sàng đối phó với sóng gió và tình trạng rung lắc mạnh của các nhà giàn, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ. Cùng lúc đó, tất cả tàu hải quân có mặt ở khu vực được lệnh nhanh chóng về Côn Đảo tránh bão. Hệ thống thông tin của sở chỉ huy quân chủng, Lữ đoàn M71, tất cả các tàu, nhà giàn đều cùng một kênh liên lạc theo quy định. Do vậy, từ tàu HQ 606, Thiếu tá Nguyễn Văn Tôn đã nghe được hết “khúc bi tráng 2A” và ghi vào nhật ký của mình. Anh nhớ lại:

...Gió bắt đầu mạnh lên, sóng bạc đầu trắng xóa mặt biển. Lúc 1g30, qua hệ thống thông tin trên tàu HQ 606, chúng tôi nghe được nội dung báo cáo khẩn cấp từ nhà giàn 2A về sở chỉ huy quân chủng: “47 Đà - Lạt 01... 47 Đà - Lạt 01. Báo cáo sóng gió quá lớn, nhà 2A hiện nay đã bị nghiêng, có khả năng sẽ sụp đổ. Trên nhà giàn anh em vẫn bình tĩnh…”. Trên máy sở chỉ huy (Hải Phòng), chúng tôi nghe rất rõ tiếng của Trưởng phòng tác chiến quân chủng: “Các đồng chí hãy bình tĩnh, nếu trường hợp xấu nhất nhà đổ thì đã có tàu của ta sẵn sàng vớt, các đồng chí yên tâm!”.

Máy thông tin từ nhà giàn 2A liên tục phát ra giọng nói của chiến sĩ báo vụ Hoàng Xuân Thủy, thông báo nhà giàn đang nghiêng dần: 10 độ, 15 độ... Anh em trên tàu HQ 606 chúng tôi vô cùng hồi hộp và lo lắng, không biết nhà 2A có thể chịu đựng đến mức nào. Sóng gió càng lúc càng mạnh, tính mạng đồng đội đang vô cùng nguy hiểm. Rồi giọng Hoàng Xuân Thủy gào lên trong tiếng rít của gió bão: “Báo cáo sở chỉ huy, sóng gió hiện nay mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, chắc nhà 2A sẽ đổ trong chốc lát...”.

Giọng chỉ đạo của Trưởng phòng tác chiến vẫn rõ ràng, dứt khoát, nhưng bắt đầu không giấu nổi cảm xúc. Rồi đột nhiên, chúng tôi nghe tiếng của chị Vân báo vụ và Trưởng phòng tác chiến gọi dồn dập trên máy: “Quân chủng gọi nhà 2A. 2A nghe tốt trả lời. Quân chủng gọi nhà 2A…2A…2A đâu?...”. Nhưng tất cả chìm trong im lặng. Chúng tôi và những đồng đội đang trên biển đều nghĩ rằng nhà giàn 2A đã bị bão đánh đổ.

Bỗng, đến 2g30p cùng ngày, tiếng chiến sĩ báo vụ Hoàng Xuân Thủy đột ngột vang lên: “2A gọi sở chỉ huy… 2A gọi sở chỉ huy…”. Tất cả anh em chúng tôi trên tàu HQ 606 không ai bảo ai, đồng loạt hô lên: “2A chưa đổ! 2A chưa đổ! Thật tuyệt vời!”. Nhưng niềm vui không kéo dài. Tiếng Hoàng Xuân Thủy lại vang lên trong máy: “Báo cáo sở chỉ huy, nhà 2A mất liên lạc là do nhà nghiêng quá, hệ thống ăngten bị đổ. Hiện nay nhà đã nghiêng dữ dội, chắc chỉ trụ được năm bảy phút nữa. Vũ khí, tài liệu đã được anh em gói cẩn thận. Anh em chuẩn bị rời nhà khẩn cấp”. Tiếng chị Vân từ sở chỉ huy bên kia máy đáp gọn gàng: “Sở chỉ huy nhận đủ!”.

Bỗng nhiên chúng tôi nghe Hoàng Xuân Thủy nói đầy xúc động: “Sở chỉ huy cho anh em nhà 2A gửi lời chúc Tết đến thủ trưởng Quân chủng, Lữ đoàn, gửi lời chúc Tết tới gia đình chị cùng tất cả đồng chí đồng đội”. Rồi giọng Thủy chùng xuống đầy tha thiết: “Chị Vân ơi! Em là Hoàng Xuân Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Nếu em chết, nhờ chị viết thư về báo tin cho nhà em biết. Tạm biệt chị! Tạm...”. Trời ơi, lời nói cuối cùng của Thủy đã bị sóng gió chặt đứt hẳn.

Cuộc kiếm tìm vô vọng

“Sở chỉ huy gọi 2A... Sở chỉ huy gọi 2A... 2A đâu... 2A đâu... 2A đâu... đâu...”. Giọng chị Vân từ sở chỉ huy Hải Phòng lạc đi. Chị khóc thành tiếng. Tiếng khóc của một đồng đội, tiếng khóc của một người phụ nữ, một người chị hòa trong gió bão như xé nát ruột gan chúng tôi.

Đồng hồ chỉ 4g15p ngày 13-12-1998. Kể từ lúc này nhà giàn Phúc Nguyên 2A hoàn toàn mất liên lạc. Nhà đổ, họ buộc phải lao xuống biển. Chuyện gì đã xảy ra với họ trong đêm tối bão bùng, chín anh em nhà 2A?

Tin dữ lan nhanh trên các nhà giàn khác ở DK1: 2A đã đổ! Chín đồng đội làm sao chịu nổi những cột sóng bão cao 15-20m? Ai sống ai chết? Tin dữ ấy cũng làm bàng hoàng những đồng đội của họ ở Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu sau khi Hoàng Xuân Thủy nói lời vĩnh biệt đất liền. Mai Thắng, Chính trị viên Đại đội thông tin Lữ đoàn 171, trực ở đài canh thông tin lúc ấy, kể: “Chúng tôi không thể nào quên được chuyện đã xảy ra vào đêm gió bão ấy và đau đớn đến mức không khóc được. Chính tôi là người đã công tác bảy tháng ở nhà giàn Phúc Nguyên 2A nên hiểu chuyện gì xảy ra với đồng đội mình. Nhưng không chỉ tôi. Hai phần ba đại đội thông tin trực đêm ấy đã lặng người đi. Hết ca trực đêm ấy về nhà anh em vẫn không thể nào ngủ được”.

Cũng buổi sáng hôm ấy, tin sập nhà giàn 2A đã lan nhanh trong gia đình cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171. Những người vợ lính tụm lại, buồn bã chia nhau từng chút thông tin về số phận chín đồng đội của chồng họ. Có một người phụ nữ trẻ dường như chết đứng ngay tại ngôi chợ nhỏ gần căn cứ  Lữ đoàn 171. Đó là vợ của sĩ quan quân y Nguyễn Hữu Tôn, một trong chín người bị bão biển cuốn đi. Chị lao về nhà, chỉ để nhìn hai đứa con bé bỏng, rồi khóc và chờ đợi.

Vào lúc 5g30p ngày 13-12-1998, tàu HQ 606 được lệnh khẩn cấp từ sở chỉ huy: quay tàu vào hướng bão, tìm và cứu đồng đội 2A! “Đó không chỉ là mệnh lệnh của cấp trên mà là mệnh lệnh của lương tâm chúng tôi!” - Thiếu tá Nguyễn Văn Tôn bồi hồi nhớ lại. Lúc này sóng gió vẫn đang cấp 8, cấp 9 nên tàu không thể chạy nhanh được, chỉ khoảng 3-4 hải lý một giờ. Rất chậm so với tình huống khẩn cấp như thế này. Đại úy thuyền trưởng Lê Văn Muộn ra lệnh cho anh em trên tàu tập trung quan sát bằng ống nhòm, không để sót vật trôi xung quanh tàu, vì những vật trôi có thể là dấu hiệu để tính toán dòng chảy từ thời điểm nhà 2A bị nạn.

Mãi đến 16g tàu HQ 606 mới đến được tọa độ cần tìm kiếm. “Chúng tôi căng mắt quan sát - Thiếu tá Tôn kể - Vì đây là khu vực tâm bão đi qua nên rất nhiều mảnh vỡ của gỗ, can nhựa, thùng xốp... trôi trên biển. Chúng tôi luôn hi vọng những vật đang trôi xa xa kia là những phao bè, phao cứu sinh mà đồng đội 2A đang bám vào. Nhưng khi tàu chạy đến gần, chúng tôi lại òa lên thất vọng”.

Ngoài HQ 606, Bộ tư lệnh Hải quân đã điều thêm ba tàu HQ 624, HQ 608, HQ 957 nhanh chóng về tọa độ X để tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Bốn tàu chạy theo kiểu bừa răng lược và chia nhau tìm kiếm, không bỏ sót vùng biển nào đã được đánh dấu trên hải đồ. Nhưng vẫn vô vọng và trời đang ngả về chiều. Thiếu tá Tôn nhớ lại giờ phút tuyệt vọng đó: “Chúng tôi hết sức sốt ruột vì trời tối thì việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn. Và liệu anh em nhà 2A có đủ sức chịu đựng để qua nổi sóng gió lạnh buốt thấu xương đêm nay không! Mặt trời khuất dần và những tia hi vọng cũng tắt dần theo thời gian”.

Lao xuống biển, cờ Tổ quốc không rời

16g ngày 12-12-1998, trên vùng biển thềm lục địa phía Nam không còn hình bóng một con tàu. Tất cả đã đi tránh bão, chỉ còn lại những nhà giàn cô đơn. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm. Càng về chiều sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm trạm rung lắc mạnh. Tất cả các cửa hướng đông của nhà giàn đều được đóng kín, vì lúc đó anh em chỉ cần sơ sẩy là gió hất tung xuống biển.

Chỉ huy nhà giàn là Đại úy Vũ Quang Chương, 30 tuổi, người Thái Bình. Chương bình tĩnh động viên anh em, phân công từng người lo chuẩn bị áo phao cá nhân, phao bè, lương khô, thuốc men, dây ròng rọc... để sẵn sàng rời nhà giàn lao xuống biển. Đến khoảng 18g30p, một cơn sóng cực lớn đánh trùm lên nhà giàn làm nó nghiêng hẳn một bên, lắc lư chao đảo. Tình thế lúc này cực kỳ nguy kịch.

Những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, chiếc tivi trên bàn rơi xuống, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi chạy lại, máy phát bị chập, điện tắt ngấm. Trung úy Nguyễn Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh và chân giường tránh va đập, liền bị toàn bộ giá gạo đổ sập xuống vai. Hoàng Xuân Thủy thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người toạc máu ở bụng.

Sóng mỗi lúc một to, tất cả chín anh em đã mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau, chết vẫn còn xác. Mỗi khi có cơn sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, họ lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều chỉ là hi vọng. Nhà giàn càng lắc lư chao đảo mạnh theo từng cơn sóng dữ. Mọi người hiểu là có thể phải hi sinh, nhưng rất bình tĩnh, không ai nao núng, đôi khi còn nở những nụ cười lạc quan và trêu nhau chuyện này chuyện nọ. “Nhưng thật ra lúc đó trong tim chúng tôi đang chảy máu. Muốn khóc mà không khóc được”, thiếu úy Thủy nhớ lại.

Sau khi nhận được lệnh cuối cùng từ sở chỉ huy, Đại úy Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả chuẩn bị rời trạm, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao!”. Dù được lệnh như vậy nhưng những người lính hải quân M71 vẫn kiên cường không rời nhà giàn, quyết bám trụ đến phút cuối cùng. Họ hiểu không ai bỏ nhà giàn mà đi khi chưa đổ. Rồi một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa. Đại úy Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước, gồm Trung úy Nguyễn Văn Hoan, sĩ quan quân y Nguyễn Hữu Tôn, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng...

Chương và Thủy bật khỏi nhà giàn sau cùng. Anh Thủy kể: “Tôi mang theo một súng tín hiệu và sáu viên đạn, các tài liệu mật của ngành thông tin rồi lên máy lần cuối. Nói xong lời vĩnh biệt đất liền, tôi ôm bao gạo nhảy xuống biển mà vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng gào thét của đồng đội từ nhà giàn Phúc Nguyên 2B phát qua máy Icom: “Thủy ơi, nhảy đi... Nhảy đi, nhà đổ rồi, nhảy đi!...”.

Riêng Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn không quên bổn phận của một chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc. Trước khi rời nhà giàn, anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, vì nếu nhà giàn đổ thì anh em không bị nước xoáy hút vào trong, không thoát ra được. Rồi Chương nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, anh cùng Thủy lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình.

Lúc đó là 3g50 phút ngày 13-12-1998.

14 giờ bập bềnh trên sóng dữ

Thiếu úy Hoàng Xuân Thủy kể: “Lúc chúng tôi lao khỏi nhà giàn trời tối đen như mực, không nhìn thấy gì. Rồi tôi nghe anh Vũ Quang Chương cố gào lên: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè. Nhanh chóng ra khỏi vòng xoáy!”. Ngay lúc đó một cơn sóng lớn ập đến. Anh Chương, An và Hồng bị hất tung, không bám vào dây được nữa. Thật nguy hiểm! Tôi chỉ nghe được những tiếng cuối cùng của anh Chương: Thủy ơi, cứu anh... Bám chặt vào dây em ơi...”. Rồi kể từ đó ba anh mất hút vào đêm đen”.

Còn tốp nhảy xuống đầu cũng bị sóng đánh tan tác. Thiếu tá Tôn kể lại: “Phao cứu sinh bị vỡ ngay khi xuống nước. Tôi phát hiện la lên Hoan ơi, phao vỡ rồi... Chưa dứt lời thì bị sóng đánh bật khỏi phao”. Rất may mọi người sau đó bám được vào chiếc phao bè (loại phao cứu sinh bằng xốp, bên ngoài bọc nhôm), nhưng ngay cả chiếc phao bè cũng bị sóng đánh méo mó, đứt dây liên kết với nhà giàn, trôi tự do...

Lúc này, trong tiếng gào thét không dứt, năm người gồm Hoan, Tôn, Thủy, Dụng và Thuật bám chặt chiếc phao bè móp méo mà chống chọi với sóng cuồng bão giật. Thủy vớ được một thanh gỗ trôi, bẻ đôi làm mái chèo, nhưng thật ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy mọi người phát hiện Thơ, một đồng đội 2A, đang bám vào bao gạo và gần như kiệt sức. Thủy lao ra dìu Thơ lên phao bè. Được sáu người, còn ba người nữa đâu? Lúc này không ai biết ba anh Chương, An, Hồng đã hi sinh.

9g ngày 13-12, Hoàng Xuân Thủy lấy súng tín hiệu bắn ba phát để cấp cứu. Chờ mãi vẫn không thấy có hi vọng gì. Viên cuối cùng anh đưa cho Trung úy Hoan bắn, nhưng một cơn sóng mạnh đã cướp viên đạn cấp cứu này khỏi tay anh. Vậy là họ phải tiếp tục chống chọi với sóng gió, tiếp tục trôi giạt đi. Quần áo rách tả tơi, đói, khát, lạnh, kiệt sức. Anh em chỉ biết động viên nhau rồi uống nước biển, ngậm lương khô, tỏi, gừng để cầm hơi và giữ ấm.

14 giờ trôi qua như thế. 14 giờ kiên cường, 14 giờ hi vọng và 14 giờ xao động nỗi niềm riêng. Hoàng Xuân Thủy nhớ lại mà rơi nước mắt: “Lúc đó tôi thương bố mẹ và nhớ đất liền vô cùng. Và tôi còn nhớ anh Nguyễn Văn An nói thế này “Tao chết thì..., chỉ thương vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con và tên con vẫn chưa đặt”. Còn Thiếu tá quân y Nguyễn Hữu Tôn lặng đi khá lâu, mắt đỏ hoe: “Tôi không nao núng gì vì đi giữ biển là sẵn sàng hi sinh, nhưng thật nhói lòng khi nghĩ đến vợ con. Lúc ấy tôi chỉ mới đưa gia đình từ quê vào sống cạnh đơn vị ở Vũng Tàu thôi. Các con tôi còn quá nhỏ, không biết chúng sẽ ra sao khi không còn tôi”.

17g30p. Trời đã chạng vạng. Thật kinh khủng nếu chiếc phao bè này trôi vào đêm tối. Họ sẽ không còn đủ sức đến ngày mai. Đúng vào lúc đó, đài chỉ huy tàu HQ 606 nghe tiếng thét nghẹn ngào của thượng úy Nguyễn Văn Minh Tông từ vị trí quan sát: “Báo cáo đài chỉ huy... Báo cáo... Có người trên phao! Có người trên phao...”.

Thuyền trưởng Lê Văn Muộn vừa khóc vừa báo về đất liền một cái tin ai cũng chờ đợi. Sáu chiến sĩ hải quân nhà giàn 2A được cứu sống và được đưa lên tàu HQ 606 lúc 18g54 ngày 13-12-1998. Còn ba người nữa! Đồng đội trên các tàu hải quân Lữ đoàn 171 tiếp tục tìm kiếm ngày thứ hai, ngày thứ ba và nhiều ngày sau đó. Vẫn không tìm thấy.

Đó là Nguyễn Văn An với niềm khao khát được nhìn mặt và đặt tên đứa con trai đầu lòng.

Đó là Lê Đức Hồng, chàng trai 21 tuổi, chưa biết tình yêu là gì, với những lá thư kết bạn từ báo Tiền Phong còn nằm dưới đáy balô.

Và đó là Vũ Quang Chương, người chỉ huy nằm lại mãi dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc. Từ quê nhà, cha anh (cũng là một người lính thời chống Mỹ và nạn nhân chất độc da cam) đau xót vô hạn.

Đêm đêm mơ thấy con về

Thụy Trường là xã tận cùng của Thái Bình ở cực Đông Bắc tỉnh, một phía giáp biển, một phía giáp cửa sông cách ngăn với thành phố Hải Phòng. Hỏi nhà ông Dương, bố của liệt sĩ Vũ Quang Chương, không ai không biết.

Chờ ở nhà từ đầu giờ trưa đến tầm non nửa buổi chiều thì ông Vũ Quang Dương theo thuyền đi đánh cá về. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn không thể bỏ buổi biển nào bởi một phần cuộc sống của mấy bố con - ông cháu nhờ vào đó. “Trong nhà, Chương là đứa con mà tôi kỳ vọng nhất - ông Dương mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế - Bởi thế nên cho đến nay, nó hi sinh hơn 10 năm rồi, không nghĩ nó còn sống, nhưng nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy nó về, nhen cho tôi chút hi vọng rằng nó đã bị trôi dạt đến một đảo xa nào đó. Tôi đọc báo thấy có chuyện đã có người dạt lên hoang đảo đến mấy chục năm mới về thì sao”.

40 năm trước, ông Dương là lính đặc công đoàn 429, cuối năm 1967 đơn vị ông hành quân vào mặt trận Tây Ninh khi vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng, sau Tết Mậu Thân thì nhận tin vợ ở nhà sinh con trai, ông mừng lắm. Nhưng phải hơn ba năm sau, năm 1971, khi bị thương, đơn vị đưa ra Bắc ông mới gặp mặt con - đấy là Vũ Quang Chương. Ông cũng không hay những đứa con được sinh ra từ khi ông từ chiến trường trở về mỗi đứa đều mang một căn bệnh nào đó, chỉ có Chương, đứa con đầu được mang thai trước khi ông vào chiến trường, là thông minh và khỏe mạnh nhất.

Vũ Quang Chuyên, em trai thứ ba của Chương, bị thần kinh, rối loạn sắc tố da, đau ốm liên miên ngay từ khi sinh ra. Hai em gái của Chương là Phương và Hồng cũng thường xuyên trở bệnh. Ông Dương chia sẻ nỗi đau ấy với rất nhiều đồng đội, nhưng ông vẫn thầm tạ ơn trời vì dù sao ông vẫn còn có Chương.

18 tuổi học xong cấp III, năm 1986 Chương thi vào trường sĩ quan lục quân. Bốn năm sau tốt nghiệp, anh được tăng cường về hải quân vùng D ở Cam Ranh. Biết con theo binh nghiệp khó về với gia đình, khi nghe tin con đóng quân ở Cam Ranh, ông Dương quyết định chuyển cả gia đình vợ con từ Thái Bình lên Tây nguyên, không chỉ vì chuyện làm ăn trên mảnh đất bazan màu mỡ mà chính là để được gần Chương.

Từ Đắc Lắc về Cam Ranh gần hơn cả chục lần so với từ nơi con đóng quân về tới quê nhà xã Thụy Trường, Thái Thụy xa tít tắp đất Bắc. Ông bảo: “Chỉ có như thế mới gần con được!”. Có lẽ nhờ cái tình yêu tha thiết ấy với con trai nên bảy năm đơn vị Chương đóng quân ở Cam Ranh, bố con, anh em may mắn được gặp nhau chừng mươi lần trước khi Chương được tăng cường về DK1 vào năm 1996. Hơn mười năm trôi qua, nhưng nỗi tiếc thương với đứa con mà ông ấp ủ bao kỳ vọng đã kẻ những nét hằn nặng trĩu trên gương mặt sóng gió can trường của một ngư phủ.

“Nhành san hô tro cốt”

Đốt một nén nhang trên bàn thờ liệt sĩ Chương, ông Dương lặng lẽ bê cành san hô xuống, có lẽ đây là nhành san hô đẹp nhất mà chúng tôi từng thấy: những cành san hô trắng muốt, nở xòe cân đối như một đóa hoa kỳ lạ. “Tôi cũng nghĩ con trai tôi không còn nữa, nhưng không hiểu sao vẫn cứ hi vọng huyễn hoặc, biết đâu như chuyện cổ tích, nó lạc lên hoang đảo nào đó rồi có ngày trở về” - ông Dương nói.

Thế nên sau khi Chương hi sinh, ông Dương và gia đình từ Đắc Lắc về Vũng Tàu dự lễ truy điệu Chương và đồng đội, vậy mà sau đó ông vẫn cứ thu xếp tìm đến những nơi con trai từng đóng quân như Hải Phòng, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu… với hi vọng biết đâu Chương còn sống và trở về. Thời gian theo ngày tháng cứ dày lên kéo xa dần những trông ngóng của ông. Đi tìm mãi cho đến một ngày ông ngỏ lời với đồng đội của con: “Các con mang về cho bác một cành san hô ngay vị trí nhà giàn bị đổ để bác đặt lên bàn thờ, coi như đó là tro cốt của Chương”.

Năm ngoái, Thiếu tá Nguyễn Thế Dĩnh, phó chính trị viên DK1, đã mang được cành san hô từ lô Phúc Nguyên 2A về và anh cẩn thận không dám gửi theo đường bưu điện sợ bị gãy. Phải đợi đến lúc có người quen ra Thái Bình anh mới dám gửi theo về.

Giờ thì ông Dương đang nâng niu cành san hô đẹp kỳ lạ ấy, đứa cháu gái thấy ông làm vậy cũng sà vào phụ lau chùi cùng ông. Ông Dương vừa lấy chiếc khăn mềm lau bụi cho cành san hô vừa thầm thì: “Đây là xương của bác Chương mày đấy cháu ạ!”. Chúng tôi lạnh người và chợt nhói lòng khi nghĩ đến còn bao nhiêu người lính đã nằm lại ngoài biển khơi, không mấy ai được mang thân xác trở về. Vì thế nhành san hô trên bàn thờ của liệt sĩ Chương hôm nay như hiện thân của linh hồn và thân xác những chiến sĩ đã lẫm liệt hi sinh trên biển ấy. 

Sau khi Chương hi sinh, ông Dương cũng không ở Đắc Lắc nữa, “ở đó chỉ để mong được gần con, nay con hi sinh thì mình về lại quê”, ông bảo vậy. Còn mẹ Chương đang bị bệnh liệt, nằm chữa trị ở đó cùng người con gái. Ông đưa Chuyên, đứa con trai thứ ba bị ảnh hưởng chất độc da cam (và mang thêm bệnh thần kinh) về lại Thụy Trường. Cùng với số tiền 40 triệu đồng của Bộ tư lệnh quân chủng Hải quân và đoàn M71 hỗ trợ xây căn nhà tình nghĩa, ông “cắm” thêm sổ hưu ở ngân hàng để xây một căn nhà bề thế, có nơi thờ tự Chương chu đáo.

“Hồi trước, Chương nó bảo đi lính về sẽ đóng gạch xây cho bố một ngôi nhà thật oách, cưới vợ đẻ cho bố một đàn cháu. Nay xây được nhà rồi mà nó lại không về để ở. Giá như nó kịp có một người vợ, một đứa cháu cho tôi. Đằng này khi hi sinh nó chưa có cả người yêu...”. Giọt nước mắt tuổi già hiếm hoi chợt lăn trên khuôn mặt sạm đen của ông…

N.L. sưu tầm

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.