Ngày thường ở Trường Sa - Bài 1: Trên đảo Song Tử Tây
06 Tháng Năm 2019 6:48 CH GMT+7
Cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn công tác của cán bộ các ban ngành Thành phố Hồ Chí Minh do bà Võ Thị Dung- Phó Bí thư Thành uỷ làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác kéo dài 9 ngày tới thăm, làm việc tại 10 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) và Nhà giàn DK21 thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhân chuyến đi thắt chặt tình quân dân, những người dân thành phố mang tên Bác bày tỏ lòng cảm ơn, tri ân với các cán bộ chiến sỹ, người dân trên các đảo giữa muôn trùng sóng nước để gìn giữ hải phận của Tổ quốc.

Xuất phát từ cảng Lữ đoàn 125 (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) sau hai ngày dài lênh đênh trên biển, chúng tôi đã tới xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) vào sáng ngày 21/4. Nhìn từ xa, Song Tử Tây xanh um tùm giữa mênh mông sóng nước đại dương. 

Điểm tựa giữa trùng khơi

Nói về cuộc sống ở đảo, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Đậu Đình Dân cho biết, Song Tử Tây nằm ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh khoảng 300 hải lý. Đây là 1 trong 3 xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa. Ngoài những cán bộ chiến sỹ công tác trên đảo, Song Tử Tây còn có nhiều hộ dân sinh sống và có cả một ngôi chùa khá bề thế. Đảo cũng có đài khí tượng thuỷ văn Nam Trung Bộ để nghiên cứu thời tiết, chế độ thuỷ văn khu vực ven đảo. Ngoài ra, đảo cũng có một âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu thuyền.

Ông Dân cho biết, bắt đầu từ tháng 8 tới cuối năm, những cơn bão khiến nhiều ghe thuyền của ngư dân Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định… đánh bắt hải sản trong khu vực Trường Sa không kịp di chuyển vào bờ nên thường tìm tới đảo. Trong thời gian trú bão, ngư dân còn được bố trí nơi ăn chốn ở khá đầy đủ vì trên đảo có hẳn khu làng chài dành riêng cho ngư dân.

Tại đảo cũng có bệnh xá với cơ sở vật chất thiết bị khám chữa hiện đại nên nhiều ngư dân trên biển gặp nạn cũng tới đảo. Đảo như một điểm tựa giữa muôn trùng sóng gió biển khơi dành cho cán bộ chiến sỹ, người dân trên đảo cũng như những ghe thuyền đánh bắt trong vùng.

Đi một vòng quanh đảo Song Tử Tây, chúng tôi thấy cơ sở hạ tầng vật chất trên đảo của quân, dân ở đây khá khang trang, sạch sẽ. Đặc biệt, mặc dù cách đất liền rất xa nhưng đời sống của những hộ dân trên đảo cũng khá ổn định. Gia đình vợ chồng anh Ngô Thành Được (quê Ninh Hoà, Khánh Hoà) và chị Nguyễn Thị Lan (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng 36 tuổi cho biết, họ sinh sống trên đảo được hơn 3 năm.

Mùa này thời tiết khô hanh nên việc canh tác trồng rau xanh khá khó khăn nhưng bù lại việc đánh bắt hải sản ven đảo khá thuận lợi. Vậy nhưng, nhìn vườn rau nhà anh  khá đầy đủ với giàn mướp hương, bầu và rau cải đắng với mồng tơi. Ngoài ra còn có một số loại rau xanh khác như thơm, ngò, hành…

Anh Được cho hay, ngoài công việc đánh bắt hải sản, anh còn tham gia lực lượng dân phòng của xã nên thu nhập của gia đình cũng khá ổn định. Riêng chị Lan vợ anh thì ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Cũng như các đảo nổi khác, ở Song Tử Tây có trường học bậc mầm non và tiểu học dành cho con em ngư dân trên đảo.

Ở phía bên này của đảo, ngôi chùa Song Tử Tây khang trang, cổng chùa hướng ra phía biển. Trụ trì chùa là Đại đức Thích Nhuận Đạt quê ở thị xã Ninh Hoà (Khánh Hoà) đã ở chùa được hơn 6 năm, cho biết chùa không chỉ là nơi tu tập mà còn là địa chỉ tâm linh cho người dân trên đảo cùng những ngư dân tránh bão gió. Hồi đầu năm 2018, được sự giúp đỡ của một số nhà hảo tâm quyên góp, chùa đã dựng được khu tưởng niệm 64 chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Tấm bia tưởng niệm được làm bằng đá nguyên khối, khắc tên tuổi, quê quán của đầy đủ 64 chiến sỹ, là nơi mà nhiều đoàn công tác tới thắp hương tưởng nhớ khi tới đảo này.

Tình mẫu tử giữa trùng khơi

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, mỗi năm có hàng ngàn thanh niên là con em của thành phố mang tên Bác lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ canh giữ sự yên bình của Tổ quốc. Và thật tình cờ, tại đảo Song Tử Tây hiện nay cũng có nhiều chiến sỹ là người ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong đó, chiến sỹ Trần Minh Hiển, 25 tuổi, quê ở quận 5 (TP HCM), mới ra đảo được hơn 3 tháng đã nhận được một món quà bất ngờ đầy xúc động. Đó là việc trong Đoàn công tác của thành phố có bà Lưu Thị Lý (sinh năm 1960) là mẹ ruột của anh. Gặp lại người mẹ thân yêu giữa muôn trùng sóng nước biển khơi, dù mang trong mình bộ quân phục, bên cạnh những người đồng đội nhưng anh vẫn không cầm được những giọt nước mắt nghẹn ngào.

Tâm sự với chúng tôi, bà Lý chia sẻ, mới mấy tháng trước khi ở nhà Hiển còn rất trẻ con. Tuổi đời mới mười tám đôi mươi lại sinh sống ở thành phố nên nhiều lúc vẫn được ba mẹ chở đi ăn sáng, đi chơi. Thế nhưng chỉ ít thời gian không gặp, bà vô cùng bất ngờ khi thấy con trai chững chạc trong bộ trang phục người lính hải quân bên cạnh đồng đội.

Bà bảo, ở nhà Hiển là con út trong số 3 anh chị em nên được cha mẹ cưng chiều nhất. Lâu nay, gia đình bà sinh sống bằng nghề buôn bán sách cũ nên đời sống cũng không dư dật. Vì thế, sau khi con trai tham gia nghĩa vụ quân sự và ra đảo, gia đình bà đã rất lo lắng. Dù vẫn liên lạc hàng tuần qua điện thoại nhưng phải đến khi gặp lại con, bà mới yên tâm và vơi bớt nỗi lo của người mẹ. Bà rất bất ngờ vì môi trường quân ngũ đã biến Hiển như một con người khác, chững chạc và rắn rỏi hơn rất nhiều. Điều đó làm người mẹ ở đất liền cảm thấy rất tự hào và yên tâm.

Nhìn Hiển dắt mẹ bước về phòng, giới thiệu cùng bè bạn và đồng đội, ai cũng ấm lòng. Dù hai mẹ con chỉ gặp nhau chừng dăm giờ đồng hồ, nhưng đó cũng đủ để vợi bớt những nhớ thương. Ngoài Hiển, tại Song Tử Tây hiện nay còn nhiều cán bộ chiến sỹ là con em của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vì nhiều lý do khác nhau, thân nhân các em chưa có điều kiện ra tận đảo thăm như chiến sỹ Trần Minh Hiển. Tuy nhiên, các chiến sĩ đều nhận được quà của lãnh đạo thành phố, quận huyện nơi mình sinh sống để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.  

    (Còn nữa)

Theo daidoanket.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.