Ấn tượng nơi đảo xa
23 Tháng Sáu 2019 8:17 CH GMT+7
Mong chờ, chuẩn bị trước cả tháng, vậy nhưng khi bước chân lên tàu KN-491 để đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1/7, tôi vẫn hồi hộp, nôn nao đến khó tả. Đứng trên tầng 4 của con tàu, lặng nghe 3 hồi còi chào cảng, trong tôi trào dâng niềm tự hào khi được tác nghiệp ở một nơi có quá nhiều điều đặc biệt…

Nghe nói nhiều về sự khó chịu của những cơn say sóng, nên trước lúc lên tàu, tôi nạp đủ các loại thuốc. Tôi lo, nếu say và phải nằm một chỗ, bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể bỏ lỡ những chi tiết, hình ảnh đáng nhớ của chuyến hải trình mà cuộc đời có thể chỉ trải qua một lần.

Thời tiết khá đẹp để ra khơi. Nhưng ngày đầu tiên tàu KN-491 rời cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), số người say sóng vẫn khá nhiều. Thật may, tôi không nằm trong số đó. Sự choáng váng chỉ thoảng qua đôi lúc. Ngay những giờ đầu tiên trên tàu, tôi đã kịp đi ngó nghiêng con tàu KN-491- "ngôi nhà mới" mà tôi sẽ tạm trú trong 8 ngày lênh đênh trên biển.

an tuong noi dao xa

Phóng viên Báo Công Thương với chiến sĩ Trường Sa (tháng 5/2019)

Theo như giới thiệu, đây là một trong những con tàu tuần tra xa bờ đa năng hiện đại nhất Việt Nam, chuyên phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn của Vùng 4 – Quân chủng Hải quân. Nhưng, điều tôi mừng hơn cả là qua thông báo từ chiếc loa gắn ở mỗi phòng, được biết, phóng viên sẽ là những người được lên xuồng vào đảo đầu tiên cùng với tổ tiền trạm. Không mừng sao được bởi theo kế hoạch, Đoàn công tác số 13 với gần 200 đại biểu sẽ đến 11 đảo và 1 nhà giàn. Tuy nhiên, thời gian lên đảo và ở lại đảo bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào con nước. Lên đảo trước, đồng nghĩa với việc sẽ lưu lại đảo được lâu hơn.

Sau 29 giờ trên biển, tàu KN- 491 đã dừng chân tại đảo Đá Lớn A. Tiếp sau đó là các đảo Đá Thị, Sơn Ca, Núi Le B, Tốc Tan A, Phan Vinh A, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Len Đao, Đá Tây B, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1/7 thuộc vùng biển Huyền Trân. Lần nào cũng vậy, nhìn thấy đảo từ xa, tôi cùng các đồng nghiệp đã khấp khởi chuẩn bị máy ảnh, máy quay, rồi hối hả xuống xuồng. Giữa trưa, biển ngập tràn nắng, mồ hôi ướt áo, nhưng hơn chục phóng viên trong đoàn, ai nấy đều nở nụ cười tươi rói. Vướng víu bởi áo phao, mũ cối, dép nhựa của bộ đội, lại thêm lỉnh kỉnh máy móc, nhưng do có sự dặn dò và chuẩn bị trước nên khi lên/xuống xuồng, tiếp cận nhà giàn, các phóng viên đều hết sức lưu ý bởi "chỉ sơ sẩy 1 chút là có thể bị ướt, sây xát chân tay, thậm chí cả người và máy có thể rơi xuống biển".

***

Xuồng ghé đảo, không ai bảo ai, nhưng ý thức được vinh dự, trách nhiệm khi được ra Trường Sa nên phóng viên nào cũng tác nghiệp rất tích cực. Không ai muốn bỏ sót bất kỳ hình ảnh đặc trưng nào của đảo. Từ cây bàng vuông, cây phong ba kiên cường; chậu rau vươn cao bất chấp nắng gió; chiếc máy lọc thông minh biến nước biển thành nước ngọt; những chiếc bếp dầu ít còn gặp ở đất liền, hay đơn giản chỉ là bồn cây cảnh được trang trí khéo léo từ những vỏ ốc nhiều màu…

Hình ảnh có thể chủ động ghi nhận ở nhiều góc độ, nhưng để có thông tin, mỗi phóng viên phải tranh thủ từng phút. Do đoàn đông, các cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau đi làm nhiệm vụ đón tiếp, nên ngay khi "phát hiện" có cán bộ, chiến sĩ nào đang tạm nghỉ, hoặc đảm nhận những công việc tại chỗ là lập tức, chúng tôi tiếp cận. Bối cảnh thực hiện phỏng vấn là bất kỳ đâu, bên khung cửa sổ, dưới gốc bàng, cạnh cột mốc, ngoài bến xuồng, trong nhà bếp, trên vọng gác, hay ngoài vườn rau…

Thời gian ở trên đảo nhiều nhất cũng chỉ 4 giờ (trừ đảo Trường Sa Lớn), nên với mỗi phóng viên, phấn khởi nhất là ghi được nhiều hình ảnh đẹp, hiếm; hỏi được nhiều thông tin về đời sống, sinh hoạt trên đảo. Mỗi câu chuyện, dù giản dị nhất, cũng đều toát lên tinh thần nỗ lực đến phi thường của những cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Với riêng tôi, vào đảo hoặc lên nhà giàn, sáng hay chiều thì cảm giác thời gian đều trôi rất nhanh. Mỗi khi câu chuyện với chiến sĩ đang dang dở, tôi lại giật mình, thảng thốt khi nghe tiếng loa nhắc nhở: "Mời các đại biểu di chuyển xuống xuồng để rời đảo về tàu". Ngồi trên chuyến xuồng cuối cùng rời đảo, nhìn ánh mắt lưu luyến và những bàn tay giơ cao vẫy chào, mắt tôi lại cay xè. Còn bao điều muốn hỏi, bao tình cảm tin yêu chưa kịp gửi trao!

Cũng bởi ham tác nghiệp nên tôi bị tổ trưởng tổ tiền trạm - Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 - anh Lương Quốc Anh - nhớ mặt. Mỗi lần thấy tôi nấn ná để được về chuyến xuồng cuối, anh lại nghiêm khắc nhắc nhở tôi về "tội": "Thường xuyên lên đảo sớm nhất, về tàu muộn nhất". Những lần như thế, tôi chỉ tủm tỉm cười và tự an ủi, biết cơ hội ra với Trường Sa chỉ có 1 lần, tin rằng, ai rồi cũng sẽ nỗ lực như vậy.

Ngoài những lúc tác nghiệp trên đảo, khi sinh hoạt trên tàu, tôi rất thích thú khi được vào bếp thu dọn, rửa bát với 15 thành viên trong tổ phục vụ. Công tác chuẩn bị thực phẩm đủ để phục vụ gần 250 người trong 8 ngày lênh đênh trên biển - mỗi ngày 3 bữa chính, 1 bữa phụ, có đủ thịt cá rau xanh và trái cây tráng miệng - cũng là những thông tin khá thú vị. Buổi tối rảnh rỗi, tôi lại ghé khoang lái, vừa cùng các thuyền viên ngắm sao trên biển vừa tìm hiểu xem các anh em đã điều khiển ra sao để tàu đi đến nơi về đến trốn, khi xung quanh là mênh mông sóng nước.

Màn đêm buông xuống, khi mọi người trong phòng đã say giấc, tôi giở ảnh ra xem, ghi lại những thông tin cần nhớ và chìm vào giấc ngủ với bao đề tài ấp ủ - quên cả mình đang nằm trên tàu và con tàu vẫn đang cần mẫn đi xuyên đêm.

***

Trở về đất liền, như nhiều đại biểu trong đoàn công tác, tôi mất nhiều ngày bồng bềnh nhớ Trường Sa, nhớ nhà giàn. Xa xôi, cách trở, nhưng mỗi tấc đất trên đảo, mỗi hải lý mà con tàu KN- 491 đã đi qua đều thân thương đến lạ kỳ. Những người dân, cán bộ, chiến sĩ mà tôi đã gặp cũng thật đặc biệt – họ giúp tôi thêm hiểu: Yêu nước là tình nguyện, sẵn sàng vượt khó để hướng tới những điều tốt đẹp cho đất nước, cho Tổ quốc. Tình yêu nước chẳng ở đâu xa – tình yêu ấy có trong máu thịt của mỗi người…

Theo congthuong.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.