Người lính biển và 5 ngàn ngày ở “quần đảo bão tố”
08 Tháng Bảy 2019 9:14 CH GMT+7
(TN&MT) - Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ xây dựng đảo Trường Sa mà Quân chủng Hải quân giao phó, có những sĩ quan của Lữ đoàn 171 đã xung phong đi Trường Sa chẳng tiếc thân mình. Để rồi sau gần 5.000 ngày lăn lộn với sóng gió mặn mòi và 34 tuổi quân, hành trang đọng lại trong trái tim ông là tình đồng đội - một thứ tình cảm thiêng liêng không tiền, vàng nào mua được. Ông là cựu trung tá Trương Huy Mão, nguyên sĩ quan của Lữ đoàn 171 anh hùng.

Hoa lửa giữa ngàn khơi

Để hiểu về “người con của biển” này, tôi đã đến nhà ông ở khu tập thể A Hải quân Lữ đoàn 171 phường 11 TP. Vũng Tàu. Căn nhà cấp bốn của người lính già không đủ ánh sáng, bởi những bức che chắn ngăn phòng. Ông Mão đang giúp vợ sửa lại mái tôn rách phía sau nhà, còn bà Võ Thị Hồng nướng đồng bánh đa được người hàng xóm cho đem từ quê vào từ tuần trước. “Hôm nay em đến để nghe bác kể chuyện vác đá xây đảo Phan Vinh đây”. “Ồ! Đã gần 30 năm, những ngày cùng đồng đội vác đá xây đảo làm sao mà quên được chứ. Nó đã hằn sâu trong máu thịt mình rồi”. Chúng tôi gặp nhau trong cởi mở thân tình ấy.

anh 2,

Mời tôi ly nước trà xanh, ông Mão mở đầu câu chuyện: “34 năm trong đời quân ngũ, 15 năm lăn lộn với Trường Sa, tớ không bao giờ quên được những ngày vác đá xây đảo Phan Vinh cùng những người lính trẻ. Lính đảo bây giờ sướng hơn nhiều, chứ ngày xưa khổ lắm, không kể hết được”. Ông Mão dừng lại để tìm về ký ức.

Sau khi học Trường Sĩ quan Chính trị, năm 1978 ông Mão lúc đó đeo quân hàm thiếu úy xung phong ra Trường Sa xây đảo. Phan Vinh là đảo mà ông và 56 chiến sĩ trẻ đặt chấn đến đầu tiên. “Khi ra đến nơi, bọn tớ không thể tưởng tượng nổi. Một bãi sỏi đá lẫn cát hoang sơ dưới cái nắng khốc liệt như dội lửa. Sóng ầm ầm, gió rát mặt, chim hải âu và vịt biển dày đặc, đó là tất cả những gì mà bọn tớ phải suy nghĩ và chuẩn bị cho cuộc sống mưu sinh sau đó. Làm gì để tồn tại đây khi trước mặt mình toàn sỏi, cát, trong khi đó điều kiện bảo đảm đời sống cho lính đảo lúc đó vô cùng thiếu thốn nghèo nàn, chỉ có gạo, đồ hộp và lương khô. Một bài toán khó khăn đặt ra cho bọn tớ”, ông Mão chia sẻ.

- Các chiến sĩ phải làm gì để sinh tồn thưa ông?

- Việc đầu tiên là dựng lều để tránh nắng, gió, sau đó mới tính chuyện xây nhà. Tận dụng những tấm ghi cũ dựng lên làm vách, cột lều là đoạn xà cừ, mái lều được che bằng bạt xác rắn và bao tải gai. Lúc đó nắng như thiêu đốt, đảo không một bóng cây. Ban ngày bộ đội vác đá từ tàu vào đảo. Ban đêm 56 con người chui vào 3 túp lều nằm tràn lan trên cát. Khổ nhất là khi giông tố ập đến, không biết chui chỗ nào tránh mưa. Nhiều chiến sĩ đứng chịu trận giữa mưa trời, sau đó bị cảm lăn ra ốm.

Nhấp thêm ngụm trà xanh, ông Mão tiếp tục câu chuyện. “Lúc đó chim hải âu, vịt biển nhiều vô kể. Chúng rất dạn người. Buổi sáng sớm chúng bay ra mép đảo mò cá, tối bay về ngủ với người. Lúc chúng tôi ngủ say, chim rúc cả vào nách áo. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này đến tháng khác, ngày xây đảo, đêm ngủ với chim biển giữa trời. Những năm tháng ấy đẹp đẽ nhất như hoa lửa giữa ngàn khơi vậy”.

Chuyện “tồng ngồng” giữa biển

Người ta có thể nhịn ăn nhưng không thể nhịn nước. Ở đất liền, một người bình quân sử dụng 100 lít nước mỗi ngày. Vậy mà Ông Mão và 56 chiến sĩ công binh Hải quân ở đảo Phan Vinh ngày ấy chỉ được sử dụng tối đa một lít/ ngày/người, và chỉ dùng cho đánh răng, rửa mặt. “Nếu lính bây giờ đi đảo có thể được nằm máy lạnh, nhưng ngày xưa được uống ca nước lã là hạnh phúc lắm rồi. Cả đảo 56 con người chỉ có 2 bồn nước ngọt dự trữ để xây đảo. Mỗi ngày, một người chỉ được chia một cà mèn. Đánh răng thì thôi rửa mặt. Nhiều chiến sĩ chỉ nhúng nửa cái khăn mặt cho ướt để lau hai con mắt”, Ông Mão cho biết.

Câu chuyện tưởng như hài hước, song nó lại là biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý nước ngọt ở đảo lúc ấy. Để quản lý chặt chẽ nước ngọt, đảo đã nghĩ ra cách dùng 3 ổ khóa khóa bồn nước. Một chìa đảo phó hậu cần giữ, một chìa quản lý giữ, một chìa giao cho trực ban. Sau kẻng báo thức mỗi buổi sáng sớm, là “bộ ba” đem chìa khóa mở bồn, phát nước cho các chiến sĩ mỗi người một cà - mèn. Mặc dù ba khóa, nhưng hiện tượng “bất lương” vẫn xảy ra thường xuyên. Giải thích hiện tượng “bất lương”, ông Mão cười khà khà: “Bất lương gì đâu, chả là do không có nước tắm, nhiều chiến sĩ hăm, loét khắp người, nhất là “bộ hạ”. Để rửa “ấm chén”, các chiến sĩ đã “ăn trộm” nước ngọt bằng cách, dùng ống ti-ô (dây truyền huyết thanh cho bệnh nhân), một đầu buộc cục đá, bí mật thả vào bồn nước khi bộ đội đi ngủ, đầu kia dùng miệng hút cho nước chảy ra. Lúc đó đảo có qui định, hễ ai ăn trộm nước bị phạt 15 ngàn đồng, nhưng rất nhiều chiến sĩ chấp nhận bị phạt để lấy nước rửa “ấm chén”, nghĩ lại, thương anh em thật”. 

anh 3

Vợ chồng người cựu binh Trương Huy Mão và Võ Thị Hồng  

Thấy chồng kể chuyện “ấm chén”, vợ ông - bà Võ Thị Hồng cười bảo “ngày xưa, “ấm chén” của ông cũng khác gì các chiến sĩ ấy đâu”, rồi cười khúc khích: “Ngày nớ đi đảo khổ lắm chứ không như bây chừ đâu chú ạ”. 

Kết thúc câu chuyện kể về nước ngọt, ông Mão khôi hài: “Mỗi lần trời mưa, tất cả cán bộ chiến sĩ “tồng ngồng” như nhau ra tắm. Thằng nào không ra nhanh hết mưa ráng chịu. Nhiều thằng đem chăn, màn, quần áo ra phơi”. Thấy tôi ngạc nhiên: trời mưa mà phơi chăn màn? Ông Mão giải thích, sở dĩ “phơi” chăn màn khi trời mưa là để vắt bớt mùi mồ hôi và nước mặn từ lâu đã ngấm vào chăn màn mà không có nước ngọt để giặt.

Chống chọi với thần chết

Cho đến bây giờ sau 41 năm, cựu binh Mão vẫn nhớ như in lần ông và 6 đồng đội trôi lạc 8 ngày trên biển. 

Cuối một chiều tháng bảy năm 1978, hai chiến sĩ trẻ chạy ra mép đảo giữ lại chiếc xuồng cao su bị sóng biển đánh dựt đứt dây. Đúng lúc ấy, một cơn sóng lừng ập tới đánh trôi xuồng mỗi lúc một xa khi trời tối dần. Toàn đảo báo động tìm người. Lúc đó đại úy Vũ Hà giữ chức đảo trưởng đã chỉ huy 6 tiểu đội trưởng khẩn cấp xuống xuồng nhôm đi tìm 2 chiến sĩ. Xuồng nhôm được cột một đầu dây chảo. Các chiến sĩ trên xuồng vừa dùng bai chèo ra xa, vừa tìm, gọi hai chiến sĩ. Do sóng lớn dựt đứt dây chảo, 7 người trên xuồng nhôm trôi tự do giữa biển đêm mỗi lúc xa dần. Ngày thứ nhất trôi qua, rồi ngày thứ hai, thứ ba, thứ bốn, chiếc xuồng nhôm trôi không phương hướng. Trong khi 7 chiến sĩ đối mặt với sóng gió, thì biên đội tàu đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển bắt đầu xuất phát tìm kiếm. 

Giữa biển bao la, không một phương tiện định vị, không thông tin liên lạc, các chiến sĩ cố chèo, nhưng chẳng biết chèo đi đâu vì không xác định được phương hướng. Quần áo rách tơi tả do vật lộn với sóng. Mọi người lấy dây chảo gỡ thành sợi, đắp lên người che thân chống nắng. Không nước uống, không lương khô, anh em đói, khát cực độ. Để sống, các chiến sĩ đái vào 2 chai nhựa vớt được trên biển và uống nước tiểu của mình. Đúng lúc cái chết cận kề, họ bắt được hai con chim hải âu. Để sống, không còn cách nào khác, ăn thịt chim sống. Người nào khỏe hơn ăn xương, cánh, chân, người nào yếu ăn gan. Đến ngày thứ 8 thì xuồng dạt vào một bãi san hô cạn không người ở. Sau đó được tàu đến cứu vớt và đưa trở lại đảo.

“Khi đưa 7 chiến sĩ trở lại đảo, từ mặt mũi, tay chân đều phổng rộp vì nắng.  

Lúc đó đảo trồng được hai luống rau dưới giao thông hào. 7 chiến sĩ “chết hụt” được ưu tiên ăn rau xanh để chống nhiễm trùng. Đó là những ngày tháng cực khổ nhất nhưng cũng vinh quang nhất. Bây giờ nghĩ lại thấy tình cảm thiêng liêng vô cùng”, ông Mão chia sẻ.

anh 4

Mỗi tháng khi lĩnh lương hưu, ông Mão chiêu đãi vợ con một con gà, hay con vịt cải thiện bữa ăn

Hạnh phúc bình dị

Lần nghỉ phép duy nhất sau một năm đi đảo Phan Vinh năm 1978, ông Mão về quê cưới vợ. Người chọn ông làm chồng lúc đó là cô công nhân ngành xây dựng thuộc Công ty 4 tỉnh Hà Tĩnh, tên Võ Thị Hồng. Để cưới được bà Hồng, ông phải về quê xin giấy giới thiệu của xã khẳng định bà Hồng chưa có chồng, rồi trở lại đơn vị chứng nhận, sau đó mới quay ngược lại về quê đăng ký kết hôn. Trước ngày cưới một tuần, xã treo một tấm bảng to ở ủy ban, viết tên “Anh Trương Huy Mão, kết hôn cùng cô Võ Thị Hồng” để trong xã “kiểm tra” xem đúng thực là hai người lấy nhau lần đầu không, có ai kiện gì không?

Theo phong tục ở xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) ngày ấy, ngày cô dâu về nhà chồng phải được chú rể tặng bộ quần áo mới, đôi dép và cái nón, coi đó là “vật cầu hôn”. Song ông Mão cũng không làm được điều bình dị ấy. “Lúc đó mình có tiền đâu. Lương sĩ quan được 49 ngàn đồng”- ông Mão nói. Nghe chồng nói chuyện cưới ngày xưa, bà Hồng chen vào “ngày cưới tui mặc áo công nhân, còn ông Mão mặc áo bộ đội hải quân chứ làm gì có áo vét, váy như bây giờ. Vậy mà vẫn thấy vui và hạnh phúc. Mà cái thời đó, ai cũng như mình cả”.

Sau cưới 15 ngày, ông Mão tiếp tục đi đảo Phan Vinh./.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.