Kỷ niệm xây dựng đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, hè 1988
Monday, November 25, 2019 7:27 PM GMT+7
Là cựu học sinh khóa 7 của Trường Văn hóa Quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời chống Mỹ (1965–1970), từng theo tàu viễn dương bôn ba thế giới nhưng kỷ niệm của tôi và Nguyễn Văn Hòa (máy trưởng) cùng đồng đội tàu Vàm Cỏ 24 góp sức xây dựng đảo Đá Nam (thuộc quần đảo Trường Sa) thật là khó quên.

Mùa hè 1988. Tình hình tranh chấp trên biển Đông rất căng thẳng. Cả nước ngày đêm hướng về Trường Sa. Bộ Tư lệnh (BTL) Hải quân được lệnh huy động sức người, sức của, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo, đồng thời phải nhanh chóng xây dựng các căn cứ kiên cố, làm cơ sở vững chắc bảo vệ biển đảo của ta.

Những ngày đầu tháng 5/1988, tàu Vàm Cỏ 24 cập cảng Nha Trang. Đồng chí đại tá Phó chỉ huy Đoàn Trường Sa (thuộc BTL Hải quân) đã xuống tàu, giao nhiệm vụ cụ thể: Tàu Vàm Cỏ 24 sẽ chuyên chở đá hộc, xi măng, sắt thép và hơn 200 công binh từ Nha Trang ra xây dựng đảo chìm Đá Nam.

Kỷ niệm xây dựng đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, hè 1988

Trên nhà giàn đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa 1988. (Thuyền viên Lê Trường Giang mặc quần bơi đen, đứng bìa trái).

Từ giờ phút đó, tàu Vàm Cỏ 24 được đặt dưới sự điều động của Ban Chỉ huy Đoàn Trường Sa. Sĩ quan, thuyền viên trở thành những chiến sĩ.

Tàu được trang bị một số súng trường K-44 và tiểu liên AK-47, có thêm hai khẩu 14,5 mm đặt trên mũi và trên boong thượng. Ban chỉ huy tàu được trang bị súng lục K-59. Các chiến sĩ công binh theo tàu cũng được trang bị đầy đủ vũ khí, quân trang, đạn dược.

Tại cầu cảng Nha Trang, sáng 5/5, đá hộc được chuyển xuống tàu. Không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương. Bộ Chỉ huy phát lệnh: giờ G - tàu phải rời bến. Mọi người làm việc hết mình nên chỉ sau 7 ngày đêm đã xếp xong hàng. Xi măng, sắt thép, đá hộc, dụng cụ xây dựng đã kín hầm. Toàn bộ sẵn sàng nhổ neo lên đường.

Còn nhớ như in hình ảnh buổi lễ xuất quân được tổ chức trang trọng, ngay trên cầu tàu vào sáng 12/5/1988. Các đoàn viên học sinh, sinh viên trẻ tuổi của TP Nha Trang cũng có mặt chia tay. Chúng tôi sắp lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, rất có thể sẽ phải đổ máu và hy sinh, nhưng trong ánh mắt từng người, tất thảy đều tỏ rõ sự quyết tâm cao độ, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Con tàu kéo ba hồi còi dài tạm biệt đất liền. Tàu rời bến.

Ngày đầu tiên trên biển, thời tiết rất thuận lợi. Tàu chúng tôi nhắm hướng đông nam, tiến về quần đảo Trường Sa. Hầu hết anh em còn rất trẻ, lại cùng chung ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên các chiến sĩ và anh em thuyền viên kết thân với nhau rất nhanh. Người nhận đồng hương, kẻ nhận cùng thành phố. Tình cảm đồng chí, anh em rất đậm đà, dù chỉ gặp nhau lần đầu.

Thật may chuyến ra khơi lần này, biển luôn dịu sóng.

Sáng sớm ngày thứ ba của hải trình, tàu Vàm Cỏ 24 còn cách đảo Đá Nam chừng 30 hải lý, bỗng xuất hiện một tàu quân sự sơn màu xám xịt, chắn ngang đường. Qua ống nhòm có thể nhìn rõ hàng số lớn 711 trên mũi tàu. Khoảng cách 2 tàu thu hẹp rất nhanh. Khi tàu chúng tôi băng ngang, tàu lạ bắn 2 loạt AK lên trời. Tình hình rất căng nhưng chúng tôi không để mắc mưu khiêu khích của địch, vẫn giữ hướng tiến thẳng về đảo Đá Nam. Tàu địch bám theo chừng 2 hải lý rồi đột ngột rẽ trái theo hướng đông bắc.

Khi còn cách Đá Nam vài hải lý, bằng mắt thường chúng tôi thấy một trạm gác đơn sơ nhô cao trên mặt biển. Ý chí sắt đá đã chiến thắng, tàu đến đảo an toàn và đúng lịch trình. Tàu buông neo và kéo dây từ tàu vào trung tâm đảo. Đây là dây định hướng để người ngồi trên xuồng bám theo dây, cho xuồng chở đá vào đảo. Công việc rất vất vả và nguy hiểm nên mọi người làm việc hết sức khẩn trương nhưng cũng hết sức thận trọng.

Sang ngày thứ hai, công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi tranh thủ vào thăm anh em giữ đảo. Khi lội nước vào đảo, nước biển chỉ sâu chừng nửa mét, trong vắt. Cá nhiều vô kể: cá bống mú, cá cháp, cá hồng… nhìn thấy cả sò tượng, hải sâm và sao biển…

Kỷ niệm xây dựng đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, hè 1988 - 1

Lê Trường Giang và các bạn thuyền viên Cuba.

Quân số trên Trạm gác là một “tiểu đội thiếu”, gồm 7 người, hầu hết là lính Nghệ An và Quảng Bình. Tất cả ở trên một nhà sàn đơn sơ, dưới có một thùng tôn lớn để đựng nước ngọt. Chúng tôi lấy làm lạ vì thấy ai cũng đen nhẻm, đầu cạo trọc, và được các chiến sĩ giải thích, do tắm giặt bằng nước biển quanh năm nên cắt trọc cho đỡ ngứa. Nước ngọt trên đảo cực quý hiếm, nước có được do dùng vải ni-lông căng hứng nước khi trời đổ mưa. Mưa rất thất thường nên nước ngọt chỉ dùng để ăn uống. Chuyến này, tàu cũng cung cấp cho các chiến sĩ rau xanh nhưng họ thích nhất là các loại củ, quả để được lâu.

Đến ngày thứ 14, toàn bộ vật liệu đã được vận chuyển lên đảo an toàn. Chúng tôi tặng anh em một số thùng phuy rỗng để đựng nước ngọt và bơm đầy nước dự trữ cho anh em. Sau đó, tàu kéo neo rời đảo, về Nha Trang lấy chuyến hàng thứ hai.

Nhờ có sự chuẩn bị tốt ở hậu phương nên khi tàu Vàm Cỏ 24 về đến Nha Trang, vật liệu xây dựng đã được tập kết sẵn sàng trên cầu tàu. Chỉ sau một tuần là xuống xong hàng.

Cũng trong dịp này tại cảng Cầu Đá, tôi gặp được “chiến hữu” Đỗ Nghĩa đi tàu Tây Đô của Cần Thơ. Theo kế hoạch, tàu Tây Đô lấy hàng xuất ra nước ngoài nhưng lại được lệnh chở gạo ra Bắc nên 2 thằng có dịp gặp nhau đôi, ba ngày. Cứ chiều xong việc lại tấp vào quán làm vài ve cho mát, đến khi ngoắc cần câu mới thôi. Rồi ngày chia tay cũng đến, mày đường mày, tao đường tao, trực chỉ theo hướng công việc. Chào goodbye và hẹn ngày gặp lại.

Đặc biệt trong chuyến ra khơi lần này, tàu Vàm Cỏ 24 chở rất nhiều thùng quà của đồng bào cả nước gửi tặng Trường Sa. Cùng đi đợt này còn có tàu 202 của Hải quân, chở vật liệu ra đảo Thuyền Chài.

Xuống xong hàng, chúng tôi nhận lệnh về Nha Trang. Cuộc chia tay thật bịn rịn. Thuyền viên lục tư trang, vật dụng lấy tặng các chiến sĩ làm kỷ niệm. Đổi lại, chúng tôi nhận được những san hô trúc, ốc nón, v.v… Các chiến sĩ còn gửi nhiều thư về đất liền cho gia đình, người thân.

Trên đường về, tàu chúng tôi còn ghé thăm các chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây và chuyển cho đảo một trạm khí tượng thủy văn. Được nghỉ lại một đêm trên đảo, thế là có dịp hàn huyên, trò chuyện đủ mọi thứ trên đời và ca hát suốt đêm.

Kỷ niệm xây dựng đảo Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa, hè 1988 - 2

Sớm hôm sau, tàu rời đảo về Nha Trang. Tại cầu tàu, chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu. Sau khi nghe thuyền trưởng báo cáo công việc đã làm, đồng chí đại tá thay mặt Ban Chỉ huy Đoàn Trường Sa tuyên bố: “Tàu Vàm Cỏ 24 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Sau vài ngày nằm cảng để tháo dỡ vũ khí, khí tài trả lại cho quân chủng, tàu Vàm Cỏ 24 được BTL Hải quân bàn giao lại cho Công ty Vitranchart. Từ Nha Trang, tàu về Sài Gòn.

Vàm Cỏ 24 cập bến Bạch Đằng trong một ngày cuối hè rực nắng. Trên bến, Ban Giám đốc Công ty tổ chức đón tàu thật long trọng với cờ và muôn sắc hoa, như với nghi thức đón các chiến sĩ từ mặt trận trở về. Tôi tràn ngập trong cảm xúc, thấy đường phố như đẹp hơn, con người như duyên dáng hơn.

Từ quần đảo Trường Sa - tuyến đầu trên biển của Tổ quốc, nơi các chiến sĩ ngày đêm xây dựng và bảo vệ, nơi các anh đang cống hiến tuổi thanh xuân, nơi cuộc đối đầu để giữ gìn từng tấc đất vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ - chúng tôi trở về đất liền và cảm nhận được giá trị đích thực của một cuộc sống thanh bình. Vô cùng biết ơn các anh, những chiến sĩ Hải quân nhân dân!

Chúng tôi, những sĩ quan và thuyền viên tàu Vàm Cỏ 24 cũng rất tự hào khi được đóng góp sức lực của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sau đó, chỉ huy Đoàn Trường Sa đã có công điện “Tàu Vàm Cỏ 24 của Công ty Vận tải biển và Thuê tàu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong chiến dịch CQ-88”.

Theo daidoanket.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.