Gieo mầm xanh ở Trường Sa
15 Tháng Hai 2020 11:07 CH GMT+7
GiadinhNet - Khi màn đêm buông xuống, quần đảo tiền tiêu lung linh ánh điện. Khi bình minh thức dậy, Trường Sa náo nhiệt với cuộc sống thường nhật chẳng khác đất liền. Nhờ tình yêu, lòng quyết tâm của quân, dân và sự chung sức của cả nước mà cây vẫn tươi, rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi.

Gieo mầm xanh giữa đại dương

Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thường khắc nghiệt. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa giới thiệu: Ở đây có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù. Thiếu nước ngọt, chất đất cằn cỗi, nhiễm mặn nặng cộng với khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng, gió là những yếu tố khó khăn để trồng rau xanh trên đảo. Các loại rau xanh vốn rất nhạy cảm với thời tiết biển nói chung nay lại phải sinh trưởng trong môi trường vô cùng khắc nghiệt giữa biển cả khiến việc trồng và chăm sóc thật không phải chuyện dễ…

Gieo mầm xanh ở Trường Sa - Ảnh 1.

Các chiến sỹ trên Đảo Đá Tây A trồng cây ngày xuân. Ảnh: Cao Tuân

Nơi đầu tiên đoàn chúng tôi đặt chân lên quần đảo Trường Sa là đảo chìm Đá Lát. Phải chờ đến giờ thủy triều lên, xuồng nhỏ mới trung chuyển chúng tôi lên đảo được. Chung quanh là đại dương mênh mông nước, Đá Lát chỉ là 2 mỏm đá diện tích có hạn để xây công trình, chung quanh không một bóng cây. Thế nhưng, sau khi quan sát kỹ, trong không gian chưa tới 20m2, dưới góc một trụ ăng-ten, được rào chắn gió cẩn thận là nơi tăng gia sản xuất của chiến sĩ trên đảo, màu xanh và sức sống đã hiện hữu.

Binh nhất Nguyễn Ngọc Phụng (quê ở Bình Định) đang chăm sóc vườn rau, vui vẻ tiếp chuyện: "Trước khi đi bộ đội, em là sinh viên cao đẳng cơ khí, có biết lao động sản xuất gì đâu. Vào lính em biết hai thứ rất cần thiết, đó là biết bơi và trồng rau trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Nhiều hôm đêm đến, chúng em còn phải lọ mọ soi đèn bắt sâu. Đến thu hoạch cũng phải đúng thời điểm vì để quá ngày là lá rau lại quăn tít hết vào".

Gieo mầm xanh ở Trường Sa - Ảnh 2.

Thượng úy Võ Thành Hiếu trên Đảo Trường Sa tự hào vì vừa ươm được một loạt cây bàng vuông.

Còn tại đảo An Bang – điểm đảo khó vận chuyển người và hàng vào nhất tại quần đảo Trường Sa do nằm trên dòng hải lưu chảy mạnh và đặc điểm địa chất nên nơi đây quanh năm sóng to, gió lớn. Những con sóng bạc đầu dồn thẳng vào đảo khiến xuồng có thể bị lật bất cứ lúc nào. Để vận chuyển, người và hàng sẽ lên một chiếc xuồng chuyển tải không có động cơ. Một xuồng máy khác sẽ kéo chiếc xuồng chuyển tải vào gần đảo để lực lượng trên bờ dùng dây kéo vào. Thế nhưng khi bước lên đảo, chúng tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở một nơi thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển Đông nhưng những chậu hoa, luống rau ở đây lại xanh tốt đến lạ kỳ.

Theo các lính đảo Trường Sa, việc trồng rau phải được chăm sóc cực kỳ công phu, vì đất, phân vi sinh, giống cây, rau được chở từ đất liền ra và thiếu nguồn nước ngọt để tưới. Nước ngọt trên đảo cực kỳ hiếm. Nếu khoan được giếng thì mạch nước cũng lợ, chỉ phục vụ cho sinh hoạt chứ không tưới rau được. Còn nước mưa hứng được dự trữ trong các bể, thùng phi để dành cho ăn uống. Nhưng những người lính Trường Sa đã nghĩ cách tái sử dụng lại nước ngọt từ vo gạo, rửa rau, tắm rửa để tưới rau. Tại những hố nước sinh hoạt đều có hồ phụ chứa nước sau sinh hoạt để dành tưới rau.

Chiến sỹ Lê Văn Thông (quê ở Nghệ An) vừa hái những cọng mùng tơi non mơn mởn, vừa hồ hởi tiếp chuyện khách đến thăm. Anh cho biết không phải loại rau nào cũng sống và phát triển tốt được ở đây. Và phải mất rất nhiều thời gian thử nghiệm thì mới có thể chọn được những giống rau phù hợp. Thậm chí, những cành lá khô ở đảo cũng được mọi người thu gom cẩn thận và tận dụng để chôn ủ làm phân hữu cơ bón cho rau.

Gieo mầm xanh ở Trường Sa - Ảnh 3.

Những chậu lan trên đảo Thuyền Chài nhờ chăm sóc cẩn thận đã ra hoa.

 

Nụ cười Trường Sa

Cũng như các đảo khác ở Trường Sa, thời tiết, điều kiện tự nhiên ở đảo Trường Sa Đông luôn bất trắc, không thuận lợi cho cây cối phát triển. Nhưng từ năm này qua năm khác, từng tấc đất, cây giống ở đất liền chuyển ra cùng với bao mồ hôi, công sức của các thế hệ người lính đã phủ xanh hòn đảo cằn cỗi. Thứ Bảy hằng tuần, chỉ huy đảo đều tổ chức cho Đoàn Thanh niên xung kích chăm sóc cây xanh. Xây dựng cảnh quan môi trường đảo xanh, sạch, đẹp là tiêu chí quan trọng của đơn vị. Đảo được phủ xanh vừa làm giảm đi sự khắc nghiệt của thời tiết, vừa giúp cán bộ, chiến sĩ có cảm giác gần gũi như ở nơi quê nhà…

Ở đảo xa, rau xanh thường được người lính ví như thuốc và còn quý hơn cả cơm thịt. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của thời tiết, ở đảo nổi hay đảo chìm đều có những giàn mướp, giàn bí sai trĩu quả đung đưa theo gió biển. Mùa nào thức ấy, người lính luôn có đủ các loại rau, không khác nhiều so với đất liền. Có lẽ màu xanh rất đậm đặc của cây trồng như: Cây bàng vuông, chuối, phi lao, bồ đề… sống được và phát triển bình thường đã làm nên một Trường Sa đầy sắc màu. 

Một ít loài hoa địa lan, cỏ dại, hoa giấy, hoa chuối, hoa mướp cũng dần thích nghi với môi trường khắc nghiệt của nắng gió biển khơi. Trên những đám cỏ dại lưa thưa bên đường mọc lên những bông hoa trắng, vàng, hồng nhỏ xíu cũng gợi lên một sức sống mãnh liệt trên đảo đá giữa trùng khơi muôn sóng. Cây phong ba già cội bên Nhà khách Thủ Đô của Trường Sa cạnh những vết lở, phần mục của thân cây do môi trường khắc nghiệt của gió biển vẫn đâm chồi, nẩy lộc xanh mơ như thách thức tất cả bằng sức sống phi thường…

Gieo mầm xanh ở Trường Sa - Ảnh 4.

Những cây bầu trên đảo Trường Sa Đông cho lứa thu hoạch đầu tiên.

Người dân ở Trường Sa sinh sống bằng nghề đi biển và chăn nuôi gia súc. Trên các đảo chìm, đảo nổi, bộ đội còn nuôi lợn, gà, thậm chí cả tôm cá. Tối tối, cả cán bộ chiến sĩ và người dân cùng quây quần bên ấm trà nóng, trò chuyện râm ran, những câu chuyện cười vui tưởng chừng không có hồi kết hòa vào tiếng sóng biển như bản nhạc sôi động. 

Những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ, giai điệu quê hương ngân vang, những giọng hát không chuyên nhưng cũng đủ làm thổn thức cõi lòng bao người lính. Có khi nốt thăng, nốt trầm lệch nhịp hòa vào những tiếng cười rúc rích vui tai. Những nụ cười vô tư, hồn nhiên nơi đảo xa như một mạch nguồn trong mát luôn chảy trong tâm khảm mỗi người Trường Sa.

Trường Sa còn có một loại hoa rất đặc biệt - hoa ốc. Qua bàn tay tài ba, khéo léo, tỷ mỉ của những chiến sĩ hải quân, từ vỏ của những con ốc nhảy đã làm ra cành hoa ốc đẹp mắt. Ngày về đất liền, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã mang theo những cành hoa ốc, để cho dù rời đảo nhưng vẫn nhìn thấy những bông hoa Trường Sa luôn ở bên mình.

Đêm đến, Trường Sa lung linh trong ánh điện, còn ban ngày, Trường Sa đầy màu xanh của các loại rau. "Màu xanh Trường Sa là một dấu ấn" - câu nói này hoàn toàn đúng nếu như ai đó có dịp đến Trường Sa - vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

“Không chỉ bộ đội mà bà con sinh sống trên đảo cũng tích cực tăng gia sản xuất và giúp đỡ lẫn nhau, góp phần gắn kết tình quân dân. Đặc biệt, nhiều năm nay, một số đảo ở Trường Sa không chỉ tự đáp ứng được nhu cầu rau xanh mà còn cung cấp cho các đảo xung quanh và hỗ trợ ngư dân khi tránh trú bão. Người trước truyền kinh nghiệm cho người sau, từng hàng cây, luống rau được gieo trồng bởi biết bao tâm huyết, công sức của những người lính Trường Sa vẫn căng tràn sức sống, vươn lên trong bão gió biển khơi”, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.