Giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông
Wednesday, April 22, 2020 7:52 PM GMT+7
(HNM) - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, việc giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đến ngày hôm nay, chiến thắng ấy đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

1. Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị về việc giải phóng Trường Sa. Ngày 25-3-1975, kiến nghị này được ghi vào nghị quyết Bộ Chính trị. Ngày 30-3-1975, Quân ủy Trung ương "Điện" gửi các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, trong đó chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa".

Giải phóng Trường Sa: Phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết

Lực lượng đặc công hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đang diễn ra mạnh mẽ, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Hải quân: "Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 để đánh chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa do ngụy quyền đóng giữ để phối hợp với các hướng tiến công trên bộ trong giai đoạn tiến công trọng điểm vào Sài Gòn". Bộ Tổng Tham mưu nhấn mạnh: "Phải tranh thủ mọi thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo giữ vị trí chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm các đảo nước ta".

Trường Sa là một quần đảo nằm ở phía nam Biển Đông với trên 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô ngầm. Trong số trên 100 đảo lớn nhỏ, vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ có 11 đảo có người. 5/11 đảo do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Tổng số quân địch đóng trên 5 đảo này vào khoảng 160 tên.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ hết sức khẩn trương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tập trung mọi nỗ lực, một mặt tổ chức lực lượng tham gia cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; mặt khác, khẩn trương chuẩn bị lực lượng phối hợp với Quân khu 5 tiến công giải phóng Trường Sa. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân là: "Bám sát tình hình, kiên quyết không để lực lượng khác lợi dụng sơ hở đến đánh chiếm các đảo của ta; giải phóng Song Tử Tây trước, sau đó giải phóng Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn...".

Lực lượng đánh chiếm quần đảo Trường Sa gồm Đội 1 - Đoàn 126 đặc công từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 - Quân khu 5 do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy. Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng có nhiệm vụ chở lực lượng tiến công giải phóng Trường Sa. Những con tàu này đã từng qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên quen đường, có kinh nghiệm tránh đá ngầm. Thời cơ đánh chiếm đảo được xác định từ 0h đến 2h sáng, là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.

Ngày 9-4-1975, mệnh lệnh tiến đánh Song Tử Tây được truyền xuống các đơn vị tham gia chiếm đảo. Đến sáng 14-4-1975, khi bình minh vừa lên cũng là lúc lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột, trước bia chủ quyền ở Song Tử Tây.

Mất Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch vội điều hai tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích hòng chiếm lại đảo. Tuy nhiên, trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao của ta; mặt khác, lúc này, trên chiến trường, ta giành được nhiều thắng lợi giòn giã, tuyến phòng thủ Phan Rang của địch bị vỡ, quân địch hoang mang, không dám tổ chức tiến công. Chúng đành quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết - nơi đặt Sở chỉ huy trung tâm của chúng ở quần đảo Trường Sa.

Sau thắng lợi ở Song Tử Tây, ta để lại một bộ phận chốt giữ đảo, lực lượng còn lại quay về Đà Nẵng củng cố và chuẩn bị đánh tiếp các đảo khi có thời cơ. Trước những thuận lợi do diễn biến tình hình mang lại, Tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng họp bàn với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất kế hoạch đánh chiếm các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa. Theo đó, ta sử dụng tàu 673 và 641 của Đoàn 125 chở phân đội 2 và 3 của Đội 1 (Đoàn 126) và một bộ phận lực lượng đặc công của Quân khu 5 đi giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn; đánh đồng loạt các mục tiêu này trong cùng một đêm.

2. Rạng sáng 21-4-1975, các tàu nhổ neo hướng ra Trường Sa. 2h30 ngày 25-4-1975, trận đánh đảo Sơn Ca bắt đầu và kết thúc sau nửa giờ chiến đấu. Mất tiếp đảo Sơn Ca, địch ở quần đảo Trường Sa càng hoang mang. Về phía ta, sau khi giải phóng Sơn Ca, mục tiêu tiếp theo là giải phóng đảo Nam Yết. Theo lệnh của Quân chủng Hải quân, 1h30 ngày 27-4-1975, tàu 673 rời Sơn Ca hướng về Nam Yết. 10h30 cùng ngày, tàu ta vào gần tới đảo. Phát hiện lực lượng ta, các tàu địch vội vàng tháo chạy. Ta nhanh chóng đổ bộ chiếm lĩnh đảo. 11h30 ngày 27-4-1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết.

Đến thời điểm này, Nam Yết - nơi đặt Sở chỉ huy toàn bộ quần đảo Trường Sa bị mất, địch còn lại ở các đảo hoang mang cực độ, tìm mọi cách thoát thân. Sau khi chiếm đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận đi đánh đảo Sinh Tồn. 10h30 ngày 28-4-1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn.

Phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo của quân dân ta trên các hướng chiến trường nói chung, ở vùng biển đảo nói riêng, 16h ngày 28-4-1975, bộ đội ta đi giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất nằm ở phía Nam của quần đảo. 9h ngày 29-4-1975, quân ta đổ bộ lên đảo và sau 30 phút đã làm chủ đảo Trường Sa.

Như vậy, sau gần 20 ngày tổ chức chuẩn bị và chiến đấu, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với một bộ phận lực lượng của Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ.

Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa của bộ đội hải quân đã thể hiện khát vọng thống nhất chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; tinh thần chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nắm chắc ý định của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; quyết tâm cao, chỉ huy quyết đoán, tổ chức sử dụng lực lượng gọn nhẹ, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, giải phóng đảo đúng thời cơ; bám sát sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của cấp trên, nắm chắc thời cơ có lợi cho ta khi thế và lực quân ta mạnh, địch đang suy sụp nhanh chóng, giải phóng đảo trước khi giải phóng Sài Gòn.

Cùng với tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với du kích và nhân dân tiến công và nổi dậy giải phóng Cù lao Xanh (1-4-1975), Cù lao Chàm, Cù lao Ré (30-4-1975). Đặc biệt, từ ngày 10-4-1975, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 19 - Sư đoàn 968 giải phóng đảo Hòn Tre. Đồng thời, Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp với các lực lượng khác tiến đánh Cù lao Thu và một số đảo lớn thuộc địa bàn cực Nam Trung Bộ.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Với khí thế thắng lợi ngút trời, 15h ngày 30-4-1975, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quần chúng tại chỗ nổi dậy giải phóng đảo Phú Quốc. Đến ngày 1-5-1975, ta hoàn toàn làm chủ Côn Đảo…

Như vậy, nắm chắc thời cơ, đánh giá đúng thực tiễn tình hình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và lực lượng vũ trang các địa phương đã nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông. Việc giải phóng các đảo và quần đảo trên Biển Đông do quân đội Sài Gòn chiếm đóng có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là một phần lãnh thổ Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Những chiến công này góp phần cùng đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, đòn tiến công chiến lược giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên một mùa Xuân đại thắng, một dấu ấn đậm nét trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

(Còn nữa)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.