Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ 2: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa
Thursday, April 23, 2020 8:18 PM GMT+7
TTO - 'Để treo được ngọn cờ cách mạng lên Trường Sa, chúng ta đã hi sinh hai người. Một người hi sinh ngay tại đảo Song Tử Tây. Một người bị thương, theo tàu về đất liền và hi sinh'.

Cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng, chứng nhân ở Trường Sa tháng 4 lịch sử năm 1975, ngậm ngùi kể lại.

Đó là liệt sĩ Tống Văn Quang và Ngô Văn Quyền.

Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ 2: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa - Ảnh 1.

Anh Ngô Văn Quyền (bên phải) chụp cùng bạn thân Nguyễn Đắc Lưu khi còn huấn luyện ở Quảng Ninh - Ảnh: My Lăng chụp lại

Không một bức ảnh để thờ

45 năm trước, khi đi Trường Sa, ông Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5. "Khi đánh đảo, lực lượng hỏa lực DKZ của chúng tôi đi cùng để hỗ trợ cho ba mũi đặc công của hải quân. Quang trong mũi đổ bộ đầu tiên. Cậu ấy là khẩu đội trưởng DKZ", ông Ạp cho hay.

Cuộc chiến kéo dài 30 phút rất ác liệt, hạ sĩ Tống Văn Quang hi sinh năm anh mới 22 tuổi.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quế kể giây phút tiễn biệt người đồng đội mới biết tên sáng 14-4-1975: "Lúc đó gần sáng rõ rồi. Anh em tổ chức chôn cất cậu ấy ngay Song Tử Tây, định sau này đưa về. Đồng đội lấy tăng võng bọc lại rồi đào huyệt cát chôn chứ lúc đó không có quan tài đâu. Anh em trên đảo nổ súng chia buồn, tiễn biệt đồng đội".

Chúng tôi tìm trong bản trích lục thông tin về quân nhân hi sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và hiện ra những dòng thông tin về liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa: liệt sĩ Tống Văn Quang sinh năm 1949 (tuổi thật là sinh năm 1953 - PV) tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Nhập ngũ tháng 5-1972. Ngày đi B: tháng 8-1972. Đơn vị: C12, D6, E38, F2 (Quân khu 5). Cấp bậc: hạ sĩ. Ngày hi sinh 14-4-1975, trong trường hợp: chiến đấu. Nơi hi sinh: đảo Song Tử Tây.

Mong muốn tìm hiểu về người liệt sĩ ấy, chúng tôi tìm về quê hương anh. Bắc Thái là tỉnh cũ. Xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ giờ thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Hai cụ thân sinh liệt sĩ Quang đã mất từ lâu. Ông Tống Văn Ngọc, 73 tuổi, anh trai liệt sĩ Quang, cho biết anh Quang là con thứ năm. 

"Chú Quang đẻ được ba ngày thì bố mất. Nhà tôi có hai người đi bộ đội. Tôi đi chiến trường B3 tháng 4-1966. Tôi vừa về thì chú Quang đi", ông Ngọc nói.

Người chị dâu của liệt sĩ Quang xúc động kể: "Tôi và mẹ chồng đồ xôi gánh đến đơn vị tiễn chú Quang thì nghe nói đơn vị đã hành quân đến ga Đồng Quang trú chân. Hai mẹ con lại tất tưởi chạy đến nhưng cũng không kịp. 

Chú Quang đi bộ đội từ năm 1972 rồi đi một mạch. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi đi chiến đấu không có tin tức, thư từ gì. Đến khi chú ấy hi sinh gia đình nhận giấy báo tử mới biết...".

Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975 - Kỳ 2: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa - Ảnh 2.

Liệt sĩ Tống Văn Quang đã được chuyển mộ về đất liền năm 1985 - Ảnh: My Lăng

Tuổi 20 hi sinh ở Trường Sa

Người thứ hai hi sinh ở Trường Sa tháng 4-1975 là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, 20 tuổi, chiến sĩ đặc công của trung đoàn đặc công hải quân 126.

Mấy chục năm nay, ông Đào Mạnh Hồng (69 tuổi, hiện sống ở TP Hải Phòng) không dám tìm gặp thân nhân liệt sĩ Quyền. 

"Khi đưa con người ta từ Bắc vào Nam chiến đấu thì mình đưa đi, nhưng khi con người ta hi sinh thì mình không biết. Đến chỗ chôn ở đâu mình cũng không biết. Về gặp gia đình cậu ấy, tôi biết ăn nói thế nào...", người cựu binh thở dài.

45 năm trước, đánh đảo Song Tử Tây, ông Đào Mạnh Hồng là phân đội trưởng phân đội 1 (đại đội 1 - trung đoàn đặc công hải quân 126) và thân thiết nhất với hạ sĩ Quyền. Chiến trận Song Tử Tây kéo dài 30 phút nhưng 15 phút đầu rất ác liệt. 

"Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Đáng lẽ viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước thì Quyền đi sau phát hiện đối phương trong giao thông hào giơ súng nhô ra, cậu ấy lao lên đỡ đạn cho tôi...", người cựu chiến binh rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc không thể quên ấy.

Tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền bị một viên đạn găm vào bụng vẫn cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. "Mấy phút sau quay lại, tôi hỏi thì Quyền bảo em không sao. Thấy Quyền bị thương, tôi để cậu ấy nằm nghỉ, còn mọi người thu dọn chiến trường", ông Hồng kể tiếp.

45 năm đã trôi qua, người cựu chiến binh giải phóng đảo nhớ mãi đêm trước khi chia tay người em, người đồng đội thân thiết về đất liền. 

"Tôi và Quyền trải võng ra trong hầm vòm, nằm cạnh nhau tâm sự. Quyền nói sau này chiến tranh kết thúc, anh em mình giao lưu thường xuyên chứ các đồng đội kia ở xa quá chắc ít gặp. Tôi bảo đời quân ngũ mình chỉ có một thời điểm nhất định thôi. Sau này trên quãng đường còn lại, anh em mình thế nào cũng gặp nhau", ông Hồng kể.

Ngày hôm sau, hạ sĩ Quyền theo tàu chở hàng binh về Đà Nẵng. Lúc này anh đau đến nỗi không đi được. Ông Hồng phải bế ra xuồng để đưa lên tàu. 

"Lúc đó tôi ôm Quyền khóc - ông Hồng xúc động nhớ lại giây phút chia tay mà không ngờ là lần gặp nhau cuối cùng. Tôi bảo em cứ an tâm điều trị, anh em mình sẽ gặp lại nhau khi cùng tiến vào Sài Gòn. Nó còn cười bảo: các anh cứ yên tâm ở lại. Em khỏe là theo đơn vị chiến đấu ngay".

Một tháng sau khi về Sài Gòn, ông Hồng mới biết hạ sĩ Ngô Văn Quyền đã hi sinh. "Không ai nghĩ Quyền sẽ hi sinh. Nhưng nó lại hi sinh...", người cựu binh bần thần nói.

"Chúng tôi nghe đồng đội anh Quyền kể chỉ còn 35 hải lý nữa vào đến Đà Nẵng thì tàu bị chết máy. Nếu suôn sẻ thì ba ngày về đến đất liền, nhưng tàu chết máy mất sáu ngày mới vào đến bờ. 

Dọc đường anh tôi cứ gọi tên bố mẹ, các em, rồi anh hát những bài hát quê hương Hải Phòng. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, máu chảy nhiều quá, anh hi sinh khi chưa kịp vào bệnh viện...", ông Ngô Văn Đại, em trai liệt sĩ Quyền, xúc động kể.

Bà Ngô Thị Huế, 62 tuổi, em gái liệt sĩ Quyền, rưng rưng hồi tưởng người anh đã khuất: "Anh Quyền hiền lành, học giỏi lắm. Từ lớp 1 đến lớp 7 năm nào cũng đứng đầu lớp. Anh đi học về là ra đồng chăn trâu, 13 - 14h mới về. 

Nhà chỉ có bát cơm nguội phần anh. Sau này anh đi làm thuê trên Lào Cai, mỗi lần về là tắm rửa cho các em. Làm thuê mấy năm, có lệnh nhập ngũ là anh đi". Và rồi anh Quyền của bà đã đi mãi không về...

Người thân cho biết trước khi vào Nam chiến đấu, anh Quyền kết nghĩa với người bạn tên Lưu ở Đồ Sơn. Hai người trồng hai cây chuối đầu hồi nhà.

"Anh Quyền dặn bố cứ nhìn hai cây chuối này khi nó lớn xanh tươi thì bố yên trí chúng con còn sống. Cây nào chết là có đứa bị không may. Sau có một cây chuối cứ héo dần rồi chết... Không ngờ là anh ấy", bà Huế lau nước mắt, xúc động nhớ lại.

Các cựu chiến binh giương ngọn cờ cách mạng ở Trường Sa tháng 4 lịch sử 1975 kể ngay sáng hôm sau đã xuất hiện hai tàu gỗ mon men vào sát đảo thăm dò. "Nó không treo cờ nhưng mình xác định dứt khoát là tàu Trung Quốc rồi" sau cuộc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Và các chiến sĩ sẵn sàng tiếp tục chiến đấu để bảo vệ đảo.

Kỳ tới: Ở lại giữ đảo

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.