Anh em 'thuyền trưởng Hoàng Sa'
Thursday, May 21, 2020 8:01 PM GMT+7
Mỗi lần con tàu QNg 90617 TS tiến ra Hoàng Sa đánh cá, bạn chài xem 2 anh em ngư dân Trần Hồng Thọ và Trần Hồng Thiên như thuyền trưởng và thuyền phó.

Bởi lẽ, họ cùng lúc chia sẻ công việc cầm lái, cho tàu chuyển hướng để tránh né tàu Trung Quốc. Con tàu này bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào rạng sáng ngày 2/4 vừa qua.

Anh em thuyền trưởng Trần Hồng Thọ - Trần Hồng Thiên. Ảnh: Văn Chương.

Anh em thuyền trưởng Trần Hồng Thọ - Trần Hồng Thiên. Ảnh: Văn Chương.

Xúc tung mái vẫn trở lại

Vào một ngày khoảng giữa tháng 5 năm 2019, tại khu vực gần bãi Bình Sơn, quần đảo Hoàng Sa, chiếc tàu đánh cá mang biển số QNg 90617 TS cố lách mũi tàu Trung Quốc mang số 4301 màu trắng đang bám riết phía sau. Tàu chạy xé sóng. Tiếng máy gầm gào.

Chiếc tàu Trung Quốc chạy đảo qua đảo lại mấy vòng. Trong ca bin, thuyền trưởng Trần Hồng Thọ và người em trai là Trần Hồng Thiên liên tục quan sát qua ô cửa để xem động thái của phía Trung Quốc.

Các ngư dân quyết không dừng tàu để bị bắt, vì vậy tàu Trung Quốc đâm thẳng mũi vào phía sau tàu gỗ. Mũi tàu Trung Quốc cao và nhọn nên xúc thẳng vô ca bin, hất con tàu chổng lên, cắm mũi xuống nước.

Các ngư dân trên tàu hoảng loạn, vì ca bin gãy răng rắc như cây gặp bão tố, mọi thứ bị đổ nhào vì con tàu bị dựng lên, nước tràn vào khoang. Con tàu chòng chành rồi lấy lại quân bình sau một hồi chao đảo.

Khi mọi thứ trở lại bình lặng và con tàu hung thần rời đi thì tàu cá ngư dân vẫn quay lại bám đảo Hoàng Sa. Thiên nói “nếu chuyến đó nhà báo đi cùng thì chắc máy móc văng xuống nước hết, vì ai cũng dập đầu, ê trán, bát đĩa rơi loảng xoảng, gỗ ván toác ra cả mảng dài như xé tàu lá chuối”.

Ngư dân Trần Hồng Thọ có dáng người thấp, đậm, giọng nói nhỏ nhẹ. Tàu của ah vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào rạng sáng 2/4 rồi được tàu bạn cứu đưa về đất liền.

Người ta không nghe thuyền trưởng này than khóc, chỉ thấy mọi cử động của anh chậm hơn, khi mệt mỏi thì nằm vật ra ngủ với cái dáng co quắp, biểu hiện của một nỗi đau âm ỉ trong tâm can.

“Anh em đu vô mũi tàu chìm. Tàu Trung Quốc thì lui ra xa. Cỡ 30 phút thì nó mới quay lại vớt mình”, thuyền trưởng Thọ nói với ánh mắt nhìn trân trân vào không gian. Tôi cảm nhận được trong ánh mắt đó là hình ảnh như cuốn phim quay chậm về những năm tháng ở Hoàng Sa.

Ngư dân Trần Hồng Thiên, người em trai có khuôn mặt khá vui tính, thái độ tỏ ra bình thản khi kể về những vụ bị rượt đuổi ở Hoàng Sa. Tai họa vùi dập khiến cả 2 anh em trắng tay, những ngư dân này biến niềm đau xót thành tia hy vọng sẽ sớm khôi phục lại tàu để đi biển.

Do mới 23 tuổi, nên Thiên còn nhiều thời gian “làm lại từ đầu” hơn người anh trai mình. Khi được Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 50 triệu tiền an sinh thì anh chia sẻ “xin được vay vốn lãi suất thấp để đóng tàu rồi quay ra Hoàng Sa đánh cá”.

Cặp đôi cầm lái

Thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một xóm nhỏ nằm sát bờ biển. Nếu không nghe tiếng rì rào của sóng thì nhiều người mới đến sẽ ngỡ tưởng đây là vùng Tây Nguyên.

Bởi đi sâu vào thôn là những ngôi nhà nhấp nhô trên những thửa đất cao, thấp khác nhau. Cả thôn như nằm trên những khối đá ong nhoài ra phía biển, với vách đá dựng đứng.

Trong quá khứ, thanh niên địa phương lớn lên thì chia nhau lên Tây Nguyên trồng cà phê, một số làm nghề đào đá ong, số khác thì xuống cửa biển đi bạn trên tàu cá. Do sinh ra trong nghèo khó, nên nhiều người sống chết bám nghề, sau nhiều năm trở thành thuyền trưởng Hoàng Sa.

Vợ ngư dân Trần Hồng Thọ cho biết, không biết đến bao giờ thì mới lại có tàu ra Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương.

Vợ ngư dân Trần Hồng Thọ cho biết, không biết đến bao giờ thì mới lại có tàu ra Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương.

Bà Thu, mẹ thuyền trưởng Thọ cho biết, thời trước do gia đình quá nghèo nên đi thu mua thuốc bom cưa trong đồ phế liệu mang bán cho ngư dân Lý Sơn nên bị bắt, phải chịu án tù.

Gia đình không có ai khác để chăm sóc con cái, nên 2 đứa con trai sống nương nhờ vào người thân, Thọ học hết lớp 3 thì phải nghỉ, đi làm thuê, tới năm 17 tuổi thì đi theo người bà con ra Hoàng Sa. Làm mẹ của người con ra Hoàng Sa đánh bắt thì mỗi khi cứ nghe chuyện “rượt, rượt, bắt bắt” là phập phồng lo lắng.

Sau nhiều năm đi bạn, thuyền trưởng Thọ có ít vốn và chung cổ phần, sau đó khi cổ phần đủ lớn thì đứng ra nhận làm chủ tàu QNg 90617 TS. Ra Hoàng Sa thì nhân lực trên tàu không thể giống với tàu đi đánh lưới, đó là phải tuyển ngư dân gan lỳ, chịu chơi, không quá sợ Trung Quốc.

Người em trai là Nguyễn Hồng Thiên sau khi học hết lớp 9 cũng xuống tàu đi biển phụ với anh trai. Hai anh em có tính cách khác biệt – người anh chậm chạp, trầm tính, còn người em thì năng động, táo bạo. Khi tàu ra khơi, người anh cầm lái, người em cuộn dây hơi cho thợ lặn.

Chặng đường từ đất liền ra tới đảo Quang Ảnh (quần đảo Hoàng Sa), con tàu này luôn đi kẹp với tàu cá QNg 90045 TS, do ngư dân Đặng Tự làm thuyền trưởng.

Các ngư dân trên tàu của ông Tự chia sẻ, phiên biển tháng 3 vừa rồi, tàu ông Tự đi về khu vực đảo Xà Cừ thì tàu của thuyền trưởng Thọ đi tới Phú Lâm. Hàng đêm, các ngư dân vừa thả thợ lặn, vừa điện đàm trên máy. Ông Tự liên tục gọi “17 đâu, 17 đang ra sao?”.

Ông Tự cho biết, tàu vô sát Phú Lâm là nguy hiểm nên phải gọi liên tục để xem anh em còn không chứ lỡ có chuyện đột xuất thì không ai tới cứu.

 Ngư dân ra Hoàng Sa thường xuyên phải đối chọi với tàu Trung Quốc. Ảnh: Văn Chương.

Ngư dân ra Hoàng Sa thường xuyên phải đối chọi với tàu Trung Quốc. Ảnh: Văn Chương.

Lối thoát hiểm cửa bấc

Trước khi tàu QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào rạng sáng 2/4 thì các ngư dân đã từng một lần cắt đuôi tàu tuần tra Trung Quốc 4301 tại cụm Lưỡi Liềm trước đó ít ngày. Cụm Lưỡi Liềm giống như một hình cung tròn và có nhiều đảo nhỏ bao quanh.

Trước năm 1975, khu vực này được gọi là Nguyệt Thiền. Cơ quan khí tượng thủy văn thời đó cũng được bố trí trên các đảo nằm trong cụm này. Những ngư dân thông thạo Hoàng Sa khi chạy đến vùng đảo này giữa ban ngày đều truyền nhau từ khóa “đi cửa bấc”.

Cửa bấc là một vị trí hiểm yếu và kỳ lạ, giữa ban ngày, tàu cá của ngư dân vẫn có thể lừa và cho tàu tuần tra Trung Quốc vuốt đuôi.

Cửa bấc nằm ở gần đảo Xà Cừ. Trên hải đồ thì có một lạch biển rộng đi thông vào đảo này, rẽ ra các đảo Ốc Hoa và Ba Ba. Lối đi này rộng như một con sông, nhưng dưới lòng sông cạn đó chỉ có một con lạch nhỏ vừa đủ cho chiếc tàu chạy lọt, nếu đi lệch ra ngoài là va vào bãi san hô rộng hàng trăm mét và chết dính luôn tàu tại nơi này.

Đầu chuyến biển vừa qua, các ngư dân đang lặn thì phát hiện tàu Trung Quốc 4301 như con cáo lò dò tiến đến. Hai anh em thuyền trưởng hô hét rút thợ lặn lên, sau đó cho tàu chạy sâu vào bãi cạn, men theo con lạch mà họ thông thạo như lòng bàn tay.

Chiếc tàu 4301 liên tục quần đảo phía ngoài, sau đó phải bỏ đi. Vài hôm sau, các ngư dân rời cửa bấc để ra khu vực đảo Phú Lâm thì con ngáo ộp này lại xuất hiện ném đá, áp sát tàu cá, có lúc khoảng cách giữa 2 con tàu chỉ còn khoảng 3m.

Phú Lâm là nơi không có những con lạch hiểm như cửa Bấc nên thuyền trưởng Thọ và người em trai phải giơ sườn chịu trận. Hai anh em ngồi bên nhau ở ca bin trong đêm đen. Tiếng đá ném sang ầm ầm.

Người em trai cùng gọi Icom cầu cứu tàu QNg 90045 TS. Hai anh em đu bám bên nhau khi tàu bị tàu Trung Quốc đâm mạnh vào mạn trái gây chìm đắm.

Theo nongnghiep.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.