Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn
25 Tháng Tư 2012 10:46 SA GMT+7
Cách đất liền 18 hải lý, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trông xa như một chiến hạm nổi giữa trùng khơi. Chiến hạm ấy đang chở trên mình nó 21.000 số phận. Họ là những hậu duệ của Đội hùng binh Hoàng Sa lừng lẫy một thời, đang ngày đêm canh giữ một góc trời phía đông của Tổ quốc.

Chiến hạm nổi giữa biển Đông

Lý Sơn không chỉ được biết đến như một “vương quốc” của loại đặc sản nổi tiếng là tỏi, mà hòn đảo ấy đang trầm tích trong lòng nó những điều kỳ diệu về lịch sử và văn hóa của một vùng đất khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi kiêu hùng. Tất cả những gì mà các nhà nghiên cứu phát hiện trên đảo Lý Sơn hôm nay là minh chứng sống động về quá trình mở cõi, chinh phục biển Đông của cha ông ta cách đây 4 thế kỷ. Những ai lần đầu đặt chân lên hòn đảo này đúng vào dịp diễn ra Lễ Khao lề thế lính (16 tháng 3 âm lịch hằng năm) sẽ được gặp một Hoàng Sa bàng bạc trên mỗi lá cây ngọn cỏ, trong mỗi câu hát, điệu hò của người dân nơi đây.

 
Núi Thới Lới - nơi có miệng núi lửa lớn nhất của đảo Lý Sơn - Ảnh: Trần Đăng

Đối với mỗi người dân Lý Sơn, Hoàng Sa chưa bao giờ lặng gió trong lòng họ. Ngọn lửa yêu nước, yêu Hoàng Sa đã được Đội hùng binh thắp sáng từ hơn 300 năm trước vẫn được con cháu trên “chiến hạm nổi” ấy duy trì cho đến hôm nay.

Từ Cù lao Ré…  

Đối với mỗi người dân Lý Sơn, Hoàng Sa chưa bao giờ lặng gió trong lòng họ. Ngọn lửa yêu nước, yêu Hoàng Sa đã được Đội hùng binh thắp sáng từ hơn 300 năm trước vẫn được con cháu trên “chiến hạm nổi” ấy duy trì cho đến hôm nay

Đi từ cảng Sa Kỳ bằng tàu cao tốc mất khoảng một tiếng là có thể đặt chân lên đảo Lý Sơn. Một hành khách cùng đi nói với chúng tôi rằng, loại tàu khách này mới đưa vào sử dụng được 4-5 năm nay thôi, ngày trước mà đi Lý Sơn chỉ có “tàu chợ”, phải mất 3 giờ mới tới, khách nằm lẫn với đủ các loại thực phẩm mắm muối dầu đèn, có cả âm thanh từ những chú heo, chị gà, anh vịt xấu số ra đảo để hiến tế nữa. Mất có 3 tiếng mà ai cũng rên, chả bù với ông bà mình ngày xưa đi bằng thuyền nan mỏng manh, giương buồm lên đợi gió, ấy thế mà đảo Lý Sơn chẳng lúc nào vắng bóng người. Thế mới biết, khát vọng chinh phục biển Đông luôn là nỗi canh cánh trong lòng người xưa.

Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), thành viên của nhóm khảo cổ tham gia khai quật di chỉ Suối Chình ở Lý Sơn, cho biết những hiện vật thu được từ đợt khảo cổ cách nay hơn 10 năm đã gửi cho hậu thế nhiều thông điệp thú vị từ ngàn xưa, rằng từng có một thời, Lý Sơn là nơi giao thương giữa các chủ nhân của nhiều nền văn hóa, có cả Đông Sơn xen với Sa Huỳnh; có Champa lẫn với một số nền văn minh ở Đông Nam Á. Các lớp gốm cổ từ những nền văn hóa ấy được xếp chồng lên nhau qua các hố đào thám sát, chứng tỏ chủ nhân của Lý Sơn đã có mặt từ rất sớm và định cư qua rất nhiều thế hệ tại đây.

 
Cánh đồng tỏi Lý Sơn - Ảnh: Trần Đăng

Cái tên Cù lao Ré có lẽ xuất hiện cùng lúc với con người có mặt trên hòn đảo này. Hòn đảo có nhiều cây ré, đặt “chết” tên luôn, thế thôi. Có người hỏi: Sao không gọi Cù lao Tỏi, hay đảo Tỏi mà là Cù lao Ré? Đơn giản là vì cây tỏi, cây hành, dù được xem là “thương hiệu” của Lý Sơn hiện nay nhưng chúng có mặt sau cây ré mọc hoang. Loài cây vô dụng này đã dần dần nhường chỗ cho nhiều loại cây trồng hữu dụng khác nên bây giờ, cây ré rất khó tìm ở Lý Sơn nhưng cái tên Cù lao Ré thì vẫn “sống” trong lòng mỗi người dân đất đảo.

…đến đảo Lý Sơn

Truyền thuyết của người Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) kể rằng, sau cơn rùng mình của tạo hóa từ thuở hồng hoang, một dãy núi từ huyện vùng cao này đã văng ra và trôi dạt trên biển, tạo nên đảo Lý Sơn bây giờ. Thực ra thì đảo Lý Sơn được hình thành từ 5 miệng núi lửa: hòn Thới Lới, hòn Vung, hòn Giếng Tiền, hòn Tai và hòn Sỏi. Có lẽ đây là đảo duy nhất ở Việt Nam vẫn còn nguyên 5 miệng núi lửa khổng lồ. Trong lịch sử tồn tại của mình, Lý Sơn chưa thấy ai lý giải vì sao lại mang tên như thế? Sơn thì là núi, dĩ nhiên rồi, vậy Lý có nghĩa gì? Chịu! Chỉ biết rằng, 5 ngọn núi lửa ấy đã “rùng mình” từ hàng triệu năm trước để làm nên một Lý Sơn xinh đẹp hôm nay. Riêng đảo Bé, một trong hai đảo của Lý Sơn, thì có lẽ được “tách ra” và trôi dạt từ đảo Lớn. Bằng chứng dễ nhận ra nhất là ở đảo Bé không có miệng núi lửa nào, không có nước ngầm, hình như chúng bị “rỗng ruột” thì phải. Mưa được hạt nào xuống đảo là trôi tuột luôn ra biển. Vì vậy, người dân đảo Bé sống hoàn toàn dựa vào nước trời. Mấy trăm năm khai phá đảo Bé nhưng chỉ có 100 nhà còn trụ lại với đảo là vì thế.

Gần 20 năm trước, đảo Lý Sơn là hai xã của huyện Bình Sơn nên tên đầu của hai xã này đều là “Bình”: Bình Vĩnh, Bình Yến - hai cái tên lạ hoắc với gốc gác của Đội hùng binh Hoàng Sa! Cho đến khi Lý Sơn được tách riêng ra thành một huyện độc lập vào năm 1993, hai xã của đảo mang lại tên mà ông bà xưa đã ra đảo khai khẩn đặt tên cho làng: An Vĩnh, An Hải, thêm một xã của đảo Bé mang tên An Bình. An Vĩnh, An Hải là tên của hai làng thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). 13 tộc họ đầu tiên ra khai khẩn Lý Sơn, phần lớn là dân Tịnh Kỳ. Có lẽ để nhắc con cháu sau này luôn nhớ về gốc gác của mình, các bậc tiền bối khai sơn phá thạch Lý Sơn đã mượn tên làng cũ để đặt tên cho làng mới.

Tên làng tên xã có thể thay đổi theo từng giai đoạn nhưng lịch sử khai phá đảo Lý Sơn thì vẫn vẹn nguyên. Chưa dừng lại ở hòn đảo này, những cư dân đầu tiên vùng Sa Kỳ có mặt ở Lý Sơn cũng đã mạnh dạn giong buồm thêm 2 ngày 2 đêm nữa để được đặt dấu chân mình lên một vùng đất khắc nghiệt hơn: Bãi cát vàng có tên là Hoàng Sa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đề cập đến việc chinh phục Hoàng Sa của người dân vùng Sa Kỳ - Lý Sơn vào thời “đầu bản triều”, tức là từ khi Chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Như vậy là, khi cha ông ta chinh phục Hoàng Sa thì Lý Sơn trở thành “chiến hạm nổi”, đóng vai trò là “trạm trung chuyển” trong hành trình xuyên đại dương, vừa là nơi “tiếp sức” lương thảo để ra khơi vừa là nơi cung cấp “nhân sự” gồm những con người can trường và đầy kinh nghiệm biển cả để có thể đương đầu với những bất trắc trong những cuộc hải hành dài ngày trên biển.

Trời nước mênh mông

“Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về”.

Câu ca trên đã song hành cùng người dân Lý Sơn hàng trăm năm nay như một minh chứng cho sự có mặt của ông bà ta tại dải cát vàng Hoàng Sa từ rất lâu rồi.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, tác giả của luận án tiến sĩ xuất sắc về các phong tục văn hóa miền biển, có một phát hiện khá lý thú về Lý Sơn sau nhiều năm đi điền dã để lấy tư liệu làm luận án. Theo ông Vũ, các bà mẹ ở Lý Sơn hát ru con toàn những câu ca dao liên quan đến Hoàng Sa, điều rất khác biệt với các bà mẹ ở đất liền: “Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”; hoặc “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”... Ông hỏi chúng tôi có biết vì sao như vậy không? Rồi tự trả lời: “Văn học dân gian, trong đó có ca dao tục ngữ là tấm gương phản chiếu những gì gan ruột nhất, máu thịt nhất và cũng ám ảnh nhất về những công việc của người dân nơi đó. Lý Sơn có cây tỏi, cây hành, có khai thác hải sản; tuy nhiên, thu hút toàn bộ tâm lực của người dân hòn đảo này suốt mấy trăm năm qua vẫn là chinh phục Hoàng Sa. Để ý mà xem, những câu ca dao nói về việc ra Hoàng Sa của dân Lý Sơn đều mang âm hưởng bi hùng nhưng tuyệt nhiên không hàm chứa một sự phản kháng nào. Đó là điều hiếm gặp trong ca dao khi đề cập đến việc “chấp hành mệnh lệnh cấp trên” thời phong kiến. Là bởi, việc sai phái binh phu ra Hoàng Sa của vua thời ấy đã song trùng với tâm nguyện chinh phục biển Đông của người dân ở đảo Lý Sơn này”.

Chinh phục

Kể từ khi trấn nhậm phương Nam cuối thế kỷ 16, Chúa Nguyễn đã nghĩ ngay đến việc “ra Hoàng Sa”. Các thư tịch cổ của triều Nguyễn cũng như những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục hoặc Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú đều đề cập khá tỉ mỉ về những cuộc chinh phục Hoàng Sa này. Theo đó, hằng năm, các Chúa Nguyễn đã sai người tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở hai làng An Vĩnh và An Hải vùng cửa biển Sa Kỳ, sau này là dân đinh ở hai phường An Hải và An Vĩnh của đảo Lý Sơn giương buồm theo gió nồm vượt sóng ra Hoàng Sa. Cứ tháng 2 nhận lệnh ra đi, tháng 8 trở về cửa Eo (cửa Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loài hải sản quý hiếm và các vật dụng thu lượm được từ những con tàu buôn bị đắm và trôi giạt vô đảo. Cụ ông Võ Hiển Đạt, người gác miếu Hoàng Sa hơn 60 năm nay ở đảo Lý Sơn, tác giả của những chiếc thuyền câu vừa được phục dựng đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi, lý giải về những cuộc ra đi của các binh phu Lý Sơn bằng những chiếc thuyền câu này: “Thuyền nhẹ và nhỏ nên chỉ chứa trên 10 người, không dùng chèo đâu, chèo chi nổi! Tất cả đều dùng buồm, lựa con nước và hướng gió mà đi. Bây giờ thuyền máy, chạy thẳng một lèo là tới nơi chứ thời ông bà mình đi bằng thuyền câu này, có những lúc nhìn thấy đảo rồi nhưng gặp hôm trời trở chứng, đổi hướng gió, buộc phải giương buồm lèo lái thuyền đi đường vòng, có khi hai ba ngày sau mới đặt được chân lên đảo”.

 
Thả thuyền tượng trưng trong lễ khao lề - Ảnh: Đ.Hùng

Quan sát chiếc thuyền câu mà cha ông ta đi Hoàng Sa được phục dựng tại Bảo tàng Quảng Ngãi, rồi nhìn những chiếc thuyền được cách điệu, thả trôi trên biển trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đủ để hình dung những gian truân mà ông bà mình phải vượt qua sau khi “nhận lệnh vua sai”! Trước khi đi Hoàng Sa, mỗi người lính phải chuẩn bị cho mình ngoài 6 tháng lương thực còn có 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, một đôi chiếu, một thẻ bài có ghi tên họ, bản quán… Hành trang này không báo hiệu một chỉ dấu bình yên nào cho người ra đi cả. Mỗi binh phu đều tiên liệu cho mình cái chết nên mới chuẩn bị những thứ hành trang như thế để nhỡ khi gặp nạn trên đường thì đồng đội bó xác lại rồi thả xuống biển với hy vọng là trong đất liền sẽ biết được tông tích của người xấu số khi vớt xác. Dù đầy bất trắc dọc đường nhưng dấu chân của những binh phu Lý Sơn hầu như đặt lên tất cả các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tìm bắt hải sản đơn thuần mà nhiệm vụ thiêng liêng hơn là họ đo đạc hải trình, vẽ bản đồ Hoàng Sa và dựng bia cắm mốc chủ quyền lãnh hải quốc gia ngoài đó. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hoàng Sa, nhiều hòn đảo đã mang tên những vị anh hùng trong đội hùng binh như đảo Hữu Nhật, đảo Quang Ảnh - những cai đội lừng lẫy một thời chinh phục Hoàng Sa là người Lý Sơn này. Nhà sư Thích Đại Sán người Trung Quốc, sau khi đi xứ Đàng Trong về, đã có những ghi chép khá tỉ mỉ về “dải cát vàng” Hoàng Sa được người Việt chinh phục, đặc biệt ông vô cùng thán phục về công năng của chiếc thuyền câu, một phương tiện đi biển độc đáo của người Việt, có thể chạy nhanh gấp 10 lần so với tàu gỗ nặng nề nếu “thuận buồm xuôi gió”.

Và một lễ hội độc đáo

Những rủi ro luôn đón chờ các binh phu chinh phục Hoàng Sa. Họ được ví như những chàng Kinh Kha một đi không trở lại. Tri ân họ, và cũng là để “trấn an” những chàng trai trẻ của Lý Sơn trước lúc lên đường, người dân hòn đảo này tổ chức một lễ hội mang tên Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hay còn được gọi bằng một tên khác, thay chữ “thế lính” bằng “tế lính”. Khi nói “thế lính” là dùng để chỉ các bước tiến hành của buổi lễ mà ở đó, thầy pháp (phù thủy) bằng phép thuật của mình đã “yểm” vào các hình nhân thế mạng cũng như các con thuyền cách điệu là sẽ phải “chết thế” (thế lính) cho số binh phu sắp lên đường. Còn nói “tế lính” là để chỉ việc tri ân những người đã bỏ mạng ngoài Hoàng Sa hoặc “tế sống” những người sắp lên đường. Tháng 3 là tháng cúng thanh minh của các làng nhằm tưởng nhớ những bậc tiền hiền đã có công khai hoang lập ấp và những linh hồn không nơi thờ phượng. Dân Lý Sơn đã kết hợp “việc lề” này làm lễ “khao quân” trước khi các binh phu lên đường ra Hoàng Sa.

 
Thầy pháp Nguyễn Trung Thành tại lễ khao lề năm 2010 - Ảnh: Trần Đăng

Khác với nhiều lễ hội khác, lễ khao lề ở Lý Sơn độc đáo ở chỗ nó gắn liền với việc chinh phục Hoàng Sa của ông bà, nghĩa là gắn liền với chủ quyền lãnh hải của đất nước, lễ hội do các bô lão trong làng định liệu. Lễ (phần hội gồm đua thuyền, ném cù, dồi bòng…) được cắm trong lòng nhân dân nên nó bền lâu, được người dân duy trì mấy trăm năm qua mà không hề bị mai một. Nếu nói bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa thì lễ khao lề ở Lý Sơn là một “bằng chứng” phi vật thể không thể chối cãi. Vì thế, với người dân Lý Sơn hôm nay, duy trì lễ khao lề cũng đồng nghĩa với việc duy trì sự khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam ở Hoàng Sa vậy.

Những hình nhân chết thế

“Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”. Để vững lòng người đi, người dân Lý Sơn đã nghĩ ra một cách: bắt hình nhân phải “chết thế”, bắt các thuyền bằng giấy phải “chìm thay”!

Những thầy pháp ở Lý Sơn giữ vai trò rất quan trọng trong việc bắt hình nhân phải “chết thế - chìm thay” này. Thầy pháp như điểm tựa tâm linh của lính Hoàng Sa trong mỗi đợt xuất quân. Ở Lý Sơn hiện nay có hai thầy pháp, một là ông Võ Văn Toại ở thôn Đông, xã An Vĩnh; hai là ông Nguyễn Trung Thành, tục gọi là Nữ, quê thôn Tây, xã An Hải. Cả hai ông hiện đã ngoài 75 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và tráng kiện. Ông Toại đang sinh sống ở Lý Sơn, còn ông Thành thì đã vào Đồng Nai từ hơn 30 năm nay nhưng hễ đến dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ông lại lên tàu về quê tham gia “hâm nóng” bầu không khí của buổi tế lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của hơn hai vạn dân trên hòn đảo này.

“Cứ lên thuyền, đã có người chết thế rồi!”

Ông Nữ mặc áo lụa đỏ, có khi lụa xanh, đầu đội mũ tam sơn, tay cầm mõ và một thanh kiếm bằng… nhung, mắt quắc, miệng lầm rầm câu thần chú, rồi chợt hét vang những tiếng “gọi hồn”. Một bên là đám quân sĩ, đầu đội khăn điều, tay cầm mác có quấn cờ đuôi nheo, mặt rất căng thẳng, tập trung cao độ để nghe câu chú của thầy pháp; một bên là tiếng ốc u vang lên từ một “nghệ nhân” của làng. Âm thanh réo rắt phát ra từ ốc u, vừa như “gọi bầy”, lại vừa như thúc quân ra trận. Tất cả hòa quyện trong một không gian cô đặc đầy huyền nhiệm. Ông Nữ giải thích một phần nội dung của câu chuyện gọi hồn: “Trước hết là “mời” các ông ấy (vong hồn lính Hoàng Sa) về dự bữa với con cháu hôm nay. Trong phần “thế lính” còn có câu chuyện “yểm” vào các hình nhân, mỗi hình nhân tương ứng với một người lính ra đi, mỗi chiếc thuyền bằng giấy tương ứng với một thuyền câu.

Các hình nhân và thuyền giấy này được xem như là người (vật) sẽ chết thay, chìm thay cho số binh phu chuẩn bị lên đường”. Nhìn khuôn mặt ông Nữ khi đọc thần chú rồi tay ông cầm bó nhang “vẽ” lên không trung, có cảm giác như ông đang làm một công việc nặng nhọc là trút đi nỗi lo toan sợ hãi của những binh phu sắp lên đường ra Hoàng Sa vì phải luôn đối mặt với những bất an suốt trong suốt chuyến hải hành. Vì vậy, nhìn vào điệu bộ và những câu “chú” của thầy pháp, những người lính ra Hoàng Sa có thể rất an lòng vì đã có người chết thế cho mình rồi! Cũng là một “liệu pháp tinh thần” thế thôi, vì hơn ai hết, dân Lý Sơn cảm nhận được những gì mà con em họ phải nếm trải mỗi khi lên đường. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về” là vậy.

Những gì còn lại

Trong số 70 binh phu được tuyển chọn để ra Hoàng Sa mỗi năm thuở ấy, trừ những “cựu binh” dạn dày trận mạc như Đặng Văn Siểm, Nguyễn Văn Hùng... là được đi vài lần, tất cả những người còn lại đều là “trai tân” mới lớn và đi lần đầu. Quy định của các vua triều Nguyễn đối với những binh phu ra Hoàng Sa là con thứ và chưa lập gia đình mới được đi, con trưởng phải ở nhà để lo thờ phụng tổ tiên. Ngay trong nội dung của quy định này đã hàm chứa những tiên báo về một sự rủi ro rất lớn cho người ra đi. Người ta không muốn nỗi đau mất mát trùm thêm lên cả vợ con của người xấu số nên phải chọn những chàng trai chưa lập gia đình là vì thế.

Dù đã được “trấn an” bằng một buổi “thế lính” đượm chất bi hùng và huyền hoặc, dù đã được các hình nhân thế mạng cho mình trong lễ khao lề rồi nhưng phần lớn những chàng trai ra đi ngày ấy đều không trở lại. 6 tháng phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt ở Hoàng Sa, lại phải thường xuyên chống chọi với gió bão bất thường trong quá trình lênh đênh trên biển, câu chuyện được trở về đoàn tụ với gia đình đã trở nên quá xa vời với họ. Phần lớn trong số họ, hoặc là gửi xác giữa biển khơi, hoặc là nằm lại với Hoàng Sa. Thời mà quần đảo này còn chưa “nổi sóng” như hiện nay, ngư dân Lý Sơn đi đánh bắt hải sản ngoài ấy đã phát hiện rất nhiều ngôi mộ bằng đất nằm rải rác trên các đảo. Chính những binh phu xấu số ấy đã hóa thân thành những cột mốc biên cương nơi Hoàng Sa từ thuở nào rồi.

Tưởng nhớ những binh phu đã hy sinh vì nghĩa lớn mà không tìm thấy xác, người dân Lý Sơn đã nghĩ ra việc đắp các ngôi mộ gió để tưởng vọng họ. Hàng trăm ngôi mộ gió đã tồn tại trên đất đảo như một phần máu thịt không thể thiếu của người dân trên hòn đảo này. Như đã nói ở trên, các thầy pháp giữ một vai trò quan trọng trong việc trấn an quân sĩ trong lễ khao lề. Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ chưa phải đã kết thúc sau buổi lễ mà sẽ còn được tiếp tục với nhiều nghi thức đậm màu bi ai khi phải “an táng” những hình nhân bằng đất sét trong các ngôi mộ gió.

Sau 6 tháng mà không thấy con em mình trở về, người nhà đi rước thầy pháp và tiến hành các thủ tục cho người xấu số. Trước tiên là lên núi Giếng Tiền để lấy đất sét về trộn với bông gòn, bỏ vô cối giã thật nhuyễn để nặn hình nhân. Bông gòn có tác dụng “kết nối” đất sét lại với nhau mà không làm cho hình nhân bị nứt. Thầy pháp lấy thân cây dâu làm xương, lấy hạt cây đu đủ tía làm tim, gan cho hình nhân. Xong các công đoạn, hình nhân được bỏ vào một chiếc quách nhỏ, thầy pháp bắt đầu gọi hồn về để hồn “nhập” vào xác hình nhân. Hồn nhập xong, hình nhân được mang ra nghĩa địa.

Ông Võ Văn Toại là đời thứ 8 của dòng họ Võ ở thôn Đông, xã An Vĩnh chuyên nặn hình nhân trong các ngôi mộ gió. Nghe ông lý giải ý nghĩa của từng “nguyên liệu” để đưa vào “nội tạng” của hình nhân, chúng tôi chợt nhận ra rằng vì sao cây dâu vẫn tồn tại và song hành với người dân Lý Sơn hàng trăm năm qua dù nghề nuôi tằm dệt vải không có ở hòn đảo này; bỗng hiểu vì sao Lý Sơn đất chật người đông như thế mà người dân vẫn dành một phần ít ỏi của quỹ đất để cho các ngôi mộ gió tồn tại. Với họ, đó như là nghĩa trang liệt sĩ dành riêng cho những binh phu đi Hoàng Sa thuở trước, con cháu hôm nay cần phải chăm sóc và giữ gìn.

Mộ gió là những gì còn lại sau mỗi chuyến đi của những binh phu xấu số. Nhưng không hẳn vậy, ở phía xanh mờ nơi Hoàng Sa kia, những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc đã được chính những binh phu ấy dựng lên bằng xương máu của mình. Có lẽ, đó mới là những gì còn lại để chúng ta suốt đời ơn nghĩa họ.

Bằng chứng đây!

Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, điều đó là bất biến. Nếu có ai đó hỏi “bằng chứng đâu?”, xin thưa: “Nó đây, “sổ đỏ” của Hoàng Sa đây!”.

“Sổ đỏ” đó chính là Tờ lệnh điều quân ra Hoàng Sa có từ thời Minh Mạng được dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gìn giữ từ năm 1834 đến năm 2009, đúng 175 năm. Có thể xem đây là “bằng chứng” sống động nhất về chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa.

 
Trao Tờ lệnh cho Bộ Ngoại giao - Ảnh: Trần Đăng

Bằng cách nào mà dòng họ Đặng giữ được báu vật ấy một cách nguyên vẹn trong điều kiện có quá nhiều đổi thay của thời cuộc suốt 175 năm qua cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng đất này? Đó là câu chuyện đậm chất truyền kỳ mà sự cẩn trọng, chỉn chu của người giữ nó không thôi chưa đủ, cần phải có một ý thức rất cao về lòng yêu nước, yêu Hoàng Sa thì mới thực hiện được.

Lần giở trước đèn

Trên đường ra Chùa Hang, di tích văn hóa cấp quốc gia của Lý Sơn, trước khi gặp biển, rẽ trái theo con đường làng một quãng ngắn là gặp nhà thờ họ Đặng ở thôn Đồng Hộ. Đó là gian nhà ngói khiêm nhường nhưng ấm cúng, nép mình dưới hàng cây cổ thụ sum suê lá xanh và rực đỏ hoa giấy mùa này. Họ Đặng không phải là tộc họ lớn ở Lý Sơn, song có một nhân vật của dòng họ này đã thành “giai thoại” của làng. Đó là Đặng Văn Siểm, người đời sau ví ông như con kình ngư của biển khơi. Cũng nghe “đồn đoán” vậy thôi chứ chẳng có tài liệu nào đề cập đến nhân vật này. Cho đến mùa hè năm 2009, khi thấy Đặng Văn Siểm được nêu tên trong “Tờ lệnh”, lại được giao làm đà công thì dòng họ Đặng mới biết thêm về tổ tiên mình.

Ông Đặng Tôn, trưởng tộc họ Đặng, là người chăm sóc hương hỏa đồng thời cũng là người duy nhất được dòng họ giao cho chìa khóa giữ chiếc rương có đựng “tài liệu quý”. Chữ Hán của ông Tôn chỉ đủ nhận mặt nhất nhị tam tứ ngũ nên ông chẳng biết gì về nội dung của các tài liệu toàn chữ Hán được cha ông trao lại đang để trong chiếc rương nọ. Theo di chúc của tổ tiên, họ Đặng quy định phải 20 năm mới được mở chiếc rương một lần. Chủ yếu là xem thử có mối mọt hao khuyết gì không để còn khắc phục. Năm 2004, ông Đặng Tôn mất, em trai ông là Đặng Lên được phép “kế tục” anh trai. Ông Lên nhớ lại: “Tôi được biết là chiếc rương kia đã được mở vào các năm 1939, 1959, 1979, 1999, đúng như quy ước của dòng họ. Lẽ ra đến năm 2019 thì mới được mở nhưng năm 2009, chỉ 10 năm sau lần mở cuối cùng, tôi xin phép dòng tộc được mở rương”. Hỏi ông Lên vì sao lại “phá lệ”? Ông nghiêm trang nói: “Hình như có ai đó mách bảo rằng, chiếc rương ấy đang mang trong lòng nó một sứ mệnh nên tôi quyết định xin phép được mở ra. Và đúng là như thế”.

Kể từ năm 2005, ngư dân Lý Sơn liên tục bị Trung Quốc bắt bớ và đòi tiền chuộc mỗi khi họ ra Hoàng Sa đánh cá, với lý do là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nghe giọng điệu ấy, ông Lên tức lắm. Linh cảm đã mách bảo với ông rằng, tài liệu trong chiếc rương kia có thể giúp được gì chăng trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa. Và rồi ông quyết định sắm một lễ cúng để “xin phép” tiên linh mở rương nhân lệ cúng xuân tháng 4.2009. Đó không phải là lần đầu tiên ông Lên chứng kiến mở chiếc rương nhưng việc “lần giở” báu vật của tiền nhân lần này, lòng ông rộn lên nỗi niềm khó tả! Gần như tập tài liệu vẫn còn nguyên nếp gấp, còn thơm mùi mực, như thể ông bà dòng họ Đặng cất chúng vào rương vừa mới hôm qua. Ông sai đứa cháu sao chụp toàn bộ tài liệu nọ và tìm người dịch giúp. Bản dịch cho biết đó là Tờ lệnh điều động binh phu ra Hoàng Sa năm 1834, trong đó, ông Đặng Văn Siểm được giao làm đà công! Dòng họ Đặng rồi cả đảo Lý Sơn, rồi tỉnh Quảng Ngãi và cả nước như sôi lên với tài liệu này.

Ý thức của dòng tộc

Ông Đặng Lên nói: “Một lần nữa tôi biết ơn tiền nhân dòng họ Đặng đã giữ được báu vật này cho đất nước. Phải rất có ý thức thì mới giữ được, vì suốt 300 năm qua, bao lớp trai làng trên đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa, có rất nhiều tờ lệnh điều động nhưng chỉ giữ được có mỗi một tờ này. Ông cha chúng tôi đã để tài liệu ấy vào chiếc rương bằng gỗ tra bể, một loại danh mộc gần như thất truyền ở Lý Sơn này”. Cũng theo ông Lên, nếu để Tờ lệnh vào chiếc rương bằng loại gỗ khác, e có khi đã hỏng lâu rồi. Tra bể là loại gỗ chống mối mọt và giữ được độ ẩm cao, bảo vệ được lớp giấy dó và chữ viết trên đó còn nguyên vẹn.

Nghe phát hiện “sổ đỏ” cho Hoàng Sa, nhiều cuộc điện thoại “trong bóng đêm” đã tới tấp gọi về nhà ông Lên và xin mua với giá 2 tỉ đồng. Ông Lên đã chối từ và cấp báo sự việc trên với tỉnh Quảng Ngãi. Lập tức một tiểu đội cảnh sát cơ động được cấp tốc điều ra đảo để giữ Tờ lệnh và đợi ngày chuyển vào đất liền để giao cho Bộ Ngoại giao. Lần đầu tiên dân Lý Sơn mới nhìn thấy sắc phục của cảnh sát cơ động trên đảo, không phải để “trấn áp tội phạm” hay xử lý “nóng” các vụ đâm chém mà là để bảo vệ Tờ lệnh. Thế mới biết, giá trị và ý nghĩa của Tờ lệnh như thế nào.

Trước ngày đưa Tờ lệnh vào đất liền để hiến cho Nhà nước, dòng họ Đặng lại có một đêm mất ngủ. Các bà, các cô, các chị trong làng đã tề tựu về đây để cùng với con cháu họ Đặng “cúng cơm” xin ông bà cho phép được hiến báu vật ấy cho quốc gia. Trên mâm cỗ cúng ông bà hôm ấy, người ta lại thấy bày ra những món ăn quen thuộc dành cho lính Hoàng Sa thuở trước. Này là bánh nổ - một loại lương khô khá đặc thù của Quảng Ngãi, nọ là bánh thuẩn, kia là bánh ít lá gai… Đây là những loại bánh dùng làm lương khô, có thể để lâu ngày trên thuyền đi biển mà không sợ hỏng. Cách thức làm những thứ bánh đó được những người đàn bà trên đảo Lý Sơn gìn giữ hết đời này sang đời khác. Gìn giữ và “truyền đời” các loại bánh đó cho con cháu như lưu ký những kỷ niệm của tổ tiên và cũng là hâm nóng Hoàng Sa, là gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay để chúng biết rằng hiện vẫn còn một góc trời của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đang nằm trong tay kẻ khác.

Đáp lại sự hiến dâng đó của dòng họ Đặng, mới đây, đại diện Bộ Ngoại giao đã về tận Lý Sơn để trao cho tộc họ Đặng tấm bằng khen của Bộ. Thay mặt dòng tộc, ông Đặng Lên cảm ơn sự quan tâm đó đồng thời kiến nghị, nên làm cách nào đó để cho Tờ lệnh được “cựa quậy”, được phát huy tác dụng về giá trị của nó trong việc đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa chứ không nên biến nó thành một thứ “hàng mẫu” trưng bày trong viện bảo tàng.

Tờ lệnh là bằng chứng về chủ quyền tại Hoàng Sa là điều không bàn cãi nữa. Nhưng, với thế hệ hậu bối của dân Lý Sơn, họ có một “tờ lệnh” khác cho riêng mình mà không cần bất cứ một ấn chỉ nào. Đó là tấm lòng của con cháu đối với Hoàng Sa, để mỗi khi nổ máy rời bến tàu, các mũi thuyền lại hướng về quần đảo ấy, bất chấp những tai ương đang chờ đón họ.

50 năm lặn biển

Có người hỏi: Sao các triều vua lại chọn dân Lý Sơn làm lực lượng chủ lực để đi Hoàng Sa mà không phải ngư dân vùng biển nào khác? Đơn giản vì dân Lý Sơn rất có kinh nghiệm trong bơi lặn và “thuộc” Hoàng Sa hơn cả.
Năm 68 tuổi (2006), ông Bùi Thượng ở thôn Tây xã An Hải, đảo Lý Sơn quyết định “gác dầm chèo” dù vẫn còn thòm thèm đi biển, chấm dứt 50 năm ngang dọc Hoàng Sa, với chỉ mỗi một nghề lặn bắt hải sâm. Ông đích thị là một trong những hậu duệ xứng đáng nhất của các thế hệ tiền bối ở Lý Sơn từng ngang dọc Hoàng Sa một thời.
Gặp nhà vô địch
Năm nay, ông Bùi Thượng bước sang tuổi 74, “về hưu” đã 6 năm “do con cái nó ngăn cản quá, không cho ra Hoàng Sa nữa chứ sợ chi cái thằng ấy!”, ông nói bằng một giọng bực bội. Chúng tôi hiểu ông ám chỉ “cái thằng ấy” là “thằng” nào rồi! Chừng như thấy “lỡ lời” vì cáu bẳn vô lý với khách lạ, ông cười xòa, rất hiền lành nhưng cũng rất trải đời sóng nước: “Hoàng Sa là đất của ông bà mình, giờ nó cướp mất, lại còn bắt bớ đánh đập, tôi già rồi chứ còn trai tráng, tôi chả ngán đâu!”. Hỏi: “Chứ chú làm gì mà không ngán bọn hắn?”. “Tôi đi biển 50 năm, chủ yếu là vùng Hoàng Sa, nhiều khi gặp cá mập, tôi giương đọc (mác) lên, nhìn thẳng vào mặt nó bằng tất cả sự quyết liệt, nó trừng mình một chặp rồi chuồn. Bây giờ, đối với “thằng ấy” cũng vậy, cứ nhìn thẳng vào mặt nó và giương mũi lao ra, chưa hẳn chúng nó bỏ đi như lũ cá mập đâu nhưng ít ra chúng cũng không dám tấn công mình”.
Hễ nhắc đến câu chuyện ra Hoàng Sa rồi gặp cá mập và bây giờ là gặp “thằng ấy”, ông cụ 74 tuổi như người sắp lên đồng vậy. Chúng tôi bèn chuyển “đề tài” khác, hẹn ông khi kết thúc câu chuyện về nhà vô địch lặn toàn miền Nam cách nay gần 50 năm, sẽ trở lại chuyện lặn ở Hoàng Sa. Ông đồng ý rồi hỏi: “Kể lại cái đận (dạo) thi lặn năm 1963 chứ gì?”. “Dạ đúng, cuộc thi lặn toàn miền Nam được tổ chức ở Lý Sơn mà chú giật cúp ấy”. Ông bảo “được rồi”, rồi bước vào gian phòng trong, lấy ra chiếc cúp màu đồng đã xỉn, đặt trước mặt khách, bảo: “Nó đấy!”.

Ông Bùi Thượng bên chiếc cúp vô địch lặn toàn miền Nam năm 1963 - Ảnh: Trần Đăng

Ông Bùi Thượng chậm rãi kể: “Đầu năm 1963, có người thông báo cho tôi rằng sắp tới sẽ có cuộc thi lặn toàn quốc (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tại Lý Sơn để tuyển ra một đội lặn giỏi nhằm “phụng sự quốc gia”. Tôi chẳng quan tâm gì đến việc “phụng sự” ấy đâu mà chủ yếu là thử sức với đám trai tráng trên toàn miền Nam thời bấy giờ thôi. Không biết có phải vì xuất phát từ việc “lấy lòng người đẹp” đây không mà năm ấy tôi lặn một lèo đến 70 mét nước, trước sự ngạc nhiên của hàng trăm vận động viên cừ khôi khắp nơi về đây dự thi”. “Người đẹp” mà ông vừa nói chính là vợ ông bây giờ. Bà nghe ông “tán” thế, nguýt một cái rõ dài rồi lặng lẽ xuống bếp, tiếp thêm nước sôi cho chồng “hầu” khách.
Ông Bùi Thượng là người có máu hài hước. Thi thoảng ông cũng thêm chút “mắm muối” cho câu chuyện mặn mà nhưng việc ông vô địch lặn toàn miền Nam là không thêm chút “gia vị” nào. Ông chứng minh câu chuyện thật ấy bằng một chiếc cúp đang để trên bàn trước mặt khách. Rót thêm trà (có cả rượu vú nàng nữa, cứ một ly trà thì kèm một ly rượu) cho khách, ông nói: “Thực ra cũng để biết sức mình nó đến đâu thôi. Lặn thi khác xa với “lặn không thi”, tức lặn ngoài Hoàng Sa ấy”.
Ngang dọc Hoàng Sa
Theo cha đi biển năm 18 tuổi, 50 năm sau, ông Bùi Thượng trở thành người “thuộc” vùng biển Hoàng Sa nhất đảo Lý Sơn. Hình như mọi bất trắc tai ương của nghề lặn biển đều “chê” ông vậy. Tuổi xưa nay hiếm rồi mà tay chân ông vẫn còn khá rắn chắc và vạm vỡ, da dẻ đỏ au, giọng oang oang như thời trai trẻ. “Tôi còn khỏe mạnh và sống được đến giờ là nhờ tôi biết… sợ. Dĩ nhiên là “sợ” tai nạn chứ không phải sợ cá mập với sợ “thằng ấy” đâu”. Ông mở đầu câu chuyện 50 năm ngang dọc Hoàng Sa bằng một lời khuyên có tính cảnh báo như vậy.
Lý Sơn hiện có khoảng 500-600 thợ lặn chuyên nghiệp, chủ yếu là đi Hoàng Sa và Trường Sa để lặn bắt hải sâm, đồn đột và tìm phế liệu từ những con tàu đắm. Bằng các phương tiện lặn biển thô sơ, lại cậy sức trẻ, không ít trai tráng ở hòn đảo này tàn phế suốt đời do chủ quan nên bị sức ép của nước khiến họ bị tai biến. Riêng “nhà vô địch” Bùi Thượng thì không, hầu như ông chưa gặp một trắc trở nào trong quá trình lặn biển. Ngư trường chủ yếu của ông vẫn là Hoàng Sa. Vì theo ông, ở đó có nhiều hải sâm là một lẽ, lẽ nữa là từ sâu thẳm lòng mình, đó là nơi mà ông bà mình đã từng đổ xương máu ngoài ấy nên ông cảm thấy gần gũi. Thời ông còn trai trẻ, hầu như không một hòn đảo nào ở quần đảo Hoàng Sa mà ông không biết đến. “Cho đến khi tiếp cận với vùng biển Hoàng Sa và khai thác hải sâm ngoài ấy, tôi mới hiểu vì sao từ mấy trăm năm trước, bằng các phương tiện thô sơ và đầy nguy hiểm mà ông bà mình vẫn chinh phục Hoàng Sa. Vùng biển ấy là cả một “kho” về các loài hải sản, toàn những thứ quý hiếm”, ông nói.
Trở lại với chuyện “sợ” của ông Bùi Thượng. Ông nhớ lại: “Xuống dưới đáy đại dương ở độ sâu 70 mét nước, nhiều hôm như gặp một lâu đài dưới lòng biển. Những dải san hô đủ các màu sắc, lại nghe đủ thứ âm thanh, những tưởng mình đi lạc vào cung điện nào trong truyện cổ. Có hôm hải sâm nằm la liệt, chỉ việc nhặt bỏ vô bao chứ chả cần phải lùng tìm. Nhưng chính vì quá nhiều loài hải sản quý hiếm như vậy khiến không ít người gặp nạn vì ham”. Thời ông còn trẻ, ngay cả bây giờ cũng vậy, nhiều thợ lặn không có quần áo lặn và máy thở chuyên dụng, chỉ ngậm có mỗi cái ống hơi, nối với tàu bằng một sợi dây buộc ở lưng, khi nào cần lên mặt nước hoặc gặp trục trặc thì cứ việc giật mạnh dây. Người ngồi trên tàu, cứ thế kéo thật mạnh để người dưới đáy biển trồi lên cho nhanh. Chính vì muốn “cho nhanh” ấy nên nhiều người bị đột quỵ. Kinh nghiệm của ông Thượng cho biết, cứ lên vài chục mét thì cần “dừng lại” để nghỉ, cũng là để cơ thể làm quen với áp lực của nước chứ nếu lên đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp dẫn đến tai biến là vậy. Ở Lý Sơn, năm nào cũng có năm bảy thanh niên trai tráng, dù là những thợ lặn chuyên nghiệp nhưng vẫn bị tai biến dẫn đến tàn phế suốt đời.
Năm mươi năm ngang dọc vùng biển ấy, từng thuộc sao trời, từng quen con nước như thể quen cái cốc, thuộc cái chén ở nhà mình, giờ đã gác dầm chèo nhưng ông già 74 tuổi ấy vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhắc đến Hoàng Sa. “Nếu cho tôi trẻ lại, tôi vẫn cho mũi thuyền lao về hướng ấy”. Chợt thấy đôi mắt ông lão nhòe đi trong sương chiều khi nói xong câu đó.
Gần lại với đất liền
Từ nhiều năm qua, phía Trung Quốc đã tìm mọi cách, kể cả việc bắt bớ, đòi tiền chuộc để ngăn cản sự có mặt của ngư dân Lý Sơn tại vùng biển Hoàng Sa. Nhưng những ngư phủ dạn dày nắng gió của “chiến hạm nổi giữa biển Đông” ấy vẫn có cách để tiếp cận và “kéo” Hoàng Sa gần lại với mình.
Hấp lực của biển
Sau 50 ngày đêm bắt giữ, cuối cùng Trung Quốc cũng buộc phải thả 21 ngư dân Lý Sơn vào ngày 20.4.2012 vừa rồi. Thuyền trưởng tàu QNg 66074 TS Trần Hiền trở về trong niềm vui đẫm nước mắt. Mở nhật ký hải trình, Hiền ghi thêm một lần bị bắt. Ở nhà, vợ anh sinh thêm một đứa con. Đảo Lý Sơn lại có thêm một công dân nối gót ông bà thẳng tiến Hoàng Sa mỗi lần xuống tàu đi biển...
Hỏi vì sao mỗi lần ra Hoàng Sa là biết sẽ gặp hiểm nguy mà vẫn cứ ra ngoài đó để cho Trung Quốc bắt? Anh Hiền nói không đắn đo: “Vì đó là ngư trường quen thuộc của chúng tôi!”. Mai Phụng Lưu, con “kình ngư” của Lý Sơn, khẳng định thêm: “Đất của ông bà mình, mình ra đó đánh cá, sợ chi!”. Chúng tôi tin anh Lưu nói điều đó xuất phát từ sự chiêm nghiệm máu thịt về vùng biển ấy ngót 30 năm nay, chứ không phải là kết quả của sự bốc đồng.
Trần Hiền vừa là đàn em Mai Phụng Lưu về tuổi tác, vừa là đàn em trong dạn dày “trận mạc”. Hiền “mới” bị bắt có 2 lần, Lưu những 4 lần! Tuổi Bính Ngọ (1966), Mai Phụng Lưu tự nhận mình là “con ngựa biển”, từng tung vó ngang dọc Hoàng Sa, bất chấp hiểm nguy luôn rình rập, bởi anh chỉ nghĩ đơn giản một điều rằng, Hoàng Sa là đất của ông bà mình, là “nhà” của mình thì mình có quyền ở, có quyền đi lại, mọi sự “hù dọa” hay bắt bớ là điều vô lý, không thể chấp nhận được! Và anh đã phải trả giá cho điều xác quyết đó bằng 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, có bận trắng tay vì nợ nần chồng chất do bị tịch thu tàu.
Trong số gần 200 tàu cá của ngư dân Lý Sơn luôn có mặt tại vùng biển Hoàng Sa, thì tàu của Mai Phụng Lưu có số ngày đi biển Hoàng Sa lâu nhất. Trừ những ngày biển động, còn lại hầu như anh có mặt ngoài ấy, không chịu di chuyển sang bất cứ một ngư trường nào khác. Vì vậy, Mai Phụng Lưu thuộc Hoàng Sa như thuộc ngõ nhà mình, còn phía Trung Quốc thì  “thuộc” và xem anh như một tên tội phạm cần phải loại trừ. Họ thù Lưu đến mức, ngay tại đảo Phú Lâm, một tấm ảnh thật lớn của anh cùng Tiêu Viết Là (một ngư dân khác quê Bình Châu, Bình Sơn, cũng từng 4 lần bị Trung Quốc bắt giam) được dán ngay tại bến cảng, y như “tội phạm có lệnh truy nã” vậy. Hôm Mai Phụng Lưu bị bắt lần thứ 4 (9.2010), khi bước lên bến cảng của đảo Phú Lâm, anh chợt giật thột khi nhìn thấy ảnh mình cùng bạn chài Tiêu Viết Là được dán nơi “trang trọng” nhất với lời chú thích bằng tiếng Trung, dù không đọc được nhưng Lưu thừa biết nội dung của nó là gì rồi.
Chị Phạm Thị Lan, vợ Mai Phụng Lưu, người đàn bà đã nhiều lần “hóa đá” trước những hung tin về chồng mình sau mỗi lần bị Trung Quốc bắt giam và đòi tiền chuộc, lý giải về “cơn nghiện” Hoàng Sa của Lưu: “Tui bảo rồi mà có chịu nghe đâu. Lần nào ổng cũng bảo “anh đi Trường Sa chứ không ra Hoàng Sa nữa đâu mà mẹ mày lo”, nhưng ra khỏi bến cảng, thấy tàu chạy về hướng nam, tưởng ổng giữ lời hứa, ai ngờ hai ba hôm sau, mấy ông bạn chài gọi về bảo “tao thấy thằng Lưu đang ở Hoàng Sa, Lan à”, tui lên ruột với ổng luôn”. Phải nói rằng, hai tiếng Hoàng Sa như một ma lực đối với Mai Phụng Lưu, ngay cả bản thân Lưu cũng không lý giải một cách rạch ròi vì sao mình lại “mê tín” Hoàng Sa đến vậy, đến mức, hễ mỗi lần tàu rời bến cảng Lý Sơn là trực chỉ Hoàng Sa, như thể có một thế lực siêu nhiên nào đó đưa đường dẫn lối Lưu đi. Và chỉ có thể giải thích rằng, đó là kết quả của một tình yêu tự nguồn, luôn hằn sâu trong máu huyết chứ không cố mà có được. 
Nén nhang trên đảo Bạch Quy
Trong nhà Mai Phụng Lưu luôn có những hiện vật độc đáo do anh sưu tầm được tại vùng biển Hoàng Sa. Một là cây phong ba, hai là những bao cát màu vàng. Cây phong ba bây giờ như bộ rễ khô cứng, được Mai Phụng Lưu đánh vẹc ni láng bóng, đặt ngay phòng khách. Hỏi vì sao không “nuôi” cho cây phong ba ấy sống mà để chết vậy? Lưu tiếc rẻ: “Đâu có tự do đào thoải mái như ở Lý Sơn mà giữ bộ rễ nó mang về được. Để khỏi bị phát hiện, gần như tôi chặt luôn cả gốc, làm sao cho nhanh nhất, mang nó về như một kỷ niệm, như mang một góc của Hoàng Sa về đặt tại Lý Sơn này”.

Mai Phụng Lưu và cây phong ba do anh mang về từ Hoàng Sa - Ảnh: Trần Đăng

Mai Phụng Lưu kể rằng, cây phong ba ấy cùng với hai bao cát màu vàng là do anh mang về từ đảo Bạch Quy - hòn đảo mà bất cứ một tàu đánh cá nào của Lý Sơn đi Hoàng Sa cũng phải ngang qua đó. Ngang qua Bạch Quy thì có rất nhiều tàu cá của Lý Sơn nhưng dừng lại để “mang một góc Hoàng Sa về Lý Sơn” thì chỉ có một mình Mai Phụng Lưu nghĩ ra? Nghe chúng tôi nói vậy, Lưu đính chính: “Thực ra anh em khác cũng muốn ghé Bạch Quy để lấy một ít trứng rùa hoặc dăm bảy ký cát về làm kỷ niệm nhưng cho tàu vô sát đảo là rất khó khăn, nếu không có kinh nghiệm, tàu dễ bị mắc kẹt lắm. Tôi quen rồi nên ra vô đảo Bạch Quy dễ dàng hơn những anh em khác”. Để làm bằng chứng về chuyện lấy cát vàng và trứng rùa ở đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa là có thật, mùa hè năm 2011, người con trai của Lưu trở thành tay máy nghiệp dư duy nhất của VN ghi lại cảnh cha và anh mình đang lấy cát và thắp nhang tại đảo Bạch Quy này! Có lẽ đây là tấm ảnh mới nhất do người Việt chụp được từ Hoàng Sa. Nếu không có một tình yêu thành tín với tiền nhân về Hoàng Sa, sẽ rất khó khăn khi vừa mang lưới lại vừa mang cả máy ảnh - công việc hoàn toàn xa lạ với cha con Lưu, để ra khơi.

Mai Phụng Lưu và con trai lấy cát và thắp nhang  tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa  - Ảnh: Mai Phụng Lưu cung cấp

Đến nhà Mai Phụng Lưu bây giờ như gặp một Hoàng Sa thu nhỏ, ở đó không chỉ có những câu chuyện bất tận về vùng biển ấy sau 30 năm vật lộn với thiên tai và cả nhân tai được Lưu kể không sót một chi tiết nào, mà còn có thể sờ tận tay một phần xương thịt của Hoàng Sa thông qua những hiện vật ấy. Bây giờ, đó không chỉ đơn thuần là những hiện vật nữa. Đó là Tổ quốc! Nhìn những bao cát vàng và cây phong ba ấy, thấy Hoàng Sa như gần lại với ta hơn.
Tiếp bước cha anh
Từ mấy trăm năm trước, những hùng binh Hoàng Sa đã giong thuyền ra khơi bất chấp sóng to gió lớn. Hôm nay, cũng từ Lý Sơn, hậu duệ của họ vẫn không ngừng tiếp bước, dù thiên tai địch họa ngày đêm rình rập.
Mới 16 tuổi, Võ Văn Phước đã cùng cha anh ra khơi, hướng về Hoàng Sa lộng gió trong những chuyến đi biển dài ngày. Hơn 50 năm sau, ông mới chịu rời con thuyền, nhường lại biển khơi cho lớp trai trẻ.
“Mấy chục năm đi biển, tui đã ra Hoàng Sa nhiều lần”, lão ngư 73 tuổi mới “rửa tay gác kiếm” năm ngoái nói. “Dân Lý Sơn ra Hoàng Sa vì ở đó biển tốt, nhiều hải sản. Bây giờ nó chiếm rồi, nhà nước mình đòi hỏi miết mà nó không trả nên thuyền bè ra đó gặp nhiều khó khăn, bị bắt hoài. Nhưng dù thế nào thì tụi tui vẫn ra đó”.
Ở Lý Sơn, Võ Văn Phước chỉ là một ngư dân bình thường, không “nổi tiếng” như nhà vô địch lặn Bùi Thượng hay “sói biển” Mai Phụng Lưu, nhưng trong lòng ông và 5 người con trai cũng như những thành viên khác của tộc họ Võ Văn luôn mang niềm tự hào là hậu duệ của cai đội Võ Văn Khiết, một trong những người đã tuân “lệnh vua ban” ra thực thi chủ quyền Hoàng Sa từ thế kỷ 18. Tiếp nối Võ Văn Khiết, nhiều thế hệ của dòng họ Võ Văn với các tên tuổi như Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng… đã theo những đội hùng binh ra Hoàng Sa. Họ đã bỏ mình giữa đại dương mênh mông, như hàng trăm dân binh vô danh khác của Lý Sơn.
Sau mấy trăm năm, ngôi mộ chiêu hồn của người cai đội Võ Văn Khiết vẫn còn ở làng An Vĩnh, như một bằng chứng vững chắc về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngôi mộ cũng gợi nhắc con cháu ý thức chủ quyền đối với quần đảo mà cha ông mình đã khai phá, đã bảo vệ vững chắc trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy nan.
Chúng tôi hỏi lão ngư Võ Văn Phước, tại sao “nhân tai” rình rập vậy mà dân Lý Sơn trong đó có những người con trai của ông vẫn hướng mũi thuyền ra Hoàng Sa, ông đáp: “Biển đảo của ông bà mình để lại thì mình phải ra đó khai thác và giữ gìn. Làm sao mà bỏ được!”. Làm sao mà bỏ được, cái lý lẽ giản dị mà xác quyết ấy, vững chắc như những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Sự cương quyết ấy, chúng tôi cũng đã gặp khi đón 21 ngư phủ trở mới đây trở về sau những ngày bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa. “Dù hiểm nguy, tai ương trên biển xa luôn rình rập nhưng đã là ngư dân thì phải bám biển đến cùng để nuôi sống gia đình. Vùng biển Hoàng Sa là mảnh đất mà ông bà, tổ tiên để lại thì cớ gì mình lại sợ mà không ra đó đánh bắt”, thuyền trưởng Trần Hiền đã nói như thế khi vừa trở về sau những tháng ngày bị bắt. Trần Hiền là một trong rất nhiều ngư dân đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Nhưng cũng như Mai Phụng Lưu, anh đã quyết trở lại biển cả, trở lại với vùng biển đảo mà cha ông đã khai phá và giữ gìn.
Vươn ra biển lớn là một ước nguyện ngàn đời của dân tộc Việt. Ước nguyện này được các chúa Nguyễn hiện thực hóa mãnh liệt bằng các đội dân binh Hoàng Sa và tiếp đó là các đội thủy quân dưới các triều vua Nguyễn. Trong suốt công cuộc mở cõi và thực thi chủ quyền ấy, những đội dân binh và thủy quân Hoàng Sa luôn gắn liền với tên tuổi những người con Lý Sơn. Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh… là những người anh hùng Quảng Ngãi, Lý Sơn đã trở nên bất tử cùng với công cuộc giữ gìn chủ quyền Hoàng Sa của nước Việt dưới thời Nguyễn.
Do đâu người Quảng Ngãi, Lý Sơn được chọn cho sứ mệnh thiêng liêng này? Là một nhà nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa và Lý Sơn, tiến sĩ Nguyễn Nhã lý giải: “Vùng đất An Vĩnh, An Hải ở hai bên cửa biển Sa Kỳ và sau này là làng An Vĩnh, An Hải ở trên đảo Lý Sơn là những phần lãnh thổ nhô ra biển xa nhất, gần với Hoàng Sa nhất. Nơi đây, các đội thuyền dễ dàng tiếp cận Hoàng Sa nhờ cự ly gần và những điều kiện thuận lợi về thủy văn. Ngư dân Quảng Ngãi, Lý Sơn từ xưa cũng đã có truyền thống đánh bắt xa bờ. Họ là những con người giàu kinh nghiệm và đầy bản lĩnh, rất phù hợp với những chuyến đi dài ngày tới Hoàng Sa”.
Cơn rùng mình của lòng đất từ hàng triệu triệu năm trước đã tạo nên Lý Sơn như một chiến hạm nổi giữa biển khơi. Từ cuộc kiến tạo của trời đất, lớp lớp dân cư Lý Sơn đã gánh lên vai một sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàn cảnh ấy đã hun đúc cho người dân Lý Sơn, từ thế hệ này qua thế hệ khác, một bản lĩnh biển trời, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức đến từ đại dương, ngày trước là từ những cơn phong ba, và bây giờ là từ những chiếc tàu “lạ”. Sau mỗi cơn hoạn nạn, họ lại đứng lên và hướng mũi thuyền ra biển cả, bình thản như chưa hề gặp tai ương.
Hòn đảo Lý Sơn như một chiến hạm không bao giờ chìm, án ngữ nơi con rồng Việt Nam ưỡn ngực ra biển cả. Tinh thần của những người dân ở đây cũng là một chiến hạm không bao giờ chìm, như lời ngư ông Võ Văn Phước nói: “Ông cha mình với thuyền thô sơ mà vẫn giong buồm nương theo gió để ra khơi, bảo vệ được chủ quyền suốt mấy trăm năm. Vậy nên nếu mình chùn chân là có tội với tiền nhân”.
Giản dị là thế, nhưng đúc kết này đến từ một niềm tin không gì lay chuyển nổi.
Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ

N.L. (theo Thanhnien)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.