Chuyện truyền đời ở Hoàng Sa
Wednesday, May 28, 2014 6:29 AM GMT+7
“Tổ tiên tôi, cha tôi, rồi đến tôi vẫn tiếp tục giong thuyền ra hướng biển ấy. Cuồng phong có dữ, lòng người có hung hiểm, nhưng chúng tôi vẫn chưa ngày nào ngừng theo bước tiến của cha ông mình.
Ông Phạm Thoại Tuyền bên nấm mộ tiền nhân Phạm Hữu Nhật từng đi khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt

 

Các hậu duệ của hải đội Hoàng Sa xưa vẫn tiếp nối ra khơi - Ảnh: Quốc Việt

Và mỗi lần xuất biển, chúng tôi đều thắp nén nhang lên bàn thờ gia tộc để cầu xin niềm tin sức mạnh của những người đi trước”...

Lần nào có dịp đi dọc bờ biển miền Trung hay lang thang trên đảo Lý Sơn, tôi đều được nghe nhiều nhiệt huyết như vậy. Với ngư dân, đi biển nghĩa là quay thẳng mũi tàu ra khơi Hoàng Sa. Họ chính là những chứng nhân người Việt truyền đời ở vùng biển này của Tổ quốc.

Chưa bao giờ chùn bước

Những ngày này, thời sự mà các ngư dân ở đảo Lý Sơn và duyên hải Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... nặng lòng nhất chính là chuyện biển Đông đang dậy sóng căng thẳng. Một số bạn bè ngư dân của họ bị hành hung, tàu thuyền bị hủy hoại. Tuy nhiên, như chính bao đời cha ông mình, họ vẫn chưa ngày nào chấp nhận chùn bước.

Ông Phạm Thoại Tuyền, một chứng nhân như pho sử sống ở đảo Lý Sơn, kể rằng trên bàn thờ gia tộc mình có rất nhiều linh vị thờ các bậc tiền hiền đã bỏ mình ở Hoàng Sa. Thời gian có làm gỗ, giấy, bút mực phai mờ, nhưng mỗi một tên tuổi đang được hương khói trên bàn thờ đều đọng lại biết bao câu chuyện đi biển can trường trong lòng thế hệ hậu sinh.

“Đa số trai tráng trong 600 người của họ tộc Phạm chúng tôi vẫn đang đi biển. Hầu như chưa bao giờ những người con Lý Sơn này lại không có mặt ở vùng biển xa ấy. Người đi trước vừa trở về sau một chuyến biển dài, anh em sau lại hướng mũi tàu ra. Đó chính là những người có thể kể vanh vách từng luồng hải lưu, bãi rạn, đảo chìm, đảo nổi, vùng biển sâu nhất Hoàng Sa” - ông Tuyền tâm sự và nói thêm rằng chính họ là chứng nhân cho tên gọi Bãi Cát Vàng chìm nổi theo thủy triều mà những nhà hàng hải nước ngoài xưa hay nhắc đến để kể về Hoàng Sa.

Những cái tên đảo chính danh như Quang Ảnh, Hữu Nhật... còn được nhiều đời ngư dân Lý Sơn quen miệng đặt thêm những cái tên bình dị, gần gũi như đảo Ông Già, đảo Chim vì đó là nơi chim chóc quần tụ nhiều. Ngư dân có thể neo tàu lên đảo, lượm lặt trứng chim để đổi vị cá mú trong những chuyến đi biển dài ngày.

Ở đó còn có rất nhiều cây nhào, một loài cây mọc dại, có vị thuốc chữa chứng mệt mỏi, nhức xương, đau cơ rất phù hợp với công việc vất vả, nguy hiểm của ngư dân. Lá nhào cũng có thể xào nấu ăn được cho qua cơn thèm rau xanh ở giữa đại dương, trong khi trái già chín vàng được hái đem về ngâm rượu thuốc.

Trên một số hòn đảo lớn như Hoàng Sa, Hữu Nhật, các ngư dân lớn tuổi từng đạp sóng gió trong các thập niên 1950-1970 vẫn nhớ những cái giếng đào không biết từ bao giờ mà họ tìm thấy. Nước giếng ấy tuy không trong, ngọt như ở đất liền nhưng vẫn có thể tắm rửa, nấu nướng, uống tạm được trong hoàn cảnh tàu đi biển lâu ngày cạn dần nước ngọt đem theo.

Sử sách kể rằng từ thế kỷ 18, 19, các bậc tiền hiền ở đảo Lý Sơn (khi ấy còn gọi là Cù Lao Ré) và vùng duyên hải Quảng Ngãi đã vâng lệnh triều đình giong thuyền ra thám sát Hoàng Sa, đo đạc, vẽ bản đồ, cắm bia tiếp tục xác lập chủ quyền, lượm lặt sản vật, cứu giúp người bị nạn.

Rồi đến các thập niên 1940-1970, các quân nhân, công chức của nhà nước thuộc địa Pháp và sau là chính quyền Sài Gòn cũng có mặt canh giữ vùng đảo và vùng biển này. Phải chăng chính các thế hệ đi trước ấy đã đào giếng để sử dụng, mà cũng để cứu giúp được người ra sau vượt qua cơn hoạn nạn thiếu nước ngọt vốn là một trong những mối nguy lo canh cánh của người đi biển?

Nhiều lần ra Lý Sơn, tôi hết ghé nhà ông Phạm Thoại Tuyền lại gõ cửa nhà các ông Võ Hiển Đạt, Võ Văn Phước, Võ Văn Út ở thôn Tây, xã An Vĩnh. Ông Đạt là bậc cao niên, biết chữ Nho, thâm trầm chuyện xưa nay ở đảo. Ông Võ Văn Phước, 74 tuổi, là trưởng tộc họ Võ. Còn ông Út là thế hệ sau nhưng luôn đau đáu gìn giữ, bảo vệ di sản đi biển của tiền nhân.

Họ Võ hiện nay có khoảng 300 người là hậu sinh của các bậc tiền hiền từ đất liền ra khai phá Lý Sơn từ khoảng thế kỷ 17. Một trong những nơi được con cháu thờ cúng trang nghiêm nhất chính là mộ cụ Võ Văn Khiết, một nhân vật đã được sử sách lưu danh là cai đội từng chỉ huy các hải đội ra làm nhiệm vụ khẳng định chủ quyền nước Việt ở quần đảo và vùng biển Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 19.

Trong chuyến vượt biển cuối cùng, ông và binh phu của mình đã không thể trở về. Người ở nhà đã phải làm nấm mộ chiêu hồn để đời sau khắc ghi công lao của tiền nhân.

“Cha ông chúng tôi ngày xưa đi biển chỉ với lòng quả cảm vì làm gì có được tàu thuyền to. Đến thế kỷ 20, chúng tôi vẫn tiếp tục là chứng nhân cho chủ quyền nước Việt ở vùng biển và quần đảo Hoàng Sa cũng bằng chính những chiếc thuyền tre, gỗ căng buồm, chèo tay” - ông Võ Văn Phước tâm sự.

Ông không biết mình là đời thứ mấy của tộc họ Võ đã ra biển Hoàng Sa, nhưng còn nhớ đã theo cha anh đi biển từ hồi còn rất nhỏ. Quê đảo xưa của ông chỉ có hai nghề chính là làm nông nghiệp và đi biển. Chuyện trồng hành tỏi đã có người già, phụ nữ ở nhà. Trai tráng phần lớn đều phơi mình trước sóng gió biển cả.

Ông Phước kể ngay mới những năm trước 1975, ông còn đi biển Hoàng Sa bằng chiếc ghe buồm cộng với sức chèo tay. Chiếc ghe chỉ dài hơn 10m, làm bằng cả gỗ quý chịu được sóng gió lẫn tre nứa cho nhẹ nương theo cơn gió biển. 7-8 trai tráng trên ghe lúc căng được buồm thì lo đánh bắt hải sản, lúc trời yên bể lặng phải tập trung chèo lái. Chậm lắm cũng chỉ mất khoảng ba ngày đêm là họ từ Lý Sơn đã có mặt ở Hoàng Sa.

Gặp cơn gió thuận, họ còn đi nhanh hơn nữa.

 

Loại ghe của các hải đội Hoàng Sa ngày xưa vẫn được con cháu nhiều đời sau sử dụng đi Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt

 

Những con tàu ở Cổ Lũy, Quảng Ngãi tiếp tục được đóng mới để ra Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt

Truyền đời kinh nghiệm và lòng can trường

Thời kỳ tàu máy còn rất hiếm hoi ấy, có mấy người Trung Quốc đến nổi vùng biển này của Việt Nam mà để bây giờ tranh giành chủ quyền? Ngư dân nước Việt thi thoảng còn ra tay cứu giúp ngư dân Trung Quốc bị bão tố đánh dạt ghe thuyền xuống đây.

Tâm sự với tôi về thời sự căng thẳng ở biển Đông hiện nay, các ngư dân truyền đời này nói rằng Trung Quốc cứ quơ quào nhận đại quần đảo Hoàng Sa là của mình, nhưng chắc chắn họ không thể nào thông thạo vùng biển này bằng chính các ngư dân nước Việt. Trong cuộc đời giong thuyền ra biển của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên... có ai không từng nhiều lần treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa.

Mỗi năm rong ruổi mưu sinh ngoài đó suốt 6-9 tháng, họ thuộc như lòng bàn tay từng bãi rạn, đá ngầm, từng luồng hải lưu mạnh yếu ở vùng biển thân yêu rất giàu hải sản mà cũng lắm bất trắc, hiểm nguy này.

Các bậc cha chú trong tộc họ của ông Võ Văn Phước đều chỉ đành giã từ vùng biển ruột thịt này khi mái đầu đã bạc trắng. Và cuộc đời treo mình trên đầu sóng ngọn gió của họ đã để lại biết bao câu chuyện như huyền thoại cho thế hệ sau. Ông Võ Văn Hổ chính là cha ông Võ Văn Út, từng đi thuyền buồm ngang qua Hoàng Sa rồi quẹo lên đến tận đảo Hải Nam, Trung Quốc để đánh bắt và giao thương.

Một mùa đi biển kéo dài suốt từ tháng 11 năm trước sang đến tận tháng 6 năm sau. Chỉ với con thuyền dài 12m, rộng chưa đến 3m, lướt sóng bằng ngọn buồm kết hợp mái chèo mà ông và đồng nghiệp đã giong xa được như thế.

Còn ông Võ Bờ là chú ông Phước tuy đã mất nhưng vẫn để lại biết bao kỷ niệm khi chuyến nào ông cũng lặn tìm những con ốc đẹp, nhặt nhạnh trứng chim, trứng rùa biển tràn ngập ở quần đảo Hoàng Sa về cho con cháu, trong đó có những loại trứng rất kỳ lạ mà họ cố luộc thế nào vẫn không thể chín đông đặc lại được...

Nhiều ngư dân xúc động tâm sự với tôi nếu có một cuộc phát động kể chuyện biển đảo Hoàng Sa thì những ký ức của cha ông họ và những việc họ đang làm hiện nay sẽ đủ để in tập sách dày hàng ngàn trang. Ngay vùng biển mà Trung Quốc đang ngang ngược đặt giàn khoan bây giờ từng chính là hải trình và cũng là bãi đánh bắt hết sức thân thuộc của ngư dân miền Trung. Những năm gần đây, họ chỉ mất một ngày là đã có mặt ở bãi ngư trường đó với phương tiện tàu to, máy lớn.

“Đây là ngư trường có nhiều loài cá quý như cá thu bè, cá mú, cá hường, mực lớn, ốc ngon... vì nằm gần các bãi rạn, đảo nổi mà lại có đáy biển rất sâu, nước rất lạnh” - ông Võ Văn Thạnh, một ngư dân 47 tuổi, tâm sự khi tình cờ gặp tôi trong chuyến hành hương đến mộ cụ Võ Văn Khiết là tiền nhân của mình.

Ông Thạnh kể ngay cuối những năm 1980, khi biển Đông dậy sóng với việc Trung Quốc xâm lấn chủ quyền biển Việt Nam, ông đã được cha dẫn ra Hoàng Sa. Cha chỉ cho ông những dòng hải lưu, những rạn đá ngầm nguy hiểm để biết mà tránh, và cả những bãi đảo êm đềm để vào tránh bão dông. Trung Quốc ngăn cản cứ ngăn cản, họ đi thì cứ đi.

Và bây giờ ông tiếp tục truyền đời kinh nghiệm lẫn lòng can trường cho lớp con cháu tiếp bước ra vùng biển thân thương mà cũng lắm hiểm nguy này.

QUỐC VIỆT

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.