Trung Quốc dạy gì trong sách giáo khoa? (Kỳ cuối): Những bằng chứng không thể chối cãi
Wednesday, June 11, 2014 6:47 AM GMT+7
Đâu là sự thật về những tuyên bố vô lý trong sách giáo khoa (SGK) của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền biển Đông”? Các nhà nghiên cứu đã công bố nhiều bằng chứng xác đáng về những tuyên bố “không dưng mà có” này.

 Ông Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu với báo chí bản đồ trong sách Khải Đồng thuyết ước thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: V.V.Thành

Tại cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 06/2014 giới thiệu một số tư liệu Hán - Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) cho biết ông vừa sưu tầm được một cuốn SGK của Trung Quốc thể hiện rõ biên giới của nước này.

Chỉ đến đảo Hải Nam

Cụ thể, đây là cuốn SGK bậc tiểu học của Trung Hoa dân quốc (in năm 1912), trong mục địa đồ của cuốn sách này, biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, nghĩa là không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Sách do Bộ Giáo dục của Trung Hoa dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận chính thức của Trung Quốc rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của họ” - ông Mạnh nói.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ ngày 08/06, ông Trịnh Khắc Mạnh khẳng định cuốn SGK bậc tiểu học của Trung Hoa dân quốc mà ông sưu tầm được là bản chính, và cuốn sách này đã thể hiện việc biên giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam bằng cả chữ viết và bản đồ.

Đây là SGK nên cách thể hiện rất mạch lạc, bất cứ ai đọc và nhìn vào cũng hiểu ngay là người Trung Quốc từng nhận thức về biên giới của họ đến đâu. Hiện đang đi công tác ở miền Trung, vì vậy ông Mạnh dự kiến trong tuần tới khi về lại Hà Nội sẽ công bố rộng rãi bản chính cuốn sách này.

Ngoài cuốn SGK nêu trên, ông Trịnh Khắc Mạnh cũng xác nhận đã nghe thông tin về một cuốn SGK địa lý của Trung Quốc là “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư”, xuất bản năm 1906, viết “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”.

Theo ông Mạnh, trong khi SGK của Trung Quốc thể hiện bản đồ nước này chỉ đến đảo Hải Nam, thì nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây đã luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông cho các thế hệ người Việt Nam.

Trong các tài liệu Hán - Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu (trẻ em) đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. 

Ông Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Đưa nội dung biển đảo vào sách giáo khoa nhiều môn học

Tôi ủng hộ việc đưa những nội dung cơ bản về biển, đảo Việt Nam vào SGK lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay nên đưa những bài học về chủ quyền biển đảo, về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào trong giờ học lịch sử. Đó có thể là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn. Nhưng không riêng gì môn sử, mà môn văn, môn địa lý và các môn khoa học tự nhiên cũng có thể đưa nội dung biển, đảo vào bài giảng, vào SGK.

Đơn cử, sách Khải Đồng thuyết ước do Phạm Phục Trai soạn, khắc in lần đầu năm Tân Tỵ (1881). Đây là SGK viết theo thể bốn chữ, dạy trẻ em các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời), thiên nhiên (thiên văn, địa lý), cách tu dưỡng bản thân... có hình vẽ Mặt trời, Mặt trăng, thân thể con người... Và đặc biệt là có vẽ Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

“Căn cứ vào các tư liệu Hán - Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý” - ông Mạnh nói.

SGK trước năm 1948 chưa có “đường lưỡi bò”

GS.TSKH Vũ Minh Giang (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết theo nghiên cứu của ông thì đến trước năm 1947-1948, tất cả SGK của Trung Quốc đều thể hiện rằng điểm cực nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có “đường lưỡi bò” phi lý như SGK của họ thời gian gần đây.

Trước đó, sau cách mạng Tân Hợi (1911), chính quyền Trung Hoa dân quốc đã cho viết lại SGK của Trung Quốc và vẫn khẳng định bằng văn bản (chữ viết) rằng điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa chỉ đến đảo Hải Nam.

“Cuốn SGK của Trung Quốc xuất bản năm 1912 mà nhà nghiên cứu Trịnh Khắc Mạnh vừa sưu tầm được là một trong những tài liệu chứng minh cho đến thời điểm đó Trung Quốc vẫn chưa đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào trong các sách vở giảng dạy cho học sinh của họ như gần đây. Họ đã tự thêm đường lưỡi bò vào SGK bất chấp sự thật. Đây là việc làm hoàn toàn không có bất cứ căn cứ khoa học và pháp lý nào” - GS Vũ Minh Giang nói.

Theo GS Giang, các SGK của Trung Quốc thời kỳ trước chỉ vẽ biên giới nước này đến đảo Hải Nam là phù hợp với các tài liệu lịch sử khác của phía Trung Quốc. Tất cả các bản đồ trước năm 1947-1948 của Trung Quốc không có bộ bản đồ nào, kể cả của nước ngoài vẽ lẫn của Trung Quốc tự vẽ lại có Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà họ gọi là Nam Sa) xuất hiện với tư cách là địa dư của Trung Quốc cả, mà đều khẳng định đến Hải Nam là hết.

Đơn cử như vừa qua các nhà nghiên cứu đã đề cập một sự kiện là hoàng đế Khang Hi (nhà Thanh) đã sử dụng giáo sĩ dòng Tên phương Tây đi khắp nơi đo đạc địa hình và vẽ bản đồ chính thức cương vực triều Thanh, công việc này tốn mất gần 10 năm và kết quả là việc đã xuất bản bản đồ cương vực Trung Quốc có tên là “Hoàng dư toàn lãm đồ” vào năm 1717. Theo bản đồ này, cương vực phía đông nam Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam.

V.V.THÀNH - V.V.TUÂN 

Việc làm đáng trân trọng

Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm khắp thế giới những bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây vẽ khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc... cũng như nỗ lực chứng minh từ trước năm 1912, SGK của Trung Quốc chỉ miêu tả cương vực của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam. Đây là việc làm đáng trân trọng, giúp người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu được cội nguồn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa muộn nhất là từ thế kỷ 17.

Nhưng theo thông lệ của công pháp quốc tế, trong các vụ xử tranh chấp chủ quyền, bản đồ, SGK thường đã không được nhìn nhận như là một vật chứng pháp lý duy nhất để phán xét, mà chỉ được xem như là một loại tài liệu để củng cố thêm cho các văn bản có hiệu lực của nhà nước, hoặc các hiệp ước đã được ký kết.

Nhà nghiên cứu ĐINH KIM PHÚC

 Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.