Tiếp quản và làm chủ biển đảo Tổ quốc trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975
Wednesday, April 26, 2017 6:29 AM GMT+7
(GDVN) - Trong kế hoạch tác chiến chiến lược và chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra nhiệm vụ tiếp quản các đảo trên Biển Đông từ rất sớm.

LTS: Nhân kỷ niệm lần thứ 42 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2017), Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về diễn biến cuộc tiếp quản, làm chủ biển đảo trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đồng thời với việc giải phóng các tỉnh trong đất liền, trong kế hoạch tác chiến chiến lược và chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra nhiệm vụ tiếp quản các đảo trên Biển Đông từ rất sớm.

Chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5 đến 26/3/1975) và Chiến dịch Đà Nẵng (từ 28 đến 29/3/1975) diễn ra trên một địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh ven biển miền Trung: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Để làm tốt nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến chiến dịch và thực hiện quyền làm chủ biển, đảo sau khi chiến dịch kết thúc, trước đó (tháng 2/1975), Quân chủng Hải quân đã bố trí lực lượng tàu thuyền chiến đấu tăng cường hoạt động tuần tiễu ở bắc vĩ tuyến 17, sẵn sàng đối phó với những hoạt động của hải quân địch và bảo vệ tuyến vận tải biển Cửa Việt - Đông Hà.

Đặc công Hải quân hoạt động sâu phía trong Huế, đánh sập cầu An Lỗ và đánh chìm hải thuyền địch.

Trong thời gian chiến dịch đang phát triển mạnh, Bộ tư lệnh Hải quân kịp thời tăng cường lực lượng tàu vận tốc nhanh và bộ đội đặc công tinh nhuệ từ sông Gianh vào Cửa Việt để đẩy mạnh khả năng hoạt động phối hợp trên chiến trường sông biển Trị - Thiên.

Bị đánh bại trên mặt trận Huế, quân địch tan vỡ, bỏ chạy ra bờ biển tìm đường vào Đà Nẵng.

Một biên đội thuyền máy của Hải quân ta được lệnh vượt qua lưới lửa của địch, thả thủy lôi tại cửa biển Thuận An, bịt cửa biển này không cho tàu địch ra vào cảng.

Sự xuất hiện kịp thời của lực lượng Hải quân ta tại đây cùng với các lực lượng chiến đấu trên bộ đã chặn đứng đường rút chạy của địch.

Ngày 25/3, mấy vạn tên địch gồm đủ các sắc lính đang co cụm bên bờ biển Hội An đã bị quân và dân ta tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh.

Nhiệm vụ tiếp quản các đảo trên Biển Đông đã được chỉ đạo từ rất sớm. (Ảnh đăng trên yenthe.bacgiang.gov.vn)

Ngày 26/3/1975, trong lúc cánh quân trên bộ của ta đang hành quân thần tốc, áp sát Đà Nẵng, hải quân ta đã dùng biên đội thuyền máy chở một phân đội đặc công táo bạo vượt qua làn đạn bắn chặn của địch, chọc thẳng vào bán đảo Sơn Trà phối hợp tiến công từ hướng biển.

Ngày 27 và 28/3, trước sức tiến công mãnh liệt của pháo binh và hải quân ta, lực lượng tàu thuyền chiến đấu của địch đã phải dần xa bờ, hủy bỏ việc chuyển quân rút chạy và di tản dân như kế hoạch chúng đã định.

Tối 29/3, phân đội đặc công Hải quân đã đến cầu Thủy Tú, phối hợp kịp thời với các lực lượng trên bộ giải phóng Đà Nẵng, tiếp quản bán đảo Sơn Trà và chiếm căn cứ đầu não của vùng 1 duyên hải của hải quân địch.

Cũng trong ngày, lực lượng đặc công đã phối hợp với các lực lượng chiến đấu khác truy lùng quân địch, quản lý căn cứ Đà Nẵng và tham gia giữ gìn trật tự, an ninh vùng giải phóng.

Ngày 2/4/1975, biên đội tuần tiễu và phá lôi đầu tiên của Hải quân ta đến quân cảng Đà Nẵng làm nhiệm vụ cảnh giới, rà phá thủy lôi, mở đường cho các phương tiện tàu thuyền quân sự, quốc doanh chở bộ đội, vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường.

 

Tiếp đó, các ra-đa cơ động của hải quân ta được điều từ miền Bắc vào để quản lý vùng biển, đảo mới được tiếp quản và chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo.       

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân "nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng".

(Mật điện số 990B/TK lúc 17 giờ 30 phút ngày 4/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5).

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với du kích và nhân dân tiến công và nổi dậy ngày 30/4 tiếp quản Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré.

Từ ngày 14/4 nhân dân đảo Cù Lao Xanh nổi dậy tiếp quản đảo.

Ngày 10/4, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và một tiểu đoàn của Trung đoàn 19, sư đoàn 968 tiếp quản đảo Hòn Tre. Và đến ngày 27/4, ta tiếp quản Cù Lao Thu (Khánh Hòa) và toàn bộ các đảo ven biển Trung Bộ.             

Trước tình hình cuộc tiến công của ta phát triển thuận lợi, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng miền Trung, ngày 9/4/1975, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Quân khu 5 và Hải quân dùng lực lượng thích hợp chớp thời cơ tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Nếu để chậm, quân đội các nước khác chiếm, tình hình trở nên rất phức tạp không chỉ trên mặt trận quân sự, mà cả mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao.

Vì vậy, tiến công địch trên Biển Đông cũng phải thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Bộ Tổng tư lệnh dự kiến cuộc chiến đấu trên biển có thể sẽ gay go, ác liệt, vì ở đó có hạm đội 7 Mỹ và tàu chiến các nước đang hoạt động.

Trong chiến đấu, yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ta phải hết sức bình tĩnh xử trí tốt các tình huống, phải dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, đánh đúng đối tượng... Nếu quân nước ngoài chiếm thì kiên quyết đánh chiếm lại.          

Sự chỉ đạo đánh chiếm lại đảo ở Biển Đông của Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh kịp thời, cụ thể, phù hợp với chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, đã tạo thuận lợi cho bộ đội đánh chiếm đảo không gặp trở ngại gì lớn.

Hải quân của ta chuẩn bị đánh chiếm các đảo rất kỹ. Các tàu vận tải quân sự 673, 674, 675 thuộc trung đoàn đặc công hải quân 126 do trung đoàn trưởng Mai Năng chỉ huy được ngụy trang giả tàu đánh cá, bí mật xuất phát và tiếp cận các đảo (đồng chí Mai Năng sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

 

Tàu 673 do Nguyễn Ngọc Quế đội trưởng đội 1 chỉ huy dùng xuồng và phao cao su bí mật đổ bộ lên đảo.

Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14/4, ta nổ súng tiến công địch. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt và bắt 39 tên thuộc tiểu đoàn bảo an 371 quân đội Sài Gòn, tiếp quản đảo Song Tử Tây.

Chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trên đảo, xác định chủ quyền của Tổ quốc vào lúc 5 giờ ngày 14/4/1975.

Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch liền điều thêm lực lượng trong đất liền ra tăng cường phòng ngự cho các đảo còn lại và tìm cách chiếm lại đảo Song Tử Tây.

Chúng điều các tàu HQ16, HQ402 ra phản kích, nhưng thế trận tan rã, địch quay về đảo Nam Yết, trung tâm quần đảo Trường Sa để phòng thủ.

Lúc này trên vùng biển Trường Sa có nhiều tàu và máy bay lạ xuất hiện. Quân ta tiếp tục củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu.

Đúng 4 giờ sáng ngày 21/4, lực lượng tấn công đợt 2 bắt đầu rời cảng Đà Nẵng hành quân lên đường, chiều ngày 24 tháng 4 bộ đội đến vị trí tập kết.

Đêm 24/4, tàu 673 định đổ quân chiếm đảo Nam Yết, nhưng gặp tàu khu trục địch, yếu tố bí mật không còn nữa, tàu ta quay về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.

Tàu 641 tiến về đảo Sơn Ca, lúc 21 giờ 30 phút thì cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lần thứ nhất đổ bộ không thành công do nước chảy xiết.

Chờ đến lúc 23 giờ 30 phút nước đứng, lần đổ bộ thứ hai bắt đầu, sau 30 phút bộ đội đã đặt chân lên đảo. Địch trên đảo có 4 lô cốt, hai dãy nhà tôn, các chòi canh, có hàng rào thép gai bao quanh.

Sáng ngày 25/4, trận đánh bắt đầu. Địch trên đảo ngoan cố chiến đấu cầm cự, nhưng sau 2 giờ thì bị bộ đội ta tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Sơn Ca.

 

 

Các tàu tuần dương, khu trục của địch lượn quanh các đảo nhưng không làm gì được bèn quay lại đảo Nam Yết.

10 giờ 30 phút ngày 27/4, ta tiếp quản đảo Nam Yết. Ngày 28/4 ta làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn. Cũng trong ngày 28/4 ta tiếp quản đảo Trường Sa và An Bang. 

Hồi 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội cuối cùng của Trung đoàn 126 đặc công hải quân đổ bộ lên hòn đảo cuối cùng của quần đảo Trường Sa.

Toàn bộ quân địch trên các đảo bị bắt làm tù binh. Bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân ủy Trung ương khen ngợi "Hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Từ ngày 27/4/1975, trong lúc các cánh quân ta tiến vào giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu... Hải quân ta đã điều lực lượng tàu chiến đấu vào làm chủ Cam Ranh.

Ngày 29/4, phối hợp với các cánh quân xiết chặt vòng vây quanh nội đô Sài Gòn, các tàu chiến của Hải quân ta cấp tốc hành quân vào vùng biển Vũng Tàu.

Ngày 30/4, khi quân và dân ta tiến hành tổng công kích và nổi dậy ở nội đô Sài Gòn, thì bộ đội Hải quân được triển khai trên biển ngăn chặn, truy bắt bọn tàn quân địch chạy trốn.

Cũng trong ngày 30/4, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện cho Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn chú trọng việc tiếp quản và đưa anh em tù chính trị của ta ở Côn Đảo và Phú Quốc trở về.          

Ngày 1/5, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Hải quân tiến ra tiếp quản Côn Đảo.

Khi các lực lượng của ta còn đang hành quân trên biển thì ở Côn Đảo, các chiến sĩ cách mạng của ta đã nổi dậy tiêu diệt địch, tiếp quản đảo.

Hải quân ta và các lực lượng chiến đấu khác đã kịp thời chuyển sang làm nhiệm vụ truy bắt bọn tàn quân địch chạy trốn và phối hợp với các chiến sĩ cách mạng xây dựng chính quyền trên đảo.

Ở Phú Quốc, khi nghe tin chính quyền Sài Gòn đầu hàng cách mạng, nhân dân trong huyện đảo đã kéo về thị trấn phối hợp với lực lượng vũ trang tiếp quản thị trấn và hoàn toàn làm chủ huyện đảo trong ngày 30/4/1975.

Ở các đảo khác thuộc vùng biển phía Nam, phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên đất liền, nắm bắt thời cơ chính quyền và quân đội Sài Gòn đầu hàng cách mạng, các tổ chức Đảng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy tiến công, giành quyền làm chủ đảo trong các ngày 30/4 và 1/5/1975.

Như vậy, đến ngày 1/5/1975, toàn bộ các tỉnh, các thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, tiếp quản, khẳng định chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc ta.           

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất, có ý nghĩa lịch sử quan trọng và tầm vóc thời đại sâu sắc.

Từ nay giang sơn Việt Nam được thu về một mối, chấm dứt vĩnh viễn sự chia cắt hai miền. Đất nước Việt Nam mở ra một trang sử mới trong độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975 đã thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.

* Tài liệu tham khảo:

- "Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Học viện Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Đại thắng mùa Xuân 1975 - nguyên nhân và bài học", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975)-Hỏi và đáp", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.

 

Đại tá Đặng Việt Thủy
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.