Bài 3: Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa liên tục và hòa bình
Tuesday, January 17, 2012 11:04 AM GMT+7
Trong phần trước của loạt bài: “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế”, chúng tôi đã đưa ra các tài liệu cho thấy những hoạt động có tính chất nhà nước của Việt Nam đối với các quần đảo, qua đó, xác lập chủ quyền của mình trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có một vấn đề đặt ra là, khi xác lập chủ quyền của mình trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có bị một nước nào phản bác và chống đối hay không? Vì trong công pháp quốc tế thì chủ quyền trên một vùng đất sẽ phải bị xét lại nếu khi vừa xác lập đã bị một hay nhiều nước phản đối.

Văn bản đầu tiên có giá trị là tác phẩm của Lê Quý Đôn năm 1776. Ông đã mô tả tỉ mỉ việc khai thác các quần đảo này từ năm 1702. Như vậy, ý trí chủ quyền của nhà nước chắc chắn có ít nhất từ đầu thế kỷ XVIII vì đã tìm thấy các loại hành vi được án lệ quốc tế nêu ra để thể hiện ý định này. Tuy nhiên, Đội Hoàng Sa còn có thể tồn tại từ trước năm 1702, từ triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn (1558-1786).

GS. André Menras, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển và Trao đổi Sư phạm ở miền Nam nước Pháp khẳng định, ở thời kỳ đó, ngoài Việt Nam thì không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc thực thi chủ quyền ở các quần đảo này: “Tôi đã nghiên cứu rất rõ về lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa thì từ 4 thế kỷ trước, có thể là trước đó nữa, Việt Nam đã thường xuyên có mặt ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa hàng năm đi làm nhiệm vụ vừa kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền trên quần đảo đó. Trong khi đó, không có một nước nào ra Hoàng Sa, kể cả Trung Quốc. Như vậy, hồ sơ của Việt Nam rất chặt chẽ. Theo những quy định trong Công ước Luật biển năm 1982 thì đó là chủ quyền của Việt Nam.”

Đã có nhiều hoạt động của Nhà nước được thực hiện để xác lập chủ quyền: lập một đội thủy binh riêng, trợ cấp về tài chính cho nó, khai thác nó, thưởng cho nó, quyết định xây dựng các công trình xây dựng trên lãnh thổ, cắm mốc chủ quyền,vv… Rõ ràng, Nhà nước Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thời kỳ thuộc địa đã có quyền chủ quyền đối với các quần đảo theo đúng các quy tắc của luật pháp quốc tế áp dụng vào thời điểm đó.

Đáng chú ý, các chính quyền Việt Nam ngày xưa không phân biệt Hoàng Sa và Trường Sa, danh xưng Hoàng Sa là gồm cả Trường Sa trong đó. Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Đại Nam nhất thống toàn đồ đã thống kê được 130 đảo. Con số 130 không đúng với Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa nếu chúng ta xem xét tách riêng ra. Ngược lại, nó chính xác với tổng số đảo của cả hai quần đảo.

Vấn đề đặt ra là, khi Việt Nam xác lập chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có bị một nước nào phản bác và chống đối hay không? Vì mọi khiếu nại đặt ra từ khi khẳng định quyền đều làm cho quyền này yếu đi và có thể bàn cãi.

Như đã phân tích trong chương trình trước, các tài liệu của Trung Quốc không cho phép xác định nước này đã xác lập chủ quyền lãnh thổ cho đến đầu thế kỷ XVIII.

Vậy thời kỳ sau đó thì sao?

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu khẳng định: “Mãi về sau này, Trung Quốc mới có yêu sách về chủ quyền đối với các quần đảo. Đối với Hoàng Sa, Trung Quốc có yêu sách về chủ quyền bắt đầu từ năm 1909. Còn đối với Trường Sa là sau Chiến tranh thế giới thứ hai.”

Trong tất cả các tài liệu của Trung Quốc đều nhắc lại rằng, các ngư dân nước này đã đến các đảo vào mọi thời. Nhưng đó chỉ là những hành vi cá nhân, không có đặc quyền, không phù hợp với một sự chiếm hữu cũng như ý định khẳng định chủ quyền bởi việc chiếm cứ do các tư nhân không hành động nhân danh chính phủ của họ mà thực hiện vì một lợi ích cá nhân không tạo thành một sự chiếm hữu. Hơn nữa, trong cùng thời kỳ này, chính các quần đảo đó cũng thường được ngư dân Việt Nam lui tới.

Mặt khác, đã không có bằng chứng nào cho thấy, Trung Quốc phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX.

Trong các sử liệu Trung Quốc lại còn có cả các tài liệu chứng tỏ nước này không hề có một đòi hỏi nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ví như Trong Hải lục viết: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”. Từ đó ta thấy rằng, Trung Quốc không có các hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng, đồng tình với sự chiếm hữu của Việt Nam. Rõ ràng, Trung Quốc đã không tha thiết đối với các quần đảo này cho đến thế kỷ XIX.

Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, một chuyên gia về các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực Đông Á đưa ra kết luận:“Việt Nam và Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng, tài liệu từ thời phong kiến để chứng minh nước nào là nước đầu tiên có hoạt động ở Hoàng Sa. Bằng chứng của Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa không thuyết phục. Trong khi đó, Việt Nam có những tài liệu khẳng định quyền của mình từ xa xưa không có nghi ngờ gì đối với các đảo Hoàng Sa.”

Còn các quốc gia khác đã có hay không biểu lộ ý định thực thi chủ quyền?

Câu trả lời là, lúc đó, không có một quốc gia nào khác trong vùng đã đưa ra yêu sách. Ngày nay, không một quốc gia nào lại có ý đồ dựng lên những yêu sách dựa vào các hành vi xảy ra trong thế kỷ XIX hay trước đó.

Cần biết thêm rằng, năm 1898, Hiệp ước Paris giữa Tây Ban Nha và Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh giữa hai nước đã chuyển giao Philippin sang sự quản lý của Mỹ. Khi đó, các đảo ở Trường Sa đã không được nhắc tới một lời nào.

Như vậy, trước khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884, Việt Nam đã thực sự chiếm hữu mà không có cạnh tranh trong nhiều thế kỷ đối với các đảo theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó.

Đến đây đặt ra vấn đề củng cố danh nghĩa và nhất là việc duy trì danh nghĩa này liên quan tới tiến triển của luật pháp quốc tế.

Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong phần tiếp theo./.

Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.