Bài 4: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng
Wednesday, January 18, 2012 9:52 AM GMT+7
Danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ ràng nhất trong hai thế kỷ XVIII và XIX nhưng số phận của nó lại gắn với các sự kiện chính trị tiếp theo. Vương triều Việt Nam bị suy yếu do sự xâm lược và vì việc nước Pháp nhanh chóng biến nền bảo hộ thành thuộc địa trên thực tế. Có một vấn đề được đặt ra là các quyền của Việt Nam đạt được ở thời kỳ này liệu có bị bỏ dưới thời cai trị của Pháp? Và khi đó có cho phép nảy sinh một danh nghĩa có lợi cho một quốc gia khác không, chẳng hạn như Trung Quốc?

Chúng ta cùng tìm hiểu qua việc phân tích chính sách của Trung Quốc và thái độ của nước Pháp từ thời kỳ của thực dân Pháp tại Đông Dương cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ năm 1884 đến năm 1909, không có gì chứng tỏ sự quan tâm của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa. Chỉ có một sự kiện duy nhất được các nhà biên niên sử ghi lại. Và sự cố đó đi theo hướng là Trung Quốc đồng ý với sự chiếm hữu của nước khác.

Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM thuật lại câu chuyện được P.A Lapicque ghi lại như sau: “Năm 1895, tàu chở đồng của phương Tây  (tàu Bellona của Đức) đi ngang qua vùng biển Hoàng Sa bị mắc cạn ở đó, rồi bị chìm. Ngư dân Trung Quốc ùa ra cướp về. Tàu này mua bảo hiểm của một hãng tại Anh quốc. Hãng bảo hiểm đó đã đòi tiền bồi thường của chính quyền Quảng Đông vì không đảm bảo được an ninh hàng hải. Chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã trả lời rằng, lãnh hải đó không phải của họ và họ không chịu trách nhiệm.”

Câu chuyện này còn được trình bày trong một văn thư của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Vụ Giám đốc các công việc chính trị và bản xứ) ngày 6/5/1921.

Cả hai nội dung này cho thấy rõ ràng các nhà chức trách địa phương phủ nhận một cách chính xác mọi ý tưởng về chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đào này. Đây là những nhà chức trách địa phương, tức là người có khả năng nhất để biết tình hình thực tế. Và họ nói cụ thể rằng không có sự sáp nhập hành chính, bằng chứng của việc không quản lý.

Tuy nhiên, giật mình trước việc năm 1907, Nhật Bản đưa ra các yêu sách về các đảo Pratas (người Trung Quốc gọi là Đông Sa, nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa), người Trung Quốc muốn đi trước các tham vọng có thể có của Nhật Bản đối với quần đảo Hoàng Sa nên họ đã cử một đoàn đi khảo sát các đảo này. Phó Vương Lưỡng Quảng đã cử ba sĩ quan đi làm việc này vào tháng 4/1909. Cùng năm này, họ còn tổ chức một cuộc thăm dò có hệ thống hơn. Phái đoàn đó đã kéo lên các hòn đảo lá cờ Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, tuyệt đối không thể coi là việc thực hiện “chủ quyền” của Trung Quốc.

Ngày 30/3/1921, Thống đốc dân sự Quảng Đông đã quyết định sáp nhập về hành chính các đảo Hoàng Sa vào Nhai huyện (Hải Nam). Về sự kiện này, công sứ Pháp ở Trung Quốc không đưa ra lời phản đối chính thức vì cho rằng, hành động này được đưa ra bởi một chính phủ không được cả chính phủ trung ương Trung Quốc lẫn các nước khác thừa nhận,vv…

Theo Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu, chính các hành vi của Trung Quốc trong những năm 1895,1896 (từ chối trách nhiệm về các vụ đắm tàu ở Hoàng Sa vì các đảo đó không thuộc Trung Quốc), rồi đến năm 1909 (có các chuyến thăm khảo sát và bắt đại bác để khẳng định chủ quyền) đã làm suy yếu tất cả những lời khẳng định khác về việc chiếm đóng của nước này từ hàng thế kỷ xa xưa và đánh dấu một thời điểm muộn hơn nhiều về sự quan tâm của nước này đối với những lãnh thổ đó.

Những hành vi trong năm 1909, dù có bổ sung thêm việc sáp nhập về hành chính nhưng không đủ cấu thành một sự chiếm hữu lâu dài, thật sự, hòa bình và liên tục. Các hành vi này được thực hiện bởi một chính phủ không được ghi nhận trong sự liên tục của nhà nước Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc không hội đủ các điều kiện để tạo ra một tình thế (giống như tình thế của đảo Palmas), căn cứ vào đó Trung Quốc nhân danh sự chiếm hữu thật sự, có thể có được các quyền, cho phép họ phủ nhận các quyền đã có từ trước của Việt Nam.

Điều này còn được củng cố hơn nữa khi biết rằng, cũng trong giai đoạn này, chính phủ Pháp ở Đông Dương đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hòa ước Giáp Thân (1884) là Hòa ước được Triều đình Huế kí với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp. Kể từ đây, thực dân Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam. Thực dân Pháp thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài bên cạnh việc đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bà Monique Chemillier Gendreau cho rằng: “Tôi đã tìm thấy trong thư từ ngoại giao những yếu tố cho thấy người Pháp dần dần quan tâm tới các quần đảo này và tự đặt mình vào bối cảnh quốc tế để đòi hỏi chủ quyền.”

Đúng như vậy! Bộ Thuộc địa và Phủ Toàn quyền Đông Dương đề cập đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ngay từ năm 1898. Công văn của Vụ Châu Á-Châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Pháp có đoạn viết: “…nhằm ngăn cản một cường quốc khác đứng trên các đảo đó (Hoàng Sa), có lẽ có lợi ích là nên xây dựng một hải đăng trong quần đảo này để khẳng định chủ quyền của chúng ta…”

Hải quân Pháp đã có mặt đều đặn trên các quần đảo qua các chuyến đi tuần của các tầu tuần tra của Hải quan Đông Dương, một hình thức cảnh sát biển đã hoạt động ở đây.

Trong thời kỳ này đến chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp đã khẳng định rõ ràng và chính thức chủ quyền của Pháp đối với hai quần đảo.

Khi phải trả lời Công ty phốt phát Bắc Kỳ mới về việc muốn khai thác quần đảo Hoàng Sa, ngày 17/12/1928, Toàn quyền Đông Dương viết cho Bộ trưởng thuộc địa và cảnh báo “chứng hoang tưởng tự cao, tự đại cứ tăng lên mãi của chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc” và đã tuyên bố rõ ràng: “vậy đã đến lúc chúng ta phải tiến lên trước và khẳng định các quyền dường như đã được công nhận bởi cả các tư liệu lịch sử lẫn các thực tế địa lý”.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết, để có chỗ dựa vững chắc cho lập trường này của Pháp, ông Toàn quyền đã yêu cầu Khâm sứ Trung Kỳ cung cấp tất cả các tài liệu của hồ sơ: “Chính quyền Pháp đã yêu cầu Khâm sứ ở Trung Kỳ tìm hiểu rõ vấn đề chủ quyền của An Nam ở Hoàng Sa. Qua các tài liệu thì thấy rõ những hành xử chủ quyền từ thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Ông Thân Trọng Huề, nguyên Thượng thư Bộ Binh vào ngày 3/3/1925 cũng đã tuyên bố chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa là không có gì phải tranh cãi.”

Trong một văn thư của Quai d’Orsay, Bộ Ngoại giao Pháp do Knobel ký ngày 19/6/1930, một câu hỏi về pháp lý đã được đặt ra: Chủ quyền rõ ràng của An Nam với quần đảo Hoàng Sa liệu có bị mất đi vì không thực thi không? Tác giả đã kết luận là không vì các đảo Hoàng Sa không bị bỏ và do đó không trở thành vô chủ.

Bức thư của Toàn quyền Pasquier, ngày 18/10/1930 khẳng định Pháp có chủ quyền đối với quần đảo này. Bức thư chỉ rõ, Pháp có đầy đủ hồ sơ chứng tỏ rằng các quyền không thể tranh cãi của Việt Nam có từ thể kỷ XVIII. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ thể hiện sự quan tâm của họ từ năm 1909. Cần nói thêm rằng, lập trường của Pháp khi đó phải được hiểu như là “sự thực hiện các quyền chủ quyền đã tồn tại từ trước”. Nói cách khác, người Pháp nhận lấy pháp quyền và trách nhiệm giao nhượng cho họ từ người Việt Nam bị bảo hộ, tiếp tục bảo đảm quyền hạn pháp lý thay mặt cho người Việt Nam.

Ngày 4/2/1932, một công hàm được gửi cho Công sứ quán Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của nước Pháp, trong trường hợp không chấp nhận thì đưa ra trọng tài.

Vào cuối thời kỳ này, Pháp đã khẳng định rõ các quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 15/6/1938 quy định việc thành lập một đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên và Nghị định ký ngày 5/5/1939 thành lập hai đại lý hành chính “Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cận” và “Cụm An Vĩnh và các đảo phụ cận”.

Những nội dung vừa phân tích chỉ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Trường hợp quần đảo Trường Sa đơn giản hơn vì không có bất cứ một yêu sách nào của Trung Quốc trong suốt thời kỳ thuộc địa.

Một thông cáo ngày 23/9/1930 thông báo cho các nước thứ ba biết việc Pháp chiếm hữu quần đảo Trường Sa. Tháng 4 năm 1933, việc chiếm hữu các hòn đảo nhỏ này được tổ chức trang trọng bằng việc “Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị hải quân Pháp thực hiện”. Theo đó, sáu đảo nhỏ được nêu trong văn bản và được mô tả chính xác. Đáp lại sự khẳng định chủ quyền đó, Trung Quốc im lặng. Cùng năm này, Thống đốc Nam Kỳ là M. Krautheimer đã ký một Nghị định sáp nhập các đảo vào tỉnh Bà Rịa.

Theo TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, những hành động vừa nêu đã chứng tỏ chính phủ Pháp đã có trách nhiệm trong việc chiếm hữu, khai thác liên tục và có hiệu quả trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam: “Khi đô hộ Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, đã có những hành động, hành vi tiếp tục thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo và họ đã để lại cho chúng ta những nghị định, quyết định trong việc thành lập các đơn vị hành chính, tổ chức các đơn vị đồn trú, khí tượng, các đài quan trắc, xây dựng các công trình trên đó…”

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu: “Đối với quần đảo Hoàng Sa, Pháp chỉ rõ là thừa hưởng giấy chứng thực chủ quyền của các Hoàng đế An Nam. Còn với Trường Sa, Pháp tuyên bố đã phát hiện ra và nhận chủ quyền quần đảo này. Người Trung Quốc chỉ bắt đầu đòi chủ quyền vào đầu thế kỷ XX và đòi hỏi của họ không dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý rõ ràng.”

Kết thúc giai đoạn này, danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa luôn có giá trị trong tay nước Pháp. Cường quốc này không tuyên bố bỏ các đảo, tạo ra một quyền cho bên thứ ba, như vậy đã đưa đến một tình thế không thể đảo ngược về chủ quyền đã có từ xa xưa của Việt Nam.

Trong khi đó, các hành vi của Trung Quốc không đủ rõ ràng, liên tục và không thể cấu thành một quyền cho họ./.

Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.