Bài 6: Xác định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa bằng luật pháp quốc tế
Sunday, January 22, 2012 4:49 PM GMT+7
Trong các bài trước, chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng rõ ràng rằng, ít nhất từ thế kỷ XVIII cho đến hết thời kỳ thuộc địa, Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế. Vấn đề còn lại là sự tiếp nối danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo này ở thời kỳ sau giai đoạn thuộc địa đến nay. Đặc biệt khi phía Trung Quốc lập luận rằng, với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thật của vấn đề này như thế nào? Luật pháp quốc tế có thể rút ra từ đó kết luận gì về quan điểm liên tục của danh nghĩa pháp lý?

Quan trọng hơn, Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Sau bài diễn văn của ông Chu Ân Lai năm 1951, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không rời bỏ ý định về chủ quyền của mình. Ý định ấy được thể hiện đối với quần đảo Hoàng Sa và kèm theo việc chiếm đóng thực tế trên một bộ phận vào năm 1956 và được mở rộng ra toàn bộ quần đảo vào năm 1974. Phải khẳng định ngay rằng, đây là một cuộc chiếm đóng quân sự không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Nhưng Trung Quốc không thừa nhận luận cứ trên. Nước này cũng lập luận rằng, từ tháng 3/1959, phủ Hải Nam đã đặt một văn phòng sự vụ về Tây Sa-Nam Sa-Trung Sa trên một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, vì nó được phát triển trên một sự chiếm đóng bất hợp pháp nên không thể mang lại hiệu quả pháp lý.

Đối với quần đảo Trường Sa, bài diễn văn của Trung Quốc cũng mang tính ý định. Nhưng nó cũng không hề dựa trên bất kỳ một sự chiếm đóng hay quản lý thực sự nào trước đó.

Trong khi đó, đại diện của nước Việt Nam sau khi người Pháp ra đi, Chính phủ Nam Việt Nam luôn khẳng định duy trì chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có nhiều Nghị định về quản lý các đảo và việc sáp nhập chúng vào tổ chức lãnh thổ Việt Nam. Một Nghị định về quần đảo Hoàng Sa được ký ngày 13/7/1961 thành lập đơn vị hành chính Định Hải, một Nghị định khác ngày 21/10/1969 gộp xã đó với xã Hoa Long,vv…

Tuy nhiên, tháng Giêng năm 1974, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa. Luật quốc tế hiện đại (Hiến chương Liên hợp quốc, điều 2, khoản 4) cấm dùng vũ lực để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Vì thế, một sự chiếm đóng quân sự sẽ không bao giờ và bằng bất kỳ cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận. Mặt khác, khi đó, Chính phủ Nam Việt Nam cũng đã đưa ra lời phản đối lên Liên hợp quốc, công bố sách trắng về các quần đảo và lên án mạnh mẽ chống lại các hành động bất hợp pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chính quyền Sài Gòn đã sử dụng diễn đàn tại khóa hợp thứ hai của Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật biển tại Caracas năm 1974 để khẳng định lại các quyền của mình đối với hai quần đảo này.

Việc phân chia lãnh thổ ở vĩ tuyến 17 độ đã đặt hai quần đảo vào lãnh thổ Nam Việt Nam. Như vậy, chính quyền Nam Việt Nam và chỉ chính quyền này được phát biểu về vấn đề các đảo và họ đã làm việc đó. Họ đã làm việc này với tư cách là người thừa kế các quyền của nước Pháp về hai quần đảo.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại lập luận rằng đã có sự từ bỏ danh nghĩa chủ quyền từ phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ công hòa, ông Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958.

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng nói như sau: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.”

Có thể thấy rằng, tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, thật không đúng khi lập luận rằng, Việt Nam đã “khẳng định lại sự công nhận của họ đối với yêu sách của Trung Quốc” đối với các quần đảo.

Mặt khác, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu cho rằng, đó không phải là chính phủ về mặt lãnh thổ có thẩm quyền đối với các quần đảo. Vì Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ thực hiện thẩm quyền của mình ở phía Bắc vĩ tuyến 17 độ. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực!

Còn ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP HCM phân tích: “Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay chưa bao giờ lên tiếng phủ nhận hoặc ra Nghị quyết từ bỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. ”

Những năm sau 1975 đem lại ít thay đổi ở quần đảo Hoàng Sa. Các đảo đó đã bị Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm đóng bằng quân sự.

Ở quần đảo Trường Sa, sau tháng 4/1975, quân đội nhân dân Việt Nam thay thế các đội quân của chính quyền Sài Gòn trên các đảo.

Tuy nhiên, tháng 3/1988, Trung Quốc đưa quân đội đến một số bãi ở Trường Sa: một cuộc đụng độ hải quân dẫn đến việc mất một số tàu Việt Nam và một số thủy thủ Việt Nam bị thiệt mạng. Và từ ngày đó, Hải quân Trung Quốc có mặt tại quần đảo này.

Cần nhắc lại rằng, luật quốc tế hiện đại ngăn cấm rất nghiêm ngặt việc chiếm đóng các lãnh thổ bằng vũ lực. Hơn nữa, Việt Nam đã tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với toàn bộ hai quần đảo. Yêu sách này là sự liên tục các quyền của của vương triều Việt Nam xa xưa, sau đó là của Pháp thay mặt cho nước Việt Nam thuộc địa và đã có sự chiếm đóng thật sự hai quần đảo. Liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ cho rằng: “Tôi muốn nói rằng, những bằng chứng về lịch sử, kèm theo những chứng cứ về pháp lý, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình. Việc chiếm hữu cũng như thực thi chủ quyền đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.”

Vấn đề này hoàn toàn có thể đưa ra Tòa án quốc tế để giải quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc từ xa xưa đến giờ đều không muốn làm như vậy. Tướng quân đội Pháp Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự của Pháp ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, một chuyên gia về các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực Đông Á cho biết:“Các hồ sơ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa có thể trình lên Tòa án tư pháp quốc tế, cơ quan có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp quốc tế, để giải quyết vấn đề này. Từ thời thuộc địa, khi Pháp có quyền bảo hộ đối với An Nam, Pháp đã đề nghị với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề Hoàng Sa, nhưng Trung Quốc đã từ chối.”

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước Quốc hội về chủ trương của Việt Nam trong việc bảo đảm chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng Việt Nam chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của Việt Nam là phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc, phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, phù hợp với Tuyên bố DOC.”

Chủ trương của chúng ta ở quần đảo Trường Sa là:

Phải nghiêm túc thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết. Cụ thể là, chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không có những hành động làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định. Các tranh chấp phải giải quyết bằng đàm phán hoà bình, không dùng vũ lực và phải cùng đàm phán với tất cả các bên liên quan.

Chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế – xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ bao gồm cả đường sá, bến cảng, sân bay, điện, nước, trạm xá, trường học, nhà ở, viễn thông, truyền hình, phát thanh… để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân ta trên các đảo ở quần đảo Trường Sa.”

Trước đó, tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nêu rõ, trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở biển Đông. Đáng chú ý, việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển. Hai bên sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận này.

Rõ ràng, giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất. Dư luận ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới chờ đợi sự đáp ứng tích cực của phía Trung Quốc. Là một trong 5 nước uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc có nghĩa vụ lớn tôn trọng và thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc./.

Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.