Người Việt chinh phục đại dương – Kì cuối
Monday, February 06, 2012 4:50 AM GMT+7
Thế kỷ 19, nước Việt đã có các hải đội viễn dương thường xuyên vượt biển đến những quốc gia xa xôi. Mỗi hải trình ròng rã hàng tháng, xuyên qua các vùng biển nhiều hải tặc và dông bão hiểm nguy... Điều này chứng tỏ người Việt đã làm chủ được kỹ thuật đóng tàu biển và thông thạo kỹ thuật hàng hải. Nhưng tiếc thay, một giai đoạn lịch sử đầy biến động đã xóa nhòa dấu vết đội tàu kiêu hãnh của nước Việt.

Phấn Bằng, Linh Phượng...

Những ngày ở Huế, tôi đã cố gắng tìm lại dấu vết các hải đội viễn dương một thời vang bóng. Nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan xứ kinh thành xưa tâm sự rằng ông cũng đã dành nhiều tâm huyết cho mục đích đó. Tiếc là trong khi chính sử lẫn tài liệu nước ngoài ghi chép khá kỹ thì dấu vết hiện vật lại mờ nhạt như sương khói lịch sử. “Tuổi đời cổ vật một, hai thế kỷ chỉ là chớp mắt của thời gian. Nhưng tại sao những hải đội đó lại không được lưu lại bảo tàng chiếc nào? Có lẽ khi đoàn quân lê dương Pháp đổ bộ lên nước Việt, triều đình nhà Nguyễn suy yếu đã làm đình trệ, tan rã nhiều công cuộc quốc gia. Trong đó có cả nền công nghiệp hàng hải tự hào một thời” - ông Hồ Tấn Phan ngậm ngùi.

 
Tàu viễn dương giống kiểu tàu Phấn Bằng từng chở nhiều người Việt xuất ngoại - Ảnh tư liệu

Giở lại các bộ sử đã ố màu thời gian như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có thể tìm thấy hàng chục tên thuyền vượt biển của người Việt đã từng ngang dọc viễn dương như Phấn Bằng, Linh Phượng, An Dương, Vân Bằng, Thụy Long,Thanh Loan, Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Dương, Tĩnh Dương, Kim Ưng... Đây là loại thuyền lớn được bọc đồng chắc chắn để đi biển và nhiều chiếc trang bị đầy đủ vũ khí hải chiến. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đã có đội thuyền đồng nhiều dây 21 chiếc và cho đóng thêm chín thuyền nữa để đủ hạm đội 30 chiếc. Về sau nhiều chiếc được sửa chữa và tiếp tục đóng mới. Trong đó, những thuyền lớn nhất là Thụy Long, Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn Bằng với chiều dài gần 10 trượng và rộng hơn 2 trượng, sâu gần 2 trượng (nhà Nguyễn thường tính chiều dài thuyền bằng thước mộc với 1 trượng = 10 thước, 1 thước = 0,425m).

Thời Nguyễn Ánh, các loại thuyền lớn này được kết hợp với kỹ thuật đóng tàu Pháp tại Sài Gòn. Sang triều Minh Mạng, công xưởng đóng tàu chính ở Huế, nhưng các địa phương Sài Gòn, Nghệ An, Thanh Hóa... vẫn tiếp tục được giao đóng và trưng dụng thợ thuyền, gỗ quý. Theo nghiên cứu của GS Nguyễn Thế Anh, ba lần Nguyễn Tri Phương xuất ngoại đến Indonesia thì hai lần đi bằng thuyền bọc đồng Thụy Long, một lần thuyền Phấn Bằng. Ngoài ra, những thuyền bọc đồng khác như Linh Phượng, Thanh Loan, Thanh Dương cũng được triều đình thường xuyên dùng làm phương tiện đi nước ngoài. Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát cũng được nhắc từng xuất ngoại với Đào Trí Phú và trở về bình an. Lênh đênh hải trình, ông để lại cho hậu thế các bài thơ Hồng Mao hỏa thuyền ca và Dương phụ hành, kể lại những gì mắt thấy tai nghe về tàu hơi nước và phụ nữ phương Tây.

Đặc biệt, do hải tặc hoành hành, thuyền viễn dương công phái của nước Việt đều được trang bị vũ khí từ giáo mác, câu liêm đến các loại súng dài, pháo, ống phun lửa để sẵn sàng cận chiến và xa chiến. Nhiều chiếc thuyền đã trở thành chiến hạm làm nhiệm vụ tuần biển chống cướp biển mà chủ yếu là giặc Tàu Ô từ Trung Hoa. Chiếc thuyền bọc đồng Thanh Loan từng chở Đào Trí Phú đến Indonesia có lần tả xung hữu đột hải chiến với cùng lúc hơn 20 tàu giặc và đã bắn chìm hai chiếc, làm số còn lại phải khiếp sợ bỏ chạy. Chiếc Linh Phượng dưới sự điều khiển của quản vệ thủy sư Lê Tư và võ quan Tôn Thất Chu, Đặng Kim Giám cùng biệt đội lính thủy đã đánh bại cả đội tàu giặc dám trở lại vùng biển nước Việt. Đại Nam hội điển sự lệ kể rằng thường giặc biển nhìn thấy thuyền bọc đồng hạng lớn của triều đình đều bỏ chạy. Chính các trận hải chiến đã giúp triều đình rút kinh nghiệm cho đóng thêm loại thuyền nhỏ, nhẹ hơn thuyền bọc đồng để có lợi thế tốc độ truy kích giặc.

Khéo léo và dũng cảm

Thuyền trưởng Mỹ John White đến nước Việt năm 1819 nhiều lần miêu tả khả năng vận hành tuyệt vời của thủy thủ bản xứ: “Nhiều chiếc thuyền có đến chín tay chèo đi lên Sài Gòn đã vượt qua chúng tôi với một tốc độ đáng kinh ngạc”. Trong chuyến ngược ra miền Trung, John White cũng rất thú vị với kỹ thuật đi biển của ngư dân. Ông mô tả họ như nhảy múa trên sóng với những chiếc thuyền nhỏ mà không có giọt nước nào bắn vào thuyền. Phân tích lợi thế kinh doanh thương mại hàng hải phương Đông, John White trong nhãn quan thương nhân viễn dương cũng khẳng định miền Nam nước Việt có thể là nơi tốt nhất, nhờ những chỗ đậu tàu tuyệt vời với một lực lượng hải quân hùng hậu bảo vệ.

Trong lúc những nhà hàng hải khác như John Barrow không ít lần khen ngợi kỹ thuật đi biển của người Việt thì Michel Đức Chaigneau, con trai một người Pháp lấy vợ Việt, từng sống nhiều năm ở Huế dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, đã kể tỉ mỉ: “... Những người sử dụng mái chèo với sự khéo léo, tài tình đáng kinh ngạc. Ở một thuyền chiến thường có đến 70 lính thủy chèo thuyền, hiếm khi có người lơi tay chèo trong toàn thể”.Trong hồi ký, người Pháp lai Việt này dành nhiều nội dung kể hải quân nước Việt đầu thế kỷ 19 và khẳng định có ít nhất 700-800 thuyền với chiến hạm đủ cỡ, nhiều chiếc được trang bị đến 22 khẩu đại bác.

Đặc biệt, tài liệu thú vị khác do chính nhà nghiên cứu hàng hải Vũ Hữu San, cựu sĩ quan hải quân, sưu tầm. Từ nhật ký The eastern seas on voyages and adventures in Indian archipelago in 1832 của nhà hàng hải Goerge Windsor, Vũ Hữu San trích đoạn khi ông đang trên đường dẫn một thương thuyền đến Singapore: “Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy người mại bản Trung Hoa trên tàu chúng tôi đứng sững sờ ngắm các giàn buồm no gió một hồi... rồi sau khi nhận diện được, họ la lên một cách thán phục: “Lại mấy người Việt đấy, thật lì quá trời”. Tôi nghĩ (lời thuyền trưởng Goerge Windsor) mấy người Việt đó đang lèo lái các con thuyền bé nhỏ mà cách thức vận chuyển để vượt sóng lướt gió thật tài tình”.

Vũ Hữu San trích tiếp: “Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào ở châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành trong mùa biển động như vậy. Thật thú vị nếu được quen biết những người Việt này”. Chính sử Việt cũng ghi nhận như Goerge Windsor mô tả khi triều Nguyễn đã cử nhiều lượt thuyền buồm xuất ngoại thành công. Thậm chí sử Việt khẳng định Tân Gia Ba (Singapore) là hải ngoại gần, như vậy thuyền Việt đã từng tiến xa hơn nữa trên các đại dương.

Cổ Lũy vượt sóng biển Tổ quốc

Dẫn tôi đi thăm xưởng đóng tàu Cổ Lũy danh tiếng của quê hương hải đội Hoàng Sa, truyền nhân làng nghề đóng tàu lịch sử này không giấu vẻ tự hào: “Những chiếc tàu tổ tiên chúng tôi đóng xa xưa đã chinh phục sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa. Và những chiếc tàu chúng tôi đóng hôm nay tiếp tục thẳng tiến ra đó”.

Danh tiếng làng nghề

Cổ Lũy là một làng cổ ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ra miền Trung, tôi tìm ngôi làng này không khó bởi hình như bất cứ ngư dân nào cũng biết. Từ lâu, Cổ Lũy đã nổi danh là làng đóng tàu cá lớn nhất Quảng Ngãi và thuộc hàng đầu cả nước.

Các bậc cao niên kể rằng biến động thời cuộc, chiến tranh, ly loạn đã làm làng nghề thăng trầm, phải tạm dịch chuyển quanh vùng, nhưng sự truyền nối nghề nghiệp của tổ tiên trên Cổ Lũy chưa bao giờ đứt mạch. Và hầu như tất cả những người thợ ở đây đều là hậu duệ của các gia tộc ít nhất đã năm, mười đời nối nghiệp nghề đóng tàu.

Buổi chiều, tôi ghé nhà người thợ đóng tàu già Nguyễn Tấn Viện cũng là lúc ông vừa góp ý con cháu chuẩn bị đóng mới chiếc tàu đánh cá xa bờ cho ngư dân từ Vũng Tàu ra. Đó là chiếc tàu lớn sẽ hoạt động trên ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa với chiều dài 22m, ngang 6m, cao 3,4m và có công suất máy 650 CV, chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7...

Tết này ông Viện 87 tuổi, là anh cả trong gia đình có ba anh em trai đều theo nghề đóng tàu mà người em út Nguyễn Tấn Trà nay cũng đã sang tuổi 77. Cẩn thận cho tôi xem những chiếc cưa, chiếc đục đóng tàu được gìn giữ như “gia bảo”, ông Viện kể mình học nghề cha chú, còn cha chú thì được ông nội, ông cố truyền lại.

Nếu tính đến đời con cháu vẫn đang theo việc tổ tiên thì nhà ông chính xác đã bảy đời truyền nối giữ nghiệp. Còn nếu theo ký ức được người xưa truyền kể thì gia tộc này đã trên 10 đời sống chết cùng nghề đóng tàu.

Ông nội Nguyễn Tấn Dương của ông Viện mới gần 30 tuổi đã trở thành thợ cả tài hoa nhất, nhì Quảng Ngãi. Đến nỗi khi ông Dương mất sớm, bạn nghề ở lại tiếc khóc: “Tại Dương tài hoa quá nên ông trời khiến bạc mệnh”. Còn ông Nguyễn Tấn Xuân, cha ông Viện, từng tham gia các thương thuyền ngược xuôi Bắc - Nam.

“Ông già tôi chở gạo, mắm ra Hải Phòng, Hà Nội bán, rồi đem tơ sợi, vải vóc vào xứ Sài Gòn. Mỗi chuyến ông đi dài hai, ba tháng tùy theo cơn gió thổi buồm và hàng hóa bán được nhanh hay chậm” - ông Viện hồi tưởng chuyện xưa.

“Tuy nhiên, làng này không chỉ nhà tôi mà nhiều gia tộc khác cũng gắn bó với cái cưa, cái đục, đóng tàu đi biển. Đời chúng tôi chính là những người đã chuyển giao từ đóng ghe buồm sang tàu máy đầu tiên ở biển miền Trung. Và con cháu chúng tôi là thế hệ đang tiếp bước đóng những chiếc tàu đánh bắt xa bờ lớn hiện nay”.

 
Con tàu này rồi sẽ ra khơi, từ Cổ Lũy - Ảnh: Q.V

Hồi tưởng quá khứ, ông Viện kể mình 18 tuổi đã thành thợ cả trong thập niên 1940 đầy biến động. Ông được cha chú dẫn vào nghề, tập tành đóng chính những chiếc ghe buồm truyền thống mà các hải đội Hoàng Sa đã từng sử dụng. Tuy nhiên, loại ghe thời kỳ này đã được đóng tăng cỡ để trở thành ghe bầu đi buôn đường dài.

Là một trong những người cuối cùng đã đóng nên chiếc ghe buồm lớn nhất Quảng Ngãi giữa thế kỷ 20, ông Viện tự hào kể từ xưa làng nghề xứ Quảng này đã nổi danh với những chiếc tàu bền chắc, vượt bão táp đại dương.

Khoảng giữa thập niên 1960, ông Viện và bạn bè chính là lớp thợ đầu tiên chuyển từ đóng ghe buồm sang đóng tàu máy. Việc đóng vỏ tàu không khó, họ chỉ bỡ ngỡ ở phần ráp máy. Nhưng sau vài chục ngày học lại thợ từ Đà Nẵng, Tam Kỳ vào, ông Viện và 25 đồng nghiệp Cổ Lũy đã tự tách đóng riêng được chiếc tàu máy hoàn chỉnh.

Đó là con tàu dài 17m, ngang 4m và cao hơn 2,5m, gắn máy 40 CV. Từ đây, làng đóng tàu Cổ Lũy rẽ sang bước ngoặt mới hiện đại hơn...

Trên đầu sóng ngọn gió

Làng đóng tàu Cổ Lũy sau nhiều lần phải dịch chuyển vì chiến tranh đã về thôn Cổ Lũy vào khoảng thập niên 1970. Đến năm 1977, làng chuyển sang mô hình hợp tác xã, trở thành một trong những làng nghề đầu tiên cả nước bước vào giai đoạn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ với tâm huyết rất nhiều của các bậc thợ cả cao niên như ông Viện, ông Trà, ông Lâm...

Đến nay thì chính những người thợ ở đây cũng không thể nhớ từng đóng được bao nhiêu chiếc tàu vì tổng số đã lên đến hàng ngàn chiếc các loại. Hiện Cổ Lũy có 47 xã viên chính và 20 đội. Mỗi đội có một thợ cả, nhiều thợ chính và hơn 200 lao động để có thể đóng cùng lúc nhiều chiếc tàu.

Trung bình mỗi năm hợp tác xã này đóng được 45-50 tàu xa bờ. Và những tên tuổi thợ cả hiện nay như Vương, Sinh, Bên, Cường, Huy, Sớt, Mạo, Bảo, Thành, Thanh, Nuôi... đã tự hào nối tiếp cha ông trở thành uy tín của làng nghề.

Hôm tôi ghé thăm đội trưởng thi công Nguyễn Tấn Huy cũng là lúc anh đang chỉ huy cùng đóng bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ và chuẩn bị hạ thủy hai chiếc cho ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi.

Chúng đều được trang bị máy có công suất lớn nhất của ngư dân miền Trung hiện nay với 450-650 CV, thậm chí có chiếc đã đến gần 1.000 CV. Là thế hệ con của anh em ông Nguyễn Tấn Viện, năm nay ông Huy 45 tuổi, đã từng đứng riêng chỉ huy đóng gần 40 chiếc tàu cho ngư dân các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam đến đặt đóng.

Tạm lơi tay việc, người thợ cả có vóc dáng chắc khỏe, kiên cường của ngư dân nhìn xa xăm ra biển và tâm sự: “Tôi cũng từng đi biển, từng treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, Trường Sa, nên khi vào nghề đóng tàu tôi rất thấm thía công việc mình làm. Những con tàu đó chở theo sinh mạng, ý chí đồng bào mình”.

Lặng nhìn người đàn ông biển cả đậm nét dạn dày sóng gió, tôi nghe lời tâm sự chân chất lòng ái quốc của anh bằng chính sự cố gắng đóng những con tàu thật tốt để xông pha sóng gió đại dương. Ông Huy kể mình theo học nghề cha bốn năm thì được lên làm thợ cả. Đường học khá nhanh vì hình như nghề này đã thấm vào dòng máu gia tộc.

Lần đầu ông được tự tay dựng cây gỗ xỏ mũi tàu, việc quan trọng và ý nghĩa nhất trong đóng tàu, cha ông đã dặn dò: “Từ hôm nay, con đã chính thức nối nghiệp tổ tiên, đóng những con tàu xông pha bão táp. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải giữ lấy tâm nghề, giữ lấy truyền thống của gia tộc, của làng Cổ Lũy và dân tộc để luôn kiên cường trước sóng gió đại dương”.

Phía trước người thợ cả, những con tàu Cổ Lũy vừa hạ thủy đang tiến thẳng ra biển cả của Tổ quốc...

(Hết)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.