Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương
Wednesday, January 13, 2021 7:24 PM GMT+7
TTO - Một sự kiện làm nức lòng giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử vào 24 năm trước, đó là việc Nhà xuất bản (NXB) Thuận Hóa cho ra mắt bộ sách Những người bạn cố đô Huế. Vì sao họ vui mừng?

Vì đó chính là bộ tập san Bulletin des amis du Vieux Hué, thường gọi tắt là BAVH, một tạp chí hàng đầu Đông Dương ra đời từ năm 1914, chuyên nghiên cứu Huế và Việt Nam.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương - Ảnh 1.

BAVH với bìa đậm đặc chất Huế - Việt Nam - Ảnh: M.TỰ

Phải đưa sách quý ra khỏi kho

Vào thời điểm đó, tháng 10-1997, không ai nghĩ bộ tạp chí với quy mô đồ sộ 16.000 trang tiếng Pháp có thể dịch hết sang tiếng Việt. Và nhiều lý do "nhạy cảm" khác, khiến những sách báo như thế rất khó được xuất bản.

Mọi việc đã khởi sự vào cuối thập niên 1980, từ quyết tâm cháy bỏng của ông Vương Hồng, giám đốc kiêm tổng biên tập NXB Thuận Hóa: phải tổ chức dịch thuật và xuất bản cho bằng được những bộ sách sử, thư tịch quan trọng được viết bằng chữ Hán và Pháp văn.

Đến đầu thập niên 1990, các bộ sử triều Nguyễn như Đại Nam nhất thống chí (5 tập), Đại Nam hội điển sự lệ (15 tập), Đại Nam liệt truyện (4 tập) lần lượt ra mắt trong sự vui mừng của giới nghiên cứu và giảng dạy văn sử cả nước.

Sau khi các bộ sử triều Nguyễn được dịch và xuất bản một cách êm thấm thì NXB Thuận Hóa liền bắt tay vào việc hồi sinh cho bộ tập san BAVH lừng danh một thuở vẫn đang nằm "chết lặng" trong kho sách của các thư viện.

Ông Nguyễn Duy Tờ, giám đốc NXB Thuận Hóa hiện nay, bấy giờ là người giúp việc cho giám đốc Vương Hồng, kể rằng lúc đó rất hiếm người đụng đến BAVH vì ít người hậu thế đọc được tiếng Pháp, và vì yếu tố "nhạy cảm" nữa, bộ tạp chí được thành lập bởi các nhà giáo sĩ thừa sai và quan chức Pháp cai trị thuộc địa...

Ông Vương Hồng quyết định phải đưa BAVH ra khỏi kho sách.

Việc đầu tiên là phải tìm cho ra đủ tư liệu gốc của bộ tập san đã ra đời từ đầu thế kỷ 20, với 123 số báo xuất bản trong 30 năm 6 tháng. Qua bao nắng mưa lụt bão, bom đạn chiến tranh, không một tủ sách nào ở Huế còn giữ đủ bộ BAVH.

Thật may mắn, trong kho của thư viện Trường đại học Tổng hợp Huế vốn là thư viện của Viện đại học Huế vẫn còn khá đủ BAVH. Lục tìm thêm thư viện của các nhà nghiên cứu là có đủ bộ tập san nguyên bản tiếng Pháp.

Việc tiếp theo là xây dựng bảng kê tác phẩm và tác giả BAVH nhằm hình dung diện mạo bộ sách và lập kế hoạch xuất bản để mang đi thuyết phục những "cửa" khác: xin phép xuất bản, tìm kinh phí, huy động lực lượng dịch thuật, in ấn, phát hành...

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương - Ảnh 2.

Linh mục L. Cadière, chủ bút tập san BAVH - Ảnh tư liệu

"Cửa" nào cũng hanh thông

Cứ tưởng "cửa" khó nhất là thuyết phục lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (chủ quản của NXB) cho phép xuất bản bộ tập san của các nhà truyền đạo và quan tây, nhưng không ngờ "cửa" này qua rất nhanh.

"Sách do linh mục và quan tây viết, nhưng là viết nghiên cứu về văn hóa - lịch sử, chứ không tuyên truyền chính trị, cần phải in lại để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hôm nay". Lập luận của ông Vương Hồng đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh.

Sự hanh thông đó chính là nhờ hậu thuẫn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Khi NXB lên kế hoạch xuất bản BAVH bằng tiếng Việt thì ông Điềm đang là trưởng Ban tuyên giáo, sau đó là phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, khi bộ sách dịch sắp xong thì ông Điềm đã ra Hà Nội làm thứ trưởng Bộ Văn hóa (11-1994), mà bộ trưởng lại là nhạc sĩ Trần Hoàn, vốn là trưởng Ty Văn hóa - thông tin Bình Trị Thiên kiêm giám đốc đầu tiên của NXB Thuận Hóa.

Không những cấp phép xuất bản rất nhanh mà Bộ Văn hóa còn giúp một khoản kinh phí để sưu tầm tài liệu và tổ chức dịch thuật.

Cánh cửa này mở ra thì những cánh cửa khác cũng hanh thông. Viện Sử học rất ủng hộ và mong chờ sách ra. Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nghe tin cũng rất vui mừng. Một đội ngũ dịch thuật tiếng Pháp rất hùng hậu của Huế đã có mặt và vô cùng hào hứng với việc làm sống lại BAVH.

Những trang bản dịch đầu tiên lần lượt ra đời, chủ yếu là viết bằng tay, giờ vẫn còn lưu lại trên giá sách ở phòng làm việc của giám đốc Nguyễn Duy Tờ như là hiện vật của một sự kiện xuất bản nhớ đời.

Tạp chí hàng đầu Đông Dương

Vào ngày 16-11-1913, tại Tân Thư Viện nằm bên cạnh Hoàng cung Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), "Hội những người bạn của Huế xưa" (Association des Amis du Vieux Hué, viết tắt là AAVH) chính thức ra mắt với 17 hội viên.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương - Ảnh 3.

Tân Thư Viện nơi ra mắt và hội họp của "Hội những người bạn của Huế xưa" - Ảnh tư liệu

Bản điều lệ hội ghi rõ nhiệm vụ và mục đích của hội là "sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận".

Để thực hiện mục đích đó, AAVH xuất bản một tập san ba tháng một kỳ để đăng các nghiên cứu của hội viên, có tên là Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tập san những người bạn của Huế xưa, viết tắt là BAVH) do linh mục Léopold Cadière làm chủ bút.

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt hội, số tập san đầu tiên của quý 1-1914 đã được xuất bản.

Đến năm 1944, hội viên của AAVH tăng lên đến gần 500 người. Cộng tác viên của tạp chí cũng mở rộng ra cả nước, cả Đông Dương, sang tận châu Âu, châu Mỹ, với hơn 140 người. Họ không chỉ là linh mục, quan chức, công chức hay bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, nhà giáo, mà có cả binh lính, nhân viên tài chính, nhà buôn...

Ban đầu họ xác định chỉ nghiên cứu Huế và vùng phụ cận, nhưng trên thực tế đã mở rộng địa bàn nghiên cứu ra cả Đông Dương. Nhiều công trình nghiên cứu đăng trên BAVH về sau được tách ra in riêng thành những cuốn sách giá trị, vẫn còn tái bản hàng chục lần cho đến tận bây giờ, như Nghệ thuật Huế (L’Art à Hué), Những kẻ săn máu (Les Chasseurs de sang), An Tĩnh cổ lục (Le vieux An Tinh)...

Đến tháng 6-1944, vì những biến cố của thời cuộc, AAVH phải ngừng hoạt động và BAVH cũng phải đình bản.

Trong hơn 30 năm hoạt động với một khối lượng nghiên cứu khoa học đồ sộ, cùng các hoạt động thư viện, bảo tàng, bảo tồn di sản, "Hội những người bạn của Huế xưa" đã thực hiện được một trong những nhiệm vụ lớn nhất của nước Pháp ở Viễn Đông, theo đánh giá của báo Le Monde ngày 17-5-1998.

BAVH cùng với tập san BEFEO (của Viện Viễn Đông Bác Cổ) và tuần san INDOCHINE được xem là những tạp chí hàng đầu Đông Dương.

Công trình đồ sộ được "nghiên cứu trong ngày chủ nhật"

Dịch giả Bửu Ý cho hay tất cả hội viên AAVH đều không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, họ làm việc này như là "công việc tay trái" và Cadière thì gọi "chúng tôi là những người nghiên cứu trong ngày chủ nhật".

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 3: Hồi sinh bộ tạp chí hàng đầu Đông Dương - Ảnh 4.

Bộ BAVH do “nhà Thuận Hóa” xuất bản bằng tiếng Việt - Ảnh: M. TỰ

Vậy mà công trình của họ thì quá đồ sộ, có giá trị cho đến tận bây giờ, và có lẽ mãi mãi về sau. Đúng như sứ mệnh mà họ đã đặt ra từ hơn một thế kỷ trước: "Truyền đến cho các thế hệ mai sau tầm nhìn chân chính về Việt Nam xưa, trước khi nó bị biến mất hẳn".

Cadière được xem là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, và hội AAVH cùng tập san BAVH đã trở thành như một "Hàn lâm viện địa phương".

Điều đó, từ năm 1933 Cadière đã tự nhận thấy: "Những ai muốn nghiên cứu các sự vật ở Huế và cả Việt Nam, đều phải tham khảo tập san, nếu họ muốn làm một việc đến nơi đến chốn".

BAVH xuất bản 3 tháng một kỳ tại Nhà in Viễn Đông (Hà Nội) với số lượng in mỗi tập san là 650 bản (đến cuối 1943).

Tổng cộng BAVH đã xuất bản được 123 số báo (gồm 104 số nội dung và 2 số danh mục, gọi là "bản dẫn"), in thành 106 tập, với 558 bài viết, 16.000 trang viết, 3.200 phụ bản (tranh vẽ, bản đồ...), 800 ảnh đen trắng và màu, với đủ các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, dân tộc, khảo cổ, ngôn ngữ, tôn giáo, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, kiến trúc...

(Theo BAVH và sách Thân thế và sự nghiệp của L. Cadière, NXB Tri Thức 2011)

Năm đó mà NXB Thuận Hóa dám xuất bản cả bộ BAVH bằng tiếng Việt là "cả gan" lắm. Một bộ sách mà qua ba đời giám đốc mới xuất bản xong, kéo dài hơn 25 năm kể từ khi bắt tay thực hiện đến khi ra tập cuối cùng.

Kỳ tới: Bộ sách để đời

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.