Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 8: Cuốn sách tặng của người bạn đã mất
Monday, January 18, 2021 7:41 PM GMT+7
TTO - Một tối thượng tuần tháng 7 năm rồi, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại bàn mã vùng Hà Nội: 'Cậu có phải là... Anh Ninh có cuốn sách muốn tặng cậu...'.

"Anh Đỗ Văn Ninh mất lâu rồi, nhưng sách vẫn được xuất bản là điều hết sức ý nghĩa không chỉ với người thân của anh mà với cả giới nghiên cứu và bạn đọc nước nhà.

GS Nguyễn Lân Cường

 

 

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 8: Cuốn sách tặng của người bạn đã mất - Ảnh 1.

Cuốn sách quý của PGS Đỗ Văn Ninh mới được tái bản - Ảnh: QUỐC VIỆT

Tôi sững sờ, xúc động, "anh Ninh" chính là PGS Đỗ Văn Ninh, nguyên viện phó Viện Sử học, đã mất cách đây tròn 10 năm. 

Vậy mà "người bạn" cao niên đáng kính này vẫn có sách để người vợ còn sống tặng kẻ hậu sinh.

"Người bạn" cao tuổi đáng kính

Còn nhớ cách đây khoảng 15 năm, tôi hân hạnh được kết giao với PGS Đỗ Văn Ninh qua sự giới thiệu của cố viện trưởng sử học Văn Tạo. 

Khi tôi nhờ giúp đỡ tư liệu cho loạt bài "Hà thành đầu độc", GS Văn Tạo đã cho tôi nhiều tài liệu về cuộc kháng Pháp đặc biệt ở Hà Nội đầu thế kỷ 20. Sau đó, ông còn cẩn thận giới thiệu thêm người bạn Đỗ Văn Ninh. "Ông ấy có nghiên cứu về chủ đề này. Cậu qua gặp thêm".

Đó là một sáng cuối thu Hà Nội, tôi lúng túng tìm căn hộ của ông Ninh trong khu chung cư cũ kỹ. Thật bất ngờ, vừa tới chân cầu thang, tôi đã thấy ông đứng đợi khách miền Nam ra. 

"Tôi hơi bất ngờ khi nghe cậu đề cập đến cuộc khởi nghĩa bi tráng ở Hà Nội từ đầu thế kỷ trước. Sự thật lịch sử không phải để trong tủ kính, mà phải làm sao cho con cháu biết" - ông Ninh vừa trò chuyện vừa nhúc nhắc đôi chân đã yếu dẫn tôi lên cầu thang.

Căn hộ nhỏ xíu của ông cũng cũ kỹ, phủ màu thời gian. Và suốt buổi trò chuyện, ông hay đau đáu nhắc đến từ "sự thật lịch sử", một nhiệm vụ mà ông tự nhận thế hệ các ông chưa thể làm tròn vì nhiều lý do, và hậu sinh phải tiếp nối.

Từ buổi đầu sơ giao, giúp tư liệu sự kiện lịch sử "Hà thành đầu độc", sau đó PGS Ninh còn nhiệt tình giúp tôi nhiều loạt bài khác, từ "Hải đội Hoàng Sa", "Ký sự sông Hồng" đến "Bí ẩn những ngôi mộ cổ" mà ông đã dày công nghiên cứu. 

Khác hẳn hình dung ban đầu của tôi về những nhà sử học mực thước, cẩn trọng, ông Ninh rất cởi mở và nói thẳng nhiều vấn đề còn đang tranh luận trong giới chuyên môn hay ngoài xã hội. 

Bắt đầu từ đây, tôi cũng hân hạnh được kết thân với ông, được ngồi uống trà, luận bàn chuyện xưa chuyện nay ở khoảnh sân nhỏ bé nhưng ngập nắng thu.

Đó cũng là giai đoạn tôi biết ông đang tiếp tục hoàn thiện cuốn Từ điển chức quan Việt Nam. Một cuốn sách mới nghe có vẻ hơi hàn lâm, nhưng chịu đọc kỹ thì khá thú vị với những ai thích những chuyện muôn năm cũ. 

Còn nhớ có lần ông hỏi tôi: "Cậu đi viết Hồng hà ký sự dài dọc như thế, nhưng cậu có biết triều đình xưa có chức quan lo việc đê điều, đặc biệt là đê sông Hồng từng hung hiểm nhất Việt Nam không?".

Rồi ông Ninh chậm rãi kể bộ Đại Việt sử ký toàn thư chép tháng 3 năm Mậu Thân (1248), vua sai đắp đê để chống lũ lụt và đặt chức quan hà đê chánh, phó sứ để trông coi. Nơi nào lấy ruộng của dân để đắp đê thì đo đạc trả lại tiền. 

Đến năm 1475, triều đình đặt chức quan hà đê để trông coi việc đào đắp đê điều và làm đường sá. 

Chức quan này tuy không cao nhưng rất quan trọng với một dân tộc có nền văn minh lúa nước và thường xuyên phải chống chọi với việc vỡ đê, nước sông dâng gây chết chóc người dân, tàn phá xóm làng, mùa màng. Ngày nay nhiều đoạn đê sông Hồng vẫn còn trên nền tảng đào đắp của tổ tiên hàng thế kỷ trước. 

Có thể khẳng định nếu người xưa không có tầm nhìn trị thủy và cắt đặt trách nhiệm rõ ràng cho quan hà đê thì cả vùng châu thổ sông Hồng sẽ khó có được lịch sử phát triển đến ngày nay.

"Tôi làm cuốn Từ điển chức quan Việt Nam không chỉ dành cho giới nghiên cứu sử học, mà cho tất cả người Việt được hiểu rõ hơn mỗi khi đọc chuyện gì đó liên quan đến cội nguồn tổ tiên..." - PGS Ninh trò chuyện với tôi và ví dụ chẳng hạn đọc các trang sử vệ quốc bi tráng của người Việt hay có từ "ải mục", nhưng đâu mấy người rõ nghĩa từ này. 

"Ải mục" chính là chức quan trông giữ cửa ải biên giới, phên giậu đầu tiên để bảo vệ bờ cõi quốc gia. Chức vụ xưa này tương đương các chỉ huy lực lượng biên phòng địa phương hiện nay...

Bẵng đi thời gian, chúng tôi không có dịp trò chuyện về cuốn sách này nữa. Đó cũng là giai đoạn PGS Ninh đã gần tuổi 80, sức khỏe yếu dần theo luật nhân sinh. 

Thi thoảng có dịp được hội ngộ ông ở Hà Nội, nếu tôi không chủ ý hỏi tư liệu gì cho bài vở của mình, thì ông hay pha trà, luận bàn chuyện thời cuộc.

Nhắc chuyện Hoàng Sa và trận hải chiến của quân đội VNCH với Trung Quốc, ông nói Việt Nam có cứ liệu vững chắc để khẳng định chủ quyền ở quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

"Đó không chỉ là thư tịch cổ, là những trang giấy ố màu thời gian, mà là dấu vết thực địa rõ ràng của người Việt ở Hoàng Sa. Từ hàng thế kỷ trước, tổ tiên người Việt đã ra đó để cứu nạn tàu đắm, nhặt nhạnh trứng chim trời, sò ốc biển, duy trì các cột mốc khẳng định chủ quyền. 

Mãi đến nửa cuối thế kỷ 20, người Việt vẫn hiện diện ngoài đó, làm nhiệm vụ khoa học, kinh tế và đặc biệt là trấn giữ quần đảo..." - ông Ninh tâm sự thư tịch lịch sử cộng thêm yếu tố thực địa như chứng nhân, chứng cứ khảo cổ thì chủ quyền Việt Nam đã được xác lập rõ ràng, chắc chắn ở quần đảo này và không ai có thể phủ nhận.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 8: Cuốn sách tặng của người bạn đã mất - Ảnh 3.

Thủ bút đề tặng của người vợ PGS Đỗ Văn Ninh - Ảnh: QUỐC VIỆT

Ước nguyện điện ảnh làm phim xứng tầm sử Việt

Trò chuyện với PGS Ninh, tôi nghe rất nhiều tâm sự đau đáu của ông về chủ quyền đất nước. Nhà sử học thâm sâu mà khiêm cung, cởi mở này không dưới vài lần tỏ ý tiếc nuối điện ảnh Việt không được hỗ trợ đủ điều kiện để thực hiện các tác phẩm xứng tầm lịch sử Tổ quốc. 

"Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... đều là những anh hùng lịch sử xứng đáng để quốc gia đầu tư thực hiện các tác phẩm điện ảnh để đời. Không bộ sách sử nào có thể hấp dẫn người dân quan tâm lịch sử bằng tác phẩm điện ảnh trực quan sinh động" - PGS Ninh trải lòng.

Ông tâm sự thêm ngoài ý nghĩa giúp người Việt hiểu sử Việt, phim ảnh lịch sử xứng tầm còn giúp quảng bá Việt Nam với nước ngoài. Điều này, Trung Quốc, Hàn Quốc đã và đang làm rất tích cực. 

"Chẳng hạn, chỉ cần 10 tập phim xứng tầm về Trần Hưng Đạo và vua tôi nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông khét tiếng cũng đủ làm bạn bè thế giới thích thú, quý mến nước Việt" - PGS Ninh tâm sự một ý nghĩa nữa là từ sự mê sử, hiểu sử Việt sẽ giúp dân tộc đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm sâu sắc về công cuộc vệ quốc.

"Lịch sử chiến tranh vệ quốc hào hùng của nước Việt đem lại sự tự hào dân tộc và cũng giúp đời sau đúc kết kinh nghiệm gìn giữ nước nhà. Chiến tranh là cần thiết để vệ quốc, nhưng nếu không cần chiến tranh mà vẫn vệ quốc được thì càng tốt hơn cho xương máu đồng bào" - ý này được PGS Ninh tâm huyết nhắc lại nhiều lần.

Năm 2011, PGS Đỗ Văn Ninh qua đời ở tuổi 80. Tôi không ra được Hà Nội thắp nén hương cho ông, nhưng đã có một bài viết "tiễn đưa" ông. 

Thế rồi công việc cứ cuốn đi, bất ngờ 9 năm sau, chính người vợ cao tuổi của ông đã gửi tặng sách cho tôi. Cảm ơn ông! Người đã khuất xa lâu rồi, nhưng những trang sách ái quốc để tường minh lịch sử nước nhà vẫn còn sống mãi...

Ngoài Từ điển chức quan Việt Nam, PGS Đỗ Văn Ninh còn có các cuốn nghiên cứu sử học giá trị như Thành cổ Việt Nam (1983), Tiền cổ Việt Nam (1992), Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội (2000) và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, khảo cổ khác...

Cuốn Từ điển chức quan Việt Nam được Nhà xuất bản Thông Tấn và Nhã Nam tái bản năm 2020 dày gần 700 trang với gần 2.000 từ mục được giải thích xuyên suốt lịch sử các triều đại Việt Nam.

**************

Tôi thích sách và hay lục tìm sách xưa tại các tiệm sách cũ. Nhưng đâu phải hễ cứ tìm là thấy, muốn là gặp đâu. Lắm khi đi trăm bận mà không thấy cuốn nào ưng ý, không bắt được gà mà còn lỗ nắm lúa nữa!

Kỳ tới: Cái duyên với sách

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.