Hãng Reuters ngày 28.6 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nền kinh tế Mỹ "đang mạnh mẽ" và ông dự báo sẽ không xảy ra suy thoái.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 26.6. REUTERS
Phát biểu được ông đưa ra tại một sự kiện gây quỹ ở bang Maryland hôm 27.6, một ngày trước khi ông đến thành phố Chicago và công bố chính sách kinh tế.
Dự kiến nhà lãnh đạo sẽ công bố tầm nhìn kinh tế mang tên Bidenomics, hàm ý chỉ thuyết kinh tế của ông Biden, trong bối cảnh tổng thống đang đẩy mạnh chiến dịch vận động tái tranh cử.
Sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lạm phát và những trở ngại về chuỗi cung ứng, ông chủ Nhà Trắng đã nỗ lực thể hiện rằng mình đang làm tốt.
"Bidenomics là từ của ngày, của tuần, của tháng, của năm tại Nhà Trắng", theo phó phát ngôn Nhà Trắng Olivia Dalton.
Tên gọi trên gợi nhớ về thuyết kinh tế nhỏ giọt Reaganomics của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, một trong những thuyết kinh tế chủ đạo trong lịch sử phát triển kinh tế của Mỹ.
Theo lý thuyết này, khi chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có, thì những tác động tích cực sẽ được nhỏ giọt xuống các tầng lớp khác.
Chính sách kinh tế này kết hợp các biện pháp giảm thuế với chi tiêu mạnh cho quốc phòng. Điều này giúp nền kinh tế tăng trưởng nhưng lại khiến nợ của quốc gia tăng.
Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống Biden sắp đưa ra có chủ trương khác. Theo bà Dalton, nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào "niềm tin rằng chúng ta phát triển nền kinh tế khi phát triển tầng lớp trung lưu".
Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Lael Brainard, lý thuyết nhỏ giọt thời ông Reagan đã dẫn đến việc các thành phố công nghiệp Mỹ bị bỏ phí khi các công ty ưu tiên thuê ngoài, và việc từ bỏ các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng đầy tham vọng.
Ngược lại, chính sách của ông Biden đang sử dụng nguồn vốn của chính phủ như một chất xúc tác cho "sự bùng nổ chi tiêu của khu vực tư nhân trong xây dựng sản xuất".
Bà Brainard ca ngợi việc tài trợ cho việc mở rộng internet băng thông rộng đến mọi ngóc ngách ở Mỹ cũng tương tự chương trình điện khí hóa của cố Tổng thống Franklin Roosevelt nhằm hiện đại hóa Mỹ vào thập niên 1930.
Phó phát ngôn Dalton cho biết người dân Mỹ sắp chứng kiến những thay đổi khi các dự án được cấp vốn trong chương trình của ông Biden có hiệu quả. Theo bà, mọi người đang chứng kiến những dự án được triển khai, đầu tư tư nhân quay lại và hàng triệu việc làm được tạo ra.
"Với tất cả những thành tựu đó, đây là lúc Tổng thống Biden có thể gửi thông điệp này tới người dân Mỹ và nói rằng đây chính là Bidenomics. Chúng ta chỉ mới bắt đầu thấy những hiệu quả", theo bà Dalton.
Theo thanhnien.vn