Tờ The Wall Street Journal ngày 28.6 dẫn lời giới chức phương Tây cho rằng ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng quân sự tư nhân Wagner, định bắt giới tướng lĩnh quân đội Nga trong cuộc nổi loạn.
Các thành viên Wagner trên xe tăng tại thành phố Rostov-on-Don ở Nga trong cuộc nổi loạn hôm 24.6. REUTERS
Theo đó, Wagner đã định bắt Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov khi 2 người đang đến miền nam, nhưng họ đã sớm phát hiện và tránh bị bắt.
Cơ quan An ninh nội địa Nga (FSB) phát hiện kế hoạch của Wagner nên ông Shoigu và Gerasimov đã thay đổi lịch trình. Điều này khiến ông Prigozhin nổi loạn sớm hơn và hôm 24.6 giành quyền kiểm soát trụ sở của Quân khu miền nam Nga ở thành phố Rostov-on-Don, trung tâm hậu cần và chỉ huy quan trọng của chiến dịch mà Nga đang triển khai tại Ukraine.
Các quan chức Mỹ đã nói với truyền thông rằng họ đã biết trước nhiều ngày về kế hoạch nổi dậy, trong đó ông Prigozhin đã điều một nhóm lực lượng của mình tới Moscow, trước khi bỏ cuộc khi Tổng thống Vladimir Putin gọi nhóm này là "những kẻ phản bội".
Tờ The New York Times dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng tướng Nga Sergei Surovikin đã biết trước về kế hoạch nổi loạn của ông Prigozhin. Việc các quan chức quân sự hàng đầu của Nga phát hiện được âm mưu có thể đã ngăn cản các đồng minh tiềm năng của ông Prigozhin và Wagner tham gia cuộc nổi dậy. Wagner và Moscow chưa bình luận về thông tin trên.
Tranh cãi vụ tấn công Kramatorsk
Đài CNN ngày 28.6 đưa tin Bộ Quốc phòng Nga khẳng định mục tiêu của cuộc tấn công tên lửa tại thành phố Kramatorsk thuộc vùng Donetsk là cơ sở chỉ huy tạm thời của một đơn vị quân đội Ukraine.
Theo đó, Nga phóng tên lửa vào ngày 27.6 nhằm vào cơ sở chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 56 thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Cục An ninh Ukraine ngày 28.6 cho biết đã bắt giữ một người đàn ông bị cáo buộc dò xét tiệm pizza ở Kramatorsk và gửi đoạn phim cho quân đội Nga trước vụ tấn công.
Phía Ukraine cho biết cuộc tấn công nhằm vào một nhà hàng và khu vực lân cận khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định lại rằng Nga không tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, và chỉ nhắm vào hạ tầng quân sự.
Bộ Quốc phòng Nga nói thêm rằng Không quân Nga tiến hành tấn công bằng những vũ khí chính xác cao, nhằm vào các cơ sở lọc dầu và kho dầu cung cấp cho lực lượng Ukraine ở vùng Donbass.
Ukraine nói "sự kiện chính" chưa bắt đầu
Tờ Financial Times ngày 28.6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho hay lực lượng dự bị chính của nước này vẫn chưa được tung vào cuộc phản công. Đây là những lữ đoàn gần đây được huấn luyện tại các nước phương Tây và trang bị các xe tăng, thiết giáp hiện đại của NATO.
Ông Reznikov cho biết việc giành lại một số ngôi làng trong những tuần gần đây là "sự xem trước" của một nỗ lực lớn hơn nhiều trong thời gian sắp tới, và không phải là "sự kiện chính" của chiến dịch phản công.
Trong khi đó, hãng TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng phương Tây "không rút kinh nghiệm từ nỗ lực phản công thất bại của quân đội Ukraine mà còn nghĩ rằng họ có thể thay đổi tình hình theo ý mình bằng cách cung cấp thêm vũ khí".
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng "âm mưu của phương Tây làm suy yếu Nga" bằng cách hỗ trợ Ukraine chắc chắn sẽ thất bại.
Cùng ngày, hãng AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "đang thất bại" trong chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để nói rằng nhà lãnh đạo Nga đã suy yếu bởi cuộc nổi loạn của Wagner.
Tổng thống Ba Lan, Lithuania đến Kyiv
Theo Reuters, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Lithuania Gitanas Nauseda ngày 28.6 bất ngờ đến Kyiv gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nước này gia nhập NATO và EU.
Lãnh đạo các nước EU sẽ họp thượng đỉnh thường kỳ tại Bỉ từ ngày 29-30.6, còn NATO sẽ họp thượng đỉnh tại Lithuania vào 2 tuần nữa.
Văn phòng Tổng thống Lithuania cho hay các bên thảo luận "chương trình nghị sự thượng đỉnh NATO", đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU và sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Kyiv.
Trong khi đó, văn phòng Tổng thống Ba Lan cho hay cuộc hội đàm với ông Zelensky liên quan tình hình hiện tại ngoài mặt trận và công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh NATO vào tháng 7.
Ba Lan và Lithuania nằm trong số những bên rất ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, EU. Lithuania hiện đang mua 2 hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine từ một công ty Na Uy.
Ba Lan nhận lô xe tăng Abrams
Ba Lan hôm 28.6 nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên do Mỹ sản xuất, trong bối cảnh nước này tăng cường năng lực quân sự, theo AFP.
Giới chức Ukraine đã đặt hàng tổng cộng 366 chiếc Abrams từ Mỹ, với lô đầu tiên gồm 14 chiếc đã đến thành phố cảng Szczecin.
"Những chiếc xe tăng đầu tiên đã có mặt trên đất Ba Lan, đây là một ngày quan trọng đối với quân đội Ba Lan. Năm nay chúng tôi sẽ có nhiều xe tăng hơn và họ sẽ thành lập một tiểu đoàn xe tăng Abrams", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak phát biểu và cho rằng đây là mẫu xe tăng "tốt nhất thế giới".
Lô hàng này là một phần của thỏa thuận trị giá 1,4 tỉ USD để mua 116 xe tăng M1A1 Abrams trước đây được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.
Năm ngoái, Ba Lan đã mua thêm 250 chiếc Abrams thuộc biến thể M1A2 hiện đại hơn, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm 2024. "Không phải quốc gia nào cũng có thể có những chiếc xe tăng như vậy, Ba Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ sẽ có xe tăng Abrams phiên bản hiện đại nhất", Bộ trưởng Blaszczak nói thêm.
Theo thanhnien.vn