Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường biển, đảo ở Việt Nam hiện nay
17 Tháng Mười Một 2016 6:00 SA GMT+7
Bước sang thế kỷ XXI, trước sức ép của gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và nhu cầu tăng trưởng kinh tế cao, trong khi các nguồn tài nguyên ở đất liền ngày càng cạn kiệt, tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển là hướng đi đúng đắn nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng phát triển kinh tế to lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường biển, đảo.

Nhận thức rõ tầm quan trọng bảo vệ môi trường biển, đảo

Được đánh giá là một trong mười quốc gia có chỉ số cao nhất chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố nằm ven biển, với tổng số dân gần 44 triệu người; mật độ dân số gấp khoảng 1,9 lần mật độ trung bình của cả nước. Tài nguyên sinh vật biển Việt Nam khá đa dạng và phong phú, với 13 hệ sinh thái lớn. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước có thế mạnh về biển trong khu vực, giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản. Ý thức rõ điều này, trong những năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, khai thác biển, phát triển kinh tế từ biển, đảo và bảo vệ môi trường biển. Ngày 06-5-1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 03-NQ/TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Nghị quyết đã khẳng định, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển; phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị triển khai, như: Chỉ thị 399, ngày 05-8-1993, về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt; Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết 03-NQ/TW. Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”; “… tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm thăm dò dầu khí, khoáng sản biển, nguồn lợi hải sản và năng lượng biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, tiếp tục hiện đại hóa khí tượng - thủy văn”. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua, như: Chiến lược phát triển thủy sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010…

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) khẳng định mục tiêu: “Phát triển mạnh và phát huy vai trò chiến lược của kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vùng biển: mở rộng nuôi trồng và đánh bắt, chế biến hải sản, tiến ra biển xa; khai thác và chế biến dầu khí, phát triển công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, du lịch, dịch vụ; phát triển các vùng dân cư trên biển, giữ vững an ninh vùng biển”(1). Những nội dung nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006). Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007). Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP, 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Nhiệm vụ chiến lược kinh tế “làm giàu từ biển” được xác định, đó là: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Đại hội XI, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển,… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”(2).

Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường biển đã được điều chỉnh cụ thể hơn, rõ ràng hơn như: công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển được tăng cường, kết cấu hạ tầng biển được đầu tư xây dựng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược, xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết nhân dân vùng biển, đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân vùng biển. Do vậy, kinh tế biển đã có sự thay đổi về cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại, như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay

Việc thực hiện những chủ trương, chính sách nêu trên đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Ðến nay, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước (trong đó, riêng kinh tế trên biển chiếm hơn 20% GDP), với quy mô tăng khá nhanh, cơ cấu ngành, nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu đem về một lượng ngoại tệ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hình thành một số trung tâm phát triển để hướng ra biển. Tuy nhiên, hiện nay, “kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước” (3). Trong đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo cũng chưa thật sự hiệu quả, thiếu bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, vì vậy, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao, phát triển kinh tế biển chưa gắn liền với bảo vệ môi trường biển, đảo.

Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững; một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng”(4). Theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển Việt Nam đang tiếp tục suy giảm. Đã có 70 loài hải sản được đưa vào danh sách đỏ để bảo vệ, 85 loài ở tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện trong các năm 2002, 2003 ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện tượng môi trường biển bị hủy hoại diễn ra tại các tỉnh miền Trung trong tháng 4-2016 vừa qua do vụ xả thải từ Công ty Formosa đã gây hoang mang, thậm chí rối loạn, mất trật tự xã hội trong đời sống người dân không chỉ vùng ven biển miền Trung, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển các ngành kinh tế khai thác lợi thế từ biển. Ô nhiễm môi trường biển, đảo Việt Nam có nhiều nguyên nhân, song có một số nguyên nhân chính:

Một là, ô nhiễm môi trường biển từ nuôi trồng và khai thác thủy sản

Để phát triển kinh tế theo hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển, trong những năm qua, Việt Nam đã phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nhưng do hiện tượng nuôi thủy sản tràn lan, không có quy hoạch, còn mang tính tự phát của người dân là chủ yếu nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Quá trình nuôi trồng thủy sản làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển, nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng trong nuôi trồng. Bình quân 1 héc-ta nuôi tôm thải ra môi trường khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải trong một vụ nuôi. Với tổng diện tích nuôi tôm hiện nay hơn 600 nghìn héc-ta sẽ có gần 3 triệu tấn chất thải rắn thải ra mỗi năm.

Hai là, nhiều chất thải công nghiệp chưa được xử lý, đổ thẳng ra cửa biển

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với tốc độ phát triển kinh tế quá “nóng” như hiện nay, có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ lục địa mà chủ yếu là do chất thải từ các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống sử dụng công nghệ lạc hậu chưa qua xử lý. Với hơn 100 con sông chảy ra biển, khoảng 880 km3nước/năm và 270 - 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, kim loại nặng, nhiều chất độc hại từ các khu công nghiệp, đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Môi trường biển bị ô nhiễm đã dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học biển, điển hình là vụ xả thải của Công ty Formosa làm cá chết, hủy hoại rặng san hô, đóng cửa các bãi biển du lịch ở các tỉnh miền Trung.

Ba là, biển ô nhiễm do tràn dầu

Tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn đã làm gia tăng mạnh lượng tiêu thụ xăng dầu. Lợi ích kinh tế dẫn đến tình trạng khai thác dầu quá mức. Hậu quả là một lượng dầu rất lớn bị rò rỉ ra môi trường biển do hoạt động của các tàu và do các sự cố hư hỏng hay đắm tàu chở dầu, do sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu. Theo đánh giá của Viện Khoa học và Tài nguyên môi trường biển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ năm 1989 đến nay, vùng biển Việt Nam có khoảng 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, các vụ tai nạn này đều đổ ra biển từ vài chục đến hàng trăm tấn dầu. Điển hình như vụ tai nạn tàu Neptune Aries làm tràn 1.865 tấn dầu (năm 1994) tại cảng Sài Gòn đã gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn Cần Giờ. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm, hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.

Bốn là, ô nhiễm môi trường biển, đảo do phát triển du lịch

Phát triển du lịch được cho là ngành công nghiệp không khói và đang là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế. Du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Tốc độ tăng trưởng hơn 14%/năm, gần gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Song, ngành này cũng đang trở thành một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển, đảo. Ngành du lịch biển đã phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch và công tác quản lý kém, công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa được đầu tư xử lý nước thải nên chủ yếu xả thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, dân số tăng nhanh và di dân tự do

Tỷ lệ tăng dân số ở vùng biển thường cao hơn trung bình cả nước do nhu cầu cần người đi biển khai thác tài nguyên phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là sức ép từ việc phát triển kinh tế hướng ra biển, làm giàu từ biển đã dẫn đến việc gia tăng di dân tự do. Dân số tăng cao làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ tài nguyên và thải vào môi trường biển lượng lớn chất thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường biển.

Khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển vẫn còn xa lạ đối với phần lớn ngư dân. Bởi họ vốn là những người nghèo đến vùng ven biển hoặc các đảo để sinh sống, hình thành các “vạn chài”. Tập quán và phong tục sống còn lạc hậu, học vấn thấp do không có điều kiện học tập nên nhận thức về môi trường và tài nguyên biển của đại bộ phận dân cư ở đây vẫn còn thấp. Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên còn rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác.

Một số giải pháp

Có thể nói, sự trường tồn của biển phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển. Hay nói cách khác, phụ thuộc vào việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Xác định rõ điều này, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững”(5). Mục tiêu phát triển kinh tế biển cũng được Đảng đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, hải đảo nhằm phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của các ngành, các cấp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện, trên nguyên tắc “sử dụng và khai thác” phải đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”. Đó chính là chìa khóa mở rộng cửa cho kinh tế biển Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trước hết, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình Biển Đông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển nhằm bảo vệ môi trường lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác trên biển theo tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, cố gắng thu hẹp bất đồng, tìm kiếm giải pháp ổn định lâu dài mà các bên chấp nhận được. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, chủ quyền biển, đảo và quyền lợi quốc gia trên biển.

Thứ hai, cần ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo bằng cách xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể về sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế cho từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương như Đại hội XII đã khẳng định: “Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển”(6). Theo đó, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản về tài nguyên biển và thực trạng ô nhiễm môi trường biển, đảo để có phương án bảo vệ môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển gắn với phát triển mạnh các ngành dịch vụ. Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, kinh tế ven biển gồm: khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, căn cứ vào thực trạng ô nhiễm môi trường biển, đảo nước ta hiện nay, cần tổ chức tuyên truyền sâu, rộng Luật Bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến mọi tầng lớp nhân dân. Sớm ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường biển, đảo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt tới các ngành, các lĩnh vực sử dụng biển cần áp dụng phương pháp khai thác tài nguyên biển, hệ sinh thái biển theo hướng tiếp cận hệ sinh thái như áp dụng các công nghệ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản thân thiện môi trường. “Kiểm soát các hoạt động khai thác; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ”(7). Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các nơi cư trú đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái. Phát triển và đa dạng hóa các ngành, nghề để tăng khả năng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển, giúp cho công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển và ven biển được tốt hơn. Đào tạo nghề nghiệp cho ngư dân, nâng cao kiến thức ứng phó với biển đổi khí hậu cho cư dân vùng biển. Đây là những việc làm thiết thực, tạo cầu nối vững chắc giữa các cơ quan quản lý từ cấp Trung ương, địa phương với những doanh nghiệp hoạt động kinh tế biển và nhân dân vùng duyên hải./.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.