Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thành công tốt đẹp
16 Tháng Năm 2017 7:06 SA GMT+7
Ngày 15-5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11 đến 15-5-2017.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị người đứng đầu Nhà nước sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội XII, tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và bầu ra Ban lãnh đạo mới. 

Trung Quốc đang trong giai đoạn triển khai Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công “xã hội khá giả toàn diện” vào năm 2020 và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thành công tốt đẹp. Đảng và Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm, đón tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam trọng thị, thân tình, với những nghi lễ cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc gồm Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh và Bí thư Ban Bí thư Lưu Vân Sơn. Chủ tịch nước cũng tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Vương Gia Thụy, Chủ tịch Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung - Việt, thân nhân các cựu cố vấn Trung Quốc từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến và các bạn bè Trung Quốc đã đóng góp vào hợp tác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 

Tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc. 

Ngoài Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đã đến thăm tỉnh Phúc Kiến, địa phương giàu truyền thống lịch sử và là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc; tiếp Bí thư Tỉnh uỷ và Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến.

Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo cấp cao và gặp gỡ với các giới của Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thông báo những nội dung quan trọng trong đường lối của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng, chân thành mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc vì lợi ích của hai nước và đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí về xu thế phát triển tích cực trong quan hệ hai nước trong thời gian qua và đánh giá cao ý nghĩa, những kết quả đạt được của các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (tháng 1-2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 9-2016) và các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước.

Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về phương hướng và các biện pháp lớn nhằm tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác, duy trì hòa bình và đà phát triển lành mạnh, ổn định trong quan hệ hai nước, thể hiện trên một số phương diện cụ thể như sau:

Một là, củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Hai bên nhất trí duy trì truyền thống tiếp xúc mật thiết giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước bằng hình thức linh hoạt để kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng trong quan hệ song phương, cũng như tình hình quốc tế và khu vực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định sẽ sang thăm Việt Nam, dự Hội nghị cấp cao APEC 2017. 

Hai là, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có. Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương trong việc điều phối, thúc đẩy thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng, tổ chức tốt Cuộc gặp giữa đại diện hai Bộ Chính trị; tăng cường giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước. 

Ba là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phát triển cân bằng, hiệu quả. Hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi và nhất trí về các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững. Trong đó, hai bên tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai kịp thời, có chất lượng các kế hoạch, chương trình, dự án đã thỏa thuận. Về vấn đề phát triển cân bằng thương mại song phương, Trung Quốc sẽ cùng triển khai các công việc như ưu tiên đánh giá tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc đối với sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả của Việt Nam, tiếp tục hợp tác thương mại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó có gạo, sắn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở thêm các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc triển khai các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và đề nghị Trung Quốc cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. 

Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại hai cuộc Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh với sự tham dự của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cùng đại diện của khoảng 350 doanh nghiệp Trung Quốc và tại Phúc Kiến với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp của tỉnh. Chủ tịch nước đã tiếp Lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn, có nhiều hợp tác với Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học, công nghệ và giao thông vận tải. Hai nước sẽ cùng triển khai các biện pháp hợp tác về lai tạo các giống lúa thích hợp với điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước qua biên giới, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ, quản lý, giám sát an toàn hạt nhân và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước.

Bốn là, mở rộng hợp tác văn hoá, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, các địa phương và báo chí hai nước, qua đó củng cố cơ sở xã hội cho tình hữu nghị Việt - Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển lành mạnh và ổn định. 

Năm là, kiên trì xử lý thỏa đáng bất đồng, ổn định tình hình trên Biển Đông. Hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành và cởi mở về vấn đề Biển Đông. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông; đề nghị hai bên xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá và hoạt động của ngư dân; không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến xu thế phát triển của quan hệ hai nước và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực.

Hai bên nhất trí nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, phát huy tốt các cơ chế đàm phán hiện có, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp; duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung và ký kết 5 văn kiện hợp tác gồm: Thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong tình hình mới giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước về việc Trung Quốc cung cấp khoản viện trợ 200 triệu Nhân dân tệ trong năm 2017 và Hiệp định vay bổ sung tín dụng ưu đãi cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số thoả thuận hợp tác và hợp đồng kinh tế. 

PV: Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả chính của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” cũng như đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn này?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” diễn ra từ ngày 14 đến 15-5-2017 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Khoảng 1.200 đại biểu từ trên 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực doanh nghiệp và giới học giả đã tham dự Diễn đàn. Hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn là Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo tổ chức vào ngày 15-5-2017 với sự tham gia của Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Tập Cận Bình và gần 30 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ngân hàng thế giới và Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế. 

Tại Diễn đàn cấp cao, lãnh đạo các nước và đối tác quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hình thức hợp tác song phương, ba bên, khu vực và đa phương trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc với cơ hội và thách thức đan xen, theo đó hoan nghênh Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Các kinh nghiệm và kết quả đạt được liên quan đến việc triển khai trên thực tế của Sáng kiến đã được giới thiệu tại Diễn đàn. Các nước và đối tác quốc tế tham gia đã trao đổi ý kiến về mục tiêu, nguyên tắc và biện pháp hợp tác trong thời gian tới. 

Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” đã thông qua Thông cáo chung đề cao tinh thần hòa bình, hợp tác, bình đẳng, minh bạch, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và thể hiện mong muốn cùng nỗ lực qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” trong sự kết hợp với các sáng kiến kết nối khác để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các nguyên tắc chính cho hợp tác cũng được đề ra, trong đó có việc tham vấn bình đẳng, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cùng có lợi và bảo đảm sự cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. 

Thông cáo cũng nêu các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực giao thông, thương mại, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và giao lưu nhân dân theo hướng gợi mở các nước xem xét hợp tác. Cụ thể như việc tăng cường đối thoại chính sách, thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa các quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo vệ đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác về giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể thao, du lịch, y tế và truyền thông. 

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Diễn đàn và quá trình xây dựng các văn kiện. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu tham luận tại cả hai phiên sáng và chiều ngày 15-5 về các chủ đề “Tăng cường kết nối chính sách làm sâu sắc quan hệ đối tác” và “Hợp tác kết nối vì phát triển trong liên kết”. Trong đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” nói riêng để thúc đẩy kết nối kinh tế đa quốc gia, liên khu vực, liên lục địa trong bối cảnh thế giới ngày càng gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau với những cơ hội và thách thức đan xen. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu những định hướng lớn để đạt được hợp tác bền vững, hiệu quả, vì lợi ích chung của các quốc gia; nhấn mạnh sự hợp tác cần gắn với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, phối hợp hài hòa với các cơ chế khu vực và toàn cầu hiện có, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả, xuất phát từ như cầu phát triển của các quốc gia, khu vực, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tự nguyện, cùng có lợi. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã chia sẻ kinh nghiệm và những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối khu vực, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030. 

Các ý kiến đóng góp của Việt Nam được Hội nghị đánh giá cao và nhiều nội dung được phản ánh trong Thông cáo chung. Đoàn Việt Nam cũng tham gia đóng góp dưới nhiều hình thức tại các hoạt động khác của Diễn đàn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và dự Diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có một loạt các cuộc gặp song phương với Lãnh đạo cấp cao các nước như CHDCND Lào, Nga, Italia, Nhật Bản, Myanmar, Argentina, Chile, Pakistan, Belarus và các cuộc tiếp xúc ngắn bên lề với Thủ tướng Campuchia, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Sri Lanka, Tổng thống Uzbekistan, Tổng thống Thụy Sĩ, Thủ tướng Hungary, Thủ tướng Serbia.

Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch nước đã thảo luận với Lãnh đạo các nước những biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương cũng như tăng cường hiệu quả phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo các nước đánh giá cao những thành tựu phát triển mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, khẳng định coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Nhiều lãnh đạo hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Thành công tốt đẹp của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Các hoạt động phong phú, thực chất trong khuôn khổ chuyến thăm và tại diễn đàn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu Việt Nam đã góp phần tích cực vào sự tiến triển thực chất trong hợp tác Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới, khẳng định thiện chí và vai trò của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác và kết nối quốc tế vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

 
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.