Nga-Mỹ trước ngưỡng cửa chiến tranh kinh tế
20 Tháng Tám 2018 8:27 SA GMT+7
Antg.cand.com.vn - Trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang “lao đao” giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Donald Trump tiếp tục tuyên bố áp đặt trừng phạt Nga với cái cớ liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow coi việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga là một tuyên bố chiến tranh kinh tế.

“Nghiện” trừng phạt

Theo dự đoán của nhà phân tích Julian Evans-Pritchard, thuộc văn phòng Capital Economics, có thể sẽ có “một sự thay đổi lớn các luồng thương mại”. Tờ Washington Post phân tích: Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và hiện nay là chính sách thuế quan nhằm bắt các nước khác phải làm theo ý muốn của ông. 

Chính quyền Mỹ cho rằng những biện pháp trừng phạt khắt khe mang CHDCND Triều Tiên đến bàn đàm phán. Hiện giờ Tổng thống Donald Trump hy vọng rằng việc khôi phục lại các biện pháp trừng phạt Iran cũng sẽ buộc nước này phải mặc cả với Mỹ và xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới.

 

Nhưng cơ sở để những biện pháp trừng phạt này có tác dụng như là công cụ chính sách đối ngoại là không thuyết phục. Có một số mối lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lạm dụng quá mức các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong khi phớt lờ các khía cạnh khác của chính sách đối ngoại như đàm phán hay phối hợp với đồng minh. 

Trong bài báo gần đây, phóng viên Carol Morello của tờ Washington Post chỉ ra việc chính quyền ông Trump sử dụng thường xuyên các biện pháp trừng phạt như thế nào. Bà phát hiện rằng, chỉ trong vòng một tháng (tháng 2/2018), Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với CHDCND Triều Tiên mà còn với các cá nhân và tổ chức ở Colombia, Libya, Pakistan, Somalia, Philippines, Lebanon...

Việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt không phải là một ý tưởng mới mà đã có từ hàng trăm năm trước. Nghiên cứu học thuật cho thấy các biện pháp này không mang lại hiệu quả như dự định. Một nghiên cứu nhằm vào 200 biện pháp trừng phạt từ năm 1914 đến năm 2008 phát hiện rằng chỉ có 13 biện pháp trừng phạt rõ ràng là công cụ để đạt được mục đích của người sử dụng. 

Vấn đề không hẳn là chúng không thể gây ra sự tàn phá về mặt tài chính cho kẻ địch, đặc biệt là với sức ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu. Vấn đề là sự tổn thất này thường có đóng góp gì đối với chính sách đối ngoại. Đây là bài toán đặc biệt hóc búa đối với chính quyền Tổng thống Trump vốn thường sử dụng các biện pháp trừng phạt thay thế cho chính sách đối ngoại.

Xem xét vấn đề Triều Tiên để đánh giá sự thành công của các chế độ trừng phạt. Sau khi CHDCND Triều Tiên phát triển nhanh chóng chương trình hạt nhân vào năm 2017, Mỹ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt đơn phương và đa phương (thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) nghiêm khắc nhất đối với CHDCND Triều Tiên. 

Những biện pháp này gây tổn thất: Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính rằng nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đã chịu sự sụt giảm nghiêm trọng nhất trong hai thập niên vào năm 2017. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt có vẻ như ít nhất cũng đóng vai trò hỗ trợ trong việc tiết chế hành vi của nước này và giúp mở đường cho hội nghị giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12/6 vừa qua. Nhưng bản thân hội nghị đó không phải là mục tiêu. Từ góc độ của Mỹ, mục tiêu là buộc CHDCND Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa và ở khía cạnh đó thì các biện pháp trừng phạt không có tác dụng lắm.

Chỉ hai tháng sau hội nghị, các nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên đang đấu khẩu với những người đồng cấp Mỹ. Thậm chí, giới quan chức và chuyên gia Mỹ có sự chấp nhận ngày càng tăng rằng phi hạt nhân hóa có thể không xảy ra. Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên, nói: "Các quan chức thừa nhận họ hiểu phi hạt nhân hóa không còn là một mục tiêu thực tế". 

Có vẻ như Tổng thống Trump đang dùng các biện pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên để áp dụng vào Iran. Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran 2015 và bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. 

Tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani "bất cứ lúc nào" mà không có điều kiện tiên quyết. Đối với nhiều người, đây là sự lặp lại của chiến thuật hoài nghi - đe dọa, trừng phạt, sau đó là một cuộc gặp. Điều này khó mang lại những kết quả có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Iran là quốc gia có xã hội dân sự phức tạp và chia rẽ, sẽ khó có thể tuân theo sự lãnh đạo nào được. Phóng viên Ishaan Tharoor của tờ Washington Post cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể không làm suy yếu mà càng làm mạnh thêm quyết tâm của lãnh đạo Iran.

Nước Nga đã sẵn sàng

Trở lại với câu chuyện giữa Nga - Mỹ, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới, sau khi Washington kết luận rằng Moscow đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông này tại Anh. 

 

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ được thực hiện thành 2 đợt, trong đó đợt đầu tác động lớn nhất, bao gồm việc cấm cấp phép xuất khẩu các mặt hàng an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga. Các mặt hàng này bao gồm công nghệ khí đốt và dầu mỏ, một số mặt hàng điện tử và cảm biến...

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, Moscow sẽ coi việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga là một tuyên bố chiến tranh kinh tế. Truyền thông Nga dẫn phát biểu của Thủ tướng Medvedev nêu rõ: "Nếu một lệnh cấm nào đó được áp đặt đối với các hoạt động ngân hàng hay việc sử dụng bất kỳ loại tiền tệ nào, có thể gọi rõ đó là một tuyên bố chiến tranh kinh tế".

Điện Kremlin chỉ trích lệnh trừng phạt trên là trái với luật pháp quốc tế, "hoàn toàn không thân thiện", đi ngược lại bầu không khí xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan hồi tháng trước.

Tờ Les Echos cho biết, sau khi Mỹ quyết định trừng phạt Nga, chỉ số chứng khoán RTS đã mất ngay 3% giá trị. Cổ phiếu của hãng hàng không Aeroflot sụt mất 10%. Đồng ruble rơi xuống mức thấp nhất kể từ 2016 khi phải có 66 đồng ruble mới đổi được 1 USD, tạo ra tình trạng bán tháo vì lo ngại Nga sẽ mắc kẹt trong một vòng xoáy trừng phạt không hồi kết. 

Thiệt hại đối với các mặt hàng công nghệ xuất khẩu, nhất là thiết bị điện tử, có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Theo ngân hàng Nga Alfa, việc Mỹ trừng phạt có thể làm giảm nhiệt tình và lòng tin nơi các nhà đầu tư, trong đó biện pháp dự kiến cấm mua lại nợ của Nga là nguy hiểm nhất.

 

Vladimir Vasilyev từ Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada nhận định, động thái này của Washington đồng nghĩa với việc hai nước đang “trượt vào một cuộc chiến kinh tế” và quan hệ song phương đang tiến tới “mức không thể vãn hồi”. Theo nhà khoa học chính trị Nga Yevgeny Minchenko, điều quan trọng đối với giới chức Mỹ là họ cần chứng minh họ cứng rắn hơn với Nga so với chính quyền Obama nhằm chứng tỏ chính quyền ông Trump không hề sợ đối đầu với Nga khi cần.

Dù sự thù địch giữa Moscow và Washington đang căng thẳng tới mức không khác gì thời hậu chiến song chuyên gia Leonid Polyakov, làm việc tại Trường Kinh tế Moscow, cho rằng hai cường quốc hạt nhân này khó có thể đẩy căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát.

Trước “đòn tấn công” từ Mỹ, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận với các thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga về lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga. Tuy nhiên, ngày 13/8, Tổng thống Nga chưa ra lệnh đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng còn quá sớm để nói về các biện pháp đáp trả của Nga trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Đọc vị?

Gần một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin "tay bắt mặt mừng" tại Helsinki (Phần Lan), việc Washington vào thời điểm này tuyên bố sẽ trừng phạt Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái là Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 3 ở Anh, được cho là khá bất ngờ. Bởi câu chuyện vụ đầu độc kể trên cho tới nay vẫn gây tranh cãi, dù cả hai cha con cựu điệp viên đều đã bình phục. 

Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép, đồng thời nhấn mạnh không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga.

Trên thực tế, Moscow đã không ít lần thử và cũng từng thành công trong việc làm mới những nỗ lực hàn gắn rạn nứt với Washington kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ hồi năm 2016. Việc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau trong cuộc hội đàm tại Helsinki từng được coi là một minh chứng cụ thể cho sự thành công của các nhà ngoại giao Nga trên con đường thực hiện mục tiêu này. Nhưng sự kiện tưởng như một "chiến thắng ngọt ngào" này lại trở nên "đắng chát" sau tuyên bố mới của Washington.

Bên cạnh thông báo về các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vụ đầu độc điệp viên Skripal, báo giới Mỹ gần đây cũng liên tục đưa thông tin Nhà Trắng đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống Donald Trump trừng phạt những người nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Những bước đi rõ ràng cho thấy chính quyền ông Trump đang muốn dập tắt những chỉ trích có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, đặc biệt trong mối quan hệ với Nga. Giới chuyên gia cũng nhìn nhận tuyên bố mới này hoàn toàn có thể đặt dấu chấm hết cho những hy vọng về một tương lai thuận hòa Nga-Mỹ.

Những diễn biến trên một lần nữa cho thấy sự phức tạp trong những chính sách điều chỉnh quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga, mối quan hệ đặc biệt vốn được cho là có sức ảnh hưởng lớn tới tình hình địa - chính trị toàn cầu. Mọi biểu hiện bề ngoài chưa chắc đã phản ánh đúng nội dung bên trong, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Trump vừa mới lên cầm quyền và cần khéo léo cả trong đối nội lẫn đối ngoại để nhận được sự ủng hộ từ nội bộ nước Mỹ. Dù ông chủ Nhà Trắng từng khẳng định "là hai cường quốc, Nga và Mỹ cần đồng hành" vì tương lai tươi sáng, song khi nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, rõ ràng quan hệ Nga và Mỹ vẫn trong tình thế bấp bênh chưa thể dự đoán trước.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Sputnik, tiến sỹ khoa học chính trị của Đại học Thái Bình Dương Ildus Yarulin lưu ý rằng sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy. Ông nói: “Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt (của Mỹ) sẽ khiến Nga thiệt hại. Các biện pháp trừng phạt này tuy không phải là một mối đe dọa quá nghiêm trọng nhưng có thể khiến Nga chậm lại trong quá trình xử lý một số vấn đề liên quan đến kinh tế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Nga, nhất là khi Mỹ áp dụng phần thứ hai của các biện pháp trừng phạt liên quan đến hoạt động của cấu trúc tài chính.

Cũng trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik, giáo sư - tiến sĩ Ildus Yarulin cho rằng, bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, Mỹ không chỉ nghĩ về vấn đề kinh tế mà còn toan tính những ý đồ chính trị liên quan đến nội bộ nước Mỹ. 

“Trước hết là cuộc đấu tranh chính trị ở Mỹ. Các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra ở cấp tiểu bang cho thấy đảng Cộng hòa chưa thể vui mừng được. Cũng khó có thể nói rằng phe đối lập (đảng Dân chủ) sẽ có những vị trí vững chắc trong Thượng viện và Quốc hội. Và thật không may, lá bài chống Nga đang được chia cho tất cả mọi người”, ông Ildus Yarulin vạch ra bản chất vụ việc này.

Hoa Huyền

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.