Dấu ấn không thể quên của những nhà báo nơi “đầu sóng ngọn gió”
23 Tháng Sáu 2019 8:22 CH GMT+7
(BVPL) - Đã “trót theo” nghiệp làm báo, ai cũng muốn ít nhất một lần trong đời cầm bút được đặt chân đến Trường Sa, nhà giàn DK1, thềm lục địa phía Nam, vùng hải đảo xa xôi mà vô cùng gần gũi với bao thế hệ người Việt. Chẳng thế mà chuyến công tác nào ra Trường Sa, hay nhà giàn DK1 cũng có mặt các nhà báo. Đông đảo nhất, có chuyến cùng lúc hơn 50 nhà báo tỏa đi hầu khắp các đảo chìm, đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa hoặc lênh đênh nhiều ngày trên biển để đến với các nhà giàn DK1. Được gặp gỡ, giao lưu, được viết về lính hải quân thực sự là hạnh phúc của những người làm báo.

“Tắm kiểu lính” trên tàu

Với nhiều người, đi Trường Sa hay đi tuyến nhà giàn DK1 không chỉ là trải nghiệm mang nhiều tính chất công việc, mà còn là sự đam mê... Cùng là dân làm báo lâu năm, chuyện đi công tác như cơm bữa, song trước ngày xuống tàu ra biển, tôi vẫn được bạn bè tổ chức tiệc tiễn đi như tiễn người “ra trận”. Người từng đến Trường Sa rồi thì thao thao kể chuyện lính đảo và đoán chắc “đây sẽ là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất của đời ông”, người chưa được ra đảo thì xuýt xoa trách móc rằng “có mối ra đó mà không rủ bạn”…

Sóng lớn, tàu không tiếp cận được nhà giàn, việc tặng quà và cung cấp lương thực được thả xuống biển và kéo vào nhà giàn. 

Chuyến ấy tôi đi cùng đoàn các nhà hảo tâm ra thăm và tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Thời điểm cuối năm là thời điểm đi đảo khó khăn nhất vì thời tiết mùa biển động rất khó lường về mức độ nguy hiểm của biển cả.

Tàu rời cảng mang theo nhiều tình cảm của đất liền gửi đến đảo và nhà giàn, bỏ lại sau tiếng còi tàu là những cái vẫy tay tiễn đưa xa dần và những giọt nước mắt bịn rịn cũng bắt đầu vơi đi nhường lại cho một cảm xúc mới khi tàu bắt đầu chạm cửa biển, những đợt lắc nhẹ của tàu cũng làm nôn nao gan ruột đối với những ai lần đầu đi biển. Cuộc sống trên tàu bắt đầu được ổn định khi các thành viên trong đoàn ăn “bữa cơm lính” trên chuyến tàu vận tải Trường Sa 19. Không như những đoàn khác đi trên các con tàu hiện đại như KN490, KN491 hay HQ... Đoàn chúng tôi đi trên con tàu vận tải được sản xuất từ năm 1990 với biên chế 28 người, thế nhưng, chuyến đi này ngoài hàng hóa, quà Tết, con tàu sắt này còn “cõng” thêm gần 40 nhà báo, phóng viên cùng nhiều nhà hảo tâm.

Là một phóng viên của Báo Quân đội nhưng Trung Thành cũng chưa bao giờ được tắm “kiểu lính” như lần này, tàu lắc mạnh, phòng tắm thì bé nên khi tắm phải bám vào ống nước hoặc bám vào một ai đấy, cảm giác khi cùng giới “lính trơn” chạm vào nhau, đúng là xấu hổ lắm, Trung Thành chia sẻ. Còn anh Danh Xà Lạch, người Khmer thì tranh thủ khi mọi người ngủ trưa để tắm vì anh chàng chưa đủ can đảm khi tắm “kiểu lính”.

Minh Trường - phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đã nhiều lần đi đảo nên có kinh nghiệm trong việc “tắm kiểu lính”. Lúc nào gã cũng sạch sẽ, mấy bữa sóng to, gã sợ lạnh nên chỉ tắm khô, xong việc tắm rửa, gã lụi cụi ra bếp vác đồ ăn về phòng cho anh em rồi trốn lên cabin vì “say sóng quá, ngồi lại có gì trong bụng lại cho ra hết thì khổ cả nhà”. Thế mà, chỉ cần sóng ngớt, tàu đỡ lắc là gã lại ngâm nga mấy bài thơ “châm” làm chị em cứ bấm nhau cười rúc rích. Lên đảo, gã lê la khắp nơi với cái dáng vẻ “Hai Lúa” rất dễ gần, rỉ rả tâm sự với lính. Về tàu, gã hí hửng bảo tôi: “Mình cứ lo ra đảo không biết viết thế nào cho khỏi trùng, vì báo chí viết về Trường Sa quá nhiều rồi. Giờ thì yên tâm “chơi” phóng sự dài kỳ. Phải viết luôn mới được”.

Chuyện tắm tập thể trên tàu Trường Sa 19 là câu chuyện được kể thường xuyên và có nhiều giai thoại xung quanh phòng tắm cuối con tàu, mặc câu chuyện đấy đã rất lâu rồi nhưng mỗi lần anh em báo chí hội ngộ lại là câu chuyện như mới và những cảm xúc lại ùa về như mới ngày nào.

Nhà báo đu dây lên nhà giàn DK1

Nhà giàn DK1 là cụm dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được Việt Nam xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam đất nước, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. Trên khu vực biển Đông, Việt Nam đã xây dựng cụm 7 khu vực nhà giàn, mỗi nhà giàn là một Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật (DVKT-KHKT), giao Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý.

Sau nhiều lần chúc Tết qua sóng, tặng quà qua dây, cuối hành trình, biển bớt động, sóng gió bớt dữ dội nên đoàn công tác mang Tết đến các Nhà giàn DK1 may mắn được chung vui đón Xuân sớm với cán bộ, chiến sĩ một số nhà giàn. Cuộc gặp gỡ đặc biệt nơi đầu sóng, ngọn gió khiến mỗi người đều có một niềm cảm xúc khó tả. Giữa trời nước mênh mông, mọi người cùng chúc nhau một năm mới an khang, hạnh phúc trong cái ấm áp của mùa Xuân đang tới.

Sau nhiều lần không thể lên nhà giàn bằng thang thường, vì vậy, mọi người trong đoàn công tác được “cẩu” lên nhà giàn bằng “đường không” tại nhà giàn DK1/10. Nếu ai chưa một lần lên nhà giàn bằng thang dây, bằng cẩu hoặc ròng rọc kéo thì chắc chắn chưa hình dung ra cái cảm giác khi ấy như thế nào? Từ trên tàu, mỗi đợt 1 người khách ngồi lên ghế gỗ được thắt bằng dây thừng thả từ trên nhà giàn xuống, mọi người đùa rằng đang ngồi cáp treo thẳng đứng, còn bộ đội hải quân thì gọi bằng từ chuyên môn là “cẩu dây”. 

Chị em làm báo cũng không chịu kém cạnh các đồng nghiệp nam giới, hình như họ còn có phần hăng hái hơn. Cẩm Tú phóng viên Đài truyền hình Thái Nguyên là nữ thủy thủ “tàu ngầm” bởi cô nàng say mấy ngày liên tục, bỏ cả cơm, cháo nhưng khi tàu thông báo lên nhà giàn thăm lính thì như có thuốc tiên, nàng hăng hái và nhanh nhẹn lạ thường. Phóng viên Quỳnh Anh, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng không chịu kém cạnh, mặc chân chạm nước mấy lần do nhịp kéo không đều và cũng do sóng lớn nên làm xoay hướng, cô nàng reo lên vui sướng khi được đặt chân lên tấm lưới sắt của nhà giàn cùng những giọt nước mắt bỗng tuôn trào, hai vai rung rung vì quá xúc động.

Còn Phương Dung – phóng viên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam thì kể lại với tôi mà mắt vẫn rớm lệ: “Có mấy cậu lính trẻ cứ gãi đầu… xin ôm chị một cái cho đỡ nhớ đất liền. Em bảo muốn ôm bao nhiêu cũng được”. Tôi trêu Phương Dung: “Nếu anh hoặc anh nào trong đoàn cũng muốn được như lính biển thì sao?”. Dung cười nhưng trả lời rất nghiêm chỉnh: “Anh mà khoác áo lính ra đây bảo vệ thềm lục địa thì chính em sẽ ôm anh”.

Chuyện những nhà báo xông pha nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, nhà giàn DK1 thềm lục địa phía Nam có thật nhiều câu chuyện đã được kể. Đó là tình cảm của đất liền với những người lính đảo. Là phút giây gặp gỡ vỡ òa trong cái bắt tay thật chặt, là những cơn sóng dữ vượt mạn tàu chuếnh choáng, là cái nắng cháy da, gió hút trong vị mặn mòi của biển... Để rồi, ngoài khơi xa - nơi ở của những chàng trai giữ biển đã và sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho chúng tôi trong mỗi trang viết về người lính hải quân bảo vệ biên cương Tổ quốc./.

Theo baovephapluat.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.