Vì sao Pháp giận dữ khi Mỹ và đồng minh lập thỏa thuận lịch sử?
18 Tháng Chín 2021 8:00 CH GMT+7
Dân trí - Pháp có thể chịu nhiều thiệt hại khi Australia rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD và chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh.

Chính phủ Pháp cảm thấy bị phản bội khi Australia rút khỏi thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD, thay vào đó đồng ý mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua một thỏa thuận mới với Mỹ và Anh.

Vì sao Pháp giận dữ khi Mỹ và đồng minh lập thỏa thuận lịch sử? - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đứng trên boong HMAS Waller, một tàu ngầm lớp Collins do Hải quân Hoàng gia Australia vận hành, tại Garden Island ở Sydney năm 2018 (Ảnh: AFP).

Nỗ lực cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một phần của quan hệ đối tác 3 bên mới giữa Mỹ, Australia và Anh với tên gọi "AUKUS". Đây cũng là bước đi quan trọng để Mỹ và các đồng minh đối phó với Trung Quốc khi Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tập hợp sự ủng hộ quốc tế trong cách tiếp cận của ông với Bắc Kinh.

Các quan chức cấp cao của Pháp cho rằng thỏa thuận AUKUS là một "cú đâm sau lưng". Pháp đã ngay lập tức triệu hồi đại sứ của nước này tại Mỹ để "tham vấn". Đây được cho là lần đầu tiên Pháp có động thái như vậy trong lịch sử hiện đại.

Đại sứ Pháp tại Australia cũng bị triệu hồi. Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng hủy bỏ tiệc chiêu đãi sắp tới tại Đại sứ quán Pháp ở Washington.

Thiệt hại tiềm tàng của Pháp

Ngày 16/9, sau khi thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh được công bố, Australia chính thức tuyên bố sẽ rút khỏi hợp đồng đóng tàu ngầm thông thường trước đây với Pháp. Trước đó, Australia đã lên kế hoạch mua 12 tàu ngầm tấn công thông thường từ tập đoàn đóng tàu hải quân của Pháp.

Theo CNN, Pháp có thể mất số tiền tương đương 65 tỷ USD từ thỏa thuận hiện có để cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel thông thường. Một số nguồn tin cho biết chính quyền Pháp có thể sẽ yêu cầu Australia bồi thường hợp đồng, nhưng hiện chưa rõ mức bồi thường sẽ là bao nhiêu.

Thỏa thuận bị hủy bỏ với Pháp, nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, được cho là sẽ tạo ra tác động kinh tế đáng kể đối với lĩnh vực quốc phòng của Pháp.

Pháp cũng mất vị thế về mặt chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi nước này có những lợi ích quan trọng.

Một tác động khác có thể xảy ra sau cơn giận dữ của Pháp là nước này sẽ rút khỏi NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng hoài nghi về vai trò của khối này, cho rằng NATO đã "chết não".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết ông "tức giận và cay đắng" về thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia, nói rằng đây không phải là điều mà các đồng minh nên làm với nhau. Ông Le Drian cũng "trút giận" lên Mỹ, cho rằng "quyết định quá đáng và đơn phương này rất giống những gì cựu Tổng thống Donald Trump từng làm".

Ngoại trưởng Le Drian cũng đưa ra một tuyên bố chung với Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Florence Parly, nói rằng, "việc Mỹ lựa chọn loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác với Australia, vào thời điểm mà chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã cho thấy sự thiếu gắn kết mà Pháp chỉ biết lấy làm tiếc".

Ông Le Drian cho rằng quyết định của Australia khi rút khỏi thỏa thuận với Pháp "trái với tinh thần hợp tác vốn có giữa Pháp và Australia", trong khi Australia khẳng định có một số phần trong hợp đồng cho phép họ rút khỏi thỏa thuận.

Quyết định của Mỹ về việc loại bỏ Pháp, một trong những đồng minh mạnh nhất của Washington, được đưa ra khi các cường quốc toàn cầu đang cạnh tranh quyền lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó chủ yếu nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.

Thông báo về thỏa thuận AUKUS cũng được đưa ra một ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược được mong đợi từ lâu của khối đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung của hai bộ trưởng cho biết Pháp là "quốc gia châu Âu duy nhất hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với gần 2 triệu công dân và hơn 7.000 quân nhân", đồng thời khẳng định Pháp là một "đối tác đáng tin cậy và sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình".

Thỏa thuận tàu ngầm cũng được công bố sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, dẫn đến sự chỉ trích từ các đồng minh NATO.

Mỹ, Australia xoa dịu Pháp

Mỹ và Australia cho biết chính phủ Pháp không bị "qua mặt" khi Australia rút khỏi hợp đồng ban đầu, khẳng định các quan chức cấp cao của Pháp đã biết trước về quyết định của chính phủ Australia.

Vì sao Pháp giận dữ khi Mỹ và đồng minh lập thỏa thuận lịch sử? - 2

Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại cuộc họp thông báo thỏa thuận AUKUS cùng Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh (Ảnh: AFP).

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết khi ông gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào cuối tháng 6, ông từng nói rõ ràng về vấn đề này.

"Khi chúng tôi ăn tối ở Paris, tôi đã nói rất rõ ràng những lo ngại đáng kể của chúng tôi về năng lực của các tàu ngầm thông thường trong việc đối phó với môi trường chiến lược mới mà chúng tôi đang phải đối mặt. Tôi đã nói rất rõ rằng đây là vấn đề mà Australia cần phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi", ông Morrison cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/9 rằng, quyết định chọn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ thay cho tàu ngầm diesel thông thường của Pháp "dựa trên những gì có lợi nhất cho an ninh quốc gia của Australia".

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tìm cách giảm bớt rạn nứt giữa Washington và Paris, nhấn mạnh tầm quan trọng của Pháp như "một đối tác quan trọng" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có sự chia rẽ khu vực nào ngăn cách lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của chúng tôi", ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ hoan nghênh "các nước châu Âu đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đặc biệt là Pháp.

"Pháp là một đối tác quan trọng về vấn đề này và rất nhiều vấn đề khác kéo dài từ nhiều thế hệ trước, và chúng tôi muốn tìm mọi cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới", ông Blinken nhấn mạnh.

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.