Trung Quốc lo ngại về thỏa thuận của “Gazprom” với Việt Nam
Tuesday, April 24, 2012 10:04 AM GMT+7
VNSEA.NET: Theo dõi “gấu Nga” hành động tại Biển Đông bất ổn, Bắc Kinh chỉ có thể suy đoán. Thật vậy, 2 lô đang được khai thác nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam và đây là thỏa thuận thương mại có lợi cho Gazprom. Song, Gazprom là một công ty nhà nước và nhiều người cho rằng đây là một trong những công cụ địa chính trị của Nga.

Trung Quốc không ngờ rằng trong số các đối thủ của họ lại có Nga. Bối cảnh các sự kiện ở đây rất tế nhị. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc đã đạt đến mức cao. Bắc Kinh phấn khởi về việc ông Putin vào đầu tháng 5 sẽ trở lại điện Kremli trên cương vị Tổng thống sau một nhiệm kì là Thủ tướng. Bắc Kinh cho rằng ông Putin là điều tốt nhất ở nước Nga hậu Xô viết. Có thể, đó là điều hoàn toàn ngây thơ hoặc láu cá tuyệt vời, nhưng dù sao Trung Quốc cũng muốn “kết bạn” với ông Putin hơn – với tính chất là người trực tính, thù ghét phương Tây. Bắc Kinh đã nhìn thấy âm mưu của phương Tây nhằm bôi xấu Putin khi ông còn đang cố gắng quay trở lại điện Kremli.

Như vậy, tuyên bố được đưa ra ngày 06/4 của Gazprom về việc đã ký thỏa thuận mua gói cổ phiếu hạn chế và sẽ tham gia 2 dự án khí đốt tại các mỏ ngoài biển cách không xa Việt Nam, mang trong mình một “thủ pháp Shakespeare” nào đó. Gazprom sẽ hoạt động tại 2 lô đã được cấp phép ở vùng thềm lục địa Việt Nam thuộc biển Đông. Công ty đã mua 49% cổ phiếu tại các lô xa bờ, nơi có trữ lượng khoảng 1,9 nghìn tỉ feet khối khí thiên nhiên (54 tỉ mét khối) và hơn 25 triệu tấn khí ngưng.

Rõ ràng Bắc Kinh đã bị bất ngờ. Phát ngôn viên BNG Trung Quốc Lưu Vi Dân phản ứng rất thận trọng: “Trung Quốc đã hy vọng là công ty của các nước ngoài khu vực biển Hoa Nam (Biển Đông) sẽ tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực của các bên trực tiếp mong muốn giải quyết các cuộc tranh chấp bằng đàm phán đôi bên”.

Theo dõi “gấu Nga” hành động tại vùng biển Đông bất ổn, Bắc Kinh chỉ có thể suy đoán. Thật vậy, 2 lô đang được khai thác nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam và đây là thỏa thuận thương mại có lợi cho Gazprom. Song, Gazprom là một công ty nhà nước và nhiều người cho rằng đây là một trong những công cụ địa chính trị của Nga.

Trong các bài bình luận của Trung Quốc có đưa ra tín hiệu rằng Bắc Kinh nghi ngờ về những ý định của Moscow. Về điều này tờ Global Times viết như sau: “Việt Nam và Philippines đang tìm cách giành sự giúp đỡ của các nước nằm ngoài khu vực này, biến đàm phán song phương thành đối đầu đa phương. Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng trước việc bất cứ siêu cường nào khác thâm nhập vào khu vực biển Hoa Nam. Nga không nên đưa ra những tín hiệu sai lầm và mập mờ liên quan đến biển Hoa Nam. Điều này không chỉ gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp, mà còn làm tăng thêm nghi ngờ về ý đồ thực sự của Nga phía sau thỏa thuận khí đốt”.

Hơn thế nữa, thỏa thuận khí đốt của Gazprom không phải là trường hợp duy nhất. Nga đang cố gắng khôi phục các quan hệ của mình từ thời Liên Xô (trong đó đã có sự khó chịu nói chung của Trung Quốc). Điều này thể hiện đặc biệt rõ nét từ năm 2009, khi ông Putin tuyên bố với người đồng cấp Việt Nam của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng quan hệ đôi bên đã mang “ý nghĩa chiến lược”.

Moscow đã quyết định cho vay 8 tỉ $ để xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam. Nga là nước quan trọng nhất đối với Việt Nam trong việc cung cấp kỹ thuật quân sự hiện đại. Trong số các hệ thống vũ trang đang được cung cấp có tên lửa có cánh chống hạm tốc độ cận siêu âm Kh-35 thuộc tổ hợp tên lửa “Uran” (SS-N-25 Switchblade theo phân hạng của NATO), máy bay trực thăng hải quân Ka-27, máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK, tầu ngầm lớp “Kilo” (dự án 877), tầu tuần tiễu “Gepard” (dự án 1161), tầu tên lửa “Molnia” (dự án 12418) được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm “Moskit” (SS-N-22 Sunburn), tầu tuần tiễu “Svetlyak” có trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay, và nhiều vũ khí khác. Tất cả những điều này giúp Việt Nam công khai không nghe theo Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdiukov cam kết rằng Moscow sẽ giúp Việt Nam xây dựng căn cứ tầu ngầm cho các tầu lớp “Kilo” của mình, giành cho nước này tín dụng để mua của Nga các tầu cứu hộ cứu nạn, máy bay trực thăng cho Hải quân Việt Nam, đồng thời sẽ xây dựng nhà máy sửa chữa tầu, mà nó cũng sẽ phục vụ các tầu của Hải quân Nga ghé vào Việt Nam.

Moscow hy vọng sẽ lại được tiếp cận căn cứ quân sự thời Liên Xô tại vịnh Cam Ranh. Trong bài xã luận của tờ báo Trung Quốc “Global Times” tuần qua đã viết: “Toàn bộ sự hợp tác này … vượt ra ngoài khuôn khổ các lợi ích kinh tế và liên quan chủ yếu với những lo ngại trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Đây là quan điểm chủ yếu của Nga khi phát triển quan hệ chiến lược với Việt Nam. Ý nghĩa cùa biển Hoa Nam [đối với Nga] được xác định không chỉ bởi nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, mà còn bởi tầm quan trọng chiến lược của nó, vì tầm nhìn chiến lược cho tương lai của Nga được hướng chính vào đây. Kinh tế của đất nước đang phục hồi, cải cách quân sự đang tiến triển và nước Nga bắt đầu tiến về hướng Đông. Việt Nam rõ ràng là bàn đạp … Về thực chất nước Nga khi đứng đằng sau Việt Nam phần nào khác với Mỹ - nước đang nóng lòng nắm được biển Hoa Nam khi đứng phía sau Philippines”.

Các tác giả của bài xã luận này dự đoán rằng với những bước tiến của mình Nga sẽ bắt đầu hành động gây khó chịu cho những lợi ích quan trọng sống còn của Trung Quốc khi sức mạnh quân sự của họ được khôi phục hoàn toàn. Trong tình hình như vậy Trung Quốc có thể làm gì? Các tác giả bài báo tuyên bố: “Trung Quốc cần phải tăng cường sức mạnh của mình và tạo ra tối đa lợi ích chung với Nga. Sức mạnh quốc gia là tiền để chủ yếu và bào đảm cho mối quan hệ tương hỗ tôn trọng lẫn nhau. Và khi hành động trong khuôn khổ giới hạn những lợi ích chung, Nga sẽ thận trọng trong những quyết định có liên quan đến Trung Quốc”.

Nếu tư duy một cách tỉnh táo thì thấy rằng, Nga đang khó chịu theo dõi những nỗ lực của Trung Quốc. Họ không muốn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho nước này. Họ lo ngại về tình trạng mất cân đối về dân số ở Sibiri và Viễn Đông, v.v… Và có thể nói gì về cảm giác không được bảo vệ của Trung Quốc và mối nguy cơ trước việc Nga tăng cường vị thế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khả năng “bắt tay chân tình” trong tương lai giữa Moscow và Washington?

Trên thực tế các đại diện có ảnh hưởng của cộng đồng chiến lược Mỹ, thí dụ như cựu cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzeziński, khẳng định rằng nước Mỹ cần phải phấn khởi hoan nghênh việc xích gần với phương Tây của nước Nga đang tiến hành dần dần dân chủ hóa, và về phần mình Mỹ cần đóng vai trò “sức mạnh cân bằng và kiến tạo hòa bình khu vực”ở châu Á. Mới đây trên tờ Foreign Affairs ông viết: “Hoàn toàn có thể hình dung được cấu trúc quy mô rộng lớn hơn của phương Tây sau năm 2025. Trong vòng mấy thập kỷ tới Nga sẽ thực hiện những thay đổi dân chủ toàn diện dựa trên các tiêu chí pháp quyền, có thể sánh được với các tiêu chuẩn của EU và NATO… Sau đó Nga sẽ đi vào con đường liên kết với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Nhưng trước đó có thể xuất hiện cộng đồng địa chính trị ngày càng mạnh mẽ các lợi ích tập thể bao gồm Mỹ, châu Âu (kể cả Thổ Nhĩ Kỳ) và Nga”.

Dự đoán về đồng thuận thực sự giữa Mỹ và Nga dưới thời tổng thống Putin là rất gây tranh cãi. Mặc dù vậy Trung Quốc vẫn lo ngại rằng giới thượng lưu chính trị Nga thấm nhuần các ý tưởng của “chủ nghĩa Đại Tây Dương”. Như tuyên bố gần đây trong cuộc trả lời phỏng vấn của Brzeziński, “Hiện nay là năm 2012, chứ không phải giữa thập niên 1970” và giờ đây Nga và Mỹ không còn là kẻ thù nhứ trước kia. Hiện nay quan hệ 2 nước mang tính chất “quan hệ hỗn hợp”. Đó là sự kết hợp của thực dụng, mâu thuẫn không nhân nhượng và thờ ơ. Họ có thể có những bất đồng chính trị về Syria hoặc Iran, nhưng họ cũng có rất nhiều lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh quốc gia, mà trong đó cùng với thời gian có thể xuất hiện cả “Trung Quốc ngày càng mạnh”.

Trong tâm lý người Nga vẫn còn “dư lượng bất bình”, theo cách nói của Brzeziński. Tuy nhiên tổng thống Mỹ Barack Obama dự định sẽ xử lý việc này nếu tái đắc cử. Gần đây tại cuộc gặp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Seoul nhiều người vô tình nghe được tổng thống Mỹ trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Nga Dmitri Medvedev đã đề nghị ông truyền đạt lại với ông Putin rằng ông Obama cần “không gian để xoay xở” cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, sau đó sẽ có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề phòng thủ chống tên lửa (ABM) và các vấn đề khác gây bất đồng trong quan hệ Nga-Mỹ.

Từ đó, Moscow đã giảm mức độ chỉ trích của mình trong cuộc tranh luận với Mỹ về ABM. Mặt khác Trung Quốc lại tăng cường chỉ trích chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ. Vụ trưởng Vụ châu Á BNG Trung Quốc La Chiếu Huy hôm thứ Tư 11/4 tuyên bố với tờ “People's Daily” rằng việc triển khai hệ thống ABM ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có “những hậu quả tiêu cực đối với ổn định chiến lược toàn cầu và khu vực, và sẽ đi ngược lại những nhu cầu an ninh” của các nước khu vực.

Như vậy, thỏa thuận của Gazprom với Việt Nam đối với Bắc Kinh sẽ là việc kiểm tra tính chất thật sự trong những ý định của Nga. Tiêu đề bài xã luận đăng trên báo “Global Times” đã phản ánh đúng thực chất của những gì đang diễn ra – “Putin đang hướng tới quá khứ Xô-viết trong chiến lược của mình ở biển Hoa Nam”. Các tác giả bài báo nói khá gay gắt: “Những ý định và hành động của Nga đáng được chú ý. Trung Quốc cần phải tìm hiểu rõ cho mình những ý đồ chiến lược của Nga ở biển Hoa Nam. Trên thực tế trong những thập kỷ qua Nga không hề giảm sự chú ý đến khu vực này và rõ ràng rất quan tâm đến nó”.

Tác giả: M.K.Bhadrakumar, nhà ngoại giao Ấn Độ, từng công tác tại Liên Xô, Hàn Quốc, Srilanka, Đức, Afganistan, Pakistan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kì.

(Vnsea.net biên dịch từ Asia Times)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.