Trung Quốc: Mượn lệnh cấm để tuyên bố chủ quyền?
Wednesday, May 23, 2012 2:21 PM GMT+7
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc mới ban hành gần đây không chỉ đơn thuần là một động thái nhằm bảo vệ nguồn hải sản mà đằng sau nó ẩn chứa mục đích chính trị. Bằng nước đi này, Bắc Kinh một mặt trì hoãn căng thẳng với Philipines, mặt khác vẫn duy trì những tuyên bố chủ quyền ngày càng cứng rắn của mình.
Đơn phương cấm đánh bắt cá
Mới đây, Cục Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành cái gọi là "lệnh cấm đánh bắt cá ở những khu vực phía Bắc trên Biển Đông” trong vòng hai tháng rưỡi. Lệnh cấm đánh bắt cá lần này được Bắc Kinh thông báo sẽ áp dụng từ ngày 16-5 đến 1-8 năm nay. Đặc biệt, vùng cấm do Bắc Kinh tự vạch ra sẽ bao gồm cả bãi cạn Scarborough Shoal, vốn đang hết sức căng thẳng với phía Philippines.
 
Vô lý hơn, lệnh cấm được Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là sẽ áp dụng với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngư dân nước ngoài, bất chấp sự phản đối từ các nước đang có tranh chấp chủ quyền với họ ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên, trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và số cá đánh bắt được của những ngư dân vi phạm. Ngư dân Trung Quốc vi phạm sẽ bị phạt 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.936 USD) và bị rút giấy phép đánh cá tạm thời.
 
Trước sự việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng khẳng định rằng "việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm”.
 
Về phần mình, ngày 14-5, Philippines – quốc gia có nhiều xung đột căng thẳng với Trung Quốc trong thời gian qua – cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm vô lý này. Ngoại trưởng Philippines - Albert del Rosario - đã nói: "Philippines không công nhận lệnh cấm đánh cá vì đó là sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Kể từ năm 1999, hàng năm Bắc Kinh đều đưa ra lệnh cấm tương tự trong khoảng thời gian mùa hè tại khu vực Biển Đông mà họ tự nhận là thuộc chủ quyền của mình. Kể từ đó, Bắc Kinh đã coi đây là một thứ "công cụ” đầy sức mạnh trong tranh chấp Biển Đông, khi áp đặt các nước khác phải tuân thủ lệnh cấm này bằng cách cử đội tàu tuần tra hùng hậu giám sát lệnh cấm đánh bắt cá. Kết quả là tàu cá của nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam, đã nhiều lần bị tàu của Trung Quốc bắt giữ, phạt vạ và tịch thu tài sản một cách vô lý. Và sự căng thẳng hiện nay tại bãi cạn Scarborough trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines cũng bắt nguồn từ những vụ bắt bớ vô lý này.
 
Cấm đánh bắt cá hay tuyên bố chủ quyền?
Một phát ngôn viên của Cục Quản lý ngư nghiệp Trung Quốc lý giải, lệnh cấm đánh bắt cá mới nhất này được đưa ra nhằm bảo vệ hệ sinh thái và các nguồn lực trên Biển Đông. Tuy nhiên đây là một bước đi chiến thuật của Trung Quốc mà đằng sau nó là mục đích chính trị.
 
Việc Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt lệnh cấm đối với ngư dân nước khác tại vùng biển đang tranh chấp là điều hết sức phi lý. Thay vì đơn phương đưa ra lệnh cấm để bảo tồn nguồn tài sản tự nhiên vô giá, Bắc Kinh hoàn toàn có thể phối hợp với các nước có lợi ích chung trong khu vực Biển Đông để đưa ra một giải pháp hiệu quả hơn nhằm bảo tồn nguồn lợi hải sản.
 
Giới chuyên gia phân tích tin rằng, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông – tập trung vào bãi cạn Scarborough – thực sự là một nước đi có tính toán của Trung Quốc. Lệnh cấm này một mặt sẽ tạo điều kiện cho ngư dân Trung Quốc tăng cường việc khai thác xuống khu vực phía nam gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mặt khác sẽ là cái cớ để Trung Quốc "bắt bẻ” các tàu cá của Philippines khi khai thác tại khu vực mà họ ngang nhiên đưa ra lệnh cấm. Bằng nước đi này, việc bảo tồn nguồn lực thủy sản xem ra chỉ là thứ yếu, trong khi thực tế Bắc Kinh đang đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của mình tại bãi cạn Scarborough và tranh thủ nguồn tài nguyên trù phú gần quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
 
Giáo sư Ramses Amer thuộc Đại học Stockholm, chuyên viên nghiên cứu về các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông, khẳng định: "Lệnh cấm đánh cá do Bắc Kinh ban hành hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu bảo vệ nguồn cá như họ đã nêu, mà đó là một chiến thuật để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
 
"Sức mạnh mềm” của Trung Quốc
Qua những nước đi của Bắc Kinh và cách ứng xử của họ thời gian qua trong tranh chấp tại Biển Đông, có thể thấy rằng Trung Quốc đã có thay đổi trong cách mà họ xử lý các vụ tranh chấp.
 
Sau nhiều năm liên tục cảnh báo các quốc gia láng giềng không xâm phạm vùng biển mà Bắc Kinh tự tuyên bố chủ quyền, với thái độ hung hăng; Trung Quốc giờ đã chuyển sang áp dụng chiến thuật "cây gậy nhỏ” trong đó sử dụng các thuyền tuần tra không trang bị vũ khí hoặc trang bị vũ khí hạng nhẹ, các tàu tuần tra hải quân và các tàu thuyền của ngư dân... hơn là các tàu chiến.
 
Thời gian qua, Bắc Kinh tiếp tục triển khai thêm nhiều tàu tuần tra tới Scarborough Shoal – khu vực đang diễn ra nhiều xung đột căng thẳng với Philippines, đồng thời duy trì sự hiện diện của các tàu cá tại vùng biển tranh chấp này. Vai trò của các tàu ngư nghiệp này là thể hiện "sức mạnh mềm” của họ và tránh cho Bắc Kinh "tiếng xấu” trong chính sách sử dụng tàu chiến để uy hiếp nước khác mà trước đây từng áp dụng.
 
Đằng sau đó, Bắc Kinh cũng không đưa ra bất cứ tín hiệu nào cho thấy mong muốn của họ trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với phía Philippines. Giới phân tích cho rằng các sự việc như vậy sẽ còn tiếp diễn trừ khi Philippines có khả năng đương đầu với "lời thách thức” này, hoặc tự mình, hoặc với sự giúp sức từ các đồng minh.
 
Việc Manila cũng đưa ra một lệnh cấm đánh bắt cá tương tự tại Scarborough, song song với Bắc Kinh, cũng được một số chuyên gia nhận định là động thái nhằm giảm căng thẳng thời gian qua giữa hai nước; mặc dù Bắc Kinh đưa ra không ít tiếng nói và quan điểm cứng rắn về vấn đề chủ quyền.
 
Hành động của Trung Quốc một mặt tạo khoảng thời gian hòa hoãn tình hình căng thẳng, mặt khác tránh rủi ro cho các tàu cá – vốn được họ coi như một thứ "sức mạnh mềm” trong tranh chấp Biển Đông. Đối với Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá có thể trở thành một lý do để nước này tiến hành xua đuổi tàu cá của Philippines, nhưng đây là một biện pháp mềm dẻo, tránh việc trực tiếp cử tàu ngư chính, dùng sức mạnh quân sự đuổi tàu cá của Philippines. Việc này cũng có thể trở thành nấc thang đi xuống giúp tình hình căng thẳng tại đảo Scarborough trở nên lắng dịu.
 
Các biện pháp mà Bắc Kinh đang áp dụng hiện nay thực chất mang lại hiệu quả khi nắm bắt được rằng phía Manila cũng không hề muốn kéo dài tình hình căng thẳng tại Scarborough. Việc sử dụng "sức mạnh mềm” trong tranh chấp Biển Đông cho phép Bắc Kinh ngoài mặt có những hành động mềm mỏng hơn, trong khi đằng sau lại vẫn giữ vững được tuyên bố chủ quyền cứng rắn.
 
Khánh Duy
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.