Nhận diện một “Việt Nam biển”
Sunday, June 03, 2012 9:54 AM GMT+7
Là quốc gia lớn ven bờ Biển Đông với chỉ số biển (khoảng 0,01) cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu, việc đặt biển vào vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước như tinh thần Nghị quyết 09/2006/NQ-TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 là một hướng đi hoàn toàn đúng, một cách nhìn xa, trông rộng. Nó thể hiện tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chính trị và tính nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với việc phát triển và quản lý vùng biển của Tổ quốc Việt Nam.
Chiến lược đề cập đến một vấn đề vừa rộng lớn về quy mô (biển rộng gấp 3 lần đất liền), vừa phức tạp về các mối quan hệ phát triển (kinh tế, quản lý, an ninh quốc phòng, khoa học-công nghệ, tài nguyên-môi trường...), vừa đòi hỏi tính bao quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như những giải pháp mang tính "đột phá”.

Các chiến lược gia cho rằng, biển là di sản của nhân loại, là nơi dự trữ cuối cùng của loài người nói chung và của dân tộc ta nói riêng về lương thực, thực phẩm và nguyên nhiên liệu. Trong bối cảnh thế giới tiến mạnh ra biển ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển (và đại dương) quốc gia đầy tham vọng, đặc biệt đối với các "cường quốc biển” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Canada... thì việc nhận diện một "Việt Nam biển” và vị trí của nó đối với chiến lược phát triển đất nước không phải là qúa sớm. Bởi lẽ biển ẩn chứa nhiều tiềm năng không thể nhìn thấu bằng mắt, biển luôn khắc nghiệt với con người và hoạt động trên biển thường chịu nhiều rủi ro...

Càng phải cân nhắc đến tính bền vững trong phát triển các kế hoạch và chính sách biển mà về nguyên tắc chính là phát triển một nền kinh tế- sinh thái biển. Để đạt được mục tiêu quan trọng - "Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển vào năm 2020”, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu nhất trong khu vực, chúng ta phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại, phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững và có khả năng hội nhập quốc tế, có một phương thức quản lý tổng hợp biển và bảo đảm được an ninh chủ quyền vùng biển. Trong đó, quản lý tổng hợp biển đang còn là vấn đề mới mẻ với các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam.

Quản lý tổng hợp biển đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển đến năm 2020 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước.

Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển. Từ quan niệm như vậy sẽ thấy tiềm năng không gian biển cho phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian: không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ), không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương. Đối với kinh tế biển nói chung, thuỷ sản nói riêng, cả 4 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiềm năng /lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới tiềm năng mảng không gian hệ thống đảo. Với gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ tập trung ở vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Mỗi hòn đảo quý giá như một "thỏi bạc lớn” và cũng là một "cột mốc chủ quyền” trên vùng biển của đất nước. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hoá và lịch sử thuần Việt phản ánh "văn hoá làng chài” và "văn minh biển cả”,… hay còn gọi chung là "văn hóa ứng sử biển cả”, góp phần tạo ra các gía trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.

Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1.000.000 ha đầm phá nông (độ sâu 1-6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản. Hàng năm thế giới đã xếp hạng 10 đảo "đắt nhất”, còn các đảo của nước ta đang được khai thác một cách tự phát, "mạnh ai người ấy làm”, "thấy có cái gì thì khai thác cái đó”, hoàn toàn trực quan, thiếu quy hoạch và thiếu cơ sở khoa học đối với một đối tượng đặc thù.

Do đó, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch/lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo. Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo là cụ thể nhưng cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở giác độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội, thậm chí phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ (không có dân) thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm du lịch lặn)...; đối với các đảo/cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn...thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển "tiếp nối” quan trọng trong bình đồ tổ chức không gian biển.

Rõ ràng, các vấn đề biển của nước ta vừa chứa đựng yếu tố quốc gia, vừa chứa đựng yếu tố quốc tế. Cho nên, chính sách biển nước ta một mặt phải có tác động điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên vùng biển quốc gia, mặt khác phải hỗ trợ khả năng hội nhập quốc tế, trước hết phải phù hợp với tinh thần của Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc 1982. Trong phát triển chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị điều kiện để vươn khơi và từng bước vươn ra đại dương...

Cần nhấn mạnh rằng không thể có nền kinh tế biển hiệu quả và mạnh (tính cạnh tranh cao) nếu bỏ qua yếu tố "dịch vụ quốc tế” nói chung (tập đoàn kinh tế mạnh) và hoạt động dịch vụ của từng ngành/lĩnh vực kinh tế biển nói riêng. Trên thế giới, giá trị dịch vụ ngoài biên giới quốc gia (vùng biển quốc tế, hoạt động viễn dương và khai thác đại dương...) của nền kinh tế biển chiếm phần rất quan trọng, nếu chưa muốn nói là quyết định.

Xu thế phát triển như vậy sẽ góp phần giảm mức độ khai thác sử dụng tài nguyên biển ở dạng "thô, tươi sống” trong vùng biển quốc gia, bảo đảm được an ninh năng lượng và thực phẩm của quốc gia, góp phần phát triển biển bền vững. Chính vì thế, trong bối cảnh nước ta đã chính thức bước vào "sân chơi quốc tế”, rất cần phải thực sự chuẩn bị lại đội hình theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để sớm đủ sức cạnh tranh làm ăn với thương trường thế giới.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm diễn ra từ ngày 1 - 8/6, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6). Năm 2012, chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là "Việt Nam mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Mạng lưới đại dương toàn cầu phát động chủ đề ngày Đại dương thế giới hai năm (2011-2012) là "Tuổi trẻ - Làn sóng tiếp theo cho đổi mới”, mang ý nghĩa bảo vệ đại dương có trách nhiệm thế hệ trẻ.

N.L. (theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Daidoanket)
____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.