Nước Nga với Biển Đông: Can dự theo phiên bản Nga
23 Tháng Mười 2012 3:00 CH GMT+7
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, bị suy kiệt trong những năm Boris Yeltsin cầm quyền, nước Nga rút lui chiến lược khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Nga đã thực hiện chính sách nghiêng hẳn về phương Tây, điều được gọi là “chủ nghĩa Đại Tây Dương” với mục đích chủ yếu là có được viện trợ kinh tế từ phương Tây. Từ năm 1993, Nga thực hiện chính sách “đại bàng hai đầu”. Tại Đông Nam Á, Nga xác định Malaysia và Việt Nam là mũi nhọn đột phá để mở rộng quan hệ với các nước ASEAN. Năm 2005, Nga và ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên. Nga ký kết tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), mở đường cho việc tham dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm 2010.

Hiện nay Nga đang từng bước trở lại khu vực này với một chương trình nghị sự hiện đại hơn. Sự hiện diện của Nga tại khu vực có thể tác động tới môi trường chiến lược của khu vực theo hướng tích cực. Các nước trong khu vực đều hoan nghênh cường quốc Á-Âu này trở lại châu Á-Thái Bình Dương theo “phiên bản Nga”. Diễn đàn APEC 2012 tại Vladivostok mở một cánh cửa dẫn tới Thái Bình Dương.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, dường như Nga đã giữ “khoảng cách” nhất định để không phá vỡ đường định biên lợi ích của các nước lớn tại Đông Nam Á/Biển Đông. Chính vì vậy, đầu thế kỷ 21, Nga chấp nhận rút khỏi Cam Ranh và giữ thái độ trung lập trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước giáp Biển Đông.

Nga ít khi bày tỏ thái độ công khai trong vấn đề Biển Đông. Nhưng Nicholas Kudashefu, Đại sứ Nga tại Philippines, đã lên tiếng với lập trường tương tự như cách tiếp cận của Trung Quốc trong thời kỳ xẩy ra cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi đá ngầm Scarborough và trong bối cảnh Mỹ tăng cường các quan hệ mật thiết với Philippines và đẩy mạnh hiện diện quân sự tại quốc đảo này.

Nicholas Kudashefu, khi trả lời phỏng vấn tờ Công báo Manila ngày 21/5/2012, cho biết Nga phản đối bất kỳ nước nào không có tranh chấp can thiệp vào vấn đề Biển Đông; Moscow nhận thức rằng Nga cũng như Mỹ đều không phải là bên có tranh chấp ở Biển Đông, do đó không nên can thiệp vào vấn đề này, “nếu không, sẽ giống như chúng ta can thiệp vào công việc nội bộ”. Tuy vậy, ông Kudashefu cũng khẳng định Nga không nằm ngoài cuộc. Nga cũng như các nước khác đều quan tâm đến quyền tự do hàng hải tại khu vực.

Mấy năm lại đây, Nga tích cực chủ động phát triển quan hệ với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, mở rộng hợp tác với các nước liên quan. Tháng 11/2010, Việt Nam và Nga ký hiệp định liên quan tới nhà máy điện hạt nhân trị giá 5,6 tỷ USD. Nga còn cung cấp những gói trang bị quân sự hiện đại giá trị không nhỏ cho các nước Đông Nam Á khác. Tháng 11/2011, Nga bán cho Malaysia 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM với tổng giá trị hợp đồng là 900 triệu USD. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận xét rằng, việc Nga cung cấp các loại vũ khí tiến công hiện đại nhất cho các nước xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia… rõ ràng là phục vụ ý đồ chiến lược răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc, ẩn chứa mục đích chiến lược địa duyên lớn và tìm kiếm lợi ích kinh tế.

Đến tháng 7, sau sự kiện Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và khu phòng bị Tam Sa, Nga lần đầu tiên bày tỏ quan điểm chính thức ở cấp cao nhất tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Việt cuối tháng 7 tại Sochi nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam thăm Nga. Trong Tuyên bố chung ngày 27/7, có đoạn ghi rõ: “Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại Biển Đông”.

Việc Nga cam kết tiếp tục các dự án khai thác dầu khí với Việt Nam tại vùng thềm lục địa của Việt Nam là sự khẳng định lập trường của Kremlin về thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập mà Vladimir Putin cam kết hồi tháng 3/2012. Nga, cũng như các nước lớn liên quan khác, không tán thành một nước lớn nào độc chiếm Biển Đông.

Vietsovpetro đã hoạt động 26 năm khai thác dầu mỏ trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam, rất lâu trước khi Trung Quốc Trung Quốc tìm cách lấn chiếm trung và nam Biển Đông. 200 triệu tấn dầu đã được đưa lên từ lòng biển sâu của Việt Nam. Xí nghiệp liên doanh này đã chuyển lên bờ hơn 25 tỷ mét khối khí gas. Ngân quĩ của Việt Nam nhận được khoản đóng góp từ Vietsovpetro ở mức hơn 33 tỷ USD.

Tầm quan trọng của Biển Đông phụ thuộc không chỉ vào sự dồi dào nguồn tài nguyên mà còn bởi tầm quan trọng chiến lược của vùng biển này nơi mà Nga có tầm nhìn xa chiến lược. Trợ lý Tổng thống Nga Sergei Prikhodko đã từng nói Nga không nhất thiết phải tìm kiếm khôi phục căn cứ quân sự tại Cảng Cam Ranh nhưng sẽ là lô-gic khi sử dụng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại khu vực này.

Mặt khác, để xúc tiến hiện đại hóa nước Nga, ông Putin từng kêu gọi “mượn gió của Trung Quốc để nâng cánh buồm kinh tế của chúng ta”. Từ đó có thể thấy tư duy chiến lược của Kremlin dưới thời chính quyền Putin-II và xem xét mức độ cũng như khả năng can dự của nước Nga vào các vấn đề liên quan Đông Nam Á/Biển Đông. Tuy nhiên, tình hình có thể khác đi một khi Trung Quốc vượt qua “lằn ranh đỏ” để độc chiếm Biển Đông, áp đặt luật chơi của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Sự quay trở lại của Nga tại Đông Nam Á theo cách thức và tốc độ nào phụ thuộc rất lớn vào kết quả của công cuộc cải cách mở cửa kinh tế, chiến lược hướng Đông cũng như năng lực kinh tế của Nga. Thượng tầng lãnh đạo Nga vẫn cần khắc phục sự quá thiên về châu Âu để thực hiện một sự chuyển hướng hiệu quả sang châu Á.

Đồng thời từ cả hai phía phải tạo ra lực hấp dẫn lẫn nhau thì mới thúc đẩy tiến trình hợp tác và can dự của nước Nga, cũng như của tất cả các nước lớn liên quan khác; hoan nghênh và khuyến khích mọi đóng góp của Nga cho giải pháp Biển Đông./.

TS Nguyễn Ngọc Trường

  

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.