TRUNG QUỐC DỌA NẠT CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG TRÊN BIỂN
Saturday, December 01, 2012 4:16 PM GMT+7
Ngày 20/10/212, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng bài xã luận sặc mùi đe dọa các nước láng giềng có liên quan với Trung Quốc trên biển với nhan đề “Hải quân Trung Quốc đã ra tay, Nhật Bản, Việt Nam và Philippin hãy thích ứng đi”. Bài xã luận một mặt biện hộ cho việc Hạm đội Đông hải và lực lượng ngư chính, hải giám Trung Quốc tiến hành diễn tập liên hợp ở biển Hoa Đông, mặt khác đưa ra những lời răn đe, hăm dọa các nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippin.

Bài xã luận có đoạn viết “Trung Quốc luôn giữ kiềm chế đối với các cọ sát xung quanh…. Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sợ Nhật Bản, Việt Nam, hay Philippin”. Với lời lẽ đó trong bài xã luận thì bất cứ một người bình thường nào cũng không thể chấp nhận được. Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, Trung Quốc đã liên tiếp thực hiện một loạt các hành động gây căng thẳng với các nước liên quan như: 2 lần cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2011; gây ra tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough tháng 4 năm 2012; Trung Quốc ngang nhiên công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” tháng 6/2012 và ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này; bất chấp  luật pháp quốc tế, Trung Quốc cho công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam cuối tháng 6/2012; đưa nhiều tàu khu trục, tàu hải giám, tàu ngư chính vào hoạt động ở Biển Đông uy hiếp hoạt động kinh tế trên biển của các nước ven Biển Đông; bắt giữ uy hiếp các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường trên Biển Đông v.v…. Còn ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang gây sức ép mạnh mẽ đối với Nhật xung quanh vấn đề Senkaku, điều nhiều tàu chiến, tàu khu trục, tàu ngư chính có thông tin còn nói Trung Quốc điều cả tàu ngầm đến gần khu vực đảo Senkaku. Trung Quốc đưa cả máy bay không người lái vào để thực hiện cái gọi là “kiểm soát” vùng biển của “Tam Sa” ở Biển Đông và “giám sát” các hoạt động ở khu vực quần đảo Senkaku ở biển Đông Hải, đồng thời liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn, bắn đạn thật với sự tham gia của nhiều lực lượng ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, tiêu biểu là cuộc tập trận liên hợp ngày 19/10/2012 được đề cập trong bài xã luận. Với những hành động đó thử hỏi có thể coi là Trung Quốc “kiềm chế” được không, hay là Trung Quốc đang leo thang lấn át các nước láng giềng xung quanh?

Xã luận còn đổ tội cho các nước Nhật Bản, Việt Nam, Philippin “khiêu khích” Trung Quốc, rằng “Nhật Bản, Việt Nam, Philippin tỏ ra hiếu chiến”. Với bài xã luận này, rõ ràmg Trung Quốc mới là nước đang thi hành một chính sách hiếu chiến, dọa nạt các láng nước giềng. Họ luôn luôn cao giọng rằng “sẽ dạy cho các nước Nhật Bản, Việt Nam, Philippin  một bài học”. Trên thực địa, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để răn đe như: cho tàu lao vào cắt cáp của các tàu khảo sát đang tiến hành các hoạt động bình thường; dùng súng uy hiếp, bắn vào các tàu cá dân sự của ngư dân Việt Nam; Ngư dân Trung Quốc dùng vũ khí hành hung đối với người thi hành công vụ của Hàn Quốc ngay trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Hàn Quốc. Những hành động đó đã thể hiện rõ mưu đồ hăm dọa các nước láng giềng nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trên thực tế thì các nước láng giềng đang là nạn nhân của chính sách cường quyền nhằm thực hiện tham vọng khống chế toàn bộ các vùng biển gần, từng bước vươn ra các vùng biển xa để đưa Trung Quốc thành cường quốc quân sự trên biển. Không ai có thể tin rằng các nước nhỏ có chung đường biên giới trên biển với Trung Quốc lại khiêu khích Trung Quốc. Các nước này đều muốn gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển kinh tế nên không dại gì lại khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn với tiềm lực kinh tế thứ 2 thế giới.

Bài xã luận còn kêu gọi “Trung Quốc phải trút giận một lần, giết một người để dọa trăm người” để hù dọa các nước ven Biển Đông và Nhật Bản. Những giọng điệu này hoàn toàn trái với cái gọi là “chính sách thân thiện láng giềng, chính sách phát triển hòa bình” của Trung Quốc vẫn rêu rao gần đây.

Cùng những bài viết với lời lẽ đe dọa trên báo chí, nhiều quan chức Trung Quốc cũng có những phát biểu với lời lẽ bóng gió rằng “Trung Quốc sẵn sàng dùng biện pháp quân sự trong tranh chấp trên biển với các nước láng giềng”. Ngày 23/10/2012, khi tiếp phái đoàn do nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage dẫn đầu, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng: Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp với Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện trước đó từng tuyên bố rằng: Trung Quốc cần vạch giới tuyến, phát cảnh báo và thậm chí "đánh du kích trên biển, chiến tranh nhân dân trên biển” khiến người Nhật Bản phải chạy khỏi khu vực tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cùng với những phát biểu của quan chức Trung Quốc và những bài viết mang tính đe dọa trên báo chí và các trang mạng của Trung Quốc, Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng quốc phòng với mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm là 2 con số để hiện đại hóa quân đội, trong đó tập trung nhiều cho lực lượng hải quân. Theo ước tính của nhiều chuyên gia quốc tế, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 20 tỉ USD năm 2002 lên ít nhất 120 tỉ USD năm 2011 và dự kiến tổng chi cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2035. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, thì con số chi phí quốc phòng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều, năm 2011 ước tính là 142,2 tỷ USD, trong khi con số do Trung Quốc công bố chỉ là 89,9 tỷ USD  cho năm 2011. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng lên nhanh chóng đang khiến các quốc gia Châu Á láng giềng và các nhà hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc cảm thấy bất an về những mưu tính lâu dài của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã phô trương sức mạnh quân sự của mình bằng việc đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên trong biên chế của hải quân Trung Quốc và trang bị thêm tên lửa liên lục địa tầm trung có thể bao trùm toàn châu Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tiến hành cải tổ lớn trong ban lãnh đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Tất cả những động thái này phải chăng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển?

Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, Trung Quốc đang triển khai tổng thể các biện pháp (như dùng sức mạnh quân sự, sử dụng giới truyền thông và tăng cường các hoạt động lấn át, gây hấn trên thực địa…) để hù doạ, gây sức ép với các nước láng giềng trên biển nhằm buộc các quốc gia này phải “khuất phục” và đi theo quỹ đạo mà Trung Quốc mong muốn. Cách làm này của Trung Quốc đã làm tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng, ảnh hưởng đến môi trường hoà bình ổn định trong khu vực.

Những hành động và giọng điệu sặc mùi chiến tranh của Trung Quốc đang làm sói mòn hình ảnh của Trung Quốc, một Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tạo ra mối quan ngại không chỉ đối với các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc mà cho cả cộng đồng quốc tế về một “nguy cơ Trung Quốc”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Nghị sỹ Ileana Ros-Lehtinen của Đảng Cộng hòa từng chỉ trích Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Biển Đông và gọi Trung Quốc là "kẻ chuyên bắt nạt”.

Trước những lời nói hiếu chiến và hành động bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc, các chính trị gia và các nhà nghiên cứu, học giả của nhiều nước đã tỏ thái độ bất bình, phê phán. Mỹ và Ấn Độ là những nước lớn ngoài khu vực đã phải lên tiếng kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; phản đối sự đe dọa, ép buộc, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp tại hai vùng biển này ./.

 

                                                                                           Thu Vân

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.