Vấn đề Biển Đông tại kỳ họp thứ nhất Khoá 12 Nhân Đại (Quốc hội) Trung Quốc
Sunday, March 24, 2013 1:09 PM GMT+7
(VNSea) Với mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển” được đề ra tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược biển nhằm vào Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông đang trở thành điểm nóng tại Kỳ họp lần thứ nhất Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc khoá 12. Lãnh đạo và nhiều quan chức Trung Quốc đã có những phát biểu với lời lẽ cứng rắn thể hiện chính sách “hiếu chiến” của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Trong báo cáo trình bày tại kỳ họp, khi nói về phương hướng công tác năm 2013, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh nhiệm vụ “tăng cường quản lý tổng hợp biển, phát triển kinh tế biển, nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, bảo vệ lợi ích biển quốc gia”.
Tại cuộc họp báo ngày 09/3/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi “hợp pháp” của Trung Quốc là kiên định.

 

Những phát biểu trên đây cho thấy rõ trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ triển khai quyết liệt các hoạt động trên biển để đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”. Phát biểu nói trên của Lãnh đạo Trung Quốc đã khuyến khích cho những phát biểu cứng rắn hơn của các quan chức Trung Quốc tại kỳ họp lần này. Uỷ viên Chính hiệp, Thiếu tướng Doãn Trác kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và lực lượng tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông để duy trì sự hiện diện lâu dài và tăng cường sự tồn tại hợp pháp ở Biển Đông; Trung Quốc cần có trách nhiệm nhất định trong việc thực hiện chấp pháp, bao gồm cả lực lượng hải quân trong phạm vi “đường lưỡi bò”; Tư lệnh Quân khu Quảng Đông Lưu Liên Hoa trong phát biểu ngày 09/3/2013 đã kiến nghị tăng cường xây dựng lực lượng dân quân trên biển.

Uỷ viên Chính hiệp, Viện sĩ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Tiêu Niệm Chí trong phát biểu ngày 06/3/2013 kiến nghị trên cơ sở “Luật bảo vệ hải đảo” cần xây dựng luật chuyên ngành về bảo vệ các đảo có điểm cơ sở lãnh hải, bảo vệ các đảo san hô, cơ chế về quản lý hải đảo theo khu vực, cơ chế quản lý tổng hợp hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên hải đảo. Uỷ viên Chính hiệp, Bí thư Đảng uỷ Viện Nghiên cứu kỹ thuật tên lửa vận tải Trung Quốc Lương Tiểu Hồng trong ngày 10/3/2013 đề nghị thông qua hình thức xây dựng Bia tưởng niệm, Nhà tưởng niệm để ca ngợi sự đóng góp của những chiến sỹ trong các cuộc chiến “phản kích tự vệ” của Trung Quốc, bao gồm cuộc “hải chiến Tây Sa (Hoàng Sa)”.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam La Bảo Minh cho rằng Trung Quốc đã ban hành nhiều bộ luật về biển như: Luật sử dụng quản lý vùng biển”, “Luật bảo vệ hải đảo”, “Luật bảo vệ môi trường biển”, “Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ “Luật biển”, công tác về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi và an ninh biển tương đối lạc hậu. La Bảo Minh kêu gọi Nhân đại toàn quốc đưa “Luật biển” vào kế hoạch lập pháp, thực hiện thực sự chiến lược “cường quốc biển” và khai thác nguồn tài nguyên theo pháp luật. Nhiều đại biểu Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc của các tỉnh ven biển cũng kêu gọi sớm đưa ra “Luật biển”.

Đại biểu Nhân đại, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương Ngô Thắng Lợi kiến nghị đẩy mạnh mức độ quản lý khai thác các đảo, bãi đá, vùng biển; tăng cường việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo, bãi đá; tích cực phát triển kinh tế biển, làm trụ cột cho việc thực hiện “cường quốc biển”; quốc gia nhanh chóng đưa ra và thực thi chiến lược phát triển biển, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng “Luật biển”; tăng cường tính toán lập kế hoạch chiến lược láng giềng, nắm chắc quyền chủ động trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.

Đại biểu Nhân đại Phù Chi Quán cho biết, trong quá trình hình thành quần thể ngành nghề biển lớn, tỉnh Hải Nam cần đẩy mạnh xây dựng căn cứ khai thác và phục vụ nguồn tài nguyên “Nam Hải” (Biển Đông).

Những ý kiến trên đây của các quan chức Trung Quốc thể hiện thái độ ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Một điểm mới trong kỳ họp Nhân đại Trung Quốc năm nay là xuất hiện thêm vấn đề “Tam Sa” và trở thành một chủ đề được bàn thảo nhiều. Đi đầu trong việc làm nóng vấn đề này là ông La Bảo Minh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam. Khi thảo luận tại tổ trong kỳ họp Nhân đại lần này, La Bảo Minh phát biểu rất mạnh mẽ về “Tam Sa”. Ông ta nhấn mạnh, năm 2012 Trung ương đã quyết định thành lập thành phố “Tam Sa”, tạo ra cơ hội lớn cho Hải Nam phát triển kinh tế xã hội; đồng thời cho biết đầu năm 2013, khi xem xét báo cáo điều tra nghiên cứu thành phố “Tam Sa”, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ đạo:“Việc thiết lập thành phố Tam Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền Nam Hải, khai thác tài nguyên Nam Hải. Tỉnh Hải Nam cần chú trọng việc xây dựng các dự án tiếp theo của Tam Sa, cần nghiêm túc xây dựng dựa trên các quy định liên qua của quốc gia, cần đẩy mạnh mức độ trợ giúp, đảm bảo thực hiện ý đồ chiến lược của việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa”. Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có phát biểu cứng rắn về “Tam Sa” và Biển Đông, thể hiện rõ âm mưu của Trung Quốc trong việc khống chế Biển Đông.

Bí thư Hải Nam La Bảo Minh còn kêu gọi “chúng ta phải lấy tinh thần một ngày cũng không bỏ lỡ để cổ vũ rầm rộ cho việc tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố “Tam Sa”, du lịch “Tam Sa” đã hội tụ mọi điều kiện, chỉ còn chờ thời cơ tốt để mở cửa”

Ngày 06/3/2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đánh giá: “thành phố “Tam Sa” đã có đóng góp lớn trong bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia, mang lại vinh quang cho Tổ quốc; việc thành lập “Tam Sa” là bước đi quan trọng sau khi tính toán tổng thể hai đại cục lớn trong nước và quốc tế của Trung ương; việc xây dựng và phát triển “Tam Sa” sẽ đem lại cơ hội lớn đối với khai thác mở cửa của tỉnh Hải Nam”. Ông ta khẳng định sẽ trợ giúp việc xây dựng và pháp triển thành phố “Tam Sa” về mặt ngoại giao.

Ngày 09/3/2013, Uỷ viên Chính hiệp, Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hải Nam Vu Tấn đề xuất thiết lập cơ quan nghiên cứu khoa học biển cấp quốc gia ở “Nam Hải” (Biển Đông”, đẩy mạnh lực lượng khoa học kỹ thuật quản lý khai thác sử dụng biển, đẩy mạnh trợ giúp thành phố “Tam Sa”, phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của “Tam Sa” đối với việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên “Nam Hải” bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Qua các phát biểu trên đây có thể thấy rõ việc thành lập thành phố “Tam Sa” là nhằm thực hiện ý đồ chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tháng 6/2012, Trung Quốc công bố quyết định thành lập thành phố “Tam Sa”, gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa, với diện tích vùng biển rộng 2 triệu km2, chiếm 80% diện tích Biển Đông, đây cũng chính là yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ đó đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động nhằm củng cố cơ quan lập pháp, hành pháp, cơ quan chỉ huy quân sự ở “Tam Sa”. Những hành động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và của các nước khác ven Biển Đông. Những phát biểu nói trên của các quan chức Trung Quốc cho thấy rõ dã tâm của Trung Quốc trong việc biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của họ. Điều này không chỉ là mối đe doạ cho các nước ven Biển Đông mà còn gây lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế về tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Để thực hiện mục tiêu của mình ở Biển Đông, tiến tới xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển”, tại kỳ họp Nhân đại lần này, Trung Quốc còn xem xét việc cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan làm về biển của Trung Quốc. Ngày 10/3/2013, Trung Quốc công bố phương án cải cách cơ cấu và điều chỉnh chức năng Quốc vụ viện (Chính phủ), trong đó có việc dự kiến thành lập Uỷ ban Hải dương quốc gia, phụ trách công việc điều phối cấp cao về biển do Cục Hải dương quốc gia phụ trách.

Theo phương án này, Cục Hải dương quốc gia sau khi tái cơ cấu chức năng và nhiệm vụ sẽ thành lập lực lượng cảnh sát biển, triển khai chấp pháp trên biển, chịu sự chỉ đạo của Bộ Công an. Theo đó, sau khi sáp nhập các lực lượng chấp pháp hiện nay gồm Ngư chính (thuộc Bộ Nông nghiệp), Hải giám (thuộc Cục Hải dương), Bộ phận chống buôn lậu (thuộc Hải quan) và Cảnh sát biển (thuộc Bộ Công an) thì Cục cảnh sát biển Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng rất mạnh, quyền hạn lớn. Theo báo chí của Nhật Bản đưa tin, lực lượng này sẽ có 38 tàu tuần tra cỡ lớn và dự kiến đến năm 2015 sẽ đóng mới thêm 36 tàu cỡ lớn, trong đó có 7 tàu trên 1.500 tấn.

Đáng chú ý là trong thời gian kỳ họp lần thứ nhất Nhân đại Trung Quốc khoá 12, Trung Quốc còn ráo riết triển khai các hoạt trên thực địa ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông với quy mô lớn, thời gian kéo dài liên tục, số lượng tàu chấp pháp tham gia ngày càng đông, phạm vi ngày càng rộng. Như vậy, có thể thấy rõ Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động trên toàn phương diện để khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông, làm bàn đạp vươn ra biển xa nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển” và lâu dài hơn là thực hiện “giấc mơ chấn hưng Trung Hoa” mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đề cập trong phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp lần này ngày 17/3/2013.

Anh Đức

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.