Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Già néo đứt dây
09 Tháng Hai 2014 7:29 SA GMT+7
Trung Quốc đang trên đường trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và để giải cơn khát năng lượng ngày càng trầm trọng, Bắc Kinh đang vươn “vòi bạch tuộc” tới bất kỳ nơi nào có năng lượng trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sóng gió, bất ổn tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Evan Medeiros, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết (30/01), Mỹ đã đề nghị Trung Quốc không thiết lập thêm ADIZ ở châu Á bởi động thái này sẽ khiến quân đội Mỹ thay đổi tình thế của Washington trong khu vực. Ngày 01/02, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, ADIZ trên Biển Đông là không cần thiết và cảnh báo Nhật Bản đang “lan truyền tin đồn” về kế hoạch thành lập ADIZ mới.

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc

Ngày 25/01, tờ Defense News cho biết, giới chuyên gia cảnh giác hơn sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đang xây dựng tàu sân bay thứ 2. Theo đó con tàu này đang được xây dựng ở nhà máy đóng tàu Đại Liên và sẽ mất khoảng 6 năm để hoàn thành. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Bắc Kinh với vỏ tàu hoàn toàn do Trung Quốc tự chế và hải quân nước này muốn có 4 tàu sân bay vào năm 2020.

Tuy nhiên, không thể xác định được là trong tương lai Trung Quốc sẽ đóng bao nhiêu tàu sân bay bởi có thông tin cho rằng, Bắc Kinh đang nỗ lực phát hành “cổ phiếu hàng không mẫu hạm” lấy ngân sách để đóng 6 tàu sân bay. Bắc Kinh khẳng định, vũ khí của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ, được thiết kế để giữ cho nước ngoài “tránh xa” Trung Quốc. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, tàu sân bay thứ 2 sẽ tương tự như tàu sân bay Liêu Ninh, khoảng 53.000 tấn.

Theo chuyên gia Hải quân Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Quốc gia MỹBernard “Bud” Cole, phiên bản tàu sân bay tương lai của Bắc Kinh có thể sẽ được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình J-31. Truyền thông Nhật Bản cho rằng, Bắc Kinh tuy phát triển tàu sân bay, nhưng cũng không thể đối chọi được với liên minh Mỹ - Nhật.

Tờ Học giả Ngoại giao (Nhật Bản) cho rằng, tàu sân bay nội địa Trung Quốc chỉ nhằm giải quyết vấn đề tâm lý, chứ không phải cấp độ ứng dụng thực tế. Ngày 19/01, tờ Sankei Shimbun cho rằng, Trung Quốc sở hữu tàu sân bay có thể chiếm ưu thế về tâm lý đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida

Ngày 26/01, lễ bàn giao tàu quét lôi kiểu mới mang tên Thanh Châu được tổ chức tại quân cảng Đại Liên, Trung Quốc. Thanh Châu do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất là một trong những tàu quét lôi thế hệ mới nhất của nước này. Trước đó (21/01), tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Trung Quốc đang đóng tàu hải giám tải trọng10.000 tấn (lớn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại). Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đã ký hợp đồng đóng 2 loại tàu hải giám mới, trong đó một chiếc có tải trọng 10.000 tấn.

Ngày 24/01, Tân Hoa xã cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu làm người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia.Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang là Phó chủ tịch ủy ban này. Theo Tạp chí Aviation Week & Space Technology, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 50.000 tên lửa đạn đạo, trong đó 1.000 quả nhắm vào Nhật Bản và Bắc Kinh đang quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc xung đột lãnh thổ với Tokyo tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.

Theo Hãng tin AFP, việc Trung Quốc công khai hình ảnh về tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-31 với tầm bắn 8.000km là để dằn mặt Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Ngày 24/01, Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa cho biết, khi tuần tra trong ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đã phát hiện một số phi cơ quân sự nước ngoài bay “lạc” vào khu vực này. Cũng trong ngày 24/01, Trung Quốc đã phái phi đội tuần tra, giám sát ADIZ gây tranh cãi trên biển Hoa Đông, đồng thời đưa ra cảnh báo đối với máy bay quân sự nước ngoài tại khu vực này. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông không ảnh hưởng đến giao thông hàng không thương mại và việc tuần tra của nước này hoàn toàn là biện pháp tự vệ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

ASEAN trong bàn cờ chung

Ngày 29/01, Hãng tin Reuters cho biết, Tư lệnh Hải quân Malaysia đã bác bỏ thông tin của giới truyền thông cho rằng: 3 tàu Trung Quốc đã tuần tra khu vực sát bờ biển Malaysia. Cũng trong ngày 29/01, tờ New Straits Times dẫn lời Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar cho biết, cuộc tập trận của “tàu sân bay, tàu ngầm” Trung Quốc đã diễn ra cách vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia 1.000 hải lý, đồng thời khẳng định Malaysia và Mỹ đã được Trung Quốc báo trước về các cuộc tập trận.

New Straits Times còn dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Malaysia, tướng Tan Sri Mohd Zulkifeli Zin khẳng định: Quân đội Malaysia không nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc Trung Quốc kéo 3 tàu chiến ra bãi cạn James/Tăng Mẫu thượng cờ, tuyên bố chủ quyền. Trước đó (26/01), Tân Hoa xã đưa tin tàu Trung Quốc đã thực hiện chuyến tuần tra ở bãi cạn James/Tăng Mẫu trên Biển Đông. Đây là khu vực chỉ cách bờ biển của Malaysia khoảng 80km trong khi cách Trung Quốc 1.800km.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, dư luận liền coi đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang quyết liệt theo đuổi tranh giành chủ quyền ở Biển Đông với các nước láng giềng. Bởi gần 1 năm trước (tháng 03/2013), Bắc Kinh từng tập trận hải quân ở bãi cạn James/Tăng Mẫu nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Malaysia từng kêu gọi Mỹ giúp đối phó với những nỗ lực ngày một hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong việc giành giật bãi cạn James/Tăng Mẫu, một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và phong phú sản vật biển.

Ngày 26/01, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành cái gọi là tuần tra thường xuyên trên biển cũng như trên không tại tất cả các đảo mà Trung Quốc đang có tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là động thái leo thang mới hết sức nguy hiểm, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ngày 20/01, Hãng Thông tấn Burma nhận định, xử lý sự khác biệt giữa ASEAN với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những thách thức chính đối với Myanmar trong vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN. Giáo sư Robert Taylor đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore coi đây là vấn đề lớn và sẽ đánh giá khả năng của Myanmar trong việc đưa ra một dự thảo nghị quyết mà các bên đều đồng ý.

Ngày 22/01, GMA News đưa tin, Philippines lại nhắc nhở Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế sau khi Bắc Kinh kéo tàu tuần tra 5.000 tấn ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và chuẩn bị tuần tra (bất hợp pháp) trên Biển Đông. Bởi vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (EEZ ở Biển Đông) không thể mở rộng hơn 200 hải lý. Để tuần tra, Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đã sử dụng tàu chiến, tàu đệm khí, máy bay trực thăng trang bị cho tàu chiến.

Phó đô đốc Hải quân Philippines Jose Luis Alano cho biết, Manila đã đưa ra chiến thuật “chiến lược đảo tích cực” nhằm bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết đoán hơn. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, quân đội sẵn sàng hộ tống và bảo vệ ngư dân Philippines sau khi Trung Quốc đưa ra quy định đánh bắt cá trên Biển Đông.

Vẫn khó tìm tiếng nói chung về vấn đề lịch sử

Ngày 28/01, tờ Cambodia Daily đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia đã chỉ trích Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia bảo vệ chuyến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe. Trước đó (23/01), Tân Hoa xã đưa tin, Đại sứ Trung Quốc và Nhật Bản tại Anh lại đăng đàn tranh cãi gay gắt trên BBC khiến dư luận cho rằng, tình hình ở Đông Á hiện rất giống với châu Âu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và điều này chứng tỏ Bắc Kinh đang muốn thay đổi trật tự sau chiến tranh - muốn ngụy biện, dùng xảo thuật ngôn từ nhằm lấy “văn hóa Đông Á” thay thế luật pháp quốc tế (UNCLOS) để lấp liếm cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình.


Tàu hải giám Trung Quốc gần khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Cũng trong ngày 28/01, Tokyo cho biết, Bộ Giáo dục Nhật Bản sắp phát hành cuốn sách giáo khoa (sử dụng từ tháng 4/2016) khẳng định các đảo mà Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền là thuộc về Nhật Bản, khiến Bắc Kinh và Seoul cùng phản đối. Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và với Hàn Quốc tại quần đảo Dokdo/Takeshima.

Trước đó (24/01), Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên án việc Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima và coi đây là “hành động khiêu khích nhằm vào chủ quyền lãnh thổ của Hàn Quốc”. Cũng trong ngày 24/01, chính quyền bang Virginia, Mỹ thông qua luật đưa vào sách giáo khoa cái tên Đông Hải bên cạnh tên biển Nhật Bản mà người Hàn Quốc dùng để gọi vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên do ảnh hưởng của cộng đồng người Mỹ gốc Hàn tại đây. Tokyo vẫn giữ tên gọi biển Nhật Bản cho dù Seoul thúc đẩy các nước sử dụng tên gọi Đông Hải.

Ngày 24/01, Hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Hãng Thông tấn Itar-Tass cho biết, Tỉnh trưởng tỉnh Sakhalin Alexander Khoroshavin của Nga cho biết, Moskva sẽ đầu tư khoảng 8 tỉ rub (232 triệu USD) trong năm 2014 vào quần đảo Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc tranh chấp với Nhật Bản. Và chính quyền địa phương đã chuẩn bị một kế hoạch đến năm 2025 sẽ đầu tư khoảng 63 tỉ rub vào quần đảo tranh chấp này. Ngày 31/01, quan chức Nhật Bản và Nga đã gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về các vấn đề liên quan tới quần đảo tranh chấp Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Được biết, Tổng thống Putin đang xem xét kế hoạch thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Ngày 20/01, Đài NHK đưa tin, Thủ tướng Shinzo Abe muốn đạt được tiến bộ trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga. Giới phân tích coi đây là động thái hòa hoãn với Nga để rảnh tay đối phó với Trung Quốc của ông Shinzo Abe. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản và Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán trong bầu không khí tin cậy lẫn nhau về việc ký hiệp ước hòa bình, vốn không có giữa hai nước kể từ sau Đại Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Quan điểm của Mỹ

Thượng nghị sĩ Max Baucu, người được Tổng thống Barack Obama đề cử làm tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho biết, ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời sẽ có cách tiếp cận “thận trọng” với Bắc Kinh. Ông Baucus cũng đồng tình với đánh giá của Thượng nghị sĩ John McCain khi cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng để tái khẳng định vị trí lịch sử từng là thế lực thống trị ở châu Á.

Ngày 26/01, Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản trả lại 331kg plutoni (từ thời Chiến tranh lạnh) được cung cấp để sử dụng như nhiên liệu hạt nhân tại một cơ sở hạt nhân quan trọng ở làng Tokai, tỉnh Ibaraki. Số nhiên liệu plutoni kể trên đủ khả năng để sản xuất 40-50 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ việc này vì cho rằng chúng cần cho việc nghiên cứu các lò phản ứng nhanh.

Ngày 23/01, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, Hải quân Mỹ - Trung cần có một đường dây nóng để liên lạc khi xảy ra khủng hoảng trong khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Nhật - Trung đang leo thang ở biển Hoa Đông. Đô đốc Samuel Locklear cũng cảnh báo, những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột trên biển Hoa Đông, do đó Trung - Nhật nên giải quyết vấn đề Senkaku/Điếu Ngư thông qua con đường ngoại giao. Bởi theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, căng thẳng Trung - Nhật có thể gia tăng nếu hai bên không đối thoại với nhau. Ông Samuel Locklear cũng thừa nhận, Mỹ đang mất dần ưu thế quân sự ở Châu Á - Thái Bình Dương, cho dù Washington coi khu vực này là trọng tâm ưu tiên khi triển khai kế hoạch “xoay trục về châu Á”.

Theo giới truyền thông, từ ngày 28/01, dưới sự tài trợ và dẫn đầu của Bắc Kinh (6 triệu USD, chiếm hơn 70% chi phí), chuyến hải trình đầu tiên trên tàu Joides Resolution (với sự tham gia của 31 chuyên gia đến từ Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan) trong Chương trình khám phá đại dương quốc tế (IODP) tại Biển Đông do các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất từ năm 2008 đã khởi hành và kéo dài trong 62 ngày. Giới chuyên môn cho rằng, Mỹ đang giúp Trung Quốc tìm dầu khí ở Biển Đông và muốn hưởng lợi từ việc này. Bởi chuyến đi này xuất phát theo nghị quyết JOIDES của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ.

Ngày 20/01, tờ Want China Times cho biết, Viện Nghiên cứu và Thiết kế máy bay Thượng Hải (SADRI) sẽ tham gia phát triển máy bay ném bom tầm xa sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong 3 quốc gia đang phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm trung và tầm xa. Dự án tương tự cũng đang được tiến hành ở Mỹ (NGB hoặc LRS-B) và Nga (PAK DA). Trước đó (15/01), Tân Hoa xã đưa tin, Nhật Bản sẽ mua máy bay trinh sát không người lái Integrator do Hãng Boeing sản xuất.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.