Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Điều chỉnh để hù dọa
24 Tháng Hai 2014 6:55 SA GMT+7
Dư luận đang bàn luận xung quanh một số vấn đề lớn có liên quan đến quân đội sẽ được thảo luận tại kỳ họp Chính hiệp và Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 03/03 và ngày 05/03 ở Bắc Kinh. Ngày 17/02, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, kỳ họp Chính hiệp và Quốc hội sẽ khai mạc vào thời gian kể trên và dự kiến ngân sách quốc phòng sẽ tăng. Với ngân sách này, Trung Quốc sẽ tăng cường cho lực lượng lục quân, không quân và tên lửa chiến lược.

Trong năm 2013, Bắc Kinh chi 720 tỉ NDT (khoảng 120 tỉ USD) cho quốc phòng và năm 2014, Trung Quốc sẽ điều chỉnh lớn cho hải quân và phòng không không quân, cũng như tạo đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Đồng thời ban hành một loạt hướng dẫn liên quan đến quản lý hàng không nói chung. Bên cạnh đó, việc Ủy ban An ninh Quốc gia đi vào hoạt động với mục đích khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông, sẽ khiến Trung Quốc có thể phô trương lực lượng.

Nhật - Trung khẩu chiến vì hạt nhân

Ngày 18/02, tờ Asia Weekly cho rằng, Nhật Bản đang bí mật triển khai một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra xung đột tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, Tokyo có khả năng sản xuất ít nhất 2.000 đầu đạn hạt nhân vì Mỹ từng gửi Nhật Bản 300 kg plutonium, chưa kể tới tiềm năng của nước này. Theo Asia Weekly, 3 tập đoàn lớn nhất Nhật Bản là Mitsubishi, Hitachi và Toshiba, có khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân và khoảng 200 công ty khác sở hữu nhiên liệu hạt nhân hoặc biết cách xử lý plutonium, nguyên liệu chính để tạo bom nguyên tử. Asia Weekly cho rằng, Tokyo đang sở hữu tổng cộng 40,7 tấn plutonium.

Thiếu tướng Yoshiaki Yano từng nói với Tạp chí Japan Military Review rằng, Tokyo nên điều chỉnh lại chính sách hạt nhân bất chấp điều này có thể gây phương hại đến quan hệ với Washington. Trước đó (17/02), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã bày tỏ lo ngại trước thông tin cho rằng, Nhật Bản đã từ chối trả lại Mỹ hơn 300kg plutonium cấp độ vũ khí (đủ để chế tạo 50 quả bom hạt nhân) mà Washington chuyển cho Tokyo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đồng thời coi đây là hành động cố gắng để tái vũ trang.

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc trong cuộc tập trận "Sứ mệnh hành động 2013"

Theo nguồn tin từ Học viện Hải quân Mỹ (USNI.org), trong cuộc tập trận Sứ mệnh hành động 2013, quân đội Trung Quốc đã tập với tình huống giả định chiến tranh với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một số quan chức Hải quân Mỹ cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông leo thang nhanh sau khi lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên quấy rối tàu bè của các nước láng giềng, nhưng Trung Quốc lại biện minh cho các động thái khiêu khích trên biển là “bảo vệ quyền lợi hàng hải”. Ngày 19/02, Đài Truyền hình ABS-CBN (Philippines) dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại lục Lâm Tổ Gia cho biết, Trung Quốc không có kế hoạch thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Cũng trong ngày 19/2, Trung Quốc đã phản đối nỗ lực của 70 nghị sĩ Nhật Bản nhằm ban hành một đạo luật về quan hệ với Đài Loan.

Ngày 17/2, 3 tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu quan ngại về tham vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Trước đó (16/02), lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu tuần duyên Trung Quốc đã di chuyển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Từ đầu năm 2014 đến nay, đây là lần thứ tư tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Gần 1 tháng trước (27/01), 3 tàu Trung Quốc (1 đổ bộ và 2 khu trục) từng đi vào vùng biển nằm cách những đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 22km. Việc này diễn ra đúng thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe đang có mặt tại New Delhi, Ấn Độ để ký kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, bao gồm việc gia tăng tần suất tập trận chung trên biển giữa quân đội hai nước. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chỉ từ tháng 4 đến tháng 12/2013, Tokyo đã phải điều số lần máy bay chiến đấu khẩn cấp đạt kỷ lục để ngăn máy bay chiến đấu Nga - Trung. So với năm 2012, chỉ số này tăng 37%.

Trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Seiichi Eto đã bày tỏ thất vọng trước những chỉ trích của Mỹ về chuyến viếng đền Yasukuni của ông Shinzo Abe. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/02, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã phủ nhận khi coi phát biểu của ông Seiichi Eto là quan điểm của Tokyo, mà đây chỉ là “quan điểm cá nhân”. Trước đó (15/02), ông Yoshihide Suga cũng phủ nhận cáo buộc Nhật Bản đang trở thành quốc gia quân phiệt. Gần 1 tháng trước (26/01), Tân Hoa xã từng cho rằng, chuyến thăm đền Yasunkuni hôm 26/12/2013 của Thủ tướng Shinzo Abe là bằng chứng cho thấy, sự tôn vinh chủ nghĩa quân phiệt và niềm tin về sự xâm lược của Nhật Bản trong Thế chiến II là “tự vệ” và phán quyết của Tòa án Quân sự Quốc tế Viễn Đông là “bất hợp pháp”.Đồng thời coi lời kêu gọi đối thoại với lãnh đạo Trung - Hàn của ông Shinzo Abe là không thể tin được.Tân Hoa xã còn cho rằng, liên minh với Mỹ không đem lại an ninh cho Nhật Bản.

Mỹ - Trung cảnh giác lẫn nhau

Ngày 17/02, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, số lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới của Hải quân Trung Quốc luôn là một điều bí ẩn. Bởi theo nhận định của tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân (có thể lắp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Cự Lang-2 với tầm bắn trên 8.000km) lớn nhất châu Á ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Tình báo Hải quân Mỹ còn cho rằng, những khu vực xung quanh căn cứ hải quân bí mật ở Tam Á có công trình bí mật đồng bộ dự trữ tên lửa của Trung Quốc. Tờ Jane’s Defense Weekly từng cho biết, vệ tinh Mỹ xác nhận, 10 năm trước Bắc Kinh đã xây dựng xong căn cứ quân sự bí mật của hải quân ở Tam Á, Hải Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp phía Indonesia Natalegawa

Dư luận cho rằng, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, sau khi đầu tư mạnh tay cho hải quân và điều này đã làm gia tăng căng thẳng tại một trong những điểm có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự lớn nhất ở châu Á. Và việc này càng khiến Washington thêm lo ngại về sự trỗi dậy cũng như tham vọng của Bắc Kinh. Giới phân tích nhận định, chiếc lược “xoay trục tới châu Á của Mỹ đang bị mất cân bằng. Do đó, Washington mới phải điều Ngoại trưởng Jonh Kerry tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (từ 13 đến 18/02). Sau đó, Tổng thống Barrack Obama sẽ tới 4 nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines) vào hạ tuần tháng 4 để thúc đẩy và nhấn mạnh chiến lược “xoay trục tới châu Á”.

Nhiều người cho rằng, Mỹ có rất ít ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí Mỹ - Trung còn khắc sâu bất đồng về tranh chấp biển đảo ở Châu Á - Thái Bình Dương sau chuyến công du vừa qua của Ngoại trưởng John Kerry. Ngày 19/02, Inquirer đưa tin, cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố yêu sách tới 85% diện tích Biển Đông đang vấp phải sự phản đối của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert. Ông Jonathan Greenert đưa ra phát biểu về “đường lưỡi bò” nhân chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Manila, Philippines. Ngày 19/02, ông Zachary Keck, biên tập viên Tạp chí The Diplomat cho rằng, cái gọi là nguyên tắc của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra không những ảnh hưởng tới sự ổn định ở Biển Đông và châu Á, mà còn đe dọa trật tự toàn cầu khiến Mỹ phải phản đối.

Tuần san The Week của Mỹ vừa có bài “Trung Quốc chưa thay thế Mỹ - vĩnh viễn cũng sẽ không” của tác giả Zach Beecham. Theo bài viết, rất nhiều người cho rằng, Trung Quốc vươn lên vị trí lãnh đạo thế giới chỉ là vấn đề thời gian, nhưng tác giả Zach Beecham lại không đồng tình với quan điểm này. Bởi Trung Quốc đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề cả trong và ngoài khu vực, từ quân sự, kinh tế, địa - chính trị… tới khoảng cách GDP bình quân đầu người giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng nếu coi nhẹ tham vọng cũng như sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là sai lầm không thể tha thứ.

Hãng Kyodo News cho biết, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường thông tin liên lạc giữa Lực lượng Phòng vệ mặt đất (lục quân) của mình với quân đội Mỹ khi sử dụng một loại thiết bị đầu cuối kiểu điện thoại thông minh. Bởi cho tới nay Tokyo và Washington không có thiết bị đầu cuối truyền thông chung, trong các cuộc tập trận chung, quân đội Nhật Bản phải mượn thiết bị liên lạc của quân đội Mỹ. Dự kiến, Tokyo sẽ tạo ra một phần mềm thử nghiệm từ tháng 4 và sẽ chạy ứng dụng này trong năm 2018. Động thái này là một trong những nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa quân đội Nhật Bản và Mỹ trong thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy thảo luận về quyền tự vệ tập thể của Tokyo.

Những nhận định khác nhau

Ngày 18/02, ông Rafael Alunan III, cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines tuyên bố trên website Philstar.com rằng, Manila nên chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc có thể tung ra “hành động trừng phạt” như cắt đứt quan hệ kinh tế, phá hoại cơ sở hạ tầng vì Philippines theo đuổi vụ kiện liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Manila có thể còn phải đối mặt với khả năng Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xâm nhập vào khu vực lãnh hải tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông, bao gồm các bãi cạn và bãi đá ngầm hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines.

Ngày 18/02, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin của tờ Hindustan Times cho biết, 3 trong 6 đại quân khu lục quân Ấn Độ đã thành lập “tổ nghiên cứu Trung Quốc” với nhiệm vụ trực tiếp theo dõi mọi động tĩnh của Bắc Kinh, tìm hiểu ý đồ chiến lược và dự báo ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Ấn Độ. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, tướng Bikram Singh là người đã ra quyết định thành lập các tổ nghiên cứu Trung Quốc kể trên, đồng thời khẳng định động thái này không nhằm mục đích can thiệp vào chính sách ngoại giao dân sự của Ấn Độ, chỉ đóng vai trò cố vấn cho quân đội. Được biết, cuối năm 2013, Ấn Độ đã mua 15 máy bay không người lái Heron từ Israel với tổng trị giá 300 triệu USD để ứng phó với sự hung hăng, đe dọa của Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung - Ấn.

Hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí tổ chức diễn tập hải quân ba bên với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản tham gia diễn tập chung với Hải quân Mỹ và Ấn Độ sau khi Tokyo quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 17/02, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Nga triển khai máy bay chiến đấu Su-35S tiên tiến nhất ở khu vực biên giới không xa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang tiếp tục đàm phán với Moskva về việc mua máy bay chiến đấu Su-35. Theo kiến nghị của Giáo sư Kei Koga, chuyên gia về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore), thách thức ngoại giao của Nhật Bản trong năm 2014 là phải kiên nhẫn theo đuổi cam kết mang tính xây dựng tại khu vực Đông Á để nâng cao quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời bảo đảm với Mỹ và ASEAN về việc sẽ không gia tăng đối kháng với các nước láng giềng.

Phát biểu nhân chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc các nước trong khu vực đẩy nhanh việc cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), bởi trì hoãn chỉ khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng - tiến trình này càng kéo dài bao nhiêu, căng thẳng trong khu vực sẽ sôi sục lâu bấy nhiêu và có thể gây ra một cuộc xung đột lớn. Ông John Kerry cũng cảnh báo, sự ổn định trong tương lai của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc cho ra đời COC, để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Marty Natalegawa thông báo về việc Indonesia muốn có một sự thay đổi quan niệm về xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á - Thái Bình Dương để các xung đột tiềm năng sẽ không gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia thông qua một thỏa thuận hợp tác và thân thiện cho toàn khu vực này.

Ngày 19/02, Bộ Hàng hải và Thủy sản Hàn Quốc cho biết, sẽ đưa hải cẩu và bảo vệ chúng tại quần đảo Dokdo/Takeshima. Việc này diễn ra đúng thời điểm tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry cho rằng: quần đảo Dokdo hiện do Seoul kiểm soát, nhưng Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi Takeshima.

Trước đó (18/02), Vụ trưởng Vụ Châu Á - Châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đã hội đàm với Cục trưởng Cục Đông Bắc Á thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang-deok. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao 2 nước kể từ sau chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngày 16/02, Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ dinh Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Seoul tiếp tục khẳng định, Hàn Quốc không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với Nhật Bản về tổ chức hội nghị cấp cao giữa hai nước.

Trước đó (21/01), Hàn Quốc và Trung Quốc đã tổ chức đối thoại quốc phòng cấp nhóm công tác lần thứ 13 tại Seoul và nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa 2 bộ Quốc phòng để xử lý các vấn đề quân sự khẩn cấp.

 

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Theo Petrotimes

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.